Người giàu, giới trẻ và trí thức vẫn tìm mọi cách thoát khỏi Trung Quốc

TVN

0 1,167

Xu thế kiểm soát ngày càng chặt chẽ hơn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thúc đẩy nhiều người lựa chọn rời khỏi đất nước. Vấn đề nghiêm trọng của hiện tượng “bỏ phiếu bằng chân” này không chỉ xuất hiện ở nhóm người giàu, đáng kể nữa là nhiều người trẻ có học hành bài bản chính quy vì họ là niềm hy vọng cho tương lai đất nước.

Năm 2023 lượng người Trung Quốc ra nước ngoài tăng lên, điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đã được dỡ bỏ khiến việc ra nước ngoài trở nên dễ dàng hơn.

Nhưng tờ WSJ hôm 5/7 nhận định, trên thực tế xu hướng gia tăng người Trung Quốc di dân đã xuất hiện từ rất lâu trước khi dịch bệnh bùng phát, thực trạng này xuất hiện đồng thời với một số xu hướng kinh tế quan trọng kể từ năm 2017, bao gồm cả vấn đề thanh niên thất nghiệp gia tăng, nhà cầm quyền tái kiểm soát lĩnh vực tài chính và sự suy giảm cơ cấu rõ rệt trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Trong bối cảnh tỷ lệ sinh của Trung Quốc đang giảm, việc người giàu và nhiều người trẻ học vấn cao di cư tất nhiên là xu thế bất lợi đối với Bắc Kinh. Điều đó nghĩa là, nếu muốn tránh tăng trưởng kinh tế không ngừng chậm lại thì ĐCSTQ phải làm nhiều hơn nữa để thuyết phục các tài năng trong và ngoài nước rằng Trung Quốc là một nơi tuyệt vời để phát triển.

Theo Liên Hợp Quốc, trong phần lớn thời gian đầu thế kỷ 21, mỗi năm có khoảng nửa triệu công dân Trung Quốc di cư ra sống nước ngoài, nhưng con số đó đã giảm mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008. Nhưng đến khoảng năm 2010 xu hướng đó bắt đầu đảo ngược, đến năm 2018 di cư ròng của Trung Quốc đã tăng trở lại gần 300.000 mỗi năm.

Di cư ròng mỗi năm là tổng số người di cư ra nước ngoài trừ đi số người nhập cư vào trong nước mỗi năm (tính cả thường trú và tạm trú).

Trong đợt bùng phát COVID-19, lượng di cư ròng ra nước ngoài của Trung Quốc lại giảm xuống, điều này có liên quan đến các hạn chế xuất cảnh của ĐCSTQ. Theo dự tính mới nhất của Liên Hiệp Quốc, số lượng người di dân ròng của Trung Quốc năm 2021 khoảng 200.000 và năm 2022 lại vượt quá 300.000.

Người học thức cao cũng tìm đường di cư

Theo WSJ, đáng chú ý là dữ liệu của Liên Hiệp Quốc thực sự ăn khớp một cách đáng ngạc nhiên với dữ liệu từ các công ty tư nhân tập trung vào một nhóm người cụ thể hơn: Người có tài sản lớn.

Dữ liệu của công ty New World Wealth có trụ sở tại Nam Phi và công ty tư vấn đầu tư di dân Henley & Partners có trụ sở tại London (Anh) cũng cho thấy điều tương tự. Trong phần lớn thời gian đầu của thập niên đầu thế kỷ 21, số người di cư ròng là người giàu có (tài sản trên 1 triệu USD) ở Trung Quốc ổn định ở mức khoảng 9.000 mỗi năm, nhưng đến giai đoạn sau của thập niên này thì con số đó bắt đầu tăng cao hơn, đến năm 2017 số người giàu có di cư ròng mỗi năm vượt quá 11.000 và đến năm 2019 vượt quá 15.000.

Hai công ty này chưa công bố số liệu cho năm 2020 và 2021, nhưng chắc chắn lượng di dân ròng trong hai năm này sẽ giảm vì các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Sau dữ liệu 10.800 người giàu Trung Quốc di cư ròng năm 2022, giới chuyên gia tư vấn có ước tính con số này năm 2023 là vào khoảng 13.500.

Giới trẻ có học hành bài bản cũng chọn ra nước ngoài

Tất nhiên, bản thân việc di cư ra nước ngoài sống không hẳn là chuyện không hay, nhưng vấn đề là làn sóng di dân mới nhất này diễn ra vào thời điểm Trung Quốc có vấn đề về tăng trưởng kinh tế đi cùng xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan gia tăng. Ngoài ra, nó cũng xảy ra trong lúc hệ thống đại học ở Trung Quốc tạo ngày càng nhiều lao động có trình độ học vấn cho thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, nhưng họ hiện phải đối mặt vấn đề thất nghiệp do suy thoái nền kinh tế.

Theo tổ chức cung cấp dữ liệu CEIC (Trung Quốc), kể từ năm 2017 việc làm trong lĩnh vực dịch vụ chỉ tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 0,4%, nếu không tính năm 2022, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành dịch vụ Trung Quốc chỉ là 1,4%.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc được ĐCSTQ công bố vào tháng 6 đã tới mức cao kỷ lục trong tháng thứ hai liên tiếp, theo đó tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm người từ 16 – 24 tuổi tăng lên 20,8% từ mức 20,4% vào tháng 4.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học phát hiện hoạt động tìm việc làm mỗi năm ngày càng khó hơn, do đó đã lên kế hoạch tham gia các khóa học ở nước ngoài với hy vọng kinh nghiệm quốc tế sẽ cải thiện cơ hội trở về quê hương hoặc tìm việc làm ở nước ngoài.

Người nước ngoài càng không muốn tới Trung Quốc

Mặt khác, sự gia tăng tỷ lệ di cư ròng cũng phản ánh sự sụt giảm mạnh về số lượng người nước ngoài di dân vào Trung Quốc. Theo thống kê chính thức của ĐCSTQ, số lượng cư dân nước ngoài ở Thượng Hải và Bắc Kinh năm 2020 chỉ là 163.954 và 62.812, giảm lần lượt 21% và 42% so với năm 2010.

Dù dịch bệnh COVID-19 là yếu tố chính buộc các tài năng nước ngoài ra đi. Nhưng sự suy giảm nhân tài nước ngoài này dường như vẫn tiếp tục tăng do gia tăng căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và phương Tây, do vấn đề tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc, và do rủi ro gia tăng có thể bị giam giữ và bị điều tra tại Trung Quốc.

Thứ Sáu tuần trước (30/6), Bộ Ngoại giao Mỹ đã cập nhật các khuyến nghị du lịch cho Trung Quốc Đại Lục, Hồng Kông và Ma Cao, theo đó cả 3 khu vực này vẫn ở cấp độ rủi ro 3 (Level 3: Reconsider Travel) để khuyến cáo công dân Mỹ xem xét lại việc đi lại tại những khu vực này. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung nhanh chóng hạ nhiệt thì đánh giá rủi do cho công dân Mỹ du lịch đến Trung Quốc vẫn không giảm.

Hướng dẫn du lịch của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ĐCSTQ có toàn quyền coi các tài liệu, dữ liệu, số liệu thống kê hoặc tài liệu khác là bí mật nhà nước, qua đó có thể giam giữ và truy tố các công dân nước ngoài bị tình nghi hoạt động gián điệp. Bắc Kinh ngày càng xem xét kỹ lưỡng các công ty của Mỹ và nước thứ ba đang hoạt động tại Trung Quốc (đặc biệt như các công ty dịch vụ chuyên nghiệp và thẩm định). Các nhân viên an ninh Trung Quốc có thể giam giữ hoặc truy tố công dân Mỹ vì đã tiến hành nghiên cứu hoặc lấy tài liệu công khai ở Trung Quốc.

Hướng dẫn của Mỹ cũng cho biết rằng người Trung Quốc gốc Mỹ và người Mỹ gốc Trung Quốc có thể bị nhà chức trách ĐCSTQ giám sát và quấy rối quá mức có thể; nếu công dân Mỹ chọn dùng hộ chiếu Mỹ khi du lịch Trung Quốc mà bị câu lưu hoặc bắt giữ thì phía Trung Quốc có thể không thông báo cho Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán Mỹ, cũng có thể không cho cho phép lãnh sự đến thăm hỏi.

Ở Trung Quốc ngày nay, việc ĐCSTQ ngày càng tập trung vào an ninh quốc gia và kiểm soát công dân hơn là tăng trưởng kinh tế đã buộc người Trung Quốc cũng như người nước ngoài phải “bỏ phiếu bằng chân”.

Theo Lâm Yên, Epoch Times

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.