Làm Gì Trước Nguy Cơ Xáo Trộn Vĩ Đại?

0 577

Viết cho các bạn trẻ Việt Nam

Nếu bạn là người đi làm cho cá nhân, tổ chức hay quốc gia nào đó, có lẽ bạn cũng mong muốn một số điều căn bản giống những như người khác, ở bất cứ nơi nào: Một, công ăn việc làm vững chãi, thích hợp với khả năng chuyên môn và tài năng của mình; Hai, môi trường làm việc tích cực, nâng đỡ nhau, không đâm sau lưng hay chà đạp lên nhau; ba, cơ hội cạnh tranh thăng tiến sẽ bình đẳng cho tất cả, dựa trên yếu tố chính là tài trí (merit based) chứ không phải quan điểm chính trị, hay sự quen biết, chẳng hạn!

Chính sách nhân dụng
Ai mà không muốn như thế, và ước mong có được môi trường như thế, để vận dụng thi thố tài năng của mình, nhưng xây dựng được môi trường như vậy đòi hỏi niềm tin, tầm nhìn, chính sách, pháp luật, kế hoạch, quyết tâm và kiên trì của nhiều thế hệ. Đúng ra nó phải là sự quan tâm hàng đầu, là chính sách nhân dụng, của mọi chính quyền bởi nó gắn liền với sự phát triển toàn diện của mọi quốc gia. Lực lượng lao động, từ tay nghề thấp đến tay nghề cao, và chính sách khai dụng nó để phát huy tiềm lực quốc gia, là quốc sách của các chính quyền có tầm nhìn và có sự quan tâm đến vận mệnh của đất nước. Nó cũng là yếu tố then chốt cho bài toán độc lập và phát triển của mọi quốc gia.

Nói cách khác, một quốc gia có hùng mạnh hay không phần lớn là do sức mạnh tổng hợp của chính mỗi công dân trong quốc gia đó, trong khi vai trò của chính quyền là chủ yếu tạo ra môi trường, luật chơi, nguyên tắc và giá trị chung để mỗi công nhân có thể đóng góp tối đa mà không bị chèn ép hay bạc đãi (tất nhiên luôn có các trường hợp ngoại lệ, như Trung Quốc, chẳng hạn). Vai trò then chốt khác của chính quyền là làm sao tập hợp được sự đóng góp của tất cả để điều hướng một cách chiến lược, hầu nâng cao khả năng cạnh tranh của quốc gia ở tầm vùng và tầm quốc tế.

Rất tiếc là người dân Việt Nam nói chung, trong đó có thế hệ trẻ hôm nay, không có được cơ hội và môi trường như thế để học hỏi, thăng tiến và thi thố tài năng, bởi những người đứng đầu quốc gia không có tầm nhìn hoặc không có tư duy đó. Điều thực tế là chúng ta không chọn được ai là cha mẹ mình, chúng ta cũng không chọn được nơi mình sinh ra, và không chọn được mình thuộc sắc dân nào. Tất cả dường như đã được chọn sẵn cho mỗi chúng ta! Nhưng nếu ngồi đó than oan, trách phận thì nó cũng không thay đổi được gì, phải không các bạn! Không phải ai trong thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay cũng có được sự chọn lựa ra đi để sống một môi trường mà trong đó an toàn, tư cách và nhân phẩm được tôn trọng! Ngay cả khi có được cơ hội đó, bạn cũng chỉ giải quyết được nhu cầu của riêng mình, trong khi vấn đề chung của cả dân tộc còn nguyên đó. Nhưng nếu quyết định ở lại Việt Nam, thì tầm mức của vấn đề lại lớn quá, nằm ngoài tầm tay của mọi cá nhân, dù có lòng thành và quyết tâm đến mấy, vẫn dễ có cảm giác như rối mù, nan giải. Khó quá phải không các bạn? Chấp nhận thực tại cũng không được, mà không chấp nhận cũng chưa chắc làm được gì!

Nhưng, như nhiều người đã từng nói, thay đổi phải bắt đầu bằng chính mình thôi. Điều các bạn trẻ có thể làm được, nếu quyết định ở Việt Nam, là thay đổi chính mình và tìm người cùng chí hướng thay đổi môi trường sống của các bạn để được trong sạch và tích cực hơn. Thay đổi là cần thiết, nhất là thời điểm này, vì nếu không thì không chỉ thế hệ này thôi mà các thế hệ về sau, con cháu của các bạn, cũng không thoát được nạn.

Các bạn có thể bị xem là “lội ngược dòng”, và “phản động”, nhưng điều quan trọng là các bạn tự biết mình đang làm gì và tự tin ở chính mình.

Có thể các bạn đều mong ước lãnh đạo quốc gia mình quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề giáo dục, môi trường, sức khỏe và an toàn của mọi công dân. Có thể các bạn đều mong ước một môi trường đào tạo nhân tài và biết vận dụng tiềm lực để những người tài giỏi trong các bạn không phải quyết định bỏ nước ra đi mà không cần suy nghĩ lại. Có thể các bạn đều mong ước lãnh đạo quốc gia đề ra những chính sách nhân dụng thích nghi để thu hút nhân tài Việt Nam hoặc không phải Việt Nam khắp nơi về xây dựng phát triển đất nước! Các bạn có biết rằng vào năm 2010, chỉ bốn quốc gia Hoa Kỳ, Anh, Canada và Úc thôi đã chiếm đến 70 % số di dân tay nghề cao trong số các quốc gia thuộc OECD [1]. Họ đã có chủ trương hay chính sách nào mà có thể thu hút nhân tài khắp nơi thuộc khối OECD như thế, chưa kể nhân tài từ các quốc gia không thuộc OECD? Chắc các bạn đều biết rằng một trong những nguyên do giúp Hoa Kỳ thành công và vững mạnh hàng đầu thế giới bấy lâu nay là nhờ chính sách trọng dụng nhân tài của họ ngay từ đầu. Nó là mảnh đất của cơ hội, của ước mơ. Không chỉ trọng dụng nhân tài quốc nội mà là nhân tài quốc tế, từ bất cứ nơi nào và trong bất cứ lĩnh vực nào. Vốn giàu, mạnh, lại có thêm chất xám tình nguyện đổ về, trong khi các quốc gia đang phát triển, vốn cần nhiều chất xám hơn, thì lại bị hao hụt trầm trọng.

Cuộc cách mạng

Trong vòng chưa tới một thế hệ nữa, lúc mà các bạn đang ở độ tuổi 30 đến 40, và con của các bạn ở độ tuổi 5 đến 15, thì thế giới – đang thay đổi ở tốc độ nhanh chóng hiện nay – sẽ còn thay đổi cấp tốc hơn, mạnh mẽ hơn, bao quát hơn và xáo trộn hơn nữa. Cuộc Cách mạng Công nghệ thứ Tư (the Fourth Industrial Revolution) sẽ mang đến những đột phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, người máy, xe không người lái, in ấn ba chiều, công nghệ siêu nhỏ (nanotechnology), công nghệ sinh học, máy tính lượng tử, lưu trữ năng lượng v.v… Cùng với những khả năng mà khoa học kỹ thuật hiện đang phục vụ cho hàng tỷ người trên thế giới nối kết nhau ở mọi nơi mọi lúc, cuộc Cách mạng Công nghệ thứ Tư này sẽ có khả năng thay đổi toàn diện và toàn cầu các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị, hay nói cách khác là cách sống, quan hệ và làm việc của nhân loại [2].

Chẳng hạn, tại Hoa Kỳ, dự đoán là đến năm 2030, 50% các loại xe thương mại như taxi, truck và bus sẽ hoàn toàn tự động không người lái, và đến năm 2040 thì tỷ lệ gia tăng lên 100 %. Các loại xe thương mại không người lái tại Hoa Kỳ có thể làm mất bốn triệu công việc, trong đó có ba triệu tài xế xe truck (một công việc được xem là có thu nhập tốt nhất cho người không có bằng đại học), chưa kể bao nhiêu các dịch vụ và cơ sở thương mại để dừng chân ăn uống, nghỉ ngơi… dọc các tuyến đường này [3]. Trong khi đó kỹ nghệ tự động (automation) qua người máy, máy vi tính, trí tuệ nhân tạo, sẽ thay thế con người ở các việc lao động chân tay hoặc không đòi hỏi tay nghề cao.

 

internet

Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labor Organization) cho rằng có đến 56% các việc làm tại năm quốc gia thuộc khối ASEAN (bao gồm Cam Bốt, Nam Dương, Phi Luật Tân, Thái Lan và Việt Nam) có nguy cơ được tự động hoá trong vòng hai thập niên tới. Riêng đối với Việt Nam thì nguy cơ mà khoa học kỹ thuật gây xáo trộn lên thị trường nhân dụng lên đến 70 % [4].

Related Posts

Kỹ nghệ dễ bị tự động hoá nhất là dịch vụ chỗ ở và ăn uống, sản xuất, nông nghiệp, di chuyển và tồn kho, và bán lẻ. Kỹ nghệ khó bị tự động hoá nhất là chăm sóc y tế và giúp đỡ xã hội, thông tin, các nghề chuyên môn (như luật sư, giáo sư), quản trị, dịch vụ giáo dục. Các việc cần tay nghề cao như phân tích dữ liệu lớn, phân tích hỗ trợ quyết định phức tạp, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo v.v… thì không những không sợ mất việc mà còn là nhu cầu lớn cho thị trường nhân dụng tương lai. Điều đáng chú ý nhất là các kỹ năng làm việc với con người, còn gọi là kỹ năng mềm (soft skills) về xã hội, cảm xúc và phân tích để giải quyết các vấn đề phức tạp của con người hay các kỹ năng thương lượng, điều hợp và trí cảm thì nhu cầu ngày càng gia tăng trong môi trường mà máy móc sẽ áp đảo con người về mọi mặt. Nói cách khác, máy móc chỉ được quy trình để thay thế các hoạt động của con người, như về mặt lao động chân tay và phần nào logic, nhưng máy móc không thể thay thế con người trên mặt trí cảm.

