Đài Loan: bạn bè đang bắt đầu mâu thuẫn với nhau vì Trung Quốc

Long Ứng Đài *

0 214

Một người bạn của tôi ở Đài Bắc gần đây đã viết một bài đăng đầy nhiệt huyết trên Facebook, kêu gọi những người trẻ tuổi ở Đài Loan hãy chuẩn bị cho cuộc chiến với Trung Quốc. Ông lập luận rằng cách duy nhất để đáp trả việc Trung Quốc đe dọa chiếm đảo là dùng vũ lực; mọi đáp án khác đều là ảo tưởng. Dù đã ngoài 60 tuổi, ông thề sẽ cầm vũ khí nếu cần thiết.

Tình cảm này đã trở nên phổ biến đến đáng lo ngại ở Đài Loan. Tôi đã nhắn tin riêng cho người bạn để nói rằng vũ lực chỉ nên là một phần trong chiến lược của Đài Loan, rằng các chính trị gia và các nhân vật công chúng khác nên thể hiện lòng dũng cảm thực sự bằng cách tiếp cận Trung Quốc để xuống thang. Khi một kẻ bắt nạt mạnh hơn đe dọa bạn, điều trước tiên nên làm không phải là cố gắng xoa dịu tình hình hay sao?

“Đừng đầu hàng,” anh bạn đáp trả.

Cuộc trò chuyện này, một cuộc trò chuyện khiến bạn bè chống lại nhau, tượng trưng cho những thiệt hại mà Trung Quốc đã gây ra cho Đài Loan mà chẳng cần đến một phát súng.

Mối đe dọa bị Trung Quốc xâm lược, và cách để đương đầu với nó, đang gây chia rẽ trong xã hội Đài Loan. Việc cáo buộc ai đó là kẻ phản bội “theo đuôi Cộng sản,” hoặc ngược lại là kẻ thổi bùng căng thẳng bằng cách trở nên “bài Trung,” đã trở thành thông lệ. Nỗi sợ xung đột với Trung Quốc đang hủy hoại lòng khoan dung, sự văn minh, và niềm tin vào xã hội dân chủ mà chúng tôi đã dày công xây dựng. Tháng trước, khi 37 học giả và cựu học giả Đài Loan gửi một bức thư ngỏ kêu gọi Đài Bắc tự vạch ra một con đường trung dung giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời chỉ trích “chủ nghĩa quân phiệt” của Mỹ, họ đã bị chỉ trích là ngây thơ và yếu đuối trước Trung Quốc. Sự chia rẽ và mất lòng tin này đang tạo lợi thế cho Trung Quốc.

Khả năng nổ ra chiến tranh với Trung Quốc đã xuất hiện trong hầu hết các cuộc trò chuyện trên bàn ăn ở Đài Loan.

Trong một buổi họp mặt gần đây, tôi và bạn bè đã thảo luận về việc liệu Trung Quốc có không kích Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company, TSMC), nhà sản xuất chip máy tính tiên tiến lớn nhất thế giới, để phá hủy một trong những tài sản kinh tế lớn nhất của hòn đảo hay không. Hay Mỹ sẽ thả bom để ngăn TSMC rơi vào tay Trung Quốc? Liệu các nhà máy điện hạt nhân của Đài Loan có bị cho nổ tung theo một chính sách tiêu thổ nhằm biến hòn đảo thành một vùng đất nhiễm phóng xạ, vô dụng đối với Trung Quốc?

Trong một bữa trưa có sự tham gia của các quan chức quân sự và các chiến lược gia, một cựu quan chức quốc phòng cấp cao đã nghỉ hưu nói rằng Trung Quốc có thể đơn giản là phong tỏa Đài Loan, hòn đảo với nguồn cung khí đốt tự nhiên chỉ đủ dùng trong 8 ngày; cắt đứt cáp viễn thông dưới biển; hoặc bóp nghẹt Đài Loan về mặt kinh tế bằng cách chấm dứt trao đổi thương mại. (Khoảng 40% xuất khẩu của Đài Loan hiện sang Trung Quốc hoặc Hong Kong.) Theo ông, Trung Quốc có thể chiếm hòn đảo mà không cần dùng đến hành động quân sự.

Không điều nào trong số này là hoàn toàn mới đối với người dân Đài Loan. Chúng tôi đã sống dưới cái bóng của Trung Quốc hơn 70 năm, và điều đó định hình việc chúng tôi là ai.

