Tim Doling và “Exploring Quảng Nam – Hội An, Mỹ Sơn, Đà Nẵng and Tam Kỳ”

Huỳnh Duy Lộc

0 1,113

Tim Doling sinh ngày 1 tháng 2 năm 1956 tại Bristol (Anh), được đào tạo về chuyên ngành lịch sử Trung cổ, đã khởi đầu sự nghiệp trong lãnh vực văn hóa, điều hành các nhà hát và các trung tâm nghệ thuật ở Coleraine (Bắc Ireland), Horsham (Anh) và Hồng Kông, thực hiện các dự án văn hóa ở châu Á, châu Phi và châu Âu cho tổ chức UNESCO, Hội đồng Anh (British Council) và Visiting Arts. Từ thập niên 1990, anh sống chủ yếu ở Việt Nam, từ năm 1999 tới năm 2004 hợp tác với Bộ Văn hóa & Thông tin của Việt Nam để thực hiện dự án quản lý nghệ thuật ở 3 trường đại học tại Hà Nội do Quỹ Ford tài trợ. Vào thời gian này, anh cũng lập ra các trang web Visiting Arts Cultural Profile, trong đó trang Chân dung văn hóa Việt Nam, Cambodia và Lào rất được khen ngợi.

Tim Doling đã viết nhiều cuốn sách về Việt Nam như: “The railways and tramways of Vietnam” (Những đường sắt xe lửa và đưởng xe điện ở Việt Nam), “Exploring Hué” (Khám phá Huế), “Exploring Ho Chi Minh City” (Khám phá Thành phố Hồ Chí Minh) và các sách hướng dẫn du lịch về miền Tây Bắc và Đông Bắc Việt Nam.

“Exploring Quảng Nam – Hội An, Mỹ Sơn, Đà Nẵng and Tam Kỳ” (Khám phá Quảng Nam – Hội An, Mỹ Sơn, Đà Nẵng và Tam Kỳ) do nhà xuất bản Thế Giới ấn hành năm 2020 đã ra mắt độc giả như một nỗ lực kích cầu trở lại du lịch ở Quảng Nam – Đà Nẵng sau nhiều tháng mọi sinh hoạt văn hóa và du lịch bị đình chỉ vì dịch bệnh Covid-19. Phần mở đầu của cuốn sách hơn 500 trang này lược qua lịch sử của vùng đất Quảng Nam, xưa kia là tiểu quốc Amaravati của người Chiêm Thành, với kinh đô là Trà Kiệu và trung tâm tín ngưỡng ở Mỹ Sơn, một vương quốc phồn thịnh nhờ thương mại hàng hải. Khi xác lập chủ quyền trên vùng đất này vào cuối thế kỷ 16, các chúa Nguyễn đã sớm nhận ra và khai thác được tiềm năng của hải cảng Faifo (HộI An) của người Chiêm Thành trên sông Thu Bồn, có được nguồn thu lớn lao từ việc đánh thuế những tàu thuyền của nước ngoài để chinh phục và khai phá vùng đất phương Nam. Dinh trấn của các chúa Nguyễn ở Thanh Chiêm (ngày nay là Điện Bàn) là kinh đô thứ hai của triều Nguyễn, là nơi hoàng tử kế vị (con trai thứ sáu của Nguyễn Hoàng) tập sự cầm quyền và cũng là nơi các nhà truyền giáo của Dòng Tên sáng chế chữ quốc ngữ. Lúc ban đầu chỉ được coi như một cửa ngõ để vào hải cảng Faifo, đến thế kỷ 19, Đà Nẵng đã trở thành một hải cảng quan trọng vì hai con sông Cổ Cò và Thu Bồn đã bị nghẽn dòng do có quá nhiều bùn lầy. Đến năm 1835, hoàng đế Minh Mạng ra chỉ dụ chỉ cho phép các thuyền buôn của phương Tây cập bến Đà Nẵng và đến năm 1888, thành phố này đã trở thành nhượng địa của Pháp.

Tim Doling cho biết về việc thành lập Dinh Quảng Nam: “Thuế đánh trên các thuyền buôn ghé qua Thuận Quảng rất đáng kể và linh mục Christoforo Borri kể rằng “thuế đánh trên các thuyền buôn của nước ngoài đã mang lại một nguồn lợi rất lớn cho xứ sở”. Nguồn thu rất lớn này cho phép các chúa Nguyễn xây dựng quốc gia mới của mình, mua sắm vũ khí và tiến hành những chiến dịch quân sự ở phía Nam và phía Bắc. Điều cần thiết nhất đối với các chúa Nguyễn là kiểm soát chặt chẽ những người Nhật điều hành cảng Faifo (Hội An) để điều khiển hoạt động của họ, ngăn ngừa nạn trộm cắp, những hành vi gian lận và trốn thuế, giữ gìn luật pháp và trật tự trị an. Trước năm 1602, thủ phủ của các chúa Nguyễn ở tỉnh Quảng Trị ngày nay có bộ máy hành chánh đặt tại phủ Triệu Phong, gồm 6 huyện trải dài từ Cửa Việt (phía Bắc Quảng Trị) cho đến Điện Bàn. Xung quanh thủ phủ này là một vùng rộng lớn gọi là Đạo Thừa tuyên Quảng Nam gồm 3 phủ: phủ Thăng Hoa (Quảng Nam ngày nay), phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi ngày nay) và phủ Hoài Nhân (Bình Định ngày nay) giáp giới với tỉnh Phú Yên ngày nay. Chúa Nguyễn Hoàng dựa vào một nhóm nhỏ quan lại địa phương để kiểm soát Đạo Thừa tuyên Quảng Nam, nhưng một khi những vấn đề nghiêm trọng phát sinh, ông phải mất 3 ngày mới đem quân được từ thủ phủ ở Quảng Trị tới Đạo Thừa tuyên Quảng Nam.

