Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết yêu cầu Nga rút quân lập tức khỏi Ukraine

TVN

0 192

Ngày 23-2 tại trụ sở LHQ, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột Nga – Ukraine trong bối cảnh tròn một năm chiến sự.

Theo AFP, trong ngày đầu tiên thảo luận về hoà bình cho Ukraina tại Liên Hiệp Quốc, hôm qua, 22/02, tổng thư ký Antonio Guterres khẳng định rằng cuộc xâm lược mà Nga tiến hành từ một năm qua là “một cột mốc đen tối đối với Ukraina và đối với cộng đồng quốc tế”. Ông Guterres lên án những hậu quả về mặt nhân đạo và những vi phạm nhân quyền của Nga trong cuộc chiến này, đồng thời đề cập đến mối đe dọa ngầm của việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các hoạt động quân sự “ vô trách nhiệm ” xung quanh các nhà máy điện hạt nhân.

Trong cuộc thảo luận, lãnh đạo ngoại giao Ukraina Dmytro Kuleba khẳng định trong khi “một nước thì chỉ muốn tồn tại, thì nước kia lại muốn giết chóc, phá hủy”. Ông Kuleba nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về một nền hoà bình toàn diện “công bằng và lâu dài” tại Ukraina, theo các nguyên tắc của Hiến Chương của Liên Hiệp Quốc, đó là bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, Nga rút quân và chấm dứt chiến tranh.

Theo trang UN News, nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu Nga “rút tất cả lực lượng quân sự của họ ra khỏi lãnh thổ Ukraine ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện, đồng thời kêu gọi chấm dứt chiến sự”.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tái khẳng định cam kết của họ đối với chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine bên trong khu vực biên giới được quốc tế công nhận.

Cũng thông qua nghị quyết, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia thành viên hợp tác trên tinh thần đoàn kết để giải quyết các tác động toàn cầu của cuộc chiến này đối với an ninh lương thực, năng lượng, tài chính, môi trường, an toàn và an ninh hạt nhân.

Trước cuộc bỏ phiếu, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassili Nebenzia, ông cáo buộc phương Tây “muốn Nga thất bại bằng mọi giá, và không chỉ Ukraina phải hy sinh, mà phương Tây còn muốn nhấn chìm cả thế giới vào vực thẳm chiến tranh”. Lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell đã đáp trả lại cáo buộc này, nhấn mạnh cuộc xung đột này không phải là phương Tây chống lại Nga, mà đây là “một cuộc chiến tranh bất hợp pháp, liên quan đến toàn thế giới, không phân biệt Đông, Tây, Nam hay Bắc”.

Nghị quyết này – không mang tính ràng buộc – được thông qua với số quốc gia ủng hộ áp đảo, gồm 141 phiếu thuận, 7 phiếu chống (Nga, Belarus, Triều Tiên, Mali, Nicaragua, Syria và Eritrea) và 32 nước (trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam…) bỏ phiếu trắng.

Leave A Reply

Your email address will not be published.