Khi tôi còn là một nữ sinh hồi thập niên 1950, những lời cảnh báo như “gián điệp Cộng sản ở xung quanh bạn” được dán đầy trên các bức tường lớp học, và lời xúc phạm tồi tệ nhất là buộc tội ai đó đang lập mưu cùng “bọn cướp Cộng sản” – biệt danh mà người Đài Loan đã dùng suốt hàng chục năm qua để chỉ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Dù chúng tôi sống ở đảo, nhưng nhiều người trong thế hệ của tôi chưa bao giờ học bơi, vì khi còn nhỏ, chúng tôi rất sợ ra biển. Sau khi chính phủ Quốc Dân Đảng thua trong cuộc nội chiến với phe Cộng sản của Mao và chạy sang Đài Loan vào năm 1949, người ta lo ngại xảy ra một cuộc xâm lược và đã ban bố tình trạng thiết quân luật. Binh lính thường tuần tra trên các bãi biển, trên tay là súng trường với lưỡi lê sáng loáng, và các đảo gần bờ biển Trung Quốc bị cài mìn dày đặc. Chúng tôi đã được cảnh báo rằng người nhái của Cộng sản có thể bơi vào bờ với khuôn mặt phủ sơn ngụy trang và miệng ngậm chặt những lưỡi dao.

Chúng tôi tự hào về nền dân chủ sôi động và về thành công kinh tế mà chúng tôi đã đạt được bất chấp những điều kiện này. Chúng tôi đã chứng minh rằng nền dân chủ có thể tương thích với văn hóa Trung Quốc. Sự pha trộn giữa lo lắng, tự hào, và kiên trì là bản chất tính cách người Đài Loan, nhưng nó thường bị thế giới bỏ qua do xu hướng xem Đài Loan là con tốt thí trong cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhưng chúng tôi cũng là con người bằng xương bằng thịt.

Tính cách của chúng tôi có lẽ được minh họa rõ nhất khi tránh xa những ồn ào chính trị của Đài Bắc, và đến với những vùng nông thôn và làng chài nơi người ta thích cười, thường tặng nhau những món quà nông sản hào phóng, hoặc ngẫu hứng mời nhau dùng bữa tối. Ngay cả ở những nơi này, ý kiến về Trung Quốc cũng khác nhau, nhưng có một mẫu số chung là chủ nghĩa thực dụng thực tế, mà tôi hy vọng, vì lợi ích của tất cả chúng ta, nó sẽ thắng thế về lâu dài. Không phải người dân bình thường tin rằng chống lại Trung Quốc là vô ích, nhưng Đài Loan sẽ luôn nằm trong tầm ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc, và chủ nghĩa thực dụng, thậm chí là hòa thuận với Trung Quốc, có lẽ tốt hơn là gây chiến với họ.

Một người bạn của tôi, một nông dân có làn da rám nắng, chuyên trồng roi (mận), thường thức dậy vào lúc tờ mờ sáng trước bình minh, bật đèn pha và cẩn thận kiểm tra vườn cây ăn quả của mình để tìm sâu bệnh. Ông sẽ không nói điều này một cách công khai vì sợ bị xem là bắt tay với cộng sản, nhưng ông ủng hộ việc thống nhất với Trung Quốc, đơn giản vì đó là vùng đất của tổ tiên mình. Ông tin rằng những người có cùng di sản, văn hóa, và lịch sử nên là một quốc gia. Ông muốn một Trung Quốc hùng mạnh, thịnh vượng, vững vàng trên trường thế giới, với Đài Loan là một phần trong đó. Nhưng, như một hiện thân của những cảm xúc lẫn lộn ở Đài Loan, ông vẫn sẽ chiến đấu nếu chiến tranh nổ ra, vì quê hương, gia đình, và làng mạc của mình.

Phan Chí Dân, một nông dân khác mà tôi biết, trồng cây táo Ấn Độ tại vườn cây ăn quả của mình ở miền nam Đài Loan. Trung Quốc là thị trường lớn của ông. Chính phủ Quốc Dân Đảng thân thiện hơn với Trung Quốc, mà tôi từng phục vụ, đã ký một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vào năm 2010, cho phép trái cây của ông được chuyển đến các siêu thị Trung Quốc chỉ trong vòng vài ngày. Nhưng sau khi Đảng Dân Tiến ủng hộ độc lập giành được ghế tổng thống vào năm 2016, Trung Quốc đã thắt chặt tiếp cận thị trường nước này bằng một loạt lệnh cấm. Phan buộc phải quay sang Nhật Bản, thị trường đòi hỏi một hành trình tốn kém kéo dài tận ba tuần mới đến nơi. Những trái táo ngọt ngào, mọng nước thường sẽ trở nên vô vị khi đến bàn ăn của người Nhật.

Phan nhắc đến câu chuyện của Tokugawa Ieyasu, một nhà cai trị quân sự quan trọng của Nhật Bản vào thế kỷ 17, người gắn liền với sự kiên nhẫn và bền bỉ, những đức tính mà ông cảm thấy Đài Loan phải vận dụng khi đối mặt với Trung Quốc.

“Lúc máy bay chiến đấu bay trên đầu, bà biết nông dân chúng tôi làm gì không?” ông hỏi. “Chúng tôi cúi xuống và tiếp tục xới đất.”