“Đại Nam nhất thống chí” cho biết rằng vào năm 1602, để khắc phục điều bất tiện này, chúa Nguyễn Hoàng đã lập ra một dinh trấn ở Điện Bàn, đặt tên là Dinh Quảng Nam, với một quan trấn thủ và những quan chức thuộc quyền. “Đại Nam Thực Lục” cho biết chi tiết hơn, nói thêm rằng dinh trấn được đặt tại xã Cần Húc (Thanh Chiêm) và chính con trai thứ 6 của chúa Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phúc Nguyên được giao chức trấn thủ: “Nguyễn Hoàng chỉ định con trai thứ 6 của ngài làm trấn thủ. Vùng đất Quảng Nam rất tốt đẹp, dân cư đông đúc, có nhiều sản vật và thuế thu được nhiều hơn Thuận Hóa (tức Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế), nhưng chỉ có phân nửa số binh lính. Chúa hay nghĩ tới vùng đất này. Khi đến đây, đi qua đèo Hải Vân, ngài nhìn thấy một dãy núi cao trải dài nhiều trăm lý (1 lý: 0,5 km) chạy dọc theo bờ biển. Ngài nói: “Vùng đất này là Thuận Quảng. Chúng ta đi qua những ngọn núi, nhìn phong cảnh, xây một đồn binh ở xã Cần Húc (huyện Duy Xuyên ngày nay), một kho lương thực và phái con trai thứ 6 của ta đến làm trấn thủ”.

Dinh Quảng Nam quản lý hoàn toàn về mặt hành chánh toàn bộ Đạo Thừa tuyên Quảng Nam với 3 phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhân. Thế nhưng Thanh Chiêm lại ở Điện Bàn vào thời kỳ lập ra Dinh Quảng Nam, hãy còn là huyện ở cực Nam của phủ Triệu Phong. Vào năm 1604, để giải quyết tình trạng bất thường này về phương diện hành chánh, Nguyễn Hoàng đã tách huyện Điện Bàn ra khỏi phủ Triệu Phong, nâng nó lên thành phủ và gắn kết nó với Dinh Quảng Nam với tính cách là phủ thứ 4…” (Exploring Quảng Nam – Hội An, Mỹ Sơn, Đà Nẵng and Tam Kỳ, Tim Doling, tr. 30, 31, 32)

Tim Doling đã viết về thành phố Đà Nẵng:
“Đà Nẵng được thành lập
Sau cuộc chiến năm 1471 giữa Chămpa và Đại Việt, triều đình của vua Lê Thánh Tông đã tiến hành những bước để tổ chức lãnh thổ chinh phục được ở Thuận Hóa và Quảng Nam, khuyến khích nhiều người Việt từ Nghệ An và Thanh Hóa đến đây định cư. Những lưu dân này lập ra 5 xã đầu tiên – gọi là ngũ xã – bên bờ sông Hàn gồm Hải Châu, Nại Hiên, Thạch Thang, Nam Dương và Phước Ninh, trong đó xã có vị trí quan trọng nhất là Hải Châu, ngôi làng hình thành sớm nhất mà ranh giới ngày nay tương ứng với đường Bạch Đằng, đường Phan Châu Trinh, đường Quang Trung và đường Thái Phiên. Ngũ xã có một ngôi chợ bên bờ sông rất gần với chợ Hàn ngày nay. Về sau, những khu dân cư mới như An Hải và Phước Mỹ hình thành bên tả ngạn của sông Hàn; vùng đất này sẽ là một phần của huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong. Hải Châu trở thành trung tâm của Đà Nẵng và bờ sông đối diện với chợ Hàn trở thành một bến phà lớn. Trong tác phầm “Phủ biên tạp lục” viết vào năm 1776, Lê Quý Đôn đã mô tả chợ Hàn như là một trong 5 ngôi chợ lớn nhất ở Quảng Nam. Đến cuối thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 19, khi Hội An mất dần vị trí quan trọng, các thương nhân người Hoa đã chuyển từ Hội An đến Đà Nẵng hoặc mở chi nhánh cửa hàng tại Đà Nẵng. Sách “Đại Nam nhất thống chí” cho biết hầu hết các thương nhân người Hoa định cư tại chợ Hải Châu của huyện Hoà Vang, thường được gọi là chợ Hàn, và từ đó, chợ Hàn có vị trí ngày càng quan trọng.

