Khi Giấc Mộng Nam Kha Của Đồng Tiền Trở Thành Ác Mộng Của Văn Hóa

0 561

“Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không” (*)

​Tôi không ngạc nhiên khi nghe họ sẽ phá bỏ tòa nhà cổ Dinh Thượng Thơ trên dưới 150 năm tuổi đời nơi từng là trụ sở Bộ Kinh Tế của chính quyền VNCH, còn cổ hơn Tòa Đô Sảnh xây từ thế kỷ 19 hay gần bằng nhà Thờ Mến Thánh Giá bên Thủ Thiêm xây từ thế kỷ 18 ​chỉ vì nó mang tội không được liệt vào danh sách di tích. ​

Thật ra tất cả những gì mang bản sắc về Sài Gòn, hay những gì gắn liền với cái tên Sài Gòn đều nằm trong tầm ngắm được đặt trong cái gọi là “tàn dư cũ cần xóa bỏ”. Những con đường mang tên các vị tiền bối, các nhân vật lịch sử, những danh nhân văn hóa nhưng không phù hợp với họ thì đều bị gạt bỏ, những gì họ không cho là di tích lịch sử thì xóa bỏ nên chẳng có gì lạ hay bị sốc nặng. Ngày nay những người đã từng biết và sống một thời ở Sài Gòn, chúng ta hãy cùng nhau đếm lại xem Sài Gòn ngày nay có còn lại bao nhiêu cái gì thuộc về Sài Gòn xưa, ngay cả cái tên Sài Gòn cũng đã bị thủ tiêu thì còn gì mà không bị đập phá hay vứt bỏ. Có lần nói chuyện với bạn, tôi nói rằng Sài Gòn ngày nay đã mất bản sắc của nó. Người đó nói với tôi thế này, thế giới ngày nay đã thay đổi, cuộc sống phải thay đổi theo và những gì của quá khứ không cần thiết phải tồn tại thì nên phá bỏ, chúng ta phải nghĩ đến tương lai chứ không nên chỉ nhìn lại quá khứ mà đau buồn. Tôi không buồn cải chính vì một khi người ta đã có suy nghĩ vậy ăn sâu trong tiềm thức thì có cải chính hay tranh luận cũng chẳng bao giờ đi đến đâu.

Câu chuyện này làm tôi nhớ đến những chuyến đi bụi của những năm xưa qua các nước từ Á sang Âu và so sánh với những điều khá tương đồng và trùng hợp với Việt Nam nhưng ở các quốc gia đó họ không làm như cách Việt Nam đang làm. Lần ở Ba Lan tôi có nói chuyện với một anh bạn người Ba Lan mới quen trong chuyến đi đó về cái Cung Văn Hóa và Khoa Học xấu xí nằm chình ình ngay ở vị trí tốt nhất giữa thủ đô Ba Lan. Nó là quà tặng của Stalin cho đất nước này sau khi nước Cộng Hòa Nhân Dân Ba Lan được chính thức tuyên bố thành lập năm 1952, khi nước này trở thành một quốc gia vệ tinh theo chủ nghĩa cộng sản chuyên chế kiểu Liên Xô. Người Ba Lan luôn đùa cợt về kiểu kiến trúc và các tượng đài Sô Viết, cho nó là văn hóa của những kẻ vô thần và không thẩm mỹ. Sau khi thoát khỏi Cộng Sản, biết nó xấu nhưng người Ba Lan tuy đập bỏ hầu hết các tượng đài liên quan đến cộng sản nhưng vẫn giữ lại cái Cung Văn Hóa này.

Thứ nhất nó nhắc nhở đến thời gian tăm tối của đất nước này nằm trong tay người cộng sản để cảnh tỉnh ​thế hệ sau, phần còn lại là nó thuộc về lịch sử. Lịch sử nó không xấu cũng không đẹp, nó tuy là quá khứ nhưng nó là dấu mốc, di sản gắn liền với lịch sử của dân tộc nên cần phải gìn giữ. Ở Tiệp, tôi nhớ mình đi tham quan tòa nhà quốc hội Tiệp cũng là cung Hoàng Gia khi xưa, lúc đó tòa nhà Quốc Hội đang trong quá trình bảo trì. Một cung điện đẹp tuyệt vời nhưng họ không hề sơn phết những màu sắc lòe loẹt hay tô son thếp vàng theo phong cách vua chúa và làm mới vẻ bề ngoài. Tất cả họ làm chỉ gia cố những vết nứt và đặc biệt là luôn làm cái mới đồng nhất với cái cũ, đó là nguyên tắc chứ không vì cũ mà thay mới. Ở Hong Kong, có một đoạn cable cab móc ngược chỉ có vài trăm thước đi lên đỉnh ngọn Victoria Peak. Người Hong Kong tự hào về cable cab móc ngược này lắm và nó trở thành một di tích được ghi vào danh sách cần được quan tâm và bảo tồn vì nó là một phần lịch sử phát triển gắn liền với Hương Cảng (Cảng Hương Thơm).