Trên bờ biển phía đông hiểm trở nhưng xinh đẹp của Đài Loan, nơi tôi có một ngôi nhà, sóng biển Thái Bình Dương vỗ vào bờ đá, cây trái chín mọng dưới ánh mặt trời, và nhịp sống gần như không đổi suốt hàng thập niên.

Và tại đó, Trung Quốc cũng luôn ở trong tâm trí của mọi người. Vào tháng 8 năm ngoái, khi Trung Quốc tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Đài Loan, để bày tỏ sự tức giận trước chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ, Nancy Pelosi, tôi đứng trong nhà quan sát, trong lúc các máy bay chiến đấu của Đài Loan gầm rú ngoài khơi, khiến đám chó trong làng phải trốn dưới bụi rậm. Người hàng xóm Ngô Phương Phương đã nhắn tin cho tôi. Bà gợi ý rằng mỗi gia đình nên trồng một loại rau khác nhau để mọi người có thể trao đổi với nhau nếu các cuộc tập trận quân sự chuyển thành một cuộc chiến làm gián đoạn nguồn cung thực phẩm.

Bà hỏi: Thế còn máy phát điện thì sao?

Những bữa tiệc lớn nhất trong khu phố được tổ chức tại nhà của Trần Chí Hòa, một ngư dân có thói quen mời bạn bè đến chơi mỗi khi bắt được mẻ cá ngon. Năm 13 tuổi, Trần đã học cách câu cá kiếm – bằng phương pháp truyền thống sử dụng lao móc – từ cha mình, người đã học nó từ một ngư dân Nhật Bản, người đã chọn ở lại hòn đảo sau khi Đài Loan chấm dứt nửa thế kỷ là thuộc địa của Nhật vào năm 1945. Với khả năng giữ thăng bằng đáng kinh ngạc, sự khéo léo và khả năng nhắm mục tiêu, Trần, người nay đã ngoài 50 tuổi, ra đứng ở mũi thuyền khi nó nhấp nhô lên xuống và phóng lao vào con cá dài 1,8 mét đang vùng vẫy.

Nếu chiến tranh nổ ra, Trần nói trong bữa tối mà ông tổ chức gần đây, ông sẽ đi thuyền đến đảo Okinawa của Nhật Bản, cách đó khoảng 500 dặm. “Có ai cần đi nhờ không?” ông đùa. Có người hỏi chi phí xin giấy tờ cư trú ở Nhật Bản là bao nhiêu. Người khác lại nói rằng sẽ rất chán nếu cứ ăn sashimi mỗi ngày. Tất cả chúng tôi đều cười.

Nhưng Trần nói với tôi rằng nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, ông ấy sẽ kháng cự, “giống như người Ukraine đã làm,” không phải vì ông có ác ý với Trung Quốc – dù hành vi hung hăng của Bắc Kinh khiến ông tức giận – mà bởi những người kiếm kế sinh nhai từ biển khơi đã quen với nguy hiểm; họ chiến đấu để tồn tại.

Tôi hỏi liệu con trai ông có dám cầm vũ khí không.

Ông thở dài. Ông nói, nhiều cư dân Đài Loan trẻ tuổi – mải mê với điện thoại di động, giao lưu xã hội, và các hoạt động giải trí khác – dường như không hay biết gì về mối nguy hiểm này. Tuy nhiên, ông sẽ không đánh giá ai đó chỉ vì họ không muốn chiến đấu hay có quan điểm khác biệt.

Đài Loan đang chuẩn bị tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống quan trọng vào tháng 1 năm sau, và câu hỏi liệu nên đối đầu với Trung Quốc hay theo đuổi hòa giải sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả chúng tôi trong những tháng tới. Nếu Quốc Dân Đảng chiến thắng, căng thẳng với Trung Quốc có thể sẽ giảm bớt; nếu Đảng Dân Tiến giữ được quyền lực, chẳng ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra.

Trần nói dù sao thì điều đó cũng không phải vấn đề: Mỹ và Trung Quốc sẽ quyết định số phận của chúng tôi.

“Anh sẽ đổ lỗi cho ai nếu chiến tranh nổ ra?” tôi hỏi.

“Kẻ nào nổ phát súng đầu tiên.”

  • Long Ứng Đài là một nhà văn, nhà tiểu luận, và nhà phê bình văn hóa ở Đài Loan. Bà là Bộ trưởng Văn hóa đầu tiên của Đài Loan, nhiệm kỳ từ năm 2012 đến năm 2014. Các cuốn sách của bà bao gồm “Đại Hà, Đại Hải – Chuyện Chưa Kể Năm 1949.”

Nguồn: https://nghiencuuquocte.org/2023/04/27/tai-dai-loan-ban-be-dang-bat-dau-mau-thuan-voi-nhau-vi-trung-quoc/#more-50859

Leave A Reply

Your email address will not be published.