Hoàng Nguyên và “Tà áo tím”

Huỳnh Duy Lộc

0 1,107

Hoàng Nguyên tên thật là Cao Cự Phúc, sinh ngày 3 tháng 1 năm 1930 tại Diễn Bình, Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông theo ông nội vào học ở Vinh và tham gia đoàn tuyên truyền kháng chiến Liên khu IV khi mới 16 tuổi, rồi theo cha vào Quảng Trị. Ông làm lại giấy khai sinh, ghi sinh ngày 3.1.1932 rồi vào học ở Trường Quốc học Huế, bị bắt rồi khi được trả tự do đã lên Đà Lạt dạy học tại Trường tư thục Tuệ Quang thuộc chùa Linh Quang do Thượng tọa Thích Thiện Tấn làm hiệu trưởng. Ông dạy Việt văn lớp đệ lục và thời gian này có dạy nhạc cho chàng trai sau này sẽ nổi tiếng với những nhạc phẩm ký tên Nguyễn Ánh 9.

Năm 1956, trong một đợt lùng bắt những người có hoạt động chống chính quyền ở Đà Lạt, Hoàng Nguyên bị bắt vì là thành phần Việt Minh cũ và bị đày ra Côn Đảo. Sau một mối tình trắc trở với con gái của chúa đảo, ông được trả tự do, trở về Sài gòn. Ông tiếp tục sáng tác và dạy học ở Trường tư thục Quốc Anh.

Năm 1961, ông theo học ban Anh văn tại Đại học Sư phạm Sài gòn. Trong thời gian theo học đại học, ông có quen biết với ông Phạm Ngọc Thìn, thị trưởng thành phố Phan Thiết. Bà Phạm Ngọc Thìn là nữ diễn viên Huỳnh Khanh, mến mộ tài năng của Hoàng Nguyên đã nhận ông làm em nuôi. Hoàng Nguyên dạy kèm cho Ngọc Thuận, con gái ông bà Phạm Ngọc Thìn. Hai người yêu nhau và Hoàng Nguyên trở thành con rể ông bà Phạm Ngọc Thìn, nhưng cuộc hôn nhân cũng chóng tan vỡ. Năm 1965, ông bị động viên vào Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, sau khi ra trường chuyển về Cục Quân cụ dưới quyền của Đại tá – nhạc sĩ Anh Việt và được giao phụ trách ban nhạc Hương Thời Gian. Ngày 21 tháng 8 năm 1973, ông mất trong một tai nạn xe hơi khi từ Vũng Tàu trở về Sài gòn.

Nguyễn Ánh 9 đã kể về những kỷ niệm với Hoàng Nguyên:

“Anh Hoàng Nguyên – Cao Cự Phúc của tôi. Tôi gặp anh lần đầu tiên cách nay hơn 40 năm, khi đang học Trường Yersin ở Đà Lạt, thành phố thơ mộng sau này đã đi vào các tác phẩm vượt thời gian của anh. Dạo đó, biết tôi là một chú học trò mê âm nhạc có chút năng khiếu, Hoàng Nguyên đã để tâm chăm sóc. Chủ nhật hàng tuần, anh vào trường nội trú đón tôi ra nhà anh chơi và ân cần truyền đạt cho tôi những kiến thức ban đầu về âm nhạc. Nhà anh ở thật ra chỉ là một căn phòng đơn sơ, trong khuôn viên Trường Bồ Đề, Đà Lạt, nơi anh đang dạy Anh văn cho các lớp trung học. Một chiếc giường đơn, một bàn viết bằng gỗ thông và một cây đàn guitar treo trên vách. Thời gian đó, Hoàng Nguyên còn phụ trách các buổi phát thanh của Hội Phật giáo trên làn sóng Đà Lạt. Một hôm, tôi rất bất ngờ và hạnh phúc được anh mời tham gia ban nhạc phát thanh của anh. Đó là lần đầu tiên tôi bước vào nghề ca nhạc, năm 1956.

