Salman Rushdie và “The Satanic verses” (Những vần thơ của quỷ Satan)

Huỳnh Duy Lộc

0 1,077

Salman Rushdie sinh ngày 19 tháng 6 năm 1947 tại thành Bombay (ngày nay là Mumbai) của Ấn Độ, cha mẹ là những người Hồi giáo đến từ Kashmiri, đã sống tại thành phố Karachi của Pakistan sau khi Ấn Độ chia thành 2 nước Pakistan và Ấn Độ. Ông học trung học tại Ấn Độ và Anh, tốt nghiệp Đại học Cambridge của Anh trước khi làm nhân viên viết quảng cáo cho một công ty quảng cáo. “Midnight’s Children” (Những đứa trẻ nửa đêm), cuốn tiểu thuyết thứ hai của ông, được trao giải Booker năm 1981, đã làm cho ông nổi tiếng khắp thế giới. Cuốn tiểu thuyết “The Satanic Verses” (Những vần thơ của quỷ Satan) ra mắt vào năm 1988 đã gây chấn động khi giáo chủ Ayatollah Khomeini của Iran ban hành một fatwa (giáo lệnh) kêu gọi các tín đồ Hồi giáo giết chết ông vì tội báng bổ Nhà Tiên tri Muhammad. Ông phải sang Anh lánh nạn vào năm 2000 rồi định cư ở thành phố New York của Mỹ, tiếp tục viết những tác phẩm về tôn giáo và xã hội. Ông đã kết hôn 4 lần và được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ vào năm 2007.

Tác phẩm
* Grimus (1975), tiểu thuyết
* Midnight’s Children (Những đứa trẻ lúc nửa đêm) (1981), tiểu thuyết
* Shame (Sự ô nhục) (1983), tiểu thuyết
* The Jaguar Smile: A Nicaraguan Journey (Nụ cười của Jaguar: Hành trình Nicaragua) (1987), du kí
* The Satanic verses (Những vần thơ của Quỷ Satan) (1988), tiểu thuyết
* Haroun and the Sea of Stories (1990), truyện thiếu nhi
* Imaginary Homelands: Essays and Criticism, 1981–1991 (1992), tập tiểu luận – phê bình
* East, West (Đông,Tây) (1994), tập truyện ngắn
* The Prophet’s Hair (Sợi tóc của Nhà Tiên tri) (1995), tiểu thuyết
* The Moor’s Last Sigh (Tiếng thở dài của người Moor) (1995), tiểu thuyết
* The Ground Beneath Her Feet (1999), tiểu thuyết
* Fury (Cuồng nộ) (2001), tiểu thuyết
* Step Across This Line: Collected Nonfiction 1992–2002 (2002), tuyển tập ghi chép
* The East is Blue (2004), tiểu luận
* Shalimar the Clown (2005), tiểu thuyết
* The Enchanstress of Florence (2008), tiểu thuyết
* Luka and the Fire of Life (2010), truyện thiếu nhi
* Joseph Anton: A Memoir (Joseph Anton: Hồi ức) (2012), tự truyện
* Two Years Eight Months and Twenty-Eight Nights (Hai năm, tám tháng và hai mươi tám đêm) (2015), tiểu thuyết
* The Golden House (Nhà Golden) (2017), tiểu thuyết.

Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (magic realism) là một phong cách văn chương trong đó những yếu tố thần kỳ hay phi thực xuất hiện trong một câu chuyện hiện thực được kể theo lối truyền thống. Thoạt đầu, thuật ngữ “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” được dùng để chỉ tác phẩm của các nghệ sĩ Đức vào thập niên 1920, về sau được dùng để chỉ sáng tác văn chương của các nhà văn châu Mỹ La tinh đi tiên phong như nhà văn Cuba Alejo Carpentier và nhà thơ Argentina Jorge Luis Borges. Các tác phẩm của nhà văn Colombia Gabriel Garcia Marquez đã đưa chủ nghĩa hiện thực huyền ảo lên đỉnh điểm trong hai thập niên 1960 – 1970, và từ châu Mỹ La tinh, trào lưu văn học này đã lan tỏa khắp thế giới. Trong tiểu thuyết “Midnight’s Children” của Salman Rushdie, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo đã kết hợp với những đề tài về thời hậu thuộc địa của Ấn Độ, mang lại một màu sắc mới cho văn học Anh. Các nhà văn theo chủ nghĩa hiện thực huyền ảo đã mô tả những yếu tố siêu nhiên kỳ lạ, không thể lý giải được xuất hiện bên cạnh những sự kiện trong đời sống thường nhật. Trong “Midnight’s Children”, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của Salman Rushdie đã kết hợp với đề tài Ấn Độ thời hậu thuộc địa, lấy bối cảnh là thành phố Bombay từng có thời được mệnh danh là “Hòn ngọc trên vương miện của Anh”. Ở phần mở đầu của cuốn tiểu thuyết này, nhân vật chính là Saleem Sinai sắp tới ngày sinh nhật thứ 31 và biết rằng mình sắp chết. Salman Rushdie kể câu chuyện cuộc đời Saleem Sinai, cuộc đời của ông bà, cha mẹ anh và thuật lại lời kể của Padma, người bạn của anh, về cuộc đời anh, nhưng câu chuyện của anh cũng là câu chuyện về sự khai sinh của đất nước Ấn Độ thời hiện đại như lời kể của anh: “Tôi sinh vào lúc nửa đêm ngày 15 tháng 8 năm 1947 tại thành phố Bombay, đúng vào lúc Ấn Độ giành được độc lập. Tôi thấy đời mình gắn chặt với lịch sử một cách bí ẩn, định mệnh của tôi không tách rời khỏi vận mệnh của đất nước tôi”.

Cuốn tiểu thuyết “The Satanic verses” (Những vần thơ của quỷ Satan) được trao giải Whitbread Book Award và được đề cử tranh giải Booker vào năm 1988, nhưng năm 1989, giáo chủ Ayatollah Khomeini của Iran đã ban hành một fatwa (giáo lệnh) kêu gọi giết chết Salman Rushdie.

Giải thích “Những vần thơ của quỷ Satan” là gì?

Tương truyền, thiên sứ Gabriel đã đọc lời của Đức Allah cho Nhà Tiên tri Muhammad thuật lại, nhưng bỗng nhiên có một lần ông lại nhắc tới tên 3 vị nữ thần tiền Hồi giáo được cư dân thành Mecca tôn thờ. 2 câu thơ được Muhammad thuật lại đã được chép ở surat 53 của kinh Qur’an: “Há các người đã thấy nữ thần al-Lāt và nữ thần al-‘Uzzá? Và al-Manā, nữ thần thứ ba, hay sao?” (Kinh Qur’an 53: 19-20). Hồi giáo là nhất thần giáo, chỉ tôn thở một Thượng đế duy nhất là Đức Allah nên về sau người ta lý giải rằng khi thiên sứ Gabriel đọc lời của Đức Allah, quỷ Satan đã chen vào để đọc 2 câu thơ: “Há các người đã thấy nữ thần al-Lāt và nữ thần al-‘Uzzá? Và al-Manā, nữ thần thứ ba, hay sao?”

Câu chuyện được kể trong tiểu thuyết “Những vần thơ của quỷ Satan” xoay quanh hai nhân vật chính là hai người Ấn Độ theo Hồi giáo sống tại Anh: Gibreel Farishta là một diễn viên điện ảnh rất thành công mới phát bệnh tâm thần và đang yêu một nữ vận động viên leo núi tên Alleluia Cone; Saladin Chamcha là một diễn viên lồng tiếng đang có mâu thuẫn sâu sắc với cha. Hai người gặp nhau trên một chuyến bay từ Bombay (Mumbai) đến London. Máy bay bị các phần tử khủng bố theo giáo phái Sikh cưỡng đoạt, và trong lúc cãi nhau, chúng vô tình làm nổ một quả bom, máy bay nổ tung và rơi xuống biển Manche giữa Pháp và Anh. Tiểu thuyết mở đầu với cảnh Gibreel Farishta và Saladin Chamcha, hai hành khách còn sống sót, rơi xuống Đại Tây Dương.

