Nguồn gốc những tên gọi “lạ tai” ở Sài Gòn
TVN
Sài Gòn đến nay vẫn là một thành phố trẻ so với nhiều tỉnh thành khác trên khắp đất nước Việt Nam nhưng những câu chuyện và lịch sử về nơi này luôn là một đề tài bất tận khiến bao người tò mò và thắc mắc. Những cái tên bạn nghe mỗi ngày như Thủ Thiêm, Lăng Ông Bà Chiểu,… có nguồn gốc từ đâu? Vì sao người ta lại gọi những địa điểm này bằng những cái tên lạ đời đến như vậy?
1. Lăng Ông Bà Chiểu
Tọa lạc tại số 1, đường Vũ Tùng thuộc phường 1, quận Bình Thạnh, Lăng Ông Bà Chiểu nằm tĩnh lặng và trầm mặc ngắm nhìn thành phố trẻ ngày một náo nhiệt, hiện đại hơn. Và nếu có ai đột ngột hỏi bạn rằng Lăng Ông Bà Chiểu thờ ai, vì sao lại có tên gọi như vậy, bạn có trả lời được không?
Lăng Ông Bà Chiểu (gọi tắt là Lăng Ông, còn có tên gọi khác ít phổ biến hơn làThượng Công Miếu) là khu lăng mộ của Tả Quân Lê Văn Duyệt. Chính vì tên gọi đặc biệt mà nhiều người thường hiểu lầm rằng lăng này được lập ra để thờ Ông và thờ Bà tên Chiểu. Thật ra, đây là lăng thờ Tả Quân Lê Văn Duyệt và do tục lệ kiêng cử tên, cho nên thường gọi là Lăng Ông. Lăng lại nằm kế bên khu chợ Bà Chiểu, và đó là nguồn gốc ra đời của cái tên Lăng Ông Bà Chiểu.
2. Thị Nghè
Điểm qua tên của một số địa danh, kênh rạch, phường ở khu vực quận 1, người ta sẽ dễ dàng nghe đi nghe lại cái tên Thị Nghè, có khi xuất hiện dưới tên của một con rạch, cây cầu, lại có khi xuất hiện như một ngôi chợ, một nhà thờ. Ngoài ra, phần địa giới gồm một phần các phường 17, 19, 21 thuộc quận Bình Thạnh cũng được gọi là Thị Nghè.
Theo quyển “Gia Định thành thông chí”, mục “Trấn Phiên An”, Thị Nghè là tên dân gian của bà Nguyễn Thị Khánh – con gái quan Khâm sai Nguyễn Cửu Vân, và là vợ một viên thư kí. BàNguyễn Thị Khánh có chồng là thư kí mỗ, nên người đương thời gọi là Bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ có tên ấy là do bà đã có công cho khai hoang đất ở và bắc cầu để tiện việc đi lại cho dân chúng. Cảm phục bà, người ta quyết định gọi cây cầu là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè.
Cho đến ngày nay, cái tên Thị Nghè vẫn còn được giữ lại như một cách hậu thế ghi nhớ công đức của bà Nguyễn Thị Khánh.
3. Bến Nghé
Sông Bến Nghé còn có tên gọi khác là Ngưu Chử, Ngưu Tân hay Tân Bình giang, ban đầu là tên của một bến nước, sau chỉ một con sông, cuối cùng dùng chỉ một địa phương (vùng trung tâm TP.HCM hiện nay). Và có một thời, mỗi khi người ta nói Đồng Nai – Bến Nghé tức là nhắc đến cả một vùng đất Nam bộ.
Tên Bến Nghé, ban đầu là tên của một bến nước, sau chỉ một con sông, cuối cùng dùng chỉ một địa phương (vùng trung tâm TP.HCM hiện nay). Để giải thích cái tên Bến Nghé, hiện có hai thuyết:
Thứ nhất, theo phó bảng Nguyễn Văn Siêu trong cuốn “Phương Đình dư địa chí” (1900) thì tương truyền, sông này nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau kêu gầm như tiếng trâu rống, cho nên gọi tên như thế (nghé tức trâu con). Sách “Đại Nam nhất thống chí”, phần tỉnh Gia Định, cũng chép tương tự.
Còn theo học giả Trương Vĩnh Ký, Bến Nghé có nguồn gốc từ tiếng Khmer – Kompong có nghĩa là bến, Kon Krabei có nghĩa là con trâu. Nhà địa danh học Lê Trung Hoa cũng đồng ý rằng: Bến Nghé là cái bến mà “người ta thường cho trâu, bò ra tắm” vì có nhiều địa danh cấu tạo bằng “bến + tên thú” như: rạchB ến Nghé (Nhà Bè), rạch Bến Tượng (Sông Bé).
4. Thủ Thiêm
Đa số tên gọi cho các con đường, cây cầu, phường, chợ… ở Sài Gòn đều lấy tên những người có công với đất nước, thành phố hoặc đơn giản là chỉ với người dân của khu vực đó. Có vẻ như Thủ Thiêm không phải là một cái tên được đặt theo công thức trên.
Trước đây, “thủ” là danh từ chỉ đồn canh gác dọc theo các đường sông. Vì khá phổ biến thời trước nên “thủ” đã đi vào một số địa danh hiện nay như Thủ Đức, Thủ Thiêm, Thủ Ngữ (Sài Gòn), Thủ Thừa (Long An) hay Thủ Dầu Một (Bình Dương). Đức, Thiêm, Ngữ, Thừa được cho là tên những viên chức được cử đến cai quản các thủ này và đã giữ chức vụ khá lâu nên tên của họ đã được người dân gắn liền với nơi làm việc. Còn Thủ Dầu Một thì ở thủ đó ngày xưa có một cây dầu mọc lẻ loi.
5. Đakao
Đakao – tên gọi mà biết bao người Sài Gòn đã quen mặt, một cái tên gây ấn tượng mạnh mẽ khi vừa nghe thì giống tên Việt Nam nhưng khi viết thì lại mang đậm dáng dấp phương Tây. Lịch sử đằng sau cái tên “nửa tây nửa ta” này có gì đặc biệt?
Thời xưa, có giai đoạn hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn được sáp nhập lại thành “Địa phương Sài Gòn – Chợ Lớn” (Région de Saigon – Cholon) với tổ chức bên dưới là các hộ (quartier), tương đương cấp tổng ở các tỉnh. Người đứng đầu một hộ gọi là Hộ trưởng (Chef de quartier). Tên gốc của vùng đất Đakao ngày nay là Đất Hộ (đất của hộ hoặc đất do hộ quản lí). Trong sách báo và các văn bản thời trước, người Pháp đã phiên âm địa danh Đất Hộ thành Đakao. Trên thực tế, địa danh Đakao chỉ phổ biến rộng tại Sài Gòn từ thập niên 1950 – 1960 trở về sau.
6. Kinh Tàu Hủ
Với tổng chiều dài 22km, vắt ngang giữa thành phố và trải dài trên địa bàn 8 quận huyện, kinh Tàu Hủ khiến không ít người thắc mắc về nguồn gốc cái tên “nghe thôi đã thèm” trong khi quanh khu vực này không hề có truyền thống làm tàu hủ?
Tàu Hủ là tên gọi sau này của kinh Ruột Ngựa – được đào vào cuối năm 1772 nhằm thông lưu Sài Gòn và miền Tây Nam bộ. Đến ngày nay, kinh Tàu Hủ đã trải dài từ Đông sang Tây Sài Gòn.
Theo học giả Trương Vĩnh Ký (viết năm 1885) và Huỳnh Tịnh Của (viết cuối thế kỷ 19), thì đoạn phố đi ngang qua rạch Chợ Lớn được gọi là Tàu Khậu, đó là cách người Triều Châu phát âm từ “thổ khố” (khu nhà gạch), sau trại âm thành Tàu Hủ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nhìn kinh nước đen và những “món phụ gia” trôi nổi trên ấy, rất hôi thối, mà người dân liên tưởng đến tương chao, tàu hủ cho có phần… thi vị, nên gọi như vậy.
Kinh Tàu Hủ chưa bao giờ mang vẻ đẹp thơ mộng làm say đắm người nhìn, nhưng nó vẫn nằm sâu trong tiềm thức của người Sài Gòn với hình ảnh ghe lớn ghe nhỏ buôn bán tấp nập và cả một giai đoạn lịch sử đặc biệt .
7. Ngã tư Bảy Hiền
Là nút giao thông quan trọng thuộc phường 4, quận Tân Bình, tên ngã tư Bảy Hiền mang một chút gì đó bí ẩn đằng sau tên gọi dân dã, gần gũi Bảy Hiền.
Vùng Bảy Hiền nổi tiếng với làng dệt do những cư dân Quảng Nam vào đây lập nghiệp (sau năm 1954).
Nguồn gốc của tên gọi “Bảy Hiền” xuất phát từ tên gọi của ông Trần Văn Hiền (chủ nhân của căn biệt thự lớn, tọa lạc trên góc ngã tư lúc bấy giờ). Được biết, ông Bảy Hiền là ông chủ đồn điền giàu có, nức tiếng tại Tân Bình, Sài Gòn ngày xưa, ông sở hữu nhiều đất đai, ruộng đất, đồn điền…
Nổi tiếng là người giàu lòng nhân hậu và lương thiện. Ông và vợ thường xuyên làm từ thiện, phát gạo, phát tiền cho người dân nghèo tại khu vực này. Một lần Sài Gòn xảy ra nạn đói nghiêm trọng, ông Bảy Hiền đã tổ chức cho tiền, giúp đỡ những người dân nghèo trong vùng trước cổng nhà. Đám đông kéo đến nhà ông đông nghẹt, khiến lần đó có hai đứa trẻ chết ngạt tại đó. Sau lần đó, ông đã rút ra kinh nghiệm, không tập trung trước cửa nhà phát tiền nữa mà những ai khó khăn đến nhà ông, ông sẽ giúp.
Dần dà, tại khu vực ngã tư – nơi mà gia đình ông Bảy Hiền sinh sống đã được người dân gọi là ngã tư “Ông Bảy Hiền”. Từ đó, tên gọi này đã lưu danh cho đến hiện nay và thường được gọi với cái tên quen thuộc là “Ngã Tư Bảy Hiền”.
8. Cầu Chà Và
Với bề dày lịch sử hơn 100 năm, cây cầu Chà Và bắc qua kênh Tàu Hủ đã góp phần thông thương vùng Chợ Lớn giữa quận 8 và quận 5. Cầu Chà Và có chiều rộng khoảng 30m, chiều dài 190m, có thêm 2 nhánh phụ lên xuống đại lộ Đông Tây, đảm bảo các phương tiện đi trên cầu không giao cắt nhau nhằm hạn chế tối đa kẹt xe.
Cầu Malabars ban đầu nằm ở vị trí đường Mạc Cữu, sau đó được dỡ bỏ và xây dựng lại ở đường Vạn Kiếp, nơi mà ngày nay được biết đến là cầu Chà Và. Đường Vạn Kiếp trước đây là một con kinh, sau khi bị lấp lại thì được gọi là Kinh Lấp.
Giống như cầu Chà Và, tên gọi Malabars cũng xuất phát từ một địa danh ở Ấn Độ, cho thấy khu vực này từng có nhiều người Ấn Độ đến định cư và buôn bán bên cạnh cộng đồng người Hoa. Người dân Nam Bộ khi xưa thường gọi họ là “Chà Và,” từ đó mà cái tên cầu Chà Và ra đời.
Trong dân gian, có sự nhầm lẫn giữa người “Chà Và” và người Ấn Độ. Thực tế, từ “Chà Và” bắt nguồn từ “Java,” tên của một hòn đảo ở Indonesia ngày nay. Xưa kia, người dân Việt Nam thường gọi những dân tộc đến từ vùng biển phía Nam là “Chà Và,” mặc dù phần lớn trong số họ thực ra là người Malaysia hoặc Indonesia. Hai chủng tộc này có những điểm tương đồng về ngôn ngữ (Bahasa) và tôn giáo (Hồi giáo), do đó được gọi chung là “người Chà” hay “Chà Và.”