Mỹ xác nhận đồng ý viện trợ bom chùm cho Ukraine

TVN

0 199

Chính quyền Biden đã đồng ý cung cấp bom chùm cho Kyiv và Bộ Quốc Phòng Mỹ chính thức thông báo quyết định này hôm nay 07/7/2023. Hãng tin AP trích dẫn một nguồn tin thông thạo cho biết thêm, biện pháp này nằm trong khuôn khổ một gói viện trợ mới khoảng 800 triệu đô la, giúp Ukraine đối mặt với chiến tranh.

Mỹ gửi bom chùm cho Ukraine: “quyết định rất khó khăn”?

Trong phần trả lời phỏng vấn Đài CNN, dự kiến phát sóng ngày 9-7, ông Biden nói với người dẫn chương trình nổi tiếng Fareed Zakaria rằng việc gửi bom chùm cho Ukraine là “một quyết định khó khăn”. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ vẫn phải hành động khi Kiev cần thêm đạn dược cho cuộc phản công này.

“Đó là một quyết định rất khó khăn đối với tôi, nhưng tôi cũng đã thảo luận với các đồng minh… Người Ukraine đang cạn kiệt đạn dược”, ông Biden lý giải.

Bom chùm sẽ tương thích với lựu pháo 155mm mà Mỹ từng gửi Ukraine. Đây từng là món vũ khí giúp Ukraine giành lại một số phần lãnh thổ năm ngoái.

Theo ông Biden, bom chùm sẽ đóng vai trò trong “giai đoạn chuyển tiếp”, cho tới khi Mỹ có thể sản xuất thêm lựu pháo 155mm.

Mỹ là nước viện trợ nhiều nhất cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, tới nay Washington vẫn cẩn trọng khi nói về việc gửi vũ khí tầm xa cho Kiev.

Cũng như nhiều nước khác, Mỹ lo ngại Ukraine sẽ tấn công vào lãnh thổ Nga. Nếu xảy ra, đây sẽ là kịch bản có thể kéo tất cả vào một cuộc chiến toàn diện.

Tranh cãi việc Mỹ gửi bom chùm cho Ukraine

Việc gửi bom chùm của Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các nhóm nhân quyền. Tuy nhiên, Washington cho biết đã nhận sự đảm bảo từ Ukraine. Kiev cam kết giảm nguy cơ cho dân thường, không sử dụng bom chùm tại các khu vực đông dân.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan trước đó cũng đã giải thích quyết định trên. Ông cho rằng “sẽ có nguy cơ lớn về tổn hại cho người dân nếu lính và xe tăng Nga tràn vào các vị trí của Ukraine và kiểm soát thêm các vùng lãnh thổ Ukraine… vì Ukraine không đủ đạn pháo”.

Theo ông Sullivan, Ukraine đã có cam kết bằng văn bản về việc sử dụng bom chùm. Ông khẳng định Chính phủ Ukraine có động cơ giảm thiệt hại vì “đó là người dân của họ”.

Khoảng 123 quốc gia đã ký kết công ước Oslo năm 2008 cấm sản xuất, tàng trữ, bán và sử dụng bom, đạn chùm (những nước không ký kết bao gồm Trung Quốc, Iran, Israel, Nga, Syria, Ukraine và dĩ nhiên là Mỹ, quốc gia đã triển khai chúng ở Afghanistan và Iraq).

Theo tờ The Washington Post, bản thân việc sử dụng bom chùm không vi phạm tội ác chiến tranh nhưng sử dụng chúng để chống lại thường dân có thể là hành vi vi phạm. Trong bất kỳ cuộc tấn công nào, việc xác định tội ác chiến tranh đòi hỏi phải xem xét nhiều yếu tố, chẳng hạn liệu mục tiêu có hợp pháp hay không và các biện pháp phòng ngừa có được thực hiện để tránh thương vong cho dân thường hay không.

Cũng liên quan tới Hoa Kỳ, đài truyền hình NBC hôm qua tiết lộ « một số cựu quan chức cao cấp Mỹ đã liên lạc với một số nhân vật thân cận với điện Kremlin » trong đó có ngoại trưởng Lavrov. Các bên đã thảo luận một kế hoạch chấm dứt chiến tranh Ukraine. Hãng tin Anh, Reuters ghi nhận « chính quyền Biden không cấm cản, nhưng cũng không khuyến khích » những hoạt động kiểu này. Và Nhà Trắng được thông báo về những sáng kiến ngoại giao nói trên.

Leave A Reply

Your email address will not be published.