Khi rơi xuống, Gibreel thấy mình hoá thành thiên sứ Gabriel và trải qua nhiều giấc mơ. Giấc mơ thứ nhất giống như lịch sử viết lại về sự hình thành của Hồi giáo. Một nhân vật tên Mahound (nguyên mẫu là Nhà Tiên tri Muhammad) muốn sáng lập một tôn giáo độc thần ở thành phố Jahilia theo đa thần giáo. Mahound thấy thiên sứ Gabriel hiện ra khuyên mình tôn thờ 3 vị nữ thần, nhưng sau khi biết Quỷ Satan đã giả dạng thành thiên sứ Gabriel, ông đã quyết liệt chối bỏ tín ngưỡng này. 25 năm sau, các môn đồ của Mahound không còn tin tưởng ở tôn giáo độc thần của ông nhưng cư dân Jahilia lại cải đạo theo tôn giáo của ông. Những cô gái điếm ở Jahilia lấy tên những người vợ của Mahound trước khi nhà chứa bị đóng cửa. Một thời gian sau, Mahound ngã bệnh rồi chết và trước khi nhắm mắt lìa đởi, ông thấy mình hoá thành một trong 3 vị nữ thần.

Saladin hoá thành quỷ dữ khi rơi xuống, thấy mình bỗng nhiên mọc sừng và có đôi chân có móng guốc như loài dê. Khi tới mặt đất, Gibreel và Saladin bò trên bờ biển và Saladin bị bắt giữ vì tội nhập cư bất hợp pháp. Anh được đưa vào bệnh viện và trốn thoát được, khi về đến nhà lại phát hiện vợ anh đang ngoại tình với một trong những người bạn của anh. Nỗi khốn khổ của anh càng tăng lên gấp bội khi anh bị mất việc. Nỗi căm giận Gibreel đã không cứu giúp anh khi bị bắt đã giúp cho Saladin thành người trở lại. Lúc ấy, Gibreel đã tái hợp với Alleluia, nhưng một thiên sứ hiện ra, kêu anh rời xa nàng để đi rao giảng lời của Đức Allah ở London. Khi đến London, anh chẳng may bị đụng phải bởi chiếc xe hơi của một nhà sản xuất phim Ấn Độ muốn thực hiện bộ phim 3 tập với Gibreel trong vai một thiên thần. Sau đó, Gibreel và Saladin gặp lại nhau trong một bữa tiệc; Saladin muốn giết Gibreel. Tuy có nhiều cơ hội để ra tay, Saladin lại không sát hại Gibreel mà lại nói với anh ta rằng Alleluia có nhiều tình nhân. Thoạt đầu, Gibreel tin lời Saladin nhưng đến khi hiểu ra mình đã bị lừa, anh ta tìm cách giết Saladin. Khi đi tìm Saladin để giết, anh ta thấy Saladin bị mắc kẹt trong một ngôi nhà đang cháy, đã ra tay cứu Saladin thoát chết.

Khi hay tin cha đang hấp hối, Saladin trở về Bombay làm lành với ông. Anh được thừa hưởng một tài sản khổng lồ và nối lại quan hệ yêu đương với một cô bạn gái cũ.

Gibreel và Alleluia du lịch tới Bombay và trong một lần ghen tuông, Gibreel đã hạ sát Alleluia rồi tự tử.

Câu chuyện thứ ba là một giấc mơ khác của Gibreel. Ờ làng Titlipur, một thiếu nữ tên Ayesha sống với cha mẹ nuôi là ông Mirza Saeed Akhtar và vợ là bà Mishal. Ayesha kể rằng một thiên sứ tên Gibreel đã hiện ra báo cho nàng biết bà Mishal bị bệnh ung thư vú, nhưng bệnh của bà sẽ khỏi nếu tất cả dân làng Titlipur đi hành hương ở Mecca.

Chuyến hành hương gian nan kéo dài nhiều ngày, nhiều người đã chết và một số người đã đánh mất đức tin. Khi đến trước biển, Ayesha nói rằng biển sẽ rẽ ra để đoàn ngưởi hành hương đi qua nhưng rốt cuộc biển đã không rẽ ra và đoàn người hành hương đã bị chết đuối.

Salman Rushdie có nói rằng “Những vần thơ của quỷ Satan” không có chủ ý nói về Hồi giáo mà là một tác phẩm nói về “sự di cư, sự hoá thân, những bản ngã có nhiều mâu thuẫn, tình yêu, cái chết, các thành phố Bombay và London”.

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: Salman Rushdie, tiểu thuyết “The Satanic verses” và 3 nữ thần được nhắc tới qua “những vần thơ của quỷ Satan” trong kinh Qur’an

Leave A Reply

Your email address will not be published.