Thời gian và rác

Vương Trí Nhàn

0 201

Luôn luôn trên mặt báo có những bài than vãn, kể về những bất lực của chúng ta trước thứ …của nợ này.

Ở thành phố A., bãi rác cũ đã lấp, nhưng bãi rác mới chưa chính thức hoạt động, nay phần chính trong rác thành phố vẫn được đưa về một bãi tạm.

Ở thị xã B, bãi rác gây mùi và làm thành ổ ruồi nhặng, dân bên cạnh có kêu thì Sở vệ sinh môi trường vẫn chỉ biết hứa sẽ cố gắng.

Ở thị trấn nọ, người ta có sáng kiến làm ra 111 thùng rác dựng trên đường phố. Nhưng hóa ra việc đó chẳng phải vì dân mà chỉ cốt để đỡ công thu gom. Một tuần các thùng rác đó mới được dọn dẹp một lần, kết quả là mùi hôi thối bốc lên, dân có người lật ngược cả thùng rác để không ai đổ nữa cho đỡ khó chịu.

Tôi nghĩ rằng có thể nhìn vào rác và cách giải quyết rác cũng như các loại chất thải nói chung để thấy đủ thứ, từ trình độ sống của dân mình, tới những bước đi của xã hội.

Nóí cho văn hoa tức là lại còn có thể đếm bước thời gian trong cái thứ chế phẩm ngoài ý muốn này nữa.

Từ 1871, kinh thành Huế được Nguyễn Trường Tộ miêu tả như sau:

“ Nói riêng về một sự ở… Nay trong kinh thành, con đường lục bộ cho đến đường các nha thự, chợ quán, tường hào, vườn hoa và các bến sông, chỗ nào cũng có uế khí, thậm chí có kẻ trước mặt công chúng mà đi tiểu đại. Các cầu dọc theo sông, không luận ngày đêm đàn ông đàn bà, cứ ra nơi ấy mà phóng uế, quen lấy làm thường…

Ở phương Tây, phàm những người nào bỏ rác làm nhơ đường đều bị phạt cả vì việc ấy bất nhã mà có mối hại chung. Ta cũng là người như họ, lại không biết xấu hổ sao?

Đến như gạch vỡ, ngói hư, cây nhành khô lá rụng, rác và tro than các nhà loại ra, người nước khác đều thu nhặt làm đồ vật hữu dụng. Mà người mình thì vứt ra cùng đường, ném xuống ao vũng, hoặc đổ ra ngoài hào quanh thành, chất đầy cả bến sông.

Dinh thự các quan, tường vách xiêu đổ. Ngoài đường thì bùn lầy, vườn tược thì rác bẩn, trước sân thì cỏ mọc. Ngoài hào thì nơi lồi nơi hủng, các nhà trong thành hai bên đường gần nhà chỉ theo giới hạn mà quét dọn. Những đường bên vách tường đó, mùi hơi hôi thối, người đi qua phải che mũi đi mau. Như thế thì lòng tu ố (ghét điều xấu ở kẻ khác ) ở đâu? Sao gọi là nước biết giữ lễ nghĩa? ”.(trích trong bài “Về việc cải cách phong tục”).

Kinh thành còn thế, nữa là các đô thị khác, như Hà Nội, Sài Gòn.Trong mắt các giáo sĩ và lái buôn phương Tây …các miền đất tinh hoa đó cũng có những nét tương tự.

Những năm mới hòa bình lập lại (1954), ở cái xóm nghèo trên Thụy Khuê gia đình tôi sinh sống, tôi nhớ ngay tới một bà già, sáng sáng chủ nhật đi gọi mọi người tổng vệ sinh.

Vào cái thời cả xóm còn dùng đèn dầu, làm gì có micro như bây giờ. Bà già chỉ có cái loa bằng tôn. Nhưng bà a-lô không biết mệt.

Học sinh Chu Văn An hồi ấy kéo ra đường làm vệ sinh cũng là chuyện thường.

Hồi chiến tranh thủ đô của tôi cũng chưa đến nỗi tệ lắm.

Nhưng sau chiến tranh khi con người bắt đầu nhờn với mọi kỷ cương xã hội và lao vào mải làm giàu thì Hà Nội cứ mỗi ngày mỗi bẩn thêm.

