Nguyễn Quang Đại và sự hình thành của đờn ca tài tử Nam bộ

Huỳnh Duy Lộc

0 1,440

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc An cho biết: “Huỳnh Tịnh Paulus Của, trong “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” xuất bản năm 1895 tại Sài gòn, đồng thời với phong trào đờn ca tài tử đang nở rộ tại đất Nam bộ, đã định nghĩa chữ “Tài tử”:
“Tài tử: Kẻ có tài riêng; kẻ chuyên nghề cổ nhạc, nhạc công.
Bọn tài tử: Bọn chuyên nghề cổ nhạc.
”Hán- Việt từ điển” của Đào Duy Anh định nghĩa:
“Tài tử: Người có tài (homme de talent)”.
GS Trần Văn Khê giải thích:
“Chữ ‘Tài tử’ có nghĩa là “người có tài”, mà cũng có nghĩa là “không chuyên nghiệp”…” (Đờn ca tài tử Nam bộ – Khảo & Luận, tr. 84)

Nhạc sĩ Phạm Duy cũng giải thích rằng “tài tử” có nghĩa là “không chuyên nghiệp”. Trong tác phẩm “Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam”, ông viết: “Để phân biệt với loại nhạc của nhà nghề ở miền Bắc và miền Trung, miền Nam gọi lối chơi nhạc của họ là chơi tài tử. Mới đầu cũng chỉ là bài bản cung cấp cho nghệ thuật biểu diễn các thứ đàn, loại nhạc tài tử miền Nam sẽ phát triển mạnh mẽ để dễ dàng biến thành những bài ca sân khấu”.

Nhạc tài tử Nam bộ có nguồn gốc từ nhạc cung đình Huế. Sự có mặt ở miền Đông Nam bộ vào năm 1885 của ông Nguyễn Quang Đại, một nhạc công của triều đình nhà Nguyễn, đánh dấu sự hình thành của đờn ca tài tử Nam bộ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tuấn Khanh viết: “Sau cuộc binh biến kinh thành Huế vào năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn ra chiếu Cần Vương, một số nhạc quan và nhạc công của triều đình Huế lánh nạn vào miền Nam sinh sống, trong đó có Nguyễn Quang Đại, người đã có công rất nhiều trong việc phổ biến nhạc tài tử ở Nam bộ. Nguyễn Quang Đại được báo chí hồi đầu thế kỷ 20 gọi là Ba Đại, nhưng sau này đổi thành Ba Đợi…” (Bước đường của cải lương, Nguyễn Tuấn Khanh, tr. 19)

Nhà nghiên cứu Hà Thắng thuộc Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên – Huế cho biết: “Theo phả hệ họ Nguyễn Nhữ ở Dương Cốc, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây xưa, dòng họ Nguyễn Nhữ vốn định cư lâu đời tại đây. Dân 4 trấn Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Dương và Sơn Tây đều hưởng ứng chiêu mộ dân của vua Lê Thánh Tông, mở cuộc Nam tiến, trước là cải thiện đời sống theo chiếu vua ban, sau là tìm miền đất hứa ở phía trời Nam để dễ bề làm ăn phát đạt. Từ vùng sơn cước Quốc Oai, trấn Sơn Tây, 2 anh em ông Nguyễn Nhữ Hậu, Nguyễn Nhữ Long theo dòng người Nam tiến vào dừng lại tại đất Minh Linh, cùng thân hữu lập nên làng Nguyễn Xá. Nửa đầu thế kỷ 16, ông Nguyễn Nhữ Diên, con trai của ông Hậu, rời làng Nguyễn Xá, vào định cư tại đất Kim Luông (ngày nay thuộc xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị). Nguyễn Quang Đại thuộc dòng họ Nguyễn Nhữ ở Hải Quế ngày nay.

