Cần Đước, cái nôi của đờn ca tài tử Nam bộ

Huỳnh Duy Lộc

0 297

Năm 1698, đất Cần Đước thuộc huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn, phủ Gia Định, rồi thuộc trấn Phiên An (1808). Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), Cần Đước thuộc huyện Phước Lộc, phủ Tân An, tỉnh Gia Định. Năm 1867, Cần Đước là huyện của phủ Phước Lộc, tỉnh Gia Định. Năm 1871, phủ Phước Lộc sáp nhập vào tỉnh Chợ Lớn. Năm 1928, thực dân Pháp lập quận Cần Đước thuộc tỉnh Tân An.

Ngày 24 tháng 4 năm 1957, quận Cần Đước thuộc tỉnh Long An gồm có 3 tổng:
* Tổng Lộc Thành Thượng với 6 xã
* Tổng Lộc Thành Trung với 4 xã
* Tổng Lộc Thành Hạ với 6 xã.

Ngày 7 tháng 2 năm 1963, quận Cần Đước đổi tên thành Cần Đức.

Ngày 17 tháng 11 năm 1965, quận lấy lại tên Cần Đước, các tổng đều bị giải thể.

Chợ Cần Đước xưa

Năm 1967, chính quyền Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam tách 8 xã: Long Cang, Long Định, Long Hòa, Long Khê, Long Sơn, Long Trạch, Phước Vân, Tân Trạch của quận Cần Đước, hợp với một phần quận Cần Giuộc để thành lập quận Rạch Kiến, quận lỵ đặt tại xã Long Hoà.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Cần Đước là huyện của tỉnh Long An, gồm 15 xã: Long Cang, Long Định, Long Hòa, Long Hựu, Long Khê, Long Sơn, Long Trạch, Mỹ Lệ, Phước Đông, Phước Tuy, Phước Vân, Tân Ân, Tân Chánh, Tân Lân, Tân Trạch.

Cần Đước là nơi sản sinh những tài năng của đờn ca tài tử Nam bộ. Sự có mặt ở miền Đông Nam bộ vào năm 1885 của ông Nguyễn Quang Đại, một nhạc công của triều đình nhà Nguyễn, đánh dấu sự hình thành của đờn ca tài tử Nam bộ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tuấn Khanh viết: “Sau cuộc binh biến kinh thành Huế vào năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn ra chiếu Cần Vương, một số nhạc quan và nhạc công của triều đình Huế lánh nạn vào miền Nam sinh sống, trong đó có Nguyễn Quang Đại, người đã có công rất nhiều trong việc phổ biến nhạc tài tử ở Nam bộ. Nguyễn Quang Đại được báo chí hồi đầu thế kỷ 20 gọi là Ba Đại, nhưng sau này đổi thành Ba Đợi…” (Bước đường của cải lương, Nguyễn Tuấn Khanh, tr. 19).

Nguyễn Quang Đại và sự hình thành của đờn ca tài tử Nam bộ

Chính sự có mặt của nghệ nhân Nguyễn Quang Đại ở vùng đất Cần Đước, Cần Giuộc đã hình thành thế hệ đầu tiên rất nổi danh trong giới nhạc tài tử, cải lương như: Chín Láo, Sáu Thoàn, Chín Chiêu, Năm Tịnh, cô Sáu Giỏi, cô Bảy Lung, ông Xã Năm, Hai Bầu, Năm Khiết, Năm Xem (ông ngoại nhạc sĩ Hai Biểu), Ba Đống, Mười Hai Duơn, Năm Quýnh, rồi nối tiếp sau đó là Chín Kỳ, Hai Phát, Hai Biểu, Tư Huyện, Sáu Quý, Bảy Hàm, Bảy Quế, Năm Giai, Mười Lăng, Tư Bi, Út Nghiêm, Hai Khá, Tám Nhứt, Tư Tụi, Ba Lựa,…

Người ta thường truyền tụng những câu như:

“Tiếng đồn Cần Đước xuân xanh

Giai kìm, Quýnh gáo, Quế tranh, Lòng cò”

hay “Nhứt Bạc Liêu, nhì Cần Đước”.

Nếu Bạc Liêu với nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tác giả bản “Dạ cổ hoài lang”, đứng đầu về sáng tác thì Cần Đước nổi tiếng về đờn. Giới nhạc tài tử ít nhiều đều biết đến nhạc sĩ Tư Huyện, nhạc sĩ Hai Biểu và nhạc sĩ Ba Tu bởi tài năng, ảnh hưởng của họ trong lịch sử nhạc tài tử và cải lương.

Nhạc sĩ Hai Biểu, anh bà con của cha, tên thật là Huỳnh Văn Biểu, sinh năm 1912 tại làng Mỹ Lệ, tổng Lộc Thành Trung, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) – vùng đất có truyền thống về nhạc lễ, nhạc tài tử. Năng khiếu của ông phát triển sớm. Ông diễn tấu thành thạo các loại nhạc cụ, nhưng trội nhất là đàn tranh với kỹ thuật rung, nhấn. Ông tiếp tục thọ giáo nhạc sĩ Năm Khiết (Thuận Thành, Cần Giuộc) – học trò thuộc thế hệ đầu của Nguyễn Quang Đại. Sau đó, ông tham gia dàn nhạc của gánh hát bội Huỳnh Ngọc Ban (Năm Thơ), đoàn Phụng Hảo. Sau năm 1975, ông tham gia hoạt động âm nhạc tài tử, phong trào đờn ca tài tử ở Cần Đước và dạy đàn tranh ở Nhạc viện TP.HCM. Ông được xem là một trong những nhạc sĩ tài danh nhất về hoạt động âm nhạc dân tộc nửa cuối thế kỷ XX. Ông mất năm 1980 tại TP.HCM (kẻ gian vào nhà ông ở đường Bà Hạt, quận 10, giết chết ông để cướp chiếc xe Honda 67).

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: Một ban nhạc đờn ca tài tử, Cần Đuớc ở tỉnh Long An.

Leave A Reply

Your email address will not be published.