Cung cấp chiến xa hạng nặng: Tín hiệu mạnh của phương Tây gửi đến cả Kyiv lẫn Moscow

0 170

Sau Challenger 2 của Anh, Ukraina sẽ được cung cấp xe tăng hạng nặng Leopard 2 của Đức, theo thông báo của Berlin ngày 25/01/2023, và rất có thể sẽ được giao loại Abrams của Mỹ, thậm chí Leclerc của Pháp. Đây là loại vũ khí hiện đại mà Kyiv đã khẩn thiết yêu cầu từ nhiều tháng nay, nhưng đã vấp phải thái độ dè dặt của các đồng minh Âu Mỹ. Quyết định chi viện chiến xa hạng nặng cho Ukraina, dù miễn cưỡng, nhưng mang ý nghĩa chiến lược rất lớn cho cả Kyiv lẫn Phương Tây.

Trong bài phân tích “Tại sao chiến xa mới của phương Tây lại có giá trị chiến lược đối với Kyiv”, kênh truyền hình Pháp France Télévisions ngày 24/01/2023 đã nêu bật nhận định của nhiều chuyên gia, theo đó việc chuyển giao xe tăng hạng nặng cho Ukraina có thể đánh dấu một bước ngoặt trên chiến trường, cũng như cuộc khủng hoảng giữa Nga và Phương Tây.

Kyiv muốn có đến 300 chiến xa hiện đại

Phải nói là trong thời gian gần đây, Ukraina gần như là ngày nào cũng kêu gọi các đồng minh phương Tây khẩn cấp chi viện xe tăng hạng nặng cho mình, với một khối lượng lớn. Theo nhật báo Mỹ New York Times ngày 21/01, tướng Valeri Zalouzhny, tổng tư lệnh lực lượng võ trang Ukraina đã nói đến ít nhất 300 chiếc.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky là một trong những người luôn luôn nêu bật nhu cầu cấp thiết của nước ông. Nhân cuộc họp tại Ramstein (Đức) ngày 20/01 vừa qua của các nước chi viện cho Ukraina, trước thái độ dè dặt của nhiều đồng minh, ông Zelensky đã không ngần ngại phê phán: “Trăm lời cám ơn không bằng trăm chiếc xe tăng”

Thay thế đội xe tăng cũ kỹ và thiếu hiệu quả

Đối với giới quan sát, lý do đầu tiên thúc đẩy Ukraina khẩn cấp kêu gọi phương Tây chi viện chiến xa hạng nặng cho mình, đó là vì Kyiv cần thay thế những chiếc xe tăng cũ (hoặc đã bị phá hủy).

Lực lượng xe tăng hiện nay của Ukraina chủ yếu là loại đã có từ thời Liên Xô, chẳng hạn như loại T-72, có từ những năm 1970 và được cho là bán chạy nhất trên toàn thế giới. Cho đến nay, các đồng minh châu Âu của Kiev chỉ cung cấp cho nước này các loại thiết bị quân sự thời Liên Xô, vì một lý do đơn giản: Quân Đội Ukraina đã được huấn luyện để sử dụng các loại vũ khí này. Ba Lan và Cộng Hòa Séc chẳng hạn, đã thanh lý toàn bộ kho dự trữ cũ kỹ của họ và cung cấp khoảng 200 xe tăng T-72S (mới hơn một chút) cho nước láng giềng.

Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc tấn công, Ukraina đã bị mất hàng trăm chiến xa. Theo tạp chí Forbes của Mỹ, đã có hơn 330 chiếc xe tăng Ukraina bị phá hủy tính đến cuối tháng 10 – một con số rất khó xác minh độc lập. Theo các chuyên gia phân tích, Kyiv hiện vẫn còn vài nghìn chiếc xe tăng (đặc biệt là loại đã được sửa chữa lại sau trận chiến), nhưng đều thuộc diện cũ kỹ với hiệu năng tầm thường.

Chính vì lý do đó mà Ukraina đã khẩn thiết kêu gọi đồng minh Phương Tây cung cấp cho mình loại chiến xa tối tân hơn, có hỏa lực mạnh và chính xác hơn và ít tiêu tốn nhiên liệu hơn..

