Thông điệp của “Bhagavad Gita”: “Cả sự sống và cái chết đều phù du”

Huỳnh Duy Lộc

0 236

“Bhagavad Gita” (Chí tôn ca), gồm 18 chương ngắn (từ chương 23 tới chương 40) của tập 6 của sử thi “Mahabharata” (sử thi kể lại cuộc chiến được gọi là “cuộc chiến Kurukshetra” giữa hai gia tộc Kaurava và Pandava) trình bày dưới hình thức một cuộc đối thoại giữa hoàng tử Arjuna và thần Krishna trong vai người đánh xe ngựa của chàng, đã được coi là kinh văn căn bản của Ấn Độ giáo về triết lý hành động và sự giải thoát.

Heinrich Zimmer đã giới thiệu “Bhagavad Gita” trong tác phẩm “Philosophies of India”: “Lời dạy của “Bhagavad Gita” là một lời dạy được coi là có tính chất bí truyền, nhưng nó lại được coi như phát ngôn có thẩm quyền hơn hết được phổ biến rất rộng rãi. Bản văn của Bhagavad Gita là một hồi gồm 18 chương ngắn của sử thi “Mahabharata” kể chuyện lúc đạo quân của hai gia tộc có quan hệ họ hàng với nhau đang chuẩn bị giao chiến.

Các chiến binh của hai đạo quân thù nghịch đang dàn trận và chờ nghe tiếng kèn xung trận thì Arjuna, thủ lĩnh của gia tộc Pandava, yêu cầu người đánh xe ngựa cho chàng ra trận tiền để chứng kiến trận chiến tương tàn sắp xảy ra, nhìn tận mắt những chiến binh thuộc gia tộc của mình và những chiến binh của những người bà con của mình thuộc gia tộc Kaurava. Khi nhìn thấy ở cả hai phía nào là những người bạn và những người thầy, những người con và những người ông, những người cháu, những người cậu và những anh em, một nỗi xót thương vô hạn chợt dâng lên trong lòng chàng. Chàng thấy hoang mang và không biết mình có còn đủ can đảm để tham gia trận chiến hay không. Đúng vào lúc ấy, người đánh xe ngựa của chàng – vốn là hiện thân của thần Krishna, tức thần Vishnu, đấng sáng tạo, bảo tồn và hủy diệt – đã lên tiếng và những lời nói trước lúc cuộc chiến hào hùng nhất trong sử thi Ấn Độ diễn ra đã được gọi là “Bhagavad Gita” (Bài ca của Đấng Chí tôn hay Chí tôn ca). Sự mặc khải chân lý giống như lời chia sẻ của một người bạn dành cho một người bạn, là một giáo thuyết có tính chất cao quý chỉ dành riêng cho một số ít người: thần Krishna đã lên tiếng dạy bảo Arjuna về dharma (hành động đúng) vào lúc chàng tuyệt vọng cùng cực, không còn biết phải làm gì. Thần Krishna không chỉ muốn đóng vai trò người chỉ bảo Arjuna, mà còn muốn tận dụng thời khắc quyết định này để rao truyền giáo thuyết cứu rỗi nhân loại gọi là “karma-yoga” (triết lý về hành động bất vụ lợi) đòi hỏi con người phải từ bỏ bản ngã và thể hiện lòng sùng tín (bhakti) đối với Đấng Chí tôn được coi là đồng nhất về bản chất với cái ngã của mọi sinh vật:

“Và Arjuna trỗi dậy, nhìn thấy thảy đều đứng ở đó, trong hai đội quân đối địch, nào cha, nào chú, nào sư phụ, cha vợ, anh em, con cái, cháu chắt và bạn hữu của mình. Khi nhìn thấy tất cả những quyến thuộc của mình đang ở trong hàng ngũ như vậy, một nỗi thương xót sâu xa xấm chiếm tâm hồn chàng; chàng thốt lên những lời buồn bã: “Ôi Krishna, khi tôi nhìn những người này, thân quyến của tôi tụ hội nơi đây, háo hức giao chiến, chân tôi khụyu xuống, thân tôi run rẩy và tóc tôi dựng đứng. Cung thần Gandiva tuột khỏi tay tôi, cả người tôi nóng rực, tôi không thể đứng vững và tâm trí tôi ở trong cơn bấn loạn…” (Philosophies of India, tr. 381-383)

“The Illustrated Mahabharata” cho biết: “Vào ngày cuộc chiến Kurukshetra bắt đầu, Arjuna nhìn các đối thủ của mình đang dàn hàng phía bên kia chiến tuyến và nhận ra tất cả đều là những người trong gia tộc hoặc những người bạn của chàng. Nhận thức được rằng sát hại những người thân gần gũi nhất của mình để làm chủ một vương quốc là chống lại hành động đúng (dharma), chàng hạ cung xuống và muốn rời bỏ cuộc chiến. Khi Krishna – người bạn, người cố vấn và người đánh xe ngựa – thấy lòng Arjuna tràn đầy nghi hoặc và muốn từ bỏ cuộc chiến đấu, ông nhắc chàng chiến sĩ nhớ lại những bổn phận của mình, nói với chàng rằng chàng sẽ không tạo nghiệp xấu khi tham gia cuộc chiến. Trong cuộc đối thoại này, Krishna bày tỏ cho mọi người thấy ông chính là Thượng đế.

Người ta nói rằng Gita chứa đựng điều cốt yếu trong minh triết của kinh Veda. Các sử gia cho rằng văn bản Gita dưới hình thức hiện thời đã hình thành vào năm 300 trước Công nguyên và chương đầu được coi là đoạn bổ sung về sau này vào trường ca “Mahabharata”. Ở tâm điểm của Gita là những vấn đề như: Làm thế nào để có một cuộc sống tâm linh phong phú mà không từ bỏ những bổn phận của mình? Có lẽ đây là lý do khiến Gita có sức hấp dẫn muôn thuở và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ngoài lời thuyết giảng đã trở nên phổ biến với tên gọi “Bhagavad Gita”, còn có nhiều cuộc tranh luận về những ý niệm tương tự, chẳng hạn như Anu Gita, trong đó thần Krishna tóm tắt cho Arjuna những lời dạy của “Bhagavad Gita”, và Kama Gita, trong đó thần Krishna nói với Yudhishthira về việc nhận thức được dục vọng là động lực ở phía sau mọi hành động. Gita có cả thảy 18 chương, mỗi chương có một từ “yoga” có nghĩa là “hiệp thông” hay “con đường”; trong văn cảnh này, nó có nghĩa là Tâm linh tối thượng…” (The Illustrated Mahabharata, tr. 238)

Thông điệp của thần Krishna được thể hiện qua “phát ngôn tối hậu” ở chương 10 của “Bhagavad Gita”:

