Báo Pháp: Hồng Kông- Từ tự do trở thành công an trị

TVN

0 514

Tuần báo l”Obs của Pháp có bài nói về « Hồng Kông, những lời hứa không thực hiện » : « Một đất nước, hai chế độ » nay đã trở thành « Một đất nước, một chế độ ».

Ngày 01/07/1997, lá cờ Anh được hạ xuống, xếp lại và trao cho thái tử Charles dưới cơn mưa tầm tã. Vào lúc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, tất cả những dấu hiệu đều tốt đẹp : Đặng Tiểu Bình cam kết tôn trọng quyền tự trị của Hồng Kông trong vòng 50 năm với khẩu hiệu « nhất quốc lưỡng chế ». Bắc Kinh đang cải cách kinh tế và người ta cho rằng chính trị sẽ trở nên tự do hơn. Cho đến nỗi Financial Times tự hỏi liệu đến một ngày nào đó Hồng Kông sẽ ảnh hưởng đến Trung Quốc.

Ngày 01/07/2022, kỷ niệm 25 năm trao trả, Tập Cận Bình đến Hồng Kông, có vẻ như một cuộc thanh tra sau chiến thắng. Ai có thể tin được mới cách đây gần ba năm, một phần tư trong số bảy triệu dân Hồng Kông đã xuống đường để bảo vệ các quyền của mình ? Đã từng có một nền báo chí tự do, một xã hội dân sự tích cực, năng động, một đời sống chính trị đa phương ? Thay vào đó là một hệ thống do Trung Quốc thống trị, mà điển hình là Lý Gia Siêu (John Lee), một cựu công an nay trở thành trưởng đặc khu được Bắc Kinh chọn lựa.

Tự do ở Hồng Kông đã sụp đổ như tòa lâu đài trên cát, vào ngày mà đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định chẳng cần đóng kịch nữa. Thế giới im lặng, cho dù thỏa thuận Anh-Trung là một văn bản có giá trị quốc tế. Phương Tây cho rằng giờ đây Hồng Kông nằm trong tay Trung Quốc, chẳng thể làm được gì.

Bước lùi vĩ đại của dân chủ ở Hồng Kông

Tờ L’Express nhận định « Hồng Kông : Bước lùi vĩ đại của dân chủ ». Còn 25 năm nữa mới đến kỳ hạn 2047, nhưng Hồng Kông đã trở nên một thành phố như bao nhiêu thành phố khác ở Hoa lục. Một đô thị không biểu tình, không tranh luận, với một Nghị Viện bù nhìn, học sinh được « giáo dục ái quốc », sách giáo khoa khẳng định chưa bao giờ bị Anh quốc đô hộ !

Nhưng ai sẽ đứng lên chống lại người khổng lồ châu Á ? La Quán Thông (Nathan Law), từng là dân biểu trẻ nhất Hồng Kông nay tị nạn ở Anh, thất vọng cho biết đã gặp các nhà ngoại giao Pháp, nhưng họ tỏ ra rất thận trọng. « Một đất nước bảo vệ dân chủ, nhân quyền như Pháp lẽ ra phải hành động nhiều hơn cho Hồng Kông và cả Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan ».

Le Monde số cuối tuần nhận thấy « Chỉ cần hai năm để biến Hồng Kông thành hệ thống hậu toàn trị ». Báo chí bị bịt miệng, các nghiệp đoàn độc lập bị giải thể, liên minh các hiệp hội trong suốt 30 năm qua tổ chức tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn nay đã bị đánh phá, các chính khách ôn hòa đều vào tù và có nguy cơ lãnh những bản án nặng nề. Dù Hồng Kông là một trong những trung tâm tài chánh thế giới, việc Bắc Kinh bóp nghẹt đặc khu không gây ra nhiều phản ứng nơi cộng đồng quốc tế.

Nguồn RFI

Leave A Reply

Your email address will not be published.