Qua thời gian, cư dân Đại Việt đã đặt lại theo tiếng Việt các địa danh của Chămpa đã có từ trước, trong đó có địa danh Đà Nẵng. Các nhà nghiên cứu cho rằng “Đà Nẵng” vốn là từ “Danak” trong tiếng Chăm có nghĩa là “sông rộng”. Dường như từ Đà Nẵng đã được sử dụng rộng rãi vào năm 1533, khi tác phẩm “Ô Châu Cận Lục” của Dương Văn An có nhắc tới một đền thờ ở “biển Đà Nẵng”.

Hàn, tên gọi con sông chảy ngang qua Đà Nẵng, cũng bắt đầu có vào thời kỳ này, và các nhà nghiên cứu cho rằng những lưu dân Đại Việt đầu tiên đặt chân đến Đà Nẵng đã đặt tên con sông này theo tên của cửa biển Tu Tấn Hàn ở quê hương Thanh Hóa của họ. Đến thế kỷ 17, tên Cửa Hàn gần như đồng nhất với tên Đà Nẵng. Người ta cho rằng các nhà hàng hải phương Tây đã gọi Cửa Hàn là Tourane hay Turon, và về sau, người Pháp đã lấy tên này để đặt cho thành phố Đà Nẵng…” (Exploring Quảng Nam – Hội An, Mỹ Sơn, Đà Nẵng and Tam Kỳ, tr. 19, 20)

TP. Đà Nẵng hiện nay

Tim Doling cũng viết về sự vươn lên của cảng thị Hội An: “Vào thời kỳ này, cảng cũ của Chămpa trên sông Thu Bồn cách Đà Nẵng 25 km về phía Đông Nam đã trở thành một trung tâm giao thương thu hút các thương nhân đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Trung Đông. Tuy nhiên tiềm năng thật sự của cảng này với tính cách là một trung tâm giao thương hàng hải chỉ được nhận ra sau năm 1569, khi Quảng Nam được cai quản bởi vị chúa Nguyễn đầu tiên là Nguyễn Hoàng (1525-1613). Sau khi trở về Thanh Hóa để ra mắt vua Lê vào năm 1569, Nguyễn Hoàng được cử làm trấn thủ Quảng Nam thay thế viên quan Nguyễn Bá Quýnh. Vùng đất Thuận Quảng (ngày nay là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế) của Nguyễn Hoàng tương ứng với lãnh thổ trước đây của Vương quốc Chămpa Amavarati. Việc cai quản Quảng Nam có ý nghĩa hệ trọng đối với Nguyễn Hoàng về nhiều mặt, không phải chỉ vì tầm quan trọng của vùng đất này về nông nghiệp: vùng đất Thuận Hóa vừa hẹp, vừa khô cằn, trong khi Quảng Nam là vùng đất màu mỡ hơn. Ngay từ đầu, Nguyễn Hoàng đã tổ chức chính quyền của mình dựa trên lực lượng quân sự, nhanh chóng xây dựng một đạo quân trên bộ và thuỷ quân. Ông vẫn bày tỏ lòng trung thành với chính quyền của chúa Trịnh ở Thăng Long, nhưng sau năm 1600, ông và con trai ông là Nguyễn Phúc Nguyên càng lúc càng xa cách triều đình của vua Lê – chúa Trịnh và tự xưng là những người lãnh đạo “Quảng Nam quốc”. Việc quân sự hóa chính quyền của chúa Nguyễn ở vùng đất được gọi là Đàng Trong từ thập niên 1620 đã tạo điều kiện cho vị chúa Nguyễn thứ hai là Nguyễn Phúc Nguyên cắt đứt mọi liên hệ với chúa Trịnh và bắt đầu một cuộc chiến kéo dài 50 năm với Đàng Ngoài của chúa Trịnh. Chi phí cho cuộc chiến khá cao, nhưng ngay từ buổi ban đầu, Nguyễn Hoàng đã nhận ra rằng ông có thể có một nguồn thu khá lớn từ việc đánh thuế các thuyền buôn đến cảng giao thương trên sông Thu Bồn mà ngày nay được gọi là Hội An, còn trước kia được người nước ngoài gọi là Faifo. Từ năm 1602, cảng của Sa Huỳnh và của người Chăm đã được gọi bằng những cái tên khác nhau, trong đó đáng kể nhất là Faifo và Hội An. Một số nhà nghiên cứu cho rằng tên Faifo có xuất xứ từ Hoài Phố được nhắc tới trong tác phẩm “Ô Châu Cận Lục” của Dương Văn An như là một trong 66 xã của huyện Điện Bàn. Một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng Faifo có xuất xứ từ việc mô tả hai phố của cộng đồng người Hoa và cộng đồng người Nhật vào tiền bán thế kỷ 16…” (Exploring Quảng Nam – Hội An, Mỹ Sơn, Đà Nẵng, tr. 20, 22, 23)

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: Tim Doling, tác phẩm “Exploring Quảng Nam – Hội An, Mỹ Sơn, Đà Nẵng and Tam Kỳ” và thành phố Đà Nẵng

Leave A Reply

Your email address will not be published.