Truyền Thông Điệp Cấp Chiến Lược của Trung Quốc: Định Nghĩa, Phương Thức, và Cách Đáp Trả
TVN
Truyền thông (communication) là một công cụ phổ quát dùng để thay đổi hành vi, thậm chí cả tư tưởng và những ưu tiên của người khác. Do đó, truyền thông điệp (messaging) là một phương tiện chủ chốt của sức mạnh và quản trị nhà nước. Bằng cách này hay cách khác, các nhà nước thường đưa ra thông điệp nhằm gây ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư của chính mình và thế giới bên ngoài. Nhưng chỉ có một số ít có nhận thức và đầu tư cho quyền lực của truyền thông điêp cấp chiến lược (strategic messaging) nhiều như nước Cộng hoà nhân dân (CHND) Trung Hoa. Lối đưa thông điệp chiến lược của Bắc Kinh đã giúp định hình cách bên ngoài nhận thức về Trung Quốc, phổ biến những quan điểm có tác dụng hỗ trợ cho chính sách của Trung Quốc, và tạo ra một sân chơi bất bình đẳng có lợi cho Trung Quốc. Được trang bị một năng lực truyền thông điệp khổng lồ, CHND Trung Hoa có những lợi thế không thể phủ nhận được khi cạnh tranh chiến lược với Hoa Kỳ. Vậy truyền thông điệp cấp chiến lược của Trung Quốc là gì? Nó hoạt động như thế nào? Hoa Kỳ nên đáp lại bằng cách nào? Chương này sẽ trả lời những câu hỏi nêu trên.
HIỂU RÕ VỀ TRUYỀN THÔNG ĐIỆP CẤP CHIẾN LƯỢC
Một cách tìm hiểu về truyền thông điệp cấp chiến lược là bàn về sự khác biệt của chính nó với những khái niệm gắn liền với nó. Truyền thông điệp cấp chiến lược đôi khi được xem như tương đương với tuyên truyền hay ảnh hưởng cấp chiến lược. Trong những trường hợp khác, nó lại được xem như chiến tranh chính trị, chiến tranh thông tin, các chiến dịch thông tin, hay quyền lực bén. Cũng có những khi nó được coi như tương tự với ngoại giao công chúng hay quyền lực mềm. Một số khái niệm trên có thể liên quan gần gũi thân cận với nhau, nhưng mỗi cái lại mang hàm ý cho một hiện tượng khác biệt.
Ảnh hưởng cấp chiến lược (strategic influence) mang tính bao trùm nhất trong các thuật ngữ kể trên. Nó nói tới bất kỳ thứ gì gây ảnh hưởng đến một hoặc nhiều bên khác ở tầm chiến lược. Nó có thể dùng bất kỳ phương tiện khả dĩ nào, từ quân sự, kinh tế, và ngoại giao cho đến xã hội, văn hoá, quy ước, và thông tin. Nó hoạt động theo nhiều cách khác nhau: hung hãn và hoà bình, cưỡng ép và xui khiến, lôi kéo và thuyết phục, tạo sân chơi và trao đổi xã hội.
Chiến tranh chính trị (political warfare) là ảnh hưởng cấp chiến lược chưa đến mức chiến tranh nhưng được tiến hành theo tinh thần tranh đấu – nhằm vượt qua một hoặc nhiều đối thủ để đạt các mục tiêu chính trị quốc gia. George Kennan, người đưa ra thuật ngữ này vào buổi đầu của Chiến tranh lạnh, định nghĩa chiến tranh chính trị là “việc sử dụng tất cả mọi phương tiện trong tầm tay của một quốc gia nhưng chưa đến mức chiến tranh để đạt các mục tiêu quốc gia của nó”. Trong bối cảnh những năm đầu Chiến tranh lạnh, Kennan làm rõ thêm rằng:
Những chiến dịch như thế có cả công khai lẫn bí mật. Chúng bao gồm những hành động công khai như liên minh chính trị, biện pháp kinh tế (như Kế hoạch phục hưng Châu Âu – ERP), và tuyên truyền “trắng” cho đến những chiến dịch bí mật như ủng hộ ngầm các thành tử nước ngoài “thân thiện”, tâm lý chiến “đen”, và thậm chí là khuyến khích những cuộc kháng cự bí mật ở các quốc gia thù địch.
