Thế giới kỷ niệm 50 năm ngày danh họa Picasso qua đời

TVN

0 2,389

Vào ngày 08/04/1973, Pablo Picasso, một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất của thế kỷ XX từ trần tại thị trấn Mougins, miền nam nước Pháp, cách thành phố Cannes vài cây số. Tại châu Âu cũng như tại Hoa Kỳ, hàng loạt ấn phẩm, hội thảo chuyên đề và khoảng 50 cuộc triển lãm sẽ lần lượt diễn ra từ đây cho tới cuối năm 2023 nhằm kỷ niệm 50 năm ngày giỗ của bậc thầy Tây Ban Nha (1973-2023).

Nửa thế kỷ sau ngày ông qua đời, vầng hào quang của Picasso vẫn tiếp tục tỏa sáng. Tuy trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của danh họa Tây Ban Nha vẫn mang đậm dấu ấn của năng lực sáng tạo phi thường. Pablo Picasso để lại một di sản nghệ thuật phong phú đồ sộ đến mức, giới nghiên cứu phê bình vẫn chưa ngừng tìm cách lý giải. Theo cơ quan quản lý tác quyền Picasso, trung bình mỗi năm, có khoảng 20 cuộc triển lãm chuyên đề trên thế giới. Năm nay, một cách tượng trưng, có tới 50 cuộc triển lãm lớn, chưa kể đến các sự kiện văn hóa trong khuôn khổ chương trình tưởng niệm Picasso.

Chương trình này đã bắt đầu tại Quỹ Mapfre Fundación, ở thủ đô Madrid qua cuộc triển lãm đối chiếu nhãn quan của Pablo Picasso với các tác phẩm điêu khắc của Julio Gonzalez. Theo dự kiến, chương trình sinh hoạt sẽ kéo dài trong vòng một năm, bế mạc vào tháng 04/2024, tại Viện bảo tàng Petit Palais ở Paris với cuộc triển lãm mang chủ đề ”Paris thời chủ nghĩa hiện đại” đặt trọng tâm vào các trào lưu nghệ thuật Tây phương trong giai đoạn những năm 1905-1925.

Picasso nhờ tầm nhìn xa mà tạo ra sức cuốn hút kỳ lạ

Ngay trước khi Thế chiến thứ hai xảy ra, ông Alfred Hamilton Barr, vị giám đốc đầu tiên của Bảo tàng nghệ thuật hiện đại MoMA ở New York đã dành nhiều cuộc triển lãm quan trọng về Picasso. Ông đã có công phổ biến rộng rãi với công chúng Mỹ các tác phẩm của các họa sĩ đến từ châu Âu như Van Gogh, Matisse hay Braque. Ông Alfred Hamilton Barr cũng là tác giả của quyển sách tiểu luận quan trọng trong mắt của giới phê bình nói về Chủ nghĩa lập thể và Hội họa trừu tượng.

Kể từ những năm 1930 trở đi, chòm sao nghệ thuật Picasso tiếp tục ngời sáng, lan rộng thành một vũ trụ khổng lồ và giờ đây trông giống như một dải ngân hà. Theo nhận xét của Olivier Widmaier Picasso, cháu nội của danh họa Pablo Picasso, điều đáng ngạc nhiên là 50 năm sau ngày ông mất, Picasso vẫn luôn là một đề tài ”bí ẩn” chưa giải mã được hết, thu hút sự quan tâm của giới điều hành các viện bảo tàng, các nhà sử học cũng như giới nghiên cứu luôn đi tìm góc độ mới trong lối tiếp cận tác phẩm.

Một trong những lối tiếp cận thời nay, cho thấy tác động của phong trào #MeToo lên nhiều phương diện văn hóa xã hội, chính là xem tác phẩm của Picasso qua lăng kính của nữ quyền. Cơ quan Unesco dành một cuộc hội thảo quốc tế về chủ đề bạo lực và tình dục trong lối sáng tác của Picasso. Còn viện bảo tàng Mỹ thuật ở Lyon đối chiếu các bức tranh của Nicolas Poussin (thế kỷ XVII) với loạt tranh ”túy tửu” bacchanales của Picasso (1955-1960).

Trong khuôn khổ chương trình 50 năm, Viện bảo tàng Quốc gia Picasso ở Paris mời nhà tạo mốt người Anh Paul Smith thiết kế lại toàn bộ màu sắc không gian triển lãm. Sự hợp tác này nhằm mục đích tạo ra một không gian ngoạn mục hoành tráng để lôi kéo giới trẻ vào tham quan viện bảo tàng. Cuộc triển lãm tại bảo tàng Picasso ở Paris từ đây cho đến cuối tháng 08/2023 ít gây tranh cãi hơn so với cuộc triễn lãm vào tháng 06/2023 tại Bảo tàng Brooklyn ở New York, nói lên quan hệ phức tạp của Picasso đối với phụ nữ hay nói cho đúng hơn cách nhìn của Picasso (phản ánh quan niệm khắt khe của xã hội thời trước) về người đàn bà, khi nữ quyền chưa lên ngôi.

Triển lãm đa dạng tại châu Âu và Hoa Kỳ

Tổng cộng, có khoảng 12 cuộc triển lãm lớn tại Pháp, ngoài Bảo tàng về Con người, vào mùa hè còn có Viện bảo tàng Montmartre, bộ tranh sưu tầm của Gertrude Stein tại Bảo tàng Luxembourg. Vào mùa thu, có triển lãm về chủ nghĩa hiện đại tại Petit Palais hầu như cùng lúc với các bức phác họa của Picasso tại Trung tâm văn hóa Pompidou.

