Cô đơn trên đỉnh

Quỳnh Giao

0 1,813

Với nhiều người, Sàigon có lẽ văn minh và đáng nhớ nhất là vào thập niên 60.

Chúng ta dám nghĩ vậy khi nhiều ca khúc ngoại quốc phổ thông nhất của thời ấy ngày nay còn được ưa chuộng.

Giờ này, ở xa cả Paris lẫn Sàigòn, có khi tại Cali nắng ấm, ta vẫn nghe lại “Tombe la Neige” của Adamo, hay “Capri, C’est Fini” của Hervé Villard, v.v… Ðấy là mấy bài nổi tiếng từ giữa thập niên 60 và kịp tràn vào Sàigon trước khi khói lửa bùng dậy. Rồi từ đấy, giai điệu và lời ca cứ đọng trong trí nhớ nhiều người, dù nhạc Pháp đã thay đổi rất nhiều trong bốn chục năm qua.

Một người Pháp mà bước vào quán ăn lịch sự của người Việt có khi ngỡ ngàng nghe thấy một mảnh vụn xa xưa của văn hóa Pháp còn lấp lánh trong không gian âm nhạc của cộng đồng tỵ nạn. Nếu am hiểu đôi chút về văn hóa Á Ðông, họ liên tưởng đến truyện Ðào Nguyên. Nơi khuất nẻo ấy, những người chạy loạn thời Bạo Tần còn giữ nguyên phong thái cũ, mấy trăm năm sau vẫn ăn mặc ăn nói như xưa mà không biết lịch sử đã trải bao lần đổi thay. Paris ngày nay không hát như vậy, Sàigon cũng thế.

Tiếng hát lúc ấy chỉ làm nền cho kỷ niệm êm ái trở về…

Mà những khúc hát phổ thông ấy (một loại pop-music của Tây) thực ra đã bị thế giới lãng quên. Ðáng tiếc hơn rất nhiều là chúng ta cũng có thể lãng quên dần nhiều ca khúc nghệ thuật thuộc khuynh hướng bán cổ điển Tây phương do chính người Việt mình sáng tác.

Ca khúc phổ thông là loại dễ hát và dễ nghe vì giai điệu nhẹ nhàng dễ nhớ, với lời ca giản dị. Ca khúc nghệ thuật là loại kén người hát nên càng ít người nghe và chưa chắc đã được đám đông đón nhận. Kén người hát vì giai điệu cầu kỳ, đòi hỏi kỹ thuật hòa âm và phối khí công phu cùng với nghệ thuật trình bày điêu luyện. Ít người nghe vì lời ca óng ả nét Ðông phương mà rất hài hòa trên cung bậc cổ điển của Tây phương.

Ðấy là loại ca khúc có giá trị nghệ thuật cao về cả nhạc lẫn lời, nhất là nhạc. Dù không hiểu lời, một người ngoại quốc có trình độ âm nhạc mà nghe những ca khúc ấy tất phải chú ý và có thể ngẫm ra những lời gửi gấm được diễn tả bằng nhạc.

Những nhạc sĩ đi vào khuynh hướng ấy phải có căn bản nhạc lý thật vững, có trình độ văn hóa và ưa chuộng nghệ thuật hơn là chạy theo thị hiếu đám đông. Họ viết trước tiên là cho chính họ. Ðiển hình nhất trong số này là Dương Thiệu Tước, cháu nội cụ Dương Khuê.

Sinh tại đất Bắc, ông viết một bài có thể là “hiệu ca” của Cố đô Huế là “Ðêm Tàn Bến Ngự”, và một bài đầy âm hưởng miền Nam, là “Tiếng Xưa”. Nhưng, lãng mạn và trác tuyệt là “Ngọc Lan”, tân kỳ và độc đáo là “Mơ Tiên”, “Bến Xuân Xanh” hay “Thuyền Mơ”, hoặc xa xưa mà quý phái là “Buồn Xa Vắng”… thì nay ít còn ai nhớ vì ngày càng ít người hát.

Nối tiếp Dương Thiệu Tước trong khuynh hướng bán cổ điển Tây phương, chúng ta có Vũ Thành, con trai cụ Tuần phủ Vũ Ðại. Nhắc đến Vũ Thành, người ta chỉ còn nhớ “Giấc Mơ Hồi Hương” mà có khi không biết hoặc đã quên những bài đắc ý nhất của ông, như “Nhớ Bạn”, “Nhặt Cánh Sao Rơi”, “Gửi Áng Mây Hàng”, “Gió Thoảng Hương Duyên”….

Nếu có được một đêm yên ắng mà nghe “Nhớ Bạn”, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt giữa nhạc phổ thông của Pháp với ca khúc nghệ thuật của ta.

Trẻ hơn lớp người đã thành thiên cổ ấy thì có Cung Tiến. Có lẽ ông rất buồn khi người ta chỉ nhớ đến “Thu Vàng” hay “Hoài Cảm”, những ca khúc sáng tác thời trẻ, theo ý ông, “như những bài tập”. Trong khi ấy “Nguyệt Cầm”, “Lệ Đá Xanh” hay “Mắt Biếc”, “Vết Chim Bay” là những bài ông hài lòng. Ðấy là Quỳnh Giao chưa nói đến nhiều ca khúc đặc biệt khác mà ít ai biết vì chẳng còn mấy ai dám hát, như “Ði Núi” hay “Hoàng Hạc Lâu”. Ai hòa âm và dạo nhạc cho mình hát loại ấy nhỉ…

Gần với chúng ta, có Lê Văn Khoa là người tràn đầy thiện chí làm mới tân nhạc mà bài “Gọi Nhớ” có khi đã bị quên vì người ta thường nhớ đến những bài nôm na dễ trình bày hơn. Một người mà đa số người nghe trong Nam cũng đã quên chính là Nguyễn Văn Quỳ, tác giả của “Dạ Khúc”, “Mây Trôi” và “Cánh Chim Chiều” mà chúng ta hay đẩy lui vào vùng… “Tiền chiến”.

Khi còn nghe lại một số ca khúc phổ thông của Pháp, nhiều khi chúng ta thấy bơ vơ như trẻ thơ nhớ nhà và cố tìm về không khí thanh lịch của thành phố ngày cũ. Khi nghe loại nhạc Quỳnh Giao tạm gọi là “bán cổ điển Tây phương” của những nhạc sĩ muốn nâng cao trình độ nghệ thuật và mở ra những chân trời khác, chúng ta thấy họ quả là những người cô đơn. Họ sáng tác cho chính họ và nhiều khi cũng chẳng mong đợi là tìm ra tri kỷ trong đám đông.
Nhưng cũng nhờ các ca khúc này mà tân nhạc của mình đã vươn tới những đỉnh cao khác.

Trong các bộ môn giáo dục tiếp nhận ở học đường, chúng ta học nhiều về thơ văn mà có lẽ rất ít về cách thưởng ngoạn cái đẹp, như trong hội họa hay âm nhạc. Phải chăng vì vậy mà chúng ta không được thưởng thức cái đẹp trong các ca khúc, rồi tự hài lòng với những gì phổ thông đại chúng nhất, và lãng quên dần những tác phẩm đáng lẽ phải làm mình hãnh diện?

Nguồn: DainamaxForum

Leave A Reply

Your email address will not be published.