Như định nghĩa của Kennan chỉ ra, chiến tranh chính trị có thể có nhiều dạng gồm cả chiến tranh thông tin, chiến tranh tâm lý, liên minh chính trị, biện pháp kinh tế, và các dạng khác.
Chiến tranh thông tin (information warfare) là chiến tranh chính trị được tiến hành bằng các phương tiện thông tin. Chiến tranh thông tin là một loại chiến tranh tâm lý vì nó tác động vào cảm nhận, tri thức, và tâm lý của đối tượng tiếp nhận. Chiến tranh tâm lý (psychological warfare) rộng lớn hơn chiến tranh thông tin vì nó thao túng môi trường và điều kiện xã hội chứ không phải chỉ có bản thân lĩnh vực thông tin để đạt được mục tiêu. Chiến tranh tâm lý có thể sử dụng tuyên truyền, nhưng còn có các biện pháp chính trị, kinh tế, và quân sự nữa. Chiến dịch thông tin và chiến dịch tâm lý là để chỉ mức độ thực hiện chứ không phải mức độ chiến lược hay chiến thuật của những loại chiến tranh này. Các thuật ngữ “chiến tranh chính trị”, “chiến tranh thông tin”, và “chiến tranh tâm lý” thường được dùng với nghĩa như nhau vì quan điểm phổ biến cho rằng những loại “chiến tranh” này chủ yếu dựa vào sử dụng câu chữ, hình ảnh, tư tưởng, và thông tin. Nhưng sự lẫn lộn này là không có ích như đã giải thích ở trên.
Hai thuật ngữ khác gắn liền với sức mạnh của tư tưởng và việc sử dụng thông tin là quyền lực mềm và quyền lực bén. Joseph Nye, người đưa ra thuật ngữ quyền lực mềm (soft power) vào cuối Chiến tranh lạnh, định nghĩa nó là “khả năng đạt được điều mong muốn nhờ vào sức thu hút chứ không phải cưỡng ép hay mua chuộc”, trong đó vế đầu là “khiến người khác thích cái mình thích” còn vế sau là “khiến người khác làm cái mình thích”. Phát triển thêm từ ý tưởng ban đầu của Nye, ý nghĩa phổ biến hiện nay là quyền lực mềm là một dạng quyền lực phi cưỡng ép hay phi vật thể. Nhưng coi nó tương đương với phi cưỡng ép hay gắn liền nó với những nguồn lực phi vật thể đều làm giảm năng lực phân tích của thuật ngữ này. Chính là sự liên quan bị hiểu sai giữa quyền lực mềm với việc gây ảnh hưởng trong các lĩnh vực tư tưởng, thông tin, truyền thông, và văn hóa đã khiến Christopher Walker và cộng sự của mình đặt ra một thuật ngữ mới, quyền lực bén (sharp power). Họ lập luận rằng “những gì mà ta hiểu là ‘quyền lực mềm’ chuyên quyền (authoritarian “soft power”) từ trước đến nay phải được phân loại đúng hơn là ‘quyền lực bén’, nó chọc thủng, thâm nhập, và đục khoét môi trường chính trị và thông tin ở các nước mục tiêu”. Theo nghĩa này thì quyền lực bén không khác gì chiến tranh thông tin. Tuy nhiên, khi dùng thuật ngữ “quyền lực bén”, người ta muốn nhấn mạnh đến cách thức chứ không phải phương tiện của việc thực thi. Thuật ngữ “chiến tranh thông tin” nhấn mạnh vào phương tiện thông tin. Quyền lực bén và quyền lực mềm khác nhau ở chỗ quyền lực bén “tập trung vào việc gây nhiễu và thao túng” còn quyền lực mềm “chủ yếu là thu hút và thuyết phục”.
