Guido Crosetto: tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường là quyết định “bốc đồng và cực kỳ tồi tệ”

0 644

Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crosetto cho biết việc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) không giúp Italia thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trả lời báo Corriere della Sera ngày 30/7, Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crosetto cho rằng tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc cách đây 4 năm là một quyết định “thiếu chuẩn bị và sai lầm”.

“Nó không làm được gì nhiều để thúc đẩy xuất khẩu của Italia sang Trung Quốc, trong khi lại giúp tăng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Italia”, ông Crosetto nhận định.

Chính phủ tiền nhiệm của Ý đã ký kết tham gia ​​Vành đai và Con đường, trở thành quốc gia lớn duy nhất của phương Tây thực hiện sáng kiến ​​này. Chính phủ của bà Meloni hiện tại đang xem xét làm thế nào để thoát khỏi thỏa thuận này.

Sáng kiến “​Vành đai và Con đường, một kế hoạch do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng, các nhà phê bình cho rằng đây là công cụ để ĐCSTQ mở rộng ảnh hưởng địa chính trị và kinh tế.

Bản ghi nhớ về hợp tác Vành đai và Con đường hiện có giữa Ý và Trung Quốc (ĐCSTQ) quy định rằng thỏa thuận sẽ tự động được gia hạn sau 5 năm, nếu một bên có ý định không gia hạn thì cần thông báo trước cho bên kia. Do đó, một khi Ý quyết định không gia hạn thỏa thuận, họ sẽ cần triển khai đàm phán với Trung Quốc.

Sau khi gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng hôm thứ Năm, bà Meloni cho biết Chính phủ Ý cần đưa ra quyết định về việc tham gia Vành đai và Con đường trước tháng 12, đồng thời nói rằng bà sẽ sớm tới Bắc Kinh.

Kể từ khi bà Meloni lên nắm quyền, Chính phủ Ý đã bắt đầu đánh giá việc rút khỏi Vành đai và Con đường. Vì Ý là quốc gia duy nhất trong số các nước G7 tham gia Vành đai và Con đường, cho nên việc này từng được ĐCSTQ coi là cái gọi là bước đột phá lớn về ngoại giao. Do đó, sau khi có thông tin Ý đang có kế hoạch rút khỏi sáng kiến này, Bắc Kinh đã tích cực “chữa cháy”, với ý đồ khiến cho Chính phủ Ý thay đổi ý định này.

Vào tháng 5 năm nay, ông Vương Lỗ Đồng (Wang Lutong), Vụ trưởng Vụ Châu Âu của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, đã đến thăm Ý để đàm phán về việc tiếp tục ký kết thỏa thuận Vành đai và Con đường; vào cuối tháng 6, ông Lưu Kiến Siêu (Liu Jianchao), Bộ trưởng Bộ Liên lạc đối ngoại Trung ương ĐCSTQ, cũng dẫn đầu một phái đoàn khởi động một loạt hoạt động vận động hành lang, gặp gỡ các chính trị gia và doanh nhân Ý, đồng thời bày tỏ phản đối cách làm “tách rời và cắt đứt liên kết”.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Mao Ninh cho biết: “Việc cùng xây dựng Vành đai và Con đường đã tạo dựng một nền tảng mới cho sự hợp tác thiết thực giữa Trung Quốc và Ý, đồng thời đã tạo ra một loạt thành quả đôi bên cùng có lợi. Khai thác hơn nữa tiềm năng hợp tác của việc cùng xây dựng Vành đai và Con đường là phù hợp với lợi ích của cả hai bên.”

Theo tờ Washington Examiner đưa tin, Thời báo Hoàn Cầu của ĐCSTQ lo lắng Thủ tướng Meloni có thể sử dụng chuyến thăm Nhà Trắng của mình lấy việc hy sinh Sáng kiến ​​​​Vành đai và Con đường để tăng cường quan hệ với Mỹ. Đây là tin xấu cho Trung Quốc.

Washington Examiner nói rằng Thời báo Hoàn cầu hy vọng rằng Thủ tướng Meloni sẽ hiểu rằng nếu Ý rút khỏi Vành đai và Con đường thì sẽ dẫn đến sự trả đũa từ Trung Quốc, Ý nên xem xét tác động tiêu cực có thể xảy ra.

Tờ Bloomberg nói rằng Mỹ đã tích cực gây áp lực buộc Rome phải có quan điểm công khai về vấn đề Vành đai và Con đường và rút khỏi thỏa thuận. Giống như các quốc gia châu Âu khác, Ý đã bị mắc kẹt giữa căng thẳng ngày càng tăng giữa Washington và Bắc Kinh. Và căng thẳng này đã trở nên trầm trọng hơn khi Bắc Kinh tiếp tục ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Thủ tướng Ý Meloni cho biết trong một cuộc phỏng vấn với chương trình tin tức TG5 của Ý vào thứ Bảy (29/7) rằng ngay cả khi Ý là một phần của Vành đai và Con đường, thì Ý cũng không phải là nước G7 có quan hệ thương mại chặt chẽ nhất với Trung Quốc, đây là “nghịch lý”.

Tờ Financial Times của Anh đã phân tích rằng Chính phủ của bà Meloni hy vọng sẽ tìm ra cách thoát khỏi Vành đai và Con đường mà không bị ĐCSTQ trả đũa. Trong một cuộc phỏng vấn với TG5, bà nói: “Ngay cả ở ngoài Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, thì vẫn có thể có mối quan hệ tốt và mối quan hệ đối tác thương mại tốt (với Trung Quốc)”.

Các nước châu Âu đang cố gắng tìm được sự cân bằng, một mặt hy vọng tiếp xúc với Trung Quốc trong thương mại và đầu tư, một mặt khác lại chống lại hành vi uy hiếp kinh tế của Trung Quốc.

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.