Trí Thức Dấn Thân, Một Điển Hình Từ Đất Nước Do Thái

0 513

Lịch sử của các nước cho thấy rằng số phận của một dân tộc, trong nhiều trường hợp, có thể được chuyển hướng nhanh chóng dưới ảnh hưởng của một hoặc vài người. Sự hiểu biết và viễn kiến của người dẫn dắt sẽ giúp nhen lên ngọn lửa dân tộc, động viên những cá nhân cùng chung tay đưa quốc gia cất cánh, thiết lập một vị trí đầy kiêu hãnh trên trường quốc tế. Ở một khía cạnh khác, sự u mê nếu được điên cuồng cổ vũ sẽ chỉ đưa đất nước đi từ sai lầm này đến lầm lạc khác, và đẩy một quốc gia, dù với nhiều điều kiện ưu đãi, chìm đắm trong đói nghèo và tụt hậu.

Lịch sử lập quốc của đất nước Israel, hay còn gọi là Do Thái, trong vòng 100 năm nay minh chứng cho trường hợp thứ nhất khi mà người khởi xướng phong trào hồi hương phục quốc (Zionism) đã nhìn ra viễn cảnh một nước Do Thái mới dành cho tất cả mọi người, dựng xây trên nền tảng tự do, công bình, và bao dung, đón nhận tất cả những cá nhân đóng góp vào sự phục hưng của đất nước.

Chính từ những nền tảng này mà những thế hệ kế tục từ đủ các nguồn gốc, ngôn ngữ và màu da lần lượt trở về, chung tay tái dựng nên một đất nước tự do và phú cường ngay trên mảnh đất một thời là sa mạc khô cằn sỏi đá. Và người giúp truyền đi cảm hứng, động viên và tổ chức những bước đầu tiên cho sự hình thành phong trào phục quốc của người Do Thái đó là Theodor Herzl, một nhà báo, nhà biên kịch, nhà văn và là nhà hoạt động chính trị, người được xem là người cha tinh thần của quốc gia Israel hiện đại.

***

Năm 1894 nước Pháp diễn ra một vụ án làm rúng động chính trường, gây chia rẽ xã hội sâu sắc. Alfred Dreyfus, một đại úy pháo binh người Pháp gốc Do Thái, sinh ra ở vùng Alsace miền Đông nước Pháp và từng tốt nghiệp Học viện Quân sự danh giá École Supérieure de Guerre, bị cáo buộc gửi những bí mật quân sự cho Toà đại sứ Đức ở Paris. Mặc cho những lời kêu oan của Alfred Dreyfus, tòa tuyên án tù chung thân, đày sang Đảo Quỷ (Devil’s Island), vùng Guiana của Pháp ở Nam Mỹ.