Truyền thông điệp cấp chiến lược (strategic messaging) có nhiều điểm chung với những hiện tượng mà những thuật ngữ bên trên mô tả, nhưng vẫn có những khác biệt đáng kể. Theo nghĩa rộng, truyền thông điệp cấp chiến lược là ảnh hưởng cấp chiến lược qua những thông điệp. Ảnh hưởng cấp chiến lược và chiến tranh chính trị dùng đe dọa, lợi ích, và những thứ khác để gây ảnh hưởng đến con người; còn truyền thông điệp cấp chiến lược hoạt động thông qua những thông điệp mà những đe dọa, lợi ích, và những thứ khác này gửi đi chứ không phải qua bản thân những thứ đó. Do vậy, truyền thông điệp cấp chiến lược thường dựa vào một số hiệu ứng thứ cấp của hành động.
Ngoại giao công chúng và chiến tranh thông tin là những lĩnh vực công tác của chính quyền chuyên dành để thực hiện truyền thông điệp cấp chiến lược. Nhưng truyền thông điệp cấp chiến lược không chỉ giới hạn trong những lĩnh vực này; nó còn liên quan đến rất nhiều loại hành động khác mà thông thường không thuộc phạm vi của ngoại giao công chúng hay chiến tranh thông tin. Ví dụ như khi Quân giải phóng nhân dân (QGPND) Trung Quốc tiến hành thử một tên lửa chống vệ tinh vào tháng 1 năm 2007, họ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về năng lực quân sự của Trung Quốc. Hành động này có thể được xem như một phần trong ảnh hưởng cấp chiến lược và chiến tranh chính trị của Bắc Kinh, nhưng không phải là chiến dịch thông tin hay ngoại giao công chúng. Một tháng sau khi thử tên lửa này, khi Trung Quốc kêu gọi đàm thoại về một hiệp ước vũ khí không gian, nước này đã tiến hành một hành động ngoại giao công chúng. Việc này gửi đi một thông điệp nữa – lần này là về ý định của Trung Quốc. Cả hai sự kiện đều có liên quan đến truyền thông điệp cấp chiến lược nhưng theo các cách khác nhau.
Truyền thông điệp cấp chiến lược có thể thực hiện công việc của bất cứ loại quyền lực nào, được định nghĩa theo cơ chế mà thông qua đó kết quả được thu nhận. Vì quyền lực mềm và quyền lực bén được dùng để chỉ các cơ chế khác nhau trong việc gây ảnh hưởng đến đối tượng tiếp nhận, mỗi loại quyền lực là một tập hợp khác biệt các cách thức mà truyền thông điệp cấp chiến lược có thể hoạt động. Do đó, truyền thông điệp cấp chiến lược vượt quá khuôn khổ của ngoại giao công chúng, quyền lực mềm, quyền lực bén, và chiến tranh thông tin, và có thể bắt nguồn từ ảnh hưởng cấp chiến lược, chiến tranh chính trị, và nhiều lĩnh vực hành động khác của chính quyền.
Như cái tên của nó, truyền thông điệp cấp chiến lược hoạt động thông qua phương tiện thông điệp. Thông điệp có thể được gửi đi theo nhiều cách – thông qua những phương tiện truyền thông chuyên biệt hay đơn giản là hành xử theo một cách cụ thể. Tuyên bố, sách, hình ảnh, phim, và âm nhạc là một vài phương tiện truyền thông đã được các chính quyền dùng cho mục đích truyền thông điệp cấp chiến lược. Nhưng bất kỳ hành động hay sự án binh bất động nào của một chính quyền cũng có thể gửi đi một thông điệp. Khi Trung Quốc xây những đảo nhân tạo ở biển Đông, họ gửi đi thông điệp về khả năng, ý định, tính cam kết, và quyết tâm của mình. Khi Hoa Kỳ tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải ở biển Đông, họ gửi đi thông điệp về sự cam kết của mình đối với tự do hàng hải ở khu vực này. Nhưng sự thiếu vắng các hành động mạnh bạo hơn của Hoa Kỳ cũng gửi đi một thông điệp về ý định, và vô tình cũng là sự cam kết và quyết tâm của Washington. Việc các thông điệp có gây chú ý và được hiểu đúng hay không tùy thuộc không chỉ vào cách thức truyền thông điệp mà còn là cảm quan của những đối tượng tiếp nhận cụ thể.
