Việt Nam khẳng định lập trường về Ukarine khi tiếp ngoại trưởng Nga Lavrov

TVN

0 461

Chuyến viếng thăm Việt Nam của ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov không được truyền thông Việt Nam đăng tải nhiều dù Nga Việt có quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”, được thiết lập cách đây đúng 10 năm.

Quan hệ giữa Hà Nội và Matxcơva đã có từ những năm đầu của thời kỳ chiến tranh lạnh, khi Liên Xô là chỗ dựa vững chắc của miền Bắc trong cuộc chiến chống miền Nam và đồng minh Mỹ. Còn hiện nay, Nga là nguồn cung cấp vũ khí chủ yếu cho Hà Nội, với khoảng 80% vũ khí của quân đội Việt Nam là nhập từ Nga. Các công ty năng lượng của Nga cũng đang tham gia vào nhiều dự án dầu khí ở Việt Nam. Về mặt chiến lược, Nga là một đối tác rất quan trọng của Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Chính vì Việt Nam có mối quan hệ đặc biệt như vậy với Nga cho nên cuộc chiến Ukraina đã đặt Hà Nội vào thế khó xử. Trong khi toàn bộ các nước phương Tây và rất nhiều nước khác đã cực lực lên án hành động xâm lược của Nga, và dư luận Việt Nam nói chung rất đồng cảm với số phận của Ukraina, thì chính phủ Việt Nam cho tới nay vẫn giữ thái độ trung lập, không lên án mà cũng không ủng hộ cuộc chiến này.

Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov ngày 6-7 tại Hà Nội. Thông cáo của Bộ Ngoại giao VN phát cùng ngày mô tả không khí cuộc gặp là “hữu nghị, chân thành và cởi mở”.

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ Việt Nam luôn trân trọng và biết ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhân dân Nga dành cho Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện nay. Ông khẳng định Nga luôn là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao VN cũng khẳng định họ kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa, tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Ukraine.

Trước đây ngày 23-24/3/2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) tiếp tục tổ chức Phiên họp khẩn lần thứ 11 để thảo luận về tình hình Ukraine, tập trung vào tình hình nhân đạo.

Tại đây phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ VN Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Việc ngoại trưởng Sergei Lavrov ghé thăm Việt Nam trước khi đi dự hội nghị ngoại trưởng G20 cho thấy Matxcơva trông chờ rất nhiều vào Hà Nội, được coi đối tác hàng đầu của Nga ở khu vực Đông Nam Á. Nhưng báo chí chính thức ở Việt Nam trong hai ngày qua chỉ đưa tin khá ngắn gọn về chuyến đi này, có lẽ Hà Nội không muốn gây khó chịu thêm cho các nước phương Tây và Mỹ.

Tuy vậy, cần phải thấy rằng, một mặt phương Tây đang muốn gia tăng cô lập nước Nga, mặt khác họ lại muốn liên kết các quốc gia có chung mối lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc, mà Việt Nam lại là một đối tác quan trọng phương Tây cần đến để kềm chế Trung Quốc. Cho nên, theo nhận định của The Diplomat, có lẽ Hoa Kỳ và các đồng minh của họ trong nhóm G20 sẽ nhắm mắt làm ngơ, không quá bực bội về chuyến thăm Việt Nam của ngoại trưởng Nga.

Có điều chiến tranh Ukraina không biết bao giờ mới chấm dứt, Việt Nam liệu có thể giữ lập trường trung lập như vậy một cách lâu dài hay không? Hay đến một lúc nào đó Hà Nội sẽ buộc phải xét lại quan hệ với Matxcơva, nhất là tìm một nguồn cung cấp vũ khí thay thế để không còn quá phụ thuộc vào vũ khí Nga như hiện nay?

Nguồn RFI

Leave A Reply

Your email address will not be published.