“10. Nhìn thấy chàng trĩu nặng sầu thương, hai mắt đẫm lệ, phó mặc cho nỗi tuyệt vọng như vậy, đấng hủy diệt Madhu bèn nói những lời này:
11. Ngươi xót thương cho những kẻ chẳng đáng cho ngươi thương xót, vậy mà ngươi nói đến khôn ngoan, thông thái! Nhưng người thông thái chẳng than vãn cho những kẻ đã chết cũng như những kẻ hãy còn chưa như vậy.
12. Chưa từng có thời nào mà cả ta, cả ngươi, hay những vua chúa của các dân tộc kia lại không tồn tại và sau này nữa, sẽ chẳng có một tương lai nào mà tất cả chúng ta lại thôi không hiện diện.
13. Vì rằng ở trong cái thân thể có được này, linh hồn trải nghiệm thủa ấu thơ, thời trẻ và tuổi già, và nó cũng y như thế khi ở trong một thân thể khác. Bậc hiền giả không nghi ngờ gì điều ấy.
14. Tiếp xúc của giác quan, hỡi con trai của Kunti, sinh ra cảm giác về nóng và lạnh, khoái lạc và đau đớn, đến và đi. Hãy học cách chịu đựng chúng, hỡi Bharata, chúng chẳng bền lâu.
15. Người nào không bị tác động bởi chúng, hỡi Mãnh hổ giữa bầy người (Arjuna), người như nhất trong cả đau đớn lẫn lạc thú, người đó chính là bậc hiền giả sẵn sàng đạt tới bất tử.
16. Hư vô chẳng thể đạt được hiện hữu, còn thực thể thì không bao giờ ngừng tồn tại. những người thấu thị được chân lý luôn coi đó như cốt lõi của sự vật.
17. Hãy hiểu rằng cái mà nhờ nó thế giới này được sinh ra thì không thể hủy hoại được. Chẳng có gì trên đời có thể khiến cho cái thường hằng bị hủy diệt.
18. Những thân thể này có ngày chung cục, còn linh hồn trú ngụ trong đó thì vĩnh cửu, bất diệt, phi thường. Đó là những gì người ta biết được. Vì thế, hãy giao chiến đi, hỡi Bharata.
19. Kẻ nào cho linh hồn có thể giết chóc hoặc kẻ nào cho rằng linh hồn có thể bị giết hại, những kẻ đó chẳng biết được sự thật. Linh hồn không giết mà cũng chẳng bị giết.
20. Nó chưa bao giờ sinh ra, cũng chẳng bao giờ chết đi. Nó không phải đã từng có rồi, cũng chẳng phải sẽ lại có nữa. Nó không sinh, thường hằng, vĩnh cửu và nguyên sơ. Nó không mất cho dù thân thể có bị giết chết.
21. Làm thế nào, hỡi Pacta, mà một con người đã nhận biết rằng linh hồn bất diệt, vĩnh cửu, vô sinh, bất biến, lại có thể giết một ai đó hay khiến ai đó giết chóc.
22. Giống như cách một người cởi bỏ quần áo cũ không thể mặc được nữa để thay y phục mới khác, linh hồn cũng rời bỏ những thân xác già cũ để hợp nhất với những thân thể mới khác.
23. Vũ khí sắc không cắt được nó, lửa không thiêu được nó, nước không làm ướt được nó và gió cũng không thổi khô được nó.
24. Nó không thể nào bị cắt, bị thiêu, bị ướt, bị khô. Nó nguyên sơ, thường có, vững bền, bất động và vĩnh cửu.
25. Người ta nói không thể cảm giác được nó, không thể suy tưởng được nó, cũng chẳng biến đổi được nó. Vì thế, khi biết nó như vậy, ngươi chẳng thể nào mà động lòng sầu não.
26. Kể cả nếu ngươi tin rằng nó không ngừng sinh ra và lại không ngừng chết đi, cả khi như vậy, ngươi chẳng thể nào mà động lòng sầu não.
27. Bởi vì đối với kẻ nào sinh ra thì cái chết tất nhiên phải có, và đối với kẻ nào chết đi thì sự sinh tất nhiên phải có. Việc không tránh khỏi, ngươi cần gì phải sầu não.
28. Ôi Bharata, vạn vật sinh ra chẳng hiển hiện cho giác quan ta vào lúc ban đầu, chỉ hiện ra giữa kỳ sinh trưởng, rồi lại biến khỏi giác quan ta vào hồi chung cục. Vậy hãy còn gì để than vãn?
29. Nhiều người thấy bản ngã (Atman) như một sự kỳ diệu. Nhiều người khác nữa lại nghe về nó như một sự kỳ diệu. Nhưng thậm chí sau tất cả những chuyện đó, chẳng một ai biết gì về nó.
30. Ôi Bharata, cái trú ngụ và làm chủ trong mỗi thân thể (Atman) thì vĩnh cửu và bất diệt. Vì thế, thật chẳng chính đáng nếu ngươi than vãn cho bất cứ tạo vật nào.
31. Vả lại, thậm chí nếu ngươi để tâm đến nghĩa vụ của chính mình, thì ngươi chẳng nên nao núng: không có gì xứng đáng hơn đối với một chiến sĩ là cuộc chiến đấu vì nghĩa vụ.
32. Một cuộc chiến như thế, hỡi Pacta, thật chẳng khác gì một cánh cửa mở vào thiên đường và chỉ xảy đến với những Kshatriya may mắn.
39. Điều ta vừa giảng cho ngươi, chính là cái biết về mặt tư biện của bậc trí giả, còn bây giờ hãy lắng nghe cái biết của trí giả về mặt hành động, một khi ngươi sở đắc, ngươi thoát khỏi những câu thúc của hành động.
45. Kinh Vệ đà chỉ nói đến ba đặc tính cấu thành hành động. Hãy vượt qua cả ba, hỡi Acgiuna. Hãy thoát khỏi những đối lập nhị nguyên, vững vàng trong điều thiện, chỉ an trụ trong bản ngã.
46. Cái giếng kia còn ích gì nữa khi nước đã ngập lụt tràn khắp nơi chốn, cũng như thế, kinh Veda đâu còn ý nghĩa với bậc hành giả đã giác ngộ.
47. Ngươi vẫn hành động, nhưng chẳng động lòng vì kết quả hành động của ngươi. Đừng bao giờ lấy kết quả là mục đích của hành động, cũng chớ bị cám dỗ bởi sự bất – động.
48. Ôi Đhanangiaya, rũ bỏ hết quyến luyến, hành động kiên định theo chính đạo, thấy thành cũng chẳng khác bại. Sự bình thản ấy được gọi là Yoga.
49. Hành động thì thấp kém hơn nhiều so với thiền định. Ôi Đhanangiaya, hãy an trú vào thiền định. Đáng thương hại cho kẻ nào chỉ theo đưổi vào kết quả của hành động.
50. Kẻ nào chuyên chú vào thiền định sẽ chẳng bị tác động bởi tội lỗi hay tưởng thưởng. Vì thế, hãy an trú trong yoga, bởi yoga là nghệ thuật làm chủ hành động.
51. Bậc hiền giả nhất tâm thiền định, rũ bỏ mọi kết quả của hành động, giải thoát khỏi xiềng xích của tái sinh luân hồi, thì sẽ đạt tới cảnh giới cực lạc.
70. Như đại dương có bao giờ vơi đi hoặc bị xáo động dù cho trăm sông chẳng bao giờ ngừng đổ dồn vào, cũng như thế, chỉ có con người bất động với thế giới dục vọng mới đạt được an lạc tuyệt đối chứ đâu đến kẻ còn nuôi dục vọng với khách thể.
71. Con người đã từ bỏ hết dục vọng, đến và đi đều tự tại, không vướng bận bởi cả “Tôi” lẫn “Của tôi”, người đó đã đạt tới an lạc.
72. Thế đấy, hỡi Pacta, đấy là cảnh giới của Brahman; người đã đạt tới thì chẳng còn lầm lạc nữa; người kiên định theo cho đến lúc chung cuộc sẽ đạt được giải thoát trong Brahman”.

“Bhagavad Gita” (nguyên tác chữ Sanskrit và bản dịch tiếng Anh của Lars Martin Fosse): https://library.um.edu.mo/ebooks/b17771201.pdf
Ảnh: Arjuna và thần Krishna trong vai người đánh xe ngựa.
HUỲNH DUY LỘC

Leave A Reply

Your email address will not be published.