Chùa Linh Ứng, Sơn Trà, Đà Nẵng

Huỳnh Duy Lộc

0 392

Chùa Linh Ứng – Sơn Trà (tên chính thức là chùa Linh Ứng Bãi Bụt – Sơn Trà) được xây dựng ở lưng chừng bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, có bức tượng Phật cao nhất Việt Nam. Đó là tượng Phật Bà Quan Âm cao 67m, đường kính toà sen 35m, do điêu khắc gia Thụy Lam và điêu khắc gia Châu Viết Thạnh thi công từ năm 2006 đến năm 2010 mới hoàn tất.

Tượng Phật Bà Quan Âm đứng tựa lưng vào núi, hướng ra biển, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lồ. Trên mão tượng Quan Âm có tượng Phật Tổ cao 2m. Trong lòng tượng có 17 tầng, mỗi tầng đều có bệ thờ tổng cộng 21 bức tượng Phật với hình dáng, vẻ mặt, tư thế khác nhau, gọi là “Phật trung hữu Phật” (Trong Phật có Phật).

Chùa Linh Ứng có liên quan đến một truyền thuyết dân gian ở hai làng Cổ Mân và Nam Thọ. Chuyện kể rằng ngư dân 2 làng này từng nhìn thấy Phật Bà Quan Âm ẵm Hồng Hài Nhi từ biển đi vào bờ tại bãi đất ở phía Nam bán đảo Sơn Trà nên bãi này được đặt tên là Bãi Bụt. Chùa này ngày xưa cũng chỉ là chùa làng. Nhưng từ ngày ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lúc bấy giờ, thấy địa phương mình bão nhiều quá, dân lành lầm than quá nên sau cơn bão Xangsane năm 2006, ông vào Điện Bàn gặp thầy Năm Kiều nhờ bói cho một quẻ. Thầy bảo ông “nên dựng tượng Phật Bà ở chùa Linh Ứng – Sơn Trà thì trong tương lai, bão sẽ nhẹ dần đi khi vào Đà Nẵng”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết về bồ tát Avalokiteśvara (Quán Thế Âm; tiếng Phạn: अवलोकितेश्वर) được đề cập ở chương 25 của kinh “Diệu pháp liên hoa”: “Ở châu Á, nhiều người tin rằng vị bồ tát này là một nữ thần; ở Trung Quốc và Việt Nam, người ta gọi bồ tát Quán Thế Âm là Phật Bà Quan Âm. Trong thực tế, Avalokiteśvara có thể là nam nhân mà cũng có thể là nữ nhân như Đức Phật đã giải thích trong kinh “Diệu pháp liên hoa”: bồ tát Avalokiteshvara có thể biểu hiện dưới hình dạng một chính khách, một thương nhân, một đứa trẻ, một con rồng, một con ngựa, một đóa hoa – dưới bất cứ hình dạng nào phù hợp nhất với nhu cầu của người cầu cứu ngài. Khi hoàn cảnh đòi hỏi phải có mặt bồ tát Avalokiteśvara, ngài sẽ hiện ra dưới hình dạng thích hợp nhất để cứu khổ cứu nạn. Avalokiteśvara là vị bồ tát của tình yêu thương và lòng từ bi.

Chương 25 của kinh “Diệu pháp liên hoa” mở đầu với việc bồ tát Vô Tận Ý (Akshamati, Inexaustible Mind) hỏi Đức Phật về tên của bồ tát Avalokiteśvara (Quán Thế Âm): “Lúc bấy giờ, ngài bồ tát Vô Tận Ý liền từ chỗ ngồi đứng dậy kéo áo xuống, bày vai hữu, chắp tay hướng về Đức Phật mà thưa rằng: “Thế Tôn! Ngài bồ tát Quán Thế Âm do nhân duyên gì mà tên là Quán Thế Âm?” Đức Phật trả lời: “Nếu có vô lượng chúng sinh chịu các khổ não, nghe danh bồ tát Quán Thế Âm và một lòng xưng danh bồ tát Quán Thế Âm thì tức thì được giải thoát”.
Các hành động của bồ tát Avalokiteśvara có thể đáp ứng mọi nhu cầu của mọi người và mọi hoàn cảnh, bao trùm hết mọi nơi chốn, mọi không gian và thời gian. Tên Avalokiteśvara dịch ra tiếng Việt là Quán Tự Tại. Quán có nghĩa là quan sát, nhìn sâu vào, nhận biết, là dịch nghĩa của từ Sanskrit “vipashyana” và nó đi đôi với từ “shamatha”. Shamatha có nghĩa là quán tưởng, an yên, ngừng dứt. Shamatha và vipashyana là 2 yếu tố của thiền tập – dừng lại, tