Bao Giờ Chúng Ta Biết Gọi Một Cái Cây Là “Mẹ”?

0 594

Một ngày chủ nhật vần vũ mây đen nặng nề, báo hiệu cơn mưa to sắp đến. Vợ chồng anh bạn là đạo diễn ghé thăm. Trên xe, anh mang theo mấy khúc cây tươi vừa cưa, đỏ bầm như đang ứa máu. Chưa kịp hỏi, anh đã nói, giọng rưng rưng như sắp khóc: “Đây là những nhánh trên cái cây cuối cùng ở đường Tôn Đức Thắng vừa bị cưa nốt. Anh đi ngang, xót quá nên nhảy xuống lượm mấy nhánh về để làm kỷ niệm”.

Tôi hình dung anh – một người Nam thứ thiệt thuộc thế hệ chúng tôi – sinh ra và lớn lên ở thành phố này, gắn bó với nó bằng biết bao kỷ niệm qua những dâu bể thăng trầm. Giờ đau lòng chứng kiến hàng cây trăm tuổi bị đốn chặt, anh xót xa và thương tiếc chúng như thấy những người thân vừa qua đời. Hàng cây sọ khỉ ấy nghe nói đã được người Pháp trồng từ khi bắt đầu xây dựng Xưởng đóng tàu Ba Son cách nay khoảng 160 năm. Con đường Tôn Đức Thắng hồi trước năm 1975 mang tên Cường Để – là một trong năm đại lộ quan trọng nhất của Sài Gòn xưa, chạy ngang qua “tam giác đại học” gồm các trường Dược – Văn khoa và Nông nghiệp (đoạn đường này giờ mang tên Đinh Tiên Hoàng).

Những gốc cây xù xì hàng trăm năm tuổi ở đây đã trở nên thân thuộc với nhiều người đến nỗi một sáng mai đi ngang qua, một cựu sinh viên khoa Văn Đại học Tổng Hợp những năm 1980 – là tôi – bỗng bàng hoàng tưởng mình đi lạc, bởi con đường xưa nay rộng hoác thông thống, không còn chút bóng cây. Như cô gái đẹp đột nhiên bị một kẻ phàm phu cạo sạch mái tóc mướt dài duyên dáng! Người ta bảo là vì nhu cầu phát triển đô thị nên phải hy sinh hàng cây bởi đường metro chạy ngang qua đây! Ừ thì cũng vì nhu cầu phải nhường đất (quốc phòng) cho một tập đoàn đầu tư địa ốc tư nhân lớn nhất nước triển khai dự án hàng ngàn căn hộ và biệt thự ven sông, người ta đã thẳng tay xoá sổ hoàn toàn xưởng đóng tàu đầu tiên của Sài Gòn 300 năm trên con đường này, trong đó có cả ụ tàu lịch sử duy nhất được người Pháp xây dựng từ 131 năm trước. Cũng vì nhu cầu phải xây mới, mở rộng nơi làm việc của chính quyền thành phố mà một toà nhà khác hơn 150 năm tuổi như Dinh Thượng Thơ nằm gần đó sẽ tiếp tục bị đập bỏ… Phải chăng đó là cái giá của phát triển? Hay giờ là thời mà những kẻ đốt đền cũng được quyền nhân danh “vị nhân sinh”?

***

Tôi từng ghé thăm Công viên quốc gia Caesarea Maritima ở Israel hồi tháng 11-2017. Caesarea chỉ là một thị trấn nhỏ với khoảng gần 5.000 dân, nhưng đã dành cả một vùng đất với chiều dài trên 2km trải dọc bờ biển Địa Trung Hải tuyệt đẹp làm nơi bảo tồn các phế tích của thành phố cổ từ đời Herod Đại đế trong khoảng năm 22-10 trước Công nguyên. Ngoài những hiện vật khảo cổ từ thời Hellenistic – Herodian, Roman và Byzantine như cột đá, đầu cột, tượng, các hoa văn và mosaic trên gạch… đã được khai quật nằm lộ thiên rải rác khắp Công viên, tại đây còn giữ được một phần hoặc phần lớn những dấu tích cơ bản của các công trình kiến trúc cổ đại như bến cảng, đền đài, cung điện, nhà hát vòng, sân vận động, đấu trường…, thậm chí cả nhà tắm ở thời đại Herod. Các hiện vật khảo cổ phong phú đến nỗi cứ cảm giác dưới mỗi tấc đất nơi này dường như đều có thể tiếp tục khai quật thêm những chứng tích đầy ắp các câu chuyện lịch sử…

Một di tích khảo cổ rất quan trọng được phát hiện tại đây vào năm 1961 là Đá Pilate (Pilate Stone). Đá Pilate chỉ là một khối đá vôi đã bị thời gian tàn phá, có diện tích khoảng 82cm x 65cm, được khắc một phần chữ còn nguyên vẹn đề cập đến Pontius Pilate (Philatô), quan Tổng trấn thứ 5 của tỉnh Judaea thuộc La Mã từ năm 26-36 sau Công nguyên. Đây là người đã xử án và kết tội Chúa Jesus phải chịu đóng đinh trên thập giá. Hiện vật này đặc biệt có giá trị về khảo cổ học, bởi trên đó là một dòng chữ La Mã đích thực có từ thế kỷ thứ nhất, chứng minh cho sự tồn tại lịch sử của nhân vật Philatô trong các sách Phúc Âm. Một điều đáng chú ý: Caesarea là địa phương duy nhất tại Israel không phải là một đơn vị hành chính mà lại được quản lý bởi một công ty tư nhân! Mấy người Việt trong đoàn chúng tôi thở dài bảo nhau: Nếu ở Việt Nam thì khu vực này đã là miếng mồi béo mẫm cho các đại gia địa ốc chia chác thành dự án bất động sản nghỉ dưỡng hoặc condotel “vị trí vàng” để thu lời tiền tỷ rồi!

Ảnh: Nguyễn Thị Oanh

***

Tại Vancouver – thành phố lớn nhất ở phía Tây Canada thuộc tỉnh British Columbia, có rất nhiều công viên rộng lớn với những khoảng xanh hoàn toàn miễn phí cho cư dân và du khách. Nhưng độc đáo nhất ở đây vẫn là Công viên cầu treo Capilano (Capilano Suspension Bridge Park) nằm ở phía Bắc thành phố, cách trung tâm Vancouver chỉ chừng 10 phút lái xe. Tuy gọi là “park”, nhưng công viên này thực chất là một khu bảo tồn rừng nhiệt đới điển hình của bờ Tây Canada (West Coast rainforest). Để đến khu bảo tồn, du khách sẽ có một trải nghiệm kỳ thú khi đi bộ qua một cây cầu treo bắc qua con sông Capilano. Cây cầu treo nổi tiếng này có chiều dài 140m (khoảng 460 feet) và cao 70m (230 feet) trên mặt sông. Được xây dựng từ năm 1889 bởi một kỹ sư người Scotland, chiếc cầu treo lúc đầu chỉ được làm bằng dây thừng và những tấm ván gỗ tuyết tùng đơn sơ. Đến nay, cầu treo Capilano đã được bổ sung các dây cáp chắc chắn và gia cố hai bên thành cũng như mở rộng mặt cầu bằng gỗ cho an toàn hơn. Mỗi năm nơi này đón khoảng 800.000 lượt khách thăm viếng.

Ảnh: Nguyễn Thị Oanh

Nhưng điều gây ấn tượng nhất ở đây không chỉ là cây cầu treo! Lần nào đến thăm Capilano, tôi cũng xúc động đến gai người vì cảm giác thán phục cách người ta đối xử với thiên nhiên. Cả một cánh rừng toàn những cây linh sam cổ thụ từ hàng trăm đến hàng ngàn năm tuổi, thế mà tất cả vẫn được chăm chút, bảo toàn nguyên vẹn đến từng cái cây mục! Nói như vậy là bởi quy định ở đây nghiêm cấm khai thác và mang gỗ ra khỏi rừng dưới bất kỳ hình thức nào. Người ta chỉ cho phép xẻ gỗ của những cây bị mục gốc hoặc bị gãy đổ vì thiên tai để phục vụ cho chính các công trình công cộng trong Công viên như: Thay mặt cầu treo, lát lại lối đi, làm ghế ngồi nghỉ chân cho du khách…

Ở đây còn có những con đường đi bộ qua lại trên cao giữa các cây (gọi là Treetop Adventure), được thiết kế bằng hệ cáp treo và dây thừng ôm quanh các thân cây một cách chắc chắn mà không hề phạm phải “da thịt” của cây. Trong công viên này, những cây vài trăm tuổi là chuyện bình thường. Cây cao nhất hiện nay tại đây khoảng 1.300 năm tuổi với chiều cao hơn 76m (250 feet), được thành kính gọi là “Grandma Capilano” (Bà ngoại Capilano). Tôi nhìn tấm bảng giới thiệu đặt trang trọng dưới cái gốc nhăn nheo như da người già của cây “bà ngoại” mà thầm hỏi: Cũng cùng là cây, nhưng vì sao “bà” và “các bạn” của “bà” lại may mắn hơn những đồng loại ở đất nước chúng tôi đến vậy?

Ảnh: Nguyễn Thị Oanh

***

Tôi đã đi nhiều nơi và thấy nhiều cái lạ. Học được nhiều điều quý. Hiểu được lắm điều hay. Những ngõ phố cổ lát gạch mòn vẹt thời gian ở Paris, những bức tường thành sậm màu xưa ở Roma, những con sông sạch bong ở Copenhagen, rồi những cánh rừng thông tinh khiết “mùi hương Bắc Âu” ở Phần Lan, những dải bờ biển ngút ngàn sức sống ở nước Úc, những “hàng cây thắp nến” xanh biếc ở Singapore… Tất cả nhắc cho tôi nhận ra một điều rằng: Xã hội càng biết tôn trọng những giá trị nhân văn thì người ta càng biết trân trọng di sản, gìn giữ môi trường, bảo vệ thiên nhiên. Và đó mới chính là phát triển bền vững! Tôi không buồn và thẹn vì đất nước mình còn nghèo khó, nhưng thấy đau và nhục khi từ lòng tham cùng sự ngu muội, người ta cứ thản nhiên chà đạp, phá nát mọi tiền đề để phát triển!

Ảnh: Nguyễn Thị Oanh

Anh bạn ra về, “chia” lại cho tôi một khúc cây rồi tần ngần lẩm bẩm: “Nhìn xem, trông nó như đang giơ hai cánh tay lên cầu cứu…”. Tôi dựng khúc cây vào góc tường ngay chỗ cầu thang từ dưới nhà đi lên lầu. Những ai qua lại chắc cứ nghĩ đó là một vật trang trí kiểu ngẫu hứng! Còn tôi, mỗi ngày nhìn thấy nó, tôi đều quặn lòng tự hỏi: Bao giờ một tảng đá cổ mới được chúng ta nâng niu như con? Và bao giờ chúng ta mới có thể biết gọi một cái cây trăm tuổi là “Mẹ”?

Tác giả gửi Trí Việt News

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.