Vài lời kết

Những thay đổi sâu sắc do khoa học kỹ thuật mang lại trong hai thập niên tới sẽ ảnh hưởng toàn diện lên đời sống con người trên khắp thế giới. Việt Nam không ngoại lệ, hay nói đúng hơn là có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng hơn vì hiện vẫn đang chậm phát triển so với các quốc gia khác, khi các công việc lao động tay chân vẫn chiếm phần lớn. Câu hỏi cần đặt ra là những người có tay nghề thấp sẽ làm gì lúc đó khi họ không thể kiếm được việc làm, khi máy móc thay thế hết các chức năng lao động căn bản của con người? Và ai sẽ được hưởng phần lớn khoản lợi nhuận khổng lồ này khi sở hữu các kỹ nghệ tự động hay các phương tiện sản xuất của cuộc cách mạng này?

Lãnh đạo quốc gia nào cũng phải quan tâm ngay từ bây giờ để có những chính sách thích hợp hầu nắm bắt cơ hội và đối phó với thử thách và rủi ro mà cơ hội thường mang lại. Vậy thì lãnh đạo Việt Nam đã suy nghĩ gì và chuẩn bị tới đâu để đối phó với những thử thách này trong thời gian tới, các bạn có biết không? Các bạn có nghĩ rằng những quyết định của họ sẽ đặt quyền lợi của đất nước và của gia đình các bạn trong chính sách của họ không? Trên hết, các bạn có tin rằng họ có đủ trí tuệ và tài năng để lãnh đạo đất nước trước những thử thách lớn lao này trong khi bao nhiêu chất xám cần thiết của quốc gia đã không ngừng chảy?

Riêng bạn, bạn sẽ chọn thái độ nào, và theo học ngành nghề nào để có việc làm ổn định trong tương lai? Bạn sẽ ở lại Việt Nam, về lại Việt Nam, hay tìm nơi tốt hơn để an cư lạc nghiệp? Nếu bạn chọn Việt Nam, vì bất cứ lý do nào, thì bạn cũng thừa biết sự rủi ro cao hơn nhiều nơi khác. Rủi ro như thế sẽ được nhân thành lũy thừa bởi ba yếu tố. Một, sự bất ổn của một tương lai bị xáo trộn do khoa học kỹ thuật mang lại, như đã nêu trên. Hai, mọi quyết định lớn nhỏ của đất nước đang thuộc về tay một thiểu số cầm quyền mà bấy lâu nay không đặt nặng quyền lợi và vai trò của người dân, trong đó có các bạn. Ba, những thông tin trung thực, đa chiều và những tiếng nói phản biện để giúp cho bạn hiểu biết và quyết định đúng đắn hoàn toàn thiếu vắng tại Việt Nam.

Trước tình hình như thế, nếu bạn muốn chọn ngành nghề nào tốt nhất cho bạn và con bạn để có một tương lai ổn định, bạn phải nỗ lực tự đi tìm hiểu càng nhiều càng tốt và giúp cho những người bạn cùng lứa làm như thế. Hãy cố gắng trao dồi thêm ngôn ngữ, đặc biệt là Anh ngữ, để bạn có thể tự đi tìm lấy những thông tin trung thực khả tín hơn. Trong thời đại này, chỉ có thông tin trung thực và kiến thức sâu rộng mới thật sự giúp bạn, còn các thứ nhiễu nhương khác chỉ hại bạn mà thôi. Sau cùng, nên nhớ tương lai của bạn là do bạn quyết định, đừng để ai quyết định cho mình, bởi hạnh phúc và thành công là do bạn, không phải ai khác.

Úc Châu, 02/06/2018

Tài liệu tham khảo:

1. Fiona McKenzie, The fourth industrial revolution and international migration, Lowy Institute, November 2017; trang 8.

2. Klaus Schwab, The Fourth Industrial Revolution – What It Means and How to RespondForeign Affairs, December 12, 2015. Theo Schwab thì cuộc Cách mạng Công nghệ Thứ Nhất dùng hơi nước để cơ giới hóa sản xuất; cuộc Cách mạng Thứ Hai dùng điện để sản xuất hàng loạt; cuộc Cách mạng Thứ Ba dùng điện tử và kỹ nghệ tin học để tự động hoá sản xuất; còn cuộc Cách mạng Thứ Tư dựa trên những thành tựu của Thứ Ba – cuộc cách mạng điện tử từ giữa thế kỷ trước – nhưng dung hợp các kỹ thuật sẵn có và làm nhoà đi lằn ranh giữa các khu vực vật lý, điện tử và sinh lý.

3. Jonathan Masters, The Driverless Future”- Autopia or Dystopia? – Foreign Affairs, 17 August 2017.

4. Gary Rynhart, Technology, disruption and work in ASEAN countries, Lowy Institute, 16 June 2017.

@Trí Việt News

Leave A Reply

Your email address will not be published.