Trần Thiện Thanh và “Phút giao mùa”

Huỳnh Duy Lộc

0 253

Trần Thiện Thanh sinh năm 1942 tại Phan Thiết, vào học ở Sài gòn từ năm 1958, đi dạy học ở các trường trung học tư thục rồi nhập ngũ, học Trường Hạ sĩ quan. Từ năm 1965, anh về phục vụ tại Cục Tâm lý chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa cho đến cuối tháng 4 năm 1975.

Anh cũng cộng tác với Ðài Phát thanh Sài gòn, Đài phát thanh Quân đội và Đài truyền hình Việt Nam, thực hiện những chương trình ca nhạc với những ca khúc trữ tình và những ca khúc về người lính. Anh cũng lấy nghệ danh Nhật Trường, lên Đài phát thanh hay vào phim trường của Đài truyền hình tự trình bày những ca khúc do anh sáng tác, góp mặt trong nhóm tứ ca Nhật Trường (gồm Như Thủy, Vân Quỳnh, Diễm Chi và Nhật Trường) và biểu diễn chung với những ca sĩ cùng thời như Thanh Lan. Sau năm 1975, anh ngưng hoạt động âm nhạc, mãi tới năm 1984 mới đi lưu diễn trở lại ở những tỉnh xa cùng với một số nghệ sĩ, sáng tác thêm một vài ca khúc mới như “Chiếc áo bà ba” rồi định cư tại Mỹ. Anh từ trần vào ngày 13 tháng 5 năm 2005 tại Westminster, California.

Người dân Phan Thiết rất yêu mến anh, gọi anh là “Vua nhạc bolero” vì trong gần 40 năm, anh đã sáng tác nhiều ca khúc thuộc dòng nhạc phù hợp với đại chúng, trong đó có ca khúc trữ tình “Hàn Mặc Tử” nói về một thắng cảnh của quê hương Phan Thiết.

Chủ đề lớn trong các sáng tác của Trần Thiện Thanh là tình yêu, nhưng cũng như nhiều nhạc sĩ cùng thời, anh đã viết nhiều nhạc phẩm thể hiện tâm tình của người lính, những người trẻ tuổi sống vào thời ly loạn như nhận xét của nhà thơ Du Tử Lê: “Trần Thiện Thanh không chỉ lãng mạn hay thi vị hóa hình ảnh người lính như một nhạc sĩ đứng bên lề, nhìn dòng cuồng lưu quê hương, đất nước gập ghềnh thác lũ, mà ông thực sự đắm mình trong dòng sông ở những uốn khúc ngặt nghèo. Ông cảm nhận, chia sớt mọi buồn vui trong tư cách một người đồng hành. Một đồng đội sống chung cùng tập thể. Tôi nghĩ phần đóng góp hay giá trị lớn lao nhất của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh với những ca khúc viết về người lính ở chỗ: không người lính nào không tìm thấy hình ảnh, tâm tình của mình ít hay nhiều qua những sáng tác tự nguyện, xuất phát từ tấm lòng say mê, yêu thương đời lính của ông… Có lúc người lính trong ca khúc của Trần Thiện Thanh cảm thấy nhớ nhà, nhớ bạn bè, nhớ người yêu. Họ cũng bâng khuâng, buồn bã, ngóng trông người yêu của họ nơi thành thị yên ấm…”

Mùa xuân trong nhạc của Trần Thiện Thanh cũng là mùa xuân của lính, mỗi mùa xuân đến vào thời chiến tranh vẫn đem lại tâm trạng náo nức, nhưng chàng trai đã khoác áo lính không còn được ở gần người yêu mà phải cầm súng gác trên tiền đồn heo hút và trong giây phút giao mùa, khi đất trời chuyển từ năm cũ sang năm mới, bao kỷ niệm của một thuở đất nước còn thanh bình bỗng hiện về trong tâm tưởng. Anh nhớ tới những đường phố dập dìu những người đi hái lộc đầu năm sau khi tiếng pháo nổ khai xuân vừa dứt và hồi tưởng lại một giấc mơ giống như một chuyện tích xưa, mong được nhìn thấy một nàng tiên xuống trần gian xem hoa nở và cất tiếng hát khi gót hài lả lướt trong một điệu múa làm say đắm lòng người. Nhưng trong phút giao thừa, anh chỉ có một mình ở tiền đồn heo hút và mơ ước người yêu ở chốn xa xăm sẽ hiện ra như “nàng tiên nhỏ bé giữa đêm giao mùa, lạc đường dương gian đến thăm mình anh”.

PHÚT GIAO MÙA

Lại một mùa xuân nữa đến trong khói lửa chiến tranh
Mùa xuân vẫn xanh, xanh như cuộc tình em với anh
Xuân này anh không về,ngàn câu thề không chắc em vui,
Quà xuân anh chẳng có, gác giặc từng giờ
Đời lính chiến lấy gì gửi về em?

Tiền đồn heo hút nhắc anh kỷ niệm ấu thơ.
Hỏi: “em có nghe trong tâm hồn gợi giây phút xưa?”
Năm nao đêm giao thừa ngày khói lửa chưa kín quê hương,
Và đôi ta nhỏ bé, thức xem giao thừa,
Kể chuyện vu vơ và thức trong mộng mơ.

Em anh có nhớ khi ta mơ chuyện tích xưa:
Tiên nương hiện xuống không gian xem hoa rộ khắp nơi
Trăng sao mọc kín đêm khuya cho thiên thần hát ca,
Rồi nhè nhẹ gót hài tiên ca múa trên trần ai
Nhưng tiên nào thấy đâu dù em chắp tay nguyện cầu
Trăng sao nào thấy đâu để anh bỗng nghe nặng sầu
Rồi pháo nổ khai xuân để mình dỗi hờn xa xăm
Khi đường trần dập dìu người đi hái lộc đầu năm

Rồi từng xuân đến bắt anh giã từ ấu thơ
Rồi xuân chiến chinh phút giao mùa còn anh với anh
Xuân chưa ôm đôi đời
Lòng xin một phút giây mơ thôi
Nàng tiên anh nhỏ bé giữa đêm giao mùa,
Lạc đường dương gian và đến thăm mình anh.

HUỲNH DUY LỘC giới thiệu

Ca khúc “Phút giao mùa” với giọng ca Ngọc Minh trong CD “Xuân nghệ sĩ”: https://youtu.be/uGmVtkS-dmA
Ca khúc “Phút giao mùa” với giọng ca Ngọc Minh & Trung Chỉnh: https://youtu.be/V83O19KPm9k

Leave A Reply

Your email address will not be published.