Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào ‘Danh sách Theo dõi Đặc biệt’ vì vi phạm tự do tôn giáo

TVN

0 198

Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken vừa công bố quyết định đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (Special Watch List hay SWL) vì có những vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo. Khi bị đưa vào danh sách này, Việt Nam sẽ bị Hoa Kỳ theo dõi sát sao và các quan chức vi phạm có nguy cơ phải đối mặt với các biện pháp chế tài.

Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn lời Ngoại trưởng Blinken trong thông cáo ngày 2/12 nói rằng ông đưa Việt Nam vào “Danh sách Theo dõi Đặc biệt” vì nước này “thực hiện hoặc dung túng cho những vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo”.

Ngay hôm 2/12, VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Washington, DC, và đề nghị bình luận về công bố này của ngoại trưởng Mỹ, nhưng đến nay vẫn chưa được phản hồi.

Vào tháng trước, trong một tuyên bố gửi cho VOA, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng nước này “luôn thực hiện nhất quán” chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định đưa Việt Nam vào danh sách SWL lần này sau nhiều lần Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) liên tục đề nghị bộ đưa Việt Nam vào Danh sách Quan tâm Đặc biệt (Countries of Particular Concern, hay CPC) vì cho rằng Việt Nam “vi phạm một cách nghiêm trọng” về tự do tôn giáo.

Mặc dù chưa được đáp ứng đầy đủ theo đề nghị, nhưng USCIRF cũng hoan nghênh quyết định của ông Blinken.

Ông Abraham Cooper, Phó Chủ tịch USCIRF, viết trên Twitter: “Mặc dù chúng tôi tin rằng các điều kiện ở Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn CPC, nhưng chúng tôi hy vọng việc Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách SWL sẽ khuyến khích chính phủ Việt Nam thực hiện các bước cụ thể để giải quyết các mối quan ngại lâu dài về tự do tôn giáo”.

Uỷ viên USCIRF Frederick Davie viết trên Twitter hôm 2/12: “Chúng tôi hoan nghênh việc Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách ‘Theo dõi Đặc biệt’, mặc dù USCIRF đã liên tục khuyến nghị liệt Việt Nam vào Danh sách CPC từ năm 2002 và vẫn lo ngại về các điều kiện tự do tôn giáo của nước này”.

USCIRF cho rằng vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam “vẫn có hệ thống, luôn tiếp diễn và nghiêm trọng”, ảnh hưởng nhiều nhất đến người Hmong & người Thượng theo đạo Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, Giáo hội Phật giáo Thống nhất, Cao Đài độc lập, và nhiều nhóm khác, đồng thời kêu gọi Bộ Ngoại giao tiếp tục giải quyết những lo ngại này.

Từ 2005-2006, Việt Nam bị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa vào danh sách CPC, nhưng đến 2007 Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách này do Việt Nam cam kết cải thiện chính sách về tôn giáo.

Việc thiết lập danh sách SWL dựa theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế Frank Wolf, được Quốc Hội Mỹ thông qua và Tổng Thống ký ban hành ngày 16/12/2016. Đạo luật này bổ sung cho Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế ban hành năm 1998, mà theo đó chỉ có cơ chế thiết lập danh sách CPC.

Với đạo luật bổ sung này, những quốc gia chưa chạm ngưỡng CPC nhưng gần chạm ngưỡng này phải bị đưa vào danh sách SWL để theo dõi một cách sát sao, và nếu sau một thời gian vẫn không cải thiện, đó là căn cứ để bị đưa vào danh sách CPC. Những quốc gia bị chỉ định CPC phải đối mặt các biện pháp trừng phạt với mức nặng nhất là cấm vận.

Các nhà hoạt động và các tổ chức tôn giáo độc lập ở Việt Nam hoan nghênh quyết định này của Ngoại trưởng Mỹ, đồng thời kêu gọi Washington gây áp lực với Hà Nội nhiều hơn nữa để Việt Nam thay đổi chính sách về tự do tôn giáo.

Hòa Thượng Thích Không Tánh ở Tp.Hồ Chí Minh, một thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, hôm 5/12 bày tỏ sự đồng tình:

“Điều đó chứng tỏ rằng Hoa Kỳ cũng có lòng đối với tình trạng vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam. Trong lòng chúng tôi cũng vui”.

“Nhưng không biết rằng Hoa Kỳ có những cái gì để chế tài hoặc có cái gì để làm cho Việt Nam phải thực hiện và tôn trọng các công ước quốc tế về các vấn đề tự do tôn giáo thực sự hay không?”.

Khi một quốc gia bị đưa vào danh sách SWL, Bộ Ngoại Giao Mỹ hàng năm phải cung cấp cho Quốc hội danh sách các vi phạm nghiêm trọng, danh tính của những thủ phạm đằng sau mỗi vi phạm, và biện pháp chế tài đã áp dụng đối với từng thủ phạm. Các biện pháp chế tài này bao gồm cấm nhập cảnh vĩnh viễn thủ phạm và các thành viên gia đình của thủ phạm, đóng băng tài sản ở Mỹ của thủ phạm tương tự như Đạo luật Magnitsky Toàn cầu 2016 của Mỹ.

Theo VOA

Leave A Reply

Your email address will not be published.