Theodor Herzl, sinh năm 1860 trong một gia đình gốc Do Thái nói tiếng Đức tại Budapest, Hungary, lúc bấy giờ là một phóng viên của tờ báo Neue Freie Press (Tân Tự Do), được cử theo dõi và tường thuật về phiên tòa. Thấu cảnh từng đoàn người xuống đường hô to “Những thằng Do Thái hãy chết đi” trong các cuộc tuần hành bài Do Thái, đòi xử tử Alfred Dreyfus, khiến lòng Theodor Herzl dâng lên nỗi thương cảm cho số phận của đồng bào mình – những người Do Thái mất quê hương, sống bên lề xã hội và bị kỳ thị khắp nơi, cả ở những xã hội được coi là văn minh nhất thời bấy giờ như Pháp. Chính từ nỗi thương cảm những đồng bào mà hai năm sau, năm 1896, Theodor Herzl đã cho xuất bản cuốn sách nhỏ Der Judenstaat (Quốc gia Do Thái) viết bằng tiếng Đức, đưa ra kế hoạch và giải pháp về việc thành lập một nhà nước Do Thái riêng cho những người Do Thái muốn tránh sự bức hại và kỳ thị. Cuốn sách với nội dung khuyến khích dân Do Thái từ khắp nơi hồi hương mua đất và định cư ở vùng đất hứa của tổ tiên nhằm dựng lên một nhà nước cho chính mình đã nhanh chóng nhận được nhiều sự ủng hộ trong các cộng đồng Do Thái khắp nơi và được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Với gia đình Alfred Dreyfus, khi chắc chắn rằng con mình đã bị hàm oan, họ tiếp cận với một nhà báo để cùng điều tra chứng cứ về vụ việc và cung cấp các bằng chứng cho các giới chức chính quyền nhằm thuyết phục rằng Alfred Dreyfus vô tội. Trong khi đó, cơ quan phản gián của quân đội tìm thấy những bằng chứng cho thấy một thiếu tá lục quân mới thực sự là điệp viên đã chuyển các bí mật quân sự cho phía Đức. Quân đội ngay lập tức nhấn chìm vụ việc bằng cách thuyên chuyển trưởng cơ quan phản gián sang vùng Bắc Phi. Nhưng, cùng với việc xem xét lại các bằng chứng, những người ủng hộ sự vô tội của Alfred Dreyfus, mà trong đó có nhiều trí thức và giới truyền thông, ngày càng tăng lên. Sự chia rẽ trong xã hội Pháp ngày càng sâu rộng giữa hai phe ủng hộ và kết tội. Những cuộc biểu tình bài Do Thái diễn ra rộng khắp ở 20 thành phố lớn của nước Pháp. Sau 5 năm ngồi tù, Alfred Dreyfus được đưa trở về để xét xử lại. Dù cho những bằng chứng đều hướng đến sự vô tội, Alfred Dreyfus bị chuyển tội danh và bị kết án 10 năm tù. Tuy vậy, dưới áp lực của dư luận, tổng thống Pháp đã ra lệnh đặc xá và trả tự do ngay lập tức cho Alfred Dreyfus. Đây được coi là một cách để giữ thể diện cho quân đội. Năm 1906, Alfred Dreyfus được tuyên vô tội bởi một ủy ban quân sự và quay trở lại phục vụ quân đội với hàm thiếu tá.

THEODOR HERZL ON THE BALCONY OF THE THREE KINGS HOTEL IN BASEL IN 1898 DURING THE FIRST ZIONIST CONGRESS

Chứng kiến phản ứng bài Do Thái của những đám đông ở các thành phố lớn của Pháp chỉ làm tăng thêm quyết tâm của Theodor Herzl về giải pháp một nhà nước riêng cho người Do Thái. Năm 1902, Theodor Herzl tiếp tục xuất bản cuốn tiểu thuyết Altneuland (Miền Đất Mới Có Từ Ngàn Xưa) trong đó đưa ra viễn cảnh về một đất nước Do Thái với xã hội ưu việt nơi mọi người được sống trong tự do, công bằng, và hạnh phúc với sự khoan dung cao độ. Người Do Thái và Arab sống chan hoà với nhau. Hệ thống xã hội là một cấu trúc nằm giữa xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, trong đó kết hợp cả các lý tưởng xã hội về bình đẳng và chia sẻ cùng các cơ chế của hệ thống tư bản. Đất nước Do Thái mới sẽ là một chế độ dựng xây nên từ những giá trị tốt đẹp nhất của những quốc gia văn minh. Nó không loại trừ bất cứ ai chỉ vì nguồn gốc, tổ tiên hay tôn giáo trong việc chia sẻ những thành quả và nỗ lực của quốc gia. Và bởi vì những giá trị tốt đẹp để đúc kết nên một chế độ như vậy có được là nhờ ở sự kế tục và vay mượn những phát kiến từ những dân tộc và con người khác nhau trên thế giới, những người Do Thái nên biết ơn những đóng góp này và một cách để trả ơn đó là thể hiện lòng khoan dung cao độ đối với những người khác: hãy xem họ như là những người anh em của mình.