Điều quan trọng cần lưu ý là truyền thông điệp cấp chiến lược là một tiến trình có thể sử dụng bất cứ phương tiện truyền thông nào, và linh hoạt trong việc sử dụng các loại công cụ. Tiến trình này bao gồm việc tạo ra và gửi thông điệp để gây ra cảm nhận và cuối cùng là thay đổi trong ứng xử, tư duy, hay ưu tiên của đối tượng tiếp nhận. Do đó, phương pháp luận phù hợp để phân tích việc truyền thông điệp cấp chiến lược phải hướng vào tiến trình chứ không phải phương tiện. Cụ thể hơn, việc nghiên cứu truyền thông điệp cấp chiến lược phải bao trùm toàn bộ tiến trình giao thiệp mà Harold Lasswell đã mô tả là “ai, nói cái gì, bằng kênh nào, nói với ai, và có tác động gì” trong đó mỗi thành phần đều đáng được chú ý đúng mức. Truyền thông điệp cấp chiến lược như một tiến trình bao gồm 5 thành phần: bên truyền thông, nội dung thông điệp, đối tượng của thông điệp, phương tiện truyền thông điệp, và tác động lên đối tượng của thông điệp.
Các tác động ảnh hưởng của việc truyền thông điệp cấp chiến lược có thể được phân thành 4 nhóm chính: đe dọa (intimidation), đoàn kết (solidarity), gây bối rối nghi ngờ (confusion), và tin tưởng chắc chắn (conviction), với nhiều dạng trung gian giữa các nhóm này. Truyền thông điệp về khả năng vượt trội và sự quyết tâm có thể đe dọa đối tượng nhận thông điệp, ngăn cản đối tượng thực hiện hành động nào đó, và khiến đối tượng làm theo ý của bên đe dọa. Những hiệu ứng đoàn kết như thái độ hữu nghị, liên kết chính sách, tôn trọng, và cam kết cho một giá trị chung, bản sắc, chính nghĩa, hay đức tin chung có thể đạt được thông qua đưa ra những tín hiệu thân thiết, năng lực, và cam kết cho giá trị chung, bản sắc, chính nghĩa, hay đức tin chung. Vì thông điệp chứa đựng thông tin, quan điểm, hiểu biết, và lập luận, chúng có thể khiến đối tượng tiếp nhận tin tưởng, tức là củng cố lòng tin, hay nghi ngờ sự thật của việc gì đó, tức là gieo mầm bối rối. Tóm lại, truyền thông điệp cấp chiến lược có thể định hình tâm trí của một đối tượng tiếp nhận và giúp bên gửi thông điệp đạt được ý đồ mà không cần cưỡng ép bằng sức mạnh hay cho tặng lợi ích vật chất.
Tác giả: Alexander L. Vuving
(Chương 10 trong sách “Ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc: nhận xét và khuyến nghị” do Scott D. McDonald và Michael C. Burgoyne biên tập)
Biên dịch: Nguyễn Trịnh Đôn
Nguồn: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông
Link: https://dskbd.org/2019/11/13/truyen-thong-diep-cap-chien-luoc-cua-trung-quoc-dinh-nghia-phuong-thuc-va-cach-dap-tra/?fbclid=IwAR1kcRqwJ8M7yQJA-HHWFi98bSczv1qMF9r2WECaEIOcoL2HRxfupP1tqzw