Ông sinh năm Mậu Ngọ (1855). Thuở nhỏ, Nguyễn Quang Đại cùng đi học với người em họ là Nguyễn Minh Thông. Song có lẽ con đường học vấn của ông không mấy thành công. Còn Nguyễn Minh Thông sau đó đỗ đạt và làm việc tại nội triều Nguyễn dưới triều vua Hàm Nghi và có vợ là tôn thất nhà Nguyễn. Con đường Nguyễn Quang Đại đến với quan nhạc triểu Nguyễn không thấy nói đến, phải chăng ông được Nguyễn Minh Thông tiến cử hoặc giả ông đã là quan nhạc dưới triều Tự Đức – Dục Đức-Hiệp Hòa –Kiến Phúc do chính năng lực âm nhạc của mình. Sau biến cố kinh đô Huế thất thủ năm 1885, một số quan lại, dân binh bỏ xứ chạy về phương Nam, tại vùng đất mới với nỗi tha hương nhưng không xa tổ, rất nhiều người, trong đó có Nguyễn Quang Đại, bằng tài âm nhạc của mình, đã gởi lòng mình qua âm nhạc để sầu, để nhớ, để vui buồn với vùng đất quê hương mới. Âu đó cũng bắt đầu ra đời thể loại âm nhạc mà nay ta quen gọi là ca nhạc tài tử Nam bộ…” (Đờn ca tài tử Nam bộ – Khảo & Luận, Nguyễn Phúc An, tr. 42, 43, 44)

Nguyễn Quang Đại là một nhạc sư đầy tài năng và đức hạnh, nhưng lại chết trong cảnh nghèo nàn vào ngày 19 tháng giêng âm lịch (không rõ năm nào), quan tài được một chiếc xe chở cá đưa vào chôn trong vùng mả hoang ở Bình Đông, Rạch Cát (nay thuộc quận 8 TP.HCM). Năm 1996, linh vị của ông được tỉnh Long An đưa về thờ ở đình Vạn Phước thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, và hàng năm đều có tổ chức lễ giỗ kỵ vào ngày 19 tháng giêng.

Ngoài việc dạy nghề đờn, Nguyễn Quang Đại còn đem một số bản nhạc cung đình Huế cải biên thành nhạc lễ miền Nam, hệ thống hóa nhạc tài tử thành 4 điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán, còn gọi là 20 bản tổ.

– Bắc là những bản nhạc âm điệu rộn ràng, vui tươi. Có 6 bản Bắc: Lưu thuỷ, Phú Lục, Bình bán, Xuân tình, Tây thi và Bổ bản (thường gọi là Cổ bản); Trong đó số có 4 bản gốc nhạc Huế: Lưu thuỷ, Phú lục, Bình bán và Cổ bản.

– Hạ là những bản nhạc nội dung nghiêm trang, trong sáng, có thể dùng để tế lễ (còn gọi là thất chính): Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc, Vạn giá, Xàng xê.

– Nam là những bản nhạc âm điệu buồn bã, tiết tấu chậm. Có 3 bản Nam: Nam xuân, Nam ai và Nam đảo (còn gọi Đảo ngũ cung). Nhạc tài tử và nhạc Huế có hai bản Nam xuân và Nam ai, nhưng âm điệu khác nhau.

– Oán là những bản nhạc âm điệu bi thương, oán trách. Có 4 bản Oán: Tứ đại oán, Phụng hoàng, Giang nam và Phụng cầu hoàng. Tứ đại của nhạc tài tử là Tứ đại oán, gốc Tứ đại cảnh của nhạc Huế nhưng mất vẻ phong lưu đài các mà lại chuyển tải tâm sự ưu tư, đau buồn ẩn kín. Đây là bản nhạc căn bản của nghệ thuật ca kịch cải lương, trước khi có bản vọng cổ thay thế.

Về sau, có thêm 8 bài Ngự (Bát ngự, dâng cho vua Thành Thái) do Nguyễn Quang Đại sáng tác: Đường Thế Tôn, Vọng phu, Chiêu Quân, Ái tử kê, Bát man tấn cống, Tương tư ngự, Duyên kỳ ngộ và Quả phụ hàm oan.

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: Một ban nhạc tài tử Nam bộ

Leave A Reply

Your email address will not be published.