Song song đó, Theodor Herzl liên tục đi thuyết giảng tại các cộng đồng Do Thái khác nhau, gặp các giới chức chính trị từ Istanbul cho đến Luân Đôn để vận động cho việc hồi hương, định cư cho những người Do Thái. Những cuộc gặp gỡ và vận động cuối cùng dẫn đến việc hình thành Ủy hội Phục quốc Do Thái (Zionist Congress) được nhóm họp lần đầu tiên tại Basel, Thụy Sỹ vào năm 1897 nhằm đại diện cho các hội đoàn phục quốc khắp nơi trên thế giới. Với 500 đại biểu được bầu chọn bởi những thành viên trên 18 tuổi, Ủy hội đóng vai trò tổ chức cơ sở hạ tầng, mua đất, để đưa những người Do Thái tỵ nạn ở các nước về định cư ở miền đất hứa, nơi mà ngày nay là đất nước Israel. Bên cạnh đó, với tính đại diện theo tỷ lệ một cách dân chủ cho các cộng đồng Do Thái khắp thế giới, Ủy hội còn có vai trò tương tự như một chính quyền lâm thời đại diện cho những người Do Thái có chủ trương xây dựng một nhà nước Do Thái mới.

Theodor Herzl mất vào năm 1904 vì bệnh tim sau bảy năm nắm giữ cương vị chủ tịch Ủy hội Phục quốc Do Thái. Tuy vậy, vai trò và tổ chức của Ủy hội Phục quốc đã đủ quan trọng và lớn mạnh đến nỗi mà Theodor Herzl ghi vào nhật ký của mình rằng “tại Basel tôi đã lập nên nhà nước Do Thái”. Và đúng như nhận xét của ông, gần nửa thế kỷ sau, quốc gia Do Thái đầu tiên chính thức thành hình ở Palestine với tên gọi là Israel. Trước khi chết, Theodor Herzl đưa ra nguyện ước rằng muốn được chôn với nghi thức của tầng lớp nghèo hèn nhất trong xã hội, không điếu văn, cũng không hoa, chôn cạnh cha và sẽ nằm đó cho đến khi những người Do Thái đem phần còn lại của ông về Israel. Như nguyện ước của mình, 45 năm sau, vào năm 1949, người Do Thái tổ chức trang trọng đưa ông về chôn trên một ngọn đồi ở Jerusalem, đặt tên là Đồi Herzl, để tưởng nhớ người cha tinh thần của đất nước Do Thái hiện đại.

Câu chuyện của Theodor Herzl cùng với những lãnh đạo cộng đồng khác trong phong trào phục quốc của người Do Thái đáng để giới trí thức ở các dân tộc khác suy ngẫm. Bằng việc cùng đứng chung nhau, họ đã giúp dựng xây nên một đất nước tự do và phú cường, trở thành niềm kiêu hãnh cho các thế hệ ngày sau và sự ngưỡng phục của thế giới cho những nỗ lực phục quốc và kiến quốc của mình. Thay đổi nếp vận hành và suy nghĩ của một xã hội đã khó, dựng xây nên một nhà nước từ những cá nhân rời rạc càng khó gấp bội. Tuy vậy, những quan sát từ quá trình phục quốc của người Do Thái cho thấy rằng khi giới trí thức ý thức được sứ mệnh của mình, tầm quan trọng của viễn kiến và mong muốn đất nước có một tương lai hơn, họ có thể động viên được những tầng lớp khác nhau cùng chung vai thay đổi xã hội và tạo nên một số phận mới cho dân tộc.

Sự dấn thân của trí thức đó mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ đó là tính tổ chức hợp lý và viễn kiến về một tương lai của dân tộc. Viễn kiến đó là một chế độ xã hội nơi con người được tự do, phẩm giá được tôn trọng, và công bình được xiển dương, nơi con người sống chan hòa, chia sẻ và bao dung trong cùng một xã hội. Mà để muốn có như vậy thì từ những tổ chức nhỏ nhất, đầu tiên nhất, nhằm thúc đẩy những giá trị tiến bộ này, phải là những tổ chức dân chủ.  Chỉ khi dân chủ được thực hiện từ những cấp thấp nhất và đơn giản nhất thì người dân mới có dịp làm quen với đặc tính dân chủ. Và cách thực thi dân chủ một cách cơ bản nhất đó là bầu chọn, một cách công bằng, minh bạch và tự do, nhằm chọn lên những người lãnh đạo cho những cộng đồng hay tổ chức của mình.

10-4-2018

Tác giả gửi Trí Việt News

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.