Điều đáng nói không chỉ là thành phố ngày càng nhiều rác, người dọn không xuể. Mà cái đáng sợ hơn là thói quen của người dân.

Đang đi trên đường, tự nhiên nghe một tiếng đánh bộp. Thì ra dân hàng phố nhặt rau hay ăn mía xong, gói vào cái túi mỏng, quăng ngay ra đường, có khi quăng đúng vào dòng chảy của cống rãnh lộ thiên, nước bắn lên tung tóe.
Ai từng đi bộ trên đường, chắc thả nào cũng có lúc gặp những đòn đánh bất ngờ kiểu ấy.

Sợ nhất là vào nhiều chợ. Nhiều khi không dám bước nữa. Bởi cái lép nhép dưới chân, không chỉ do bùn từ giày dép mang vào, mà còn vì các loại rau thối bẩn các loại dây rợ lạt buộc, các loại lá lẩu … từ tay các bà bán hàng ném ra.

Còn bà hàng cá kia nữa, làm xong ruột cá cho khách là đổ ràn ngay nước ra đường, mặt đường còn thoáng có màu đỏ nhợt nhạt của máu cá.

Nhớ lại cái đường phố Huế mà Nguyễn Trường Tộ đã tả. Gần 150 năm qua đi mà nếp sống của chúng ta có thay đổi được bao nhiêu.

Mươi năm gần đây có chuyện rác thải của các bệnh viện. Rác được mang bán và người ta mua về chế biến ống tiêm vỏ chai thành các loại đồ nhựa dân dụng.

Có lần có tin một huyện vùng núi Nghệ An phát hiện ra một kho DDT mà các đơn vị y tế chôn từ hồi chiến tranh, coi như rác bỏ, nay do tác hại đến nguồn nước, người dân mắc bệnh nhiều mới tính giải quyết, mà không biết tống đi đâu bây giờ.

Điều duy nhất tôi cảm thấy được an ủi trong chuyện này: Thế hóa ra không phải chúng ta chỉ có các loại rác cổ điển, mà còn nhiều loại rác hiện đại.

Vâng, chỉ thời hiện đại mới sẵn túi ny lông, hộp xốp, các loại bao bì, các loại linh kiện đồ điện tử và hóa chất.
Và nhất là chỉ thời hiện đại mới có lối hoặc lén lút hoặc trâng tráo vứt rác bừa bãi như hiện nay.

Chứ trước 1945, việc quản lý các thành phố trong tay người Pháp, đố ai dám tính chuyện làm bậy thế.

Thời ấy người ta làm bậy không bao giờ thoát tội.

Đây là một đoạn trích trong chương II “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng.

Chuyện xảy ra tại một bóp cảnh sát khi một viên quản ngồi than thở sự đời với một thày cảnh sát dưới quyền:
– Thày có tiếc cái thời buổi ngày xưa, cách đây mười năm không ?
– Tiếc lắm ! Mười năm trước đây, dân ta còn ngu ..
– Ngày nay dân ta văn minh mất rồi rõ thảm hại! Thày phải biết là xưa kia, xã hội tinh những du côn với nặc nô, tinh những người bất lịch sự chỗ nào cũng phóng uế, cũng đánh nhau. Hồi ấy có khi bốn người ngồi một xe ! Họ chửi nhau hàng nửa giờ, đánh nhau vỡ đầu, nhà cửa của họ thì rác rưởi, nước cống nước rãnh tung toé, ngập lụt. Chó của họ cũng chạy ra ngoài đường nhông nhông… Xe đi đèo, hay không đèn là nhan nhản. Bây giờ mọi sự đã thay đổi cả.

Tôi đã chứng minh được cái luận đề nêu lúc đầu: thời đại in dấu vào rác.

Còn suy nghĩ tiếp thế nào, xin bạn đọc cứ tùy nghi.

Một hướng suy nghĩ mà tôi đề nghị:

Có phải lịch sử luôn luôn là vận động theo hướng văn minh tiến bộ? Hay lịch sử nhiều khi lại là những bước thụt lùi? Trên một số phương diện, xã hội ta đang trở về thời tiền – hiện — đại?

Theo facebook

Leave A Reply

Your email address will not be published.