Trả lời phóng viên đài truyền hình Pháp France 2, một quân nhân Ukraina xác định: “Xe tăng Abraham của Mỹ hay Leopard của Đức có thiết bị tiên tiến nhưng quan trọng hơn cả là chúng có lớp giáp chắn tốt và hiệu quả hơn… Điều quan trọng đối với tôi là sống sót”.

Vấn đề đặt ra theo Stéphane Audrand, một nhà tư vấn chuyên về vũ khí, là không giống như loại T-72 của Liên Xô, xe tăng phương Tây yêu cầu người sử dụng phải được “đào tạo từ 4 đến 6 tháng”. Ngoài ra, xe tăng Anh, Pháp, Đức và Mỹ, mỗi loại sử dụng một loại công nghệ khác nhau, sự pha trộn giữa thể loại này đặt ra vấn đề kỹ thuật và hậu cần to lớn để bảo trì những phương tiện này.

Thay đổi chiến lược: Sẵn sàng tấn công thay vì chỉ phòng thủ

Một lý do thứ hai thúc đẩy Kiev yêu cầu được nhanh chóng cung cấp xe tăng phương Tây là thay đổi chiến lược từ phía Ukraina, muốn đánh phủ đầu để chặn trước một cuộc tấn công của Nga vào mùa xuân tới đây.

Theo thẩm định của tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, chiến tranh Ukraina rất có thể là sẽ bước qua một giai đoạn mới với mùa xuân sắp đến, thậm chí là “giai đoạn quyết định của cuộc chiến”. Trên đài phát thanh Pháp Franceinfo, Ulrich Bounat, nhà phân tích về quan hệ quốc tế lưu ý: “Cho đến lúc này hai bên tham chiến vẫn ở trong thế giằng co, không bên nào chiếm được ưu thế, vì thế Ukraina phải giành lại thế chủ động”.

Theo chuyên gia Bounat, rong tình hình Nga đang chuẩn bị tấn công, và để giúp Ukraina kháng lại và phản công, Phương Tây cần phải cung cấp vũ khí cho Ukraina.

Đối với đài truyền hình Mỹ CNN, Kiev phải hành động nhanh chóng, bởi vì vào mùa xuân sắp tới, “150.000 người Nga nhập ngũ vào mùa thu năm ngoái sẽ xong huấn luyện và có thể được tung vào các đơn vị tác chiến”.

Mục tiêu của quân đội Ukraina không chỉ đơn thuần là đáp trả các cuộc tấn công của Nga. Với chiến xa hạng nặng của phương Tây, Kiev có thể khởi động một chiến lược có tính chất tấn công hơn, chọc thủng chiến tuyến mà Quân Đội Nga đang cố gắng củng cố tại Ukraina.

Theo ông Colin Kahl, nhân vật số ba của Lầu Năm Góc Hoa Kỳ, mục tiêu của Mỹ rất rõ ràng: Cung cấp cho Kiev hỏa lực và khả năng cơ động thông qua việc sử dụng các lực lượng cơ giới”.

Tín hiệu mạnh gửi đến cả Kyiv lẫn Moscow

Quyết định cung cấp chiến xa Phương Tây còn mang một ý nghĩa chiến lược to lớn khác: Cho thấy quyết tâm tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ Ukraina trong cuộc chiến chống Nga vào lúc Moscow đang đặt cược trên tâm lý mệt mỏi và chia rẽ tại Phương Tây trên vấn đề giúp Kiev.

Đèn xanh cho việc gửi xe tăng hạng nặng tới Ukraina là một quyết định mang tính biểu tượng, cho thấy các nước phương Tây vẫn đoàn kết trong việc giúp đỡ Kyiv.

Mặt khác, việc gởi chiến xa hạng nặng theo tiêu chuẩn NATO, đã phá bỏ một cấm kỵ đối với một số quốc gia phương Tây khi cuộc xung đột bắt đầu. Theo Ulrich Bounat, đường hướng này đang thay đổi: “Phương Tây như đang đặt ‘niềm tin’ vào khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraina. Ngay cả khi Điện Kremlin chọn leo thang, Phương Tây vẫn sẽ ở đó để hỗ trợ Kyiv.”

Đây cũng là một tín hiệu mạnh gởi đến Moscow, cảnh cáo rằng Phương Tây sẵn sàng có những động thái quyết đinh để giúp Ukraina, bất chấp những đe dọa đến từ Nga về nguy cơ chiến tranh lan rộng.

Theo RFI

Leave A Reply

Your email address will not be published.