Hàng không mẫu hạm Trung Quốc chỉ nhằm bức hiếp Việt Nam?

TVN

0 384

Theo giới chuyên gia, các hàng không mẫu hạm Trung Quốc không được tung ra với mục đích đối đầu trực tiếp với Mỹ. Trong kỷ nguyên hỏa tiễn, khó thể hình dung một trận đại chiến trên biển như trận Midway năm 1942. Rất có thể Bắc Kinh muốn sử dụng các tàu sân bay này để tấn công những nước yếu hơn như Việt Nam, để tranh giành biển đảo.

The Economist lưu ý đến sự kiện Bắc Kinh cho xuất xưởng thêm hàng không mẫu hạm mới, cho rằng đây là một minh chứng lớn lao và đắt giá cho tham vọng của nước này. Hàng không mẫu hạm xưa nay vẫn là biểu tượng cho sức mạnh quân sự, và việc ra mắt chiếc Phúc Kiến (Fujian), chiếc tàu sân bay thứ ba hôm 17/06 cho thấy ý đồ soán ngôi bá chủ của Mỹ. Dài 318 mét, trọng tải 80.000 tấn, chiếc Phúc Kiến vượt qua HMS Queen Elizabeth của Anh, chỉ đứng sau các « siêu tàu sân bay » Mỹ. Tuy nhiên chi tiết ý nghĩa nhất lại được che giấu trong buổi lễ hạ thủy, đó là hệ thống phóng máy bay.

Khác với hai tàu sân bay trước đó của Trung Quốc trang bị hệ thống phóng « ski-jet », tàu Phúc Kiến có hệ thống phóng điện từ, một tiến bộ công nghệ quan trọng. Nếu hai chiếc Liêu Ninh và Sơn Đông chở theo các J-15, loại chiến đấu cơ ăn cắp kiểu Su-33 của Nga, và trực thăng để giám sát xung quanh, khó thể hỗ trợ lực lượng đặc nhiệm trên biển ; thì chiếc Phúc Kiến sẽ hoạt động với những chiến đấu cơ J-15 được cải biến có thể mang theo các vũ khí hạng nặng như bom và hỏa tiễn thông minh. Về lâu về dài, còn có thể mang theo những chiếc tiêm kích tàng hình loại mới J-35.

Theo chuyên gia Henry Boyd của Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Luân Đôn, J-35 có thể được sử dụng vào nửa cuối của thập niên này cũng như KJ-600 (Không Cảnh), giúp chiếc Phúc Kiến có được uy lực như các hàng không mẫu hạm Mỹ vốn thường phối hợp các chiến đấu cơ phản lực đa nhiệm siêu thanh F/A-18, chiến đấu cơ tàng hình F-35, máy bay cảnh báo sớm trên không Hawkeye…

Với hàng không mẫu hạm mới, Trung Quốc muốn tấn công Việt Nam ?

Tuy vậy, Trung Quốc còn xa mới có thể ngang hàng với Mỹ. Tàu sân bay Phúc Kiến dùng năng lượng quy ước, trong khi các hàng không mẫu hạm Mỹ sử dụng năng lượng nguyên tử có tốc độ nhanh hơn và bền bỉ hơn. Chưa kể Hoa Kỳ đã có nhiều thập niên kinh nghiệm. Chiếc Phúc Kiến phải ít nhất hai năm nữa mới hoàn chỉnh, và dù Bắc Kinh có ý định sở hữu bốn tàu sân bay nguyên tử từ nay đến 2035, vẫn phải lẽo đẽo theo sau đuôi Mỹ.

Nhưng so sánh đơn thuần như vậy có thể dẫn đến suy luận sai lầm. Theo các chuyên gia về hải quân, các hàng không mẫu hạm Trung Quốc không được đóng để đối đầu trực tiếp với Mỹ. Trong một cuộc chiến tranh với Đài Loan hoặc vùng biển xung quanh Trung Quốc, các hỏa tiễn đạn đạo bay thấp có thể nhanh chóng tiêu diệt bất kỳ chiến hạm lớn nào. Rất có khả năng Bắc Kinh muốn sử dụng các tàu sân bay này để tấn công những nước yếu hơn như Việt Nam để tranh giành biển đảo, hoặc bảo vệ lợi ích Trung Quốc ở châu Phi.

Trong kỷ nguyên hỏa tiễn, khó thể hình dung một trận đại chiến trên biển như trận Midway năm 1942 với sự tham gia của ba hàng không mẫu hạm Mỹ và bốn của Nhật. Chuyên gia Sam Roggeveen của Viện Lowy (Úc) nói : « Tôi không cho rằng tham vọng hàng không mẫu hạm của Trung Quốc là một thách thức trực diện với sức mạnh hải quân Hoa Kỳ ». Theo ông, Bắc Kinh chỉ cố gắng xây dựng một lực lượng hải quân « sẽ hữu dụng một khi Mỹ trở nên yếu hơn nhiều, để lại những khoảng trống nhờ đó Trung Quốc cưỡng bức và trừng phạt những nước nhỏ hơn ».

Nguồn RFI

Leave A Reply

Your email address will not be published.