Tại vùng Côte d’Azur, nơi danh họa Picasso trải qua những năm tháng cuối đời, nhiều cuộc triển lãm cũng được tổ chức kể từ cuối tháng Tư, Viện bảo tàng Picasso tại Antibes đặt trọng tâm vào tác phẩm ”Minotaure”, thành phố Vallauris dựng triển lãm về đồ gốm từ đầu tháng Năm, thành phố Castres đối chiếu ảnh hưởng của Goya trong tranh của Picasso cuối tháng Sáu và thành phố Avignon giới thiệu các tác phẩm Picasso trong bộ sưu tập Lambert, từ ngày 13/07/2023.

Do là nguyên quán của danh họa Picasso cho nên Tây Ban Nha năm nay cũng dành một chương trình long trọng hầu vinh danh thiên tài yêu qúy nhất của mình. Từ bắc chí nam, Tây Ban Nha thông báo 16 cuộc triển lãm với sự hợp tác của nhiều cơ quan văn hóa quốc tế. Museu Picasso ở thành phố Barcelona trưng bày loạt tranh nổi tiếng “Las Meninas” cũng như nhiều tác phẩm đầu tay mà Picasso đã tặng cho bảo tàng này thời ông còn sống.

Viện bảo tàng Picasso ở Malaga lưu trữ bộ sưu tập của vợ chồng nhà triệu phú Tây Ban Nha Bernard Ruiz-Picasso, cháu nội của Pablo Picasso. Và dĩ nhiên không thể nào bỏ qua Viện bảo tàng quốc gia Prado nơi trưng bày bức tranh khổng lồ Guernica cũng như Bảo tàng của Hoàng hậu Sofía. Cả hai bảo tàng tại Madrid này đều nắm giữ nhiều tác phẩm có giá trị của tài năng tiên phong và có tầm nhìn xa của thế kỷ XX.

Riêng tại Hoa Kỳ, thành phố New York khai mạc ”mùa Picasso” với cuộc triển lãm tại Bảo tàng Guggenheim về những năm tháng đầu đời của danh họa tại Paris (từ 12/05). Bảo tàng Brooklyn nghiên cứu tác phẩm Picasso qau lăng kính nữ quyền (từ 02/06), thành phố Cincinnati chọn chủ đề tranh tĩnh vật và phong cảnh (từ 24/06). Trong khi bảo tàng Metropolitan New York dựng lại các tác phẩm thiết kế cho dự án Hamilton Easter Field (từ 12/09). Tại nhiều nơi khác, cũng có nhiều triển lãm khác kể cả Picasso và chủ nghĩa hiện đại tại Monaco, Bảo tàng Wuppertal của Đức đối chiếu tác phẩm của Picasso với Max Beckmann, trong khi Muzeul de Arta Recenta tại Bucarest quan tâm đến ảnh hưởng của Picasso lên các thế hệ nghệ sĩ trẻ ở Rumani (từ 26/09) …

Tác phẩm Picasso thu về 4,7 tỷ đô la trong 10 năm đấu giá

Đối với giới sưu tầm, Picasso nằm trong số các họa sĩ xuất sắc nhất mọi thời, điều đó giải thích vì sao tác phẩm của ông thường đạt mức kỷ lục nhân các cuộc bán đấu giá. Trong nửa thế kỷ qua, 5 bức họa của ông đã vượt qua ngưỡng 100 triệu đô la, 16 tác phẩm được bán với giá hơn 50 triệu, khoảng 40 tác phẩm ở mức 30 triệu. Về điểm này, chưa có nghệ sĩ nào có nhiều tranh được bán đấu giá với mức cao như vậy.

Bức tranh sơn dầu đắt nhất của Picasso vẫn là ”Les Femmes d’Alger” (Những người phụ nữ Alger / phiên bản O) gợi hứng từ tranh Delacroix. Được vẽ vào năm 1955, tác phẩm này đã được bán với giá 179,4 triệu đô la vào mùa xuân năm 2015 tại phòng đấu giá Christie’s ở New York. Mãi đến gần ba năm sau (cuối năm 2017) kỷ lục này mới bị phá bỏ sau khi tác phẩm ”Salvator Mundi” được cho là của thiên tài thời Phục Hưng người Ý Leonardo da Vinci, được bán đấu giá tới mức 450 triệu đô la.

Trong hai thập niên qua, hai bức tranh khác của Picasso cũng đã lập kỷ lục. ”Garçon à la pipe” (Cậu bé với ống điếu) lên tới 104,2 triệu đô la và tác phẩm ”Nu au plateau de sculpteur” (Khỏa thân trên khay điêu khắc) được bán với giá 106,5 triệu đô la. Theo cơ quan Artprice, khi gộp lại tất cả các cuộc đấu giá, các bức tranh của Picasso đã thu về 4,7 tỷ đô la trong 10 năm qua. Để so sánh, các nghệ sĩ khác thu hút nhiều nhà sưu tầm cũng khó thể sánh bằng Picasso. Toàn bộ tác phẩm pop art đem ra đấu giá của Andy Warhol đạt 3,4 tỷ trong khi tranh ấn tượng Monet đạt 2,6 tỷ.

Nếu như Picasso nổi tiếng trước hết là một họa sĩ, ông còn sáng tác trong nhiều thể loại khác kể cả tác phẩm điêu khắc, gốm sứ, đồ họa, in thạch bản, sách minh họa, mẫu thiết kế, trang phục sân khấu ….. Trong vòng một thập niên, đã có 31.745 phiên đấu giá về Picasso, tức trung bình mỗi năm có hơn 3.000 cuộc bán đấu giá. Thế giới đã có nhiều thay đổi xáo trộn, nhưng ảnh hưởng của danh họa vẫn chưa bị phai mòn. Picasso nhờ có tầm nhìn xa mà tạo ra sức cuốn hút kỳ lạ.

(RFI)

Leave A Reply

Your email address will not be published.