Năm đó, Hoàng Nguyên đang phác thảo ca khúc “Bài thơ hoa đào”:

“Chiều nào dừng chân phiêu lãng,
Khách đến đây thấy hoa đào vương lối đi…”

Tôi hân hạnh là người ái mộ đầu tiên được anh đàn và hát cho nghe thử những âm điệu lời ca lãng đãng sương khói núi đồi của “Bài thơ hoa đào”. Tôi vẫn nhớ như vừa ra khỏi giấc mơ còn tươi rói: chúng tôi ngồi co ro trong căn phòng nhỏ của anh; bên ngoài trời cao nguyên xam xám và mưa nhỏ. Đằng kia, những cánh hoa đào vừa lìa cành theo cơn gió bất chợt … Hỏi “Chắc anh đã chọn Đà Lạt làm quê hương ?”. Đôi mắt u hoài sau cặp kính trắng của anh hình như chợt xa khuất hơn: “Không, anh chỉ ghé chân để tạm mưu sinh và tìm cảm hứng…”.

Vâng, Hoàng Nguyên chỉ ghé chân – như anh viết “dừng chân phiêu lãng” nơi phố núi mù sương này một quãng thời gian ngắn, nhưng cũng đủ để anh viết nên hai ca khúc tiêu biểu về một vùng đất thơ mộng dễ yêu: “Bài thơ hoa đào” và “Ai lên xứ hoa đào”, hai ca khúc bất hủ đã làm rung động trái tim nhiều thế hệ người yêu nhạc, mãi mãi gắn chặt nghệ danh của anh với địa danh nổi tiếng này. Hoàng Nguyên còn để lại một tác phẩm khác được yêu mến không kém các ca khúc đã có của anh: “Tà áo tím”.

Một buổi chiều, bước chân phiêu lãng đã đưa Hoàng Nguyên tới thành phố Huế bên bờ Hương Giang và tà áo tím của một cô gái Huế đã làm cho tâm hồn ông xao xuyến, vẻ đẹp của nàng chập chờn ẩn hiện trong tâm tư của ông suốt những đêm dài, nhưng rồi thời gian qua nhanh như dòng nước Hương Giang “trôi cuốn mau”, ông đã vĩnh viễn không còn gặp lại tà áo tím của nàng và có một thoáng bùi ngùi trước bao đổi thay của một kiếp người.

TÀ ÁO TÍM

Một chiều lang thang bên giòng Hương giang
Tôi gặp một tà áo tím
Nhẹ thấp thoáng trong nắng vương
Màu áo tím ôi luyến thương
Màu áo tím ôi vấn vương
Rồi về đêm đêm mơ màu áo ấy
Màu áo tím hôm nào
Dường quyến luyến trăng sầu
Chập chờn tâm tư màu áo thoáng chiêm bao
Mơ một tà áo, một tà áo qua đường
Như mong một lời nói, một lời nói yêu thương
Mặc thời gian dìu đôi cánh biếc
Mặc giòng sông dịu hiền luyến tiếc
Mà chiều thu buồn như gối chiếc
Tôi mơ.. màu áo
Ước mong sao áo màu khép kín tim nhau
Để rồi chiều chiều lê chân bên giòng Hương giang
Mong tìm lại tà áo ấy
Màu áo tím nay thấy đâu
Người áo tím nay thấy đâu
Giòng nước vẫn trôi cuốn mau
Rồi chợt nghe tin qua lời gió nhắn
Người áo tím qua cầu
Tà áo tím phai màu
Để giòng Hương giang hờ hững cũng nao nao.

HUỲNH DUY LỘC giới thiệu

Ca khúc “Tà áo tím” với giọng ca Hà Thanh: https://youtu.be/cihIHj2jRXo
Ca khúc “Tà áo tím” với giọng ca Anh Khoa: https://youtu.be/fOSobOe2YeU
Ảnh: Nhạc sĩ Hoàng Nguyên và nhạc phẩm “Tà áo tím”

Leave A Reply

Your email address will not be published.