O. W. Wolters và kiến giải mới về Vương quốc Chămpa

Huỳnh Duy Lộc

0 792

Theo học giả Georges Maspero, một trong những người sáng lập Trường Viễn Đông Bác cổ ở Việt Nam, Chămpa từ khởi thủy đã là một “vương triều Ấn giáo” chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn minh Ấn Độ trong bối cảnh chung của thế giới Ấn Độ hóa ở vùng Đông Nam Á. Vương quốc Chămpa từ khi thành lập dưới triều đại Sri Mara từ thế kỷ 2 cho đến năm 1471 là một vương quốc thống nhất. Vương quốc Chămpa hình thành từ năm 192, gồm có 4 tiểu vương quốc: Amaravati (địa giới của tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi hiện nay), Vitaya (địa giới của tỉnh Bình Định hiện nay), Panduranga (địa giới của Phan Rang – Tháp Chàm), Kauthara (địa giới của tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa hiện nay) và có kinh đô ở nhiều nơi theo thời gian:

Sinhapura (khoảng năm 200)
Kandapurpura ( năm 380– năm 480)
Virapura (năm 757– năm 875)
Indrapura (năm 875– năm 978)
Vijaya (năm 978– năm 1485)
Panduranga (năm 1485– năm 1832)

Năm 1471 được coi như năm cáo chung của Vương quốc Chămpa ở miền Trung Việt Nam và “người Chăm biến mất khỏi trí nhớ của nhân loại”. Năm 1471 mà Georges Maspero coi như sự kết thúc của Vương quốc Chămpa là năm vua Lê Thánh Tông của Đại Việt phát động cuộc chiến chống Vương quốc Chămpa, quân Đại Việt đã thắng lớn và Vương quốc Chămpa đã suy yếu tới mức không còn được nhắc tới trong sử sách nữa.

Tuy nhiên đến thập niên 1970 và sau đó, quan điểm của Georges Maspero đã được nhìn nhận và đánh giá lại bởi một nhóm học giả ở Pháp theo trường phái Révisionnisme (trường phái Xét lại) và những nhả sử học như Oliver William Wolters (8.6.1915 – 5.12.2000).

Gs Nguyễn Văn Kim cho biết: “Đến những thế kỷ đầu Công nguyên, cư dân Chămpa đã đạt được nhiều bước tiến lớn mà thành tựu tiêu biểu nhất là sự xuất hiện của các tiểu quốc (nagara), vương quốc (mandala) trải suốt vùng duyên hải miền Trung. Đến nay nhiều nhà nghiên cứu đã nhất trí với quan điểm: Chămpa không phải và không thể là môt vương quốc / quốc gia tập quyền, hay tập quyền cao như luận đề mà một số học giả phương Tây (như Maspero) từng đề xuất. Trong ý nghĩa đó, lịch sử Chămpa cũng không phải là lịch sử thay thế của các triều đại hoặc đơn giản chỉ là sự dịch chuyển của các kinh đô. Các nhà nghiên cứu chú ý nhiều đến tính chất tản quyền, phân quyền của các mô hình nhà nước mandala (và cả các tiểu quốc / nagara) mà một số học giả quốc tế như O.W. Wolters hay Michel Vickery chủ trương.

Nói cách khác, Chămpa là một tập hợp các vương quốc và dưới đó là các tiểu quốc bị chi phối, thần thuộc. Trong trường hợp Chămpa, cách thức tổ chức nhà nước dường như khá xa lạ với mô hình của “Thể chế ngân hà”, mà gần gũi hơn với “Thể chế mặt trời”, tức là bao giờ cũng có một vương quốc mạnh, giữ vị thế trung tâm. Tiềm năng kinh tế, quyền uy của các thủ lĩnh, sự linh nhiệm của tôn giáo, ma thuật đã đem lại sức mạnh thực tế cho những người đứng đầu các thể chế. Ttên nhiều phương diện, có thể coi các mandala trung tâm là những “thể chế tập quyền liên kết”. Sự xuất hiện của các vương quốc Amavarati, Indrapura, Vijaya hay Panduranga, Kauthara cho thấy rõ điều đó” (Gs Nguyễn Văn Kim, Những vấn đề lịch sử và văn hóa Champa, tr. 11, 12)

Gs O. W. Wolters

Theo Gs Oliver William Wolters giảng dạy tại Đại học Cornell của Hoa Kỳ, hệ thống Mandala có nghĩa là mô hình mô tả một mẫu hình trong đó quyền lực chính trị phân tán. Khái niệm này đối nghịch với khái niệm quyền lực chính trị thống nhất trong lịch sử ở những giai đoạn sau này khi quyền lực chính trị nằm trong tay chính quyền trung ương.

Trong lịch sử ban đầu của khu vực Đông Nam Á, quyền lực của địa phương lại quan trọng hơn. Khái niệm “mandala” được O. W. Wolters đưa ra lần đầu tiên vào năm 1982. Hệ thống mandala có thể coi là thể chế liên bang, nhưng quyền lực của địa phương quan trọng hơn chính phủ trung ương, tương tự như chế độ phong kiến châu Âu thời Trung cổ mà các quốc gia tồn tại thông qua các quan hệ giữa chúa tể và chư hầu. So sánh với hệ thống phong kiến châu Âu, hệ thống mandala trao quyền lực nhiều hơn cho các tiểu quốc.

HUỲNH DUY LỘC

Leave A Reply

Your email address will not be published.