Số phận rừng Amazon và kết quả bầu cử Brazil
TVN
Bầu cử tổng thống Brazil diễn ra hôm 02/10/2022. Cuộc bầu cử tại quốc gia Nam Mỹ này có ý nghĩa hệ trọng với môi trường. Theo nhiều nhà quan sát, kết quả bầu cử sẽ quyết định số phận của đại ngàn Amazon, vốn được coi là lá phổi của hành tinh.
Theo đài France 24, sự đối lập giữa hai ứng viên tổng thống về môi trường là hết sức rõ ràng. Tổng thống cực hữu là người hoài nghi về thực tế biến đổi khí hậu do các hoạt động của con người, tương tự như cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong nhiệm kỳ của ông Bolsonaro, rừng Amazon tiếp tục bị tàn phá nghiêm trọng với nạn cháy rừng phổ biến, đất rừng bị chiếm đoạt làm nơi canh tác, hoạt động khai mỏ được khuyến khích mạnh. Ngược lại, ứng cử viên cánh tả Luiz Inacio Lula da Silva coi việc bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ các cộng đồng bản địa là trọng tâm.
Trong cuộc tranh cử, tổng thống mãn nhiệm cũng dùng các luận điểm bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng để thu hút cử tri. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, các tuyên truyền của ông Bolsonaro hoàn toàn ngược với hành động của chính phủ ông, một chính phủ bị lên án là chống lại môi trường. Nhà địa lý học François-Michel Le Tourneau, giám đốc nghiên cứu Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) khẳng định lập trường thực sự của chính phủ Bolsonaro là ‘‘chủ nghĩa tự do triệt để’’ (ultra-libéralism), với ông ta, ‘‘mọi luật có lợi cho môi trường đều ngăn cản hoạt động sản xuất’’.
Đầu tháng 9 vừa qua, liên minh các tổ chức bảo vệ môi trường Amazon (RAISG), và Liên hiệp các tổ chức bản địa của vùng lưu vực Amazon (COICA) đã ra một báo cáo, với kết luận : Đại ngàn Amazon đang biến chuyển ghê gớm đến mức sắp đạt đến điểm ‘‘không thể vãn hồi’’. Có nghĩa là, một khi điểm này đã bị vượt qua, rừng Amazon sẽ không còn là đại ngàn, không còn khả năng tái sinh. Amazon sẽ chuyển thành một hệ sinh thái cằn cỗi, tương tự như một dạng đồng cỏ hoang vu.
Hiện các quan sát viên quốc tế đã có mặt tại các điểm bỏ phiếu. Theo kết quả thăm dò mới nhất công bố tối 01/10, ứng viên cánh tả Lula da Silva vẫn nhận được nhiều ý định bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống, khoảng 50% so với 36% của đối thủ tổng thống đương nhiệm Bolsonaro.
Trước đó, tổng thống mãn nhiệm Jair Bolsonaro đã cáo buộc, dù không đưa ra bằng chứng, về độ tin cậy của hệ thống bỏ phiếu điện tử. Theo AFP, những cáo buộc này càng làm dấy lên lo ngại ông Bolsonaro không công nhận kết quả bầu cử trong trường hợp bị thất bại. Ngoài các điểm bỏ phiếu, Brazil đã áp dụng bỏ phiếu điện tử từ năm 1996, nhưng không xảy ra sai sót đáng kể nào trước đó.
Nguồn RFI