Cách mạng Văn Hóa ở Trung Quốc đã đập phá đến 70-80% những di tích lịch sử, kể cả đền thờ Khổng Tử mà giờ đây họ mang tư tưởng của ông đi quảng bá khắp thế giới. Ai đã từng thăm và viếng Tử Cấm Thành của Trung Quốc chắc đã hiểu rõ một cái Cung to gần bằng một thành phố nhưng chẳng có lấy một cổ vật Hoàng Gia nào cho ra hồn, may mắn thay là Quốc Dân Đảng đã dọn hầu hết cổ vật sang Đài Loan, chứ nếu còn nằm lại thì sau Cách Mạng Văn Hóa cũng đã thành một mồi lửa hay ra tro cả hết rồi. Giờ đây người Trung Quốc dù có tự hào về lịch sử của họ, có muốn tìm nhìn lại nó cũng không được, có giàu có đến bao nhiêu và muốn bỏ tiền ra để có lại cũng không thể, nuối tiếc cũng đã muộn màng chỉ vì những cái não úng thích phá hơn thích giữ gìn.

Nhìn lại Việt Nam, nhớ đến những đầu máy xe lửa đoạn đường Tháp Chàm – Đà Lạt với những đầu máy hơi nước dùng chạy trên đường ray răng cưa để leo dốc và xuống dốc có một không hai trên thế giới giờ đã bán cho Thụy Sĩ. Đã có bao nhiêu đoạn phim ngắn về những đầu máy này sau khi về lại Thụy Sĩ mà bao nhiêu người xem rồi tiếc ngẩn tiếc ngơ để nói “Phải chi…”. Hoàng thành Thăng Long dưới lòng đất khu vực tòa nhà Quốc Hội nơi chứa có hơn 100 di tích, hàng ngàn di vật của kinh thành Thăng Long xưa. Lăng mộ vương phi nhà Nguyễn bị cày sới biến thành bãi giữ xe ở cố đô Huế. Thương xá Tax, xưởng Ba Son, tượng Trần Nguyên Hãn… Và cả ngàn di tích không hề được kể đến đã biến mất chỉ dành đất làm thương mại. Không chỉ Sài Gòn hay bất cứ một thành phố nơi nào đó trên đất nước Việt Nam, kể cả cái gọi là thủ đô Hà Nội. Nếu bạn có thấy cái di tích nào được ghi vào danh sách di tích quốc gia vì nó không thể đem đi bán nhưng có thể có tiếng, có danh và được dùng để trục lợi cho du lịch mà thôi. Dưới mắt của họ, hoàn toàn không hề có một di tích, di sản, bản sắc văn hóa và dân tộc, lịch sử cần đáng quan tâm, tất cả không là gì mà chỉ là những mảnh đất dùng để phân lô bán nền, buôn bán, đầu tư và xây sân golf hay các trung tâm thương mại, chung cư cao tầng để kiếm lời.

Di sản lịch sử văn hóa và bản sắc dân tộc bảo tồn và phát triển là tất cả nhờ vào con người, nhưng than ôi, con người dưới thời “chuyên chính vô sản” hoặc là bị vùi dập hoặc là bị cải tạo và biến đổi gene, phẩm chất đạo đức và những đặc trưng truyền thống hầu hết bị lai tạo và thay giống. Nó cũng đã hình thành một lớp con người mới ngày nay là ích kỷ, hẹp hòi, ác độc, thích thụ hưởng, hời hợt, vị kỷ và thực dụng.

Những con người này thay vì tiếp tục bảo tồn, giữ gìn di sản theo bản sắc gốc rồi phát triển thì đã hoàn toàn đi ngược lại những quy tắc mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tuân thủ. Đó là những gì ta thấy ở chế độ tạo ra con người như vậy, đừng mong họ thay đổi vì ở trong những con người này không hề có cái gì gọi di sản và quá khứ hay lịch sử mà chỉ có tiền và quyền lợi. Bản chất đã vậy thì làm sao mà thay đổi được, nếu còn tin rằng hy vọng họ sẽ thay đổi thì có nói cũng bằng thừa hoặc chăng bạn chắc phải là người có niềm tin rất mãnh liệt về “chiến thắng mùa Xuân” mà họ đã tuyên truyền.

Chỉ một cách duy nhất bây giờ nếu bạn có lòng nghĩ về cái gì thuộc về di sản và bản sắc thì nên đi một vòng để chụp lại hết trước khi chúng bị đập bỏ, những gì bạn nghĩ nó thuộc về Sài Gòn, thuộc về lịch sử và bản sắc của Sài Gòn làm thành một cuốn album. Vì sau này thành phố có tuổi đời hơn 300 năm sẽ biến thành một khu đô thị hiện đại với tuổi đời chừng vài chục năm không-có-lịch-sử. Khi có bạn, du khách viếng thăm tìm đến những di tích, danh lam thắng cảnh về văn hóa và bản sắc thì bạn có thể đem những tấm hình bạn đã chụp ra để khoe bạn bè năm châu và nói với con cháu chúng ta rằng, Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng từng là một vùng đất có đầy lịch sử, văn hóa và bản sắc riêng của nó nhưng nó đã bị tận diệt. Chúng ta từng có một đất nước 4 ngàn năm giàu có văn hiến và nhiều di sản nhưng giấc mộng Nam Kha của đồng tiền và sự ngu xuẩn đã biến một đất nước đầy di sản thành một vùng đất hủy hoại và không di sản trước khi ai đó tỉnh mộng lại.

(*) Cung Oán Ngâm Khúc – Nguyễn Gia Thiều

Leave A Reply

Your email address will not be published.