Tỉnh thành xưa ở Việt Nam: Hình ảnh Sài Gòn

Louis Malleret

0 193

Giống như trẻ em và các nghệ sĩ, các nhà sử học có cái thú riêng được vui sướng khi thấy các tranh khắc hoặc hình vẽ ngây ngô do các nhà biên niên hay các du khách thuở xưa minh hoạ cho các câu chuyện của họ. Qua các sách cổ, các nhà sử học thấy lại những hình ảnh tái hiện của quá khứ. Mỗi hình thực sự có một cuộc bí ẩn và sâu kín. Tuy nhiên, giống như những người tạo ra chúng, chúng có sự thêm thắt. Ngược lại, có những bức giữ nguyên được hình ảnh nguyên sơ của sự kiện. Tôi xếp các bức phác thảo lính và lính thuỷ của đạo quân viễn chinh Nam Kỳ vào loại này. Không gì giúp ta hiểu hơn về những năm đầu tiên của Đông Dương thuộc Pháp bằng những bài trong tờ Vòng quanh thế giới (Tour du Monde) hay loạt bài trong Báo ảnh (Illustration). Giống như La Fontaine hỏi mọi người: “Anh đã đọc Baruch chưa?”, tôi xin hỏi các nhà sử học chuyên nghiệp: “Các ông đã xem những nơi đẹp trên thế giới trong Tạp chí Phong cảnh (Magazin Pittoresque) và Thế giới qua hình ảnh (Monde Illustré) chưa?”.

Thành phố Sài gòn như thế nào trong con mắt người châu Âu lần đầu tiên nhìn thấy nó vào năm 1860? Từ một ngôi thành lớn kiểu Vauban do Olivier de Puymanuel, cố vấn của Gia Long, xây dựng năm 1790 và bị vua Minh Mạng phá năm 1835, thành chỉ còn lại những hố đào và lớp luỹ thứ hai ngắn hơn vừa mới bị san bằng. Ra khỏi phố Grandière là bắt đầu đồng ruộng. Theo báo Thư tín Sài gòn (Courrier de Sai gon), phần đất thấp của Sài gòn “chỉ là một cánh động lầy mênh mông nước mỗi khi triều lên” trên đó sinh sống những người dân cần cù “trong những ngôi nhà lá chông chênh ven các con sông”. Đường xá không có và ban đêm chỉ có một vài ngọn đèn dầu soi đường cho khách bộ hành. Một vài con đường nhỏ men theo bờ taluy rồi vượt qua những chiếc cầu gỗ trên vùng đầm lầy đưa chúng ta lên phần đất Cao của thành phố.

Trên sông Thị Nghè và các con rạch, các bến đò rất nhộn nhịp. Giống như mọi điểm dân cư An Nam khác, các khu phố buôn bán thường nằm ven sông. Trung uý hải quân Pallu de la Barière cho biết “hàng ngàn chiếc ghe chen chúc nhau trên bờ sông tạo thành một thành phố nổi”. Ngược lại, quang cảnh thành phố làm đám dân di cư thất vọng. Tác giả trên viết tiếp: “Những người mới tới Sài gòn nhìn thấy trên hữu ngạn những dãy trông như phố xen kẽ với những khoảng trống trơn. Các nhà phần lớn bằng gỗ lợp lá cọ. Một số nhà khác ít hơn xây bằng đá. Những mái ngói đỏ của chúng trong cũng vui vui mắt. Rồi tới những ngôi chùa mái cong, những làn nước đứt đoạn của con kênh và hai con rạch nhỏ dùng làm lối ra vào cho tầu bè, một ngôi nhà kho không vững chắc lắm dùng làm chỗ bán hàng, mái lúc nào cũng như sắp tuột xuống”.

Các bức tranh của tờ Thế giới qua hình ảnh và tờ Báo ảnh (Illustration) cho chúng ta một số hình ảnh trung thành về thành phố Sài gòn. Đó là con đường, sau này chúng ta đặt tên là đường Catinat, trên đó có một ngôi chùa. Các ngôi nhà bằng gỗ trên đường này rất giống với ngôi nhà của hiệu Cà phê Lion (Café Lionnais) nằm trên cùng phố. Một số ngôi nhà bằng đá, đúng hơn là bằng gạch, lợp ngói nằm ở khu Cầu ông Lãnh dọc theo kênh. Các kênh chảy qua các khu vườn xanh tươi. Người ta tìm thấy các con kênh này bên các đường phố trong ảnh của tờ Thế giới qua hình ảnh.

Đối với một người Pháp quen nhìn các đô thị và các công trình theo kiểu châu Âu thì thật là đáng nản khi nhìn thấy Sài gòn lần đầu. Vì thế những họ thấy các hình lưu giữ kỷ niệm của mình như đua nhau nhấn mạnh “sự nghèo nàn và buồn tẻ của một thành phố chẳng có gì đáng yêu”. Tạp chí Hai Thế giới (Revue des des Deux Monde) số ngày 1-5-1861 cho biết “Sài gòn không đáp ứng được danh xưng hoa mỹ là ly sở của tổng đốc Cao Mên (capital de la vice-royauté du Cambodge). Đó chỉ là một khu làng khôn khổ gồm những túp lều rách nát bằng lá cọ. Không một ngôi nhà nào, công cũng như tư, đáng làm du khách chú ý”. Pallu de Barrière mô tả thêm: “Phố xá lầy lội nhà cửa dày đặc. Tất cả khá nghèo nàn. Đó là thành Gia Định mà chúng ta gọi là Sài gòn”.

Ở phần đất cao của thành phố, sau khi vượt qua Trường thi (Cam des Lettrés), nơi kỵ binh và lính thuỷ đánh bộ của chúng ta đang đóng, người ta gặp nhiều lăng mộ và các vườn cây ăn quả ẩn mình trong các ngôi làng toàn nhà lá. Cuộc kê khai số đinh trong khu vực đô thị Sài gòn – Chợ Lớn cho phép chúng ta xác định được một số những ngôi làng này. Đi theo con “đường chiến lược”, ngày nay đã trở thành phố Frère Louis (nay là Trần Hưng Đạo -ND), ta có thể tới được khu buôn bán lâu đời nhất (chỉ Chợ Lớn- ND), trong đó Sài gòn, đúng hơn là Bến Nghé, chỉ là một khu ngoại ô xa xôi.

Là những ông chủ buôn bán lúa gạo, người Tàu thích nghi rất nhanh với sự có mặt của người Pháp.

Các tổ chức của họ rất vững chắc và có lịch sử lâu đời. Sách vở cho biết sự di cư của người Tàu tới Chợ Lớn bắt đầu từ năm 1778 và có lẽ sự kiện người Tàu rời bỏ các trung tâm ở sâu trong nội địa tới Chợ Lớn để chạy trốn cuộc chiến tranh của Tây Sơn là có thực. Nếu chú ý rằng Nam Kỳ xưa kia thuộc Cao Mên và trước khi có Chợ Lớn đã có một thành phố Khơme gọi là Prei Nokor thì ta có thể giả thiết rằng người Tàu đã ở Chợ Lớn từ rất sớm như đã ở khu vực Angkor và nhiều thành phố khác trong nước Cao Mên cổ. Nhìn từ trên máy bay, dấu vết của Prei Nokor là một đường bao với một trường đua ở bên trong. Với các đền chùa của các bang hội Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu của người Minh Hương…, chỉ riêng Chợ Lớn đã có đặc trưng của một thành phố.

Vùng hoang vu phân chia trung tâm, ngày nay đang dần dần biến mất, ngày xưa rộng mênh mông. Hồi đó hai trung tâm chỉ được nối với nhau bằng một con rạch, một con đường thấp và con đường chiến lược chạy qua các làng trồng cây ăn quả và cau và một làng làm nghề đúc ở chỗ hiện nay là khu vực Chợ Quán. Trên con đường đó, khách bộ hành gặp một vài ngôi chùa. Quá Chợ Lớn, trên một gò gọi là gò Cây Mai, nơi ngày xưa có một chiếc tháp Khơme, khách sẽ gặp một ngôi chùa có nhiều cây bao quanh rất được các thi nhân ưa thích. Gần nơi ngày nay là nhà thờ Hồi giáo ở Chợ Lớn là một ngôi chùa có nhiều tháp chuông bị biến thành lô cốt. Trên đường đi về Sài gòn, phía sau bãi sau này xây trường Chasseloup Laubat, người ta thấy chùa Khai Tương. Vua Minh Mạng đã ra đời trong chùa này và pho tượng Phật bằng gỗ mạ vàng của chùa hiện nay nằm tại Bảo tàng Blanchard de la Brosse như một chứng nhân của thời đại.

Dinh Xã Tây

Dân chúng trong hai thành phố như thế nào?

Các số liệu chúng tôi có được rất mâu thuẫn nhau. Năm 1862, đại uý Grammont viết: “Dân số vào năm 1859 cùng lắm người ta chỉ dám cho là 2000 người thì nay được đánh giá khoảng từ 7000 tới 8000 người chưa kể thành phố Tàu”. Phải nói thực là chiến tranh và tương lai mờ mịt trong những ngày đầu chiếm đóng đã làm một phần dân chúng bỏ thành phố ra đi. Niên bạ Nam Kỳ năm 1865 đưa ra con số 50.000 người phân bố trong khoảng 40 làng. Nhưng những làng này đã bị những người bảo vệ Sài gòn phá hủy. Họ muốn để lại những đổ nát cho những người chiếm đóng mới, do đó vào năm 1865 chỉ còn khoảng 12 làng với khoảng 8000 người cộng thêm khoảng 6000 người Tầu sống quanh Sài gòn. Tổng dân số người gốc châu Á trong hai thành phố khoảng 20.000 người. Mọi lượng định chính xác lúc đó hầu như không thể có được, vì thế các con số chỉ được chấp nhận một cách thận trọng. Nhưng nếu nghiên cứu diện tích xây dựng của hai thành phố suy từ bản đồ năm 1862, có thể xem các con số trên khá gần sự thực.

Tuy nhiên, trong hai thành phố, cuộc sống của người dân bản địa không hoàn toàn mất hết ý vị như mô tả của một số nhà biên niên lúc đó. Những người thông dịch đã Tây phương hoá một phần nhưng vẫn chưa mang ô, kính xanh và giày vécni. Trong các phố ở phần cao của thành phố, ta có thể gặp vài ông quan được những người phu quần áo sặc sỡ cầm lọng đi hầu. Ở một chỗ khác, các kỵ sĩ ngồi trên những con ngựa nhỏ yên đỏ cổ đeo lục lạc đi lại trên những con đường nhỏ bé. Lúc này thành phố đã có vẻ của một thành phố quốc tế với đủ loại người nguồn gốc và thể dáng khác nhau. Lúc đó có 200 người Ấn Độ sống lẫn với người An Nam và người Tàu. Bên cạnh ba chủng tộc này, trong các phố xá và chợ, ngoài người Tagan (một dân tộc ở Philipin- ND), còn có các binh lính Tây Ban Nha, kỵ binh Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Phi và thuỷ thủ Pháp trong đạo quân chiếm đóng.

Theo Văn Chương Việt

Leave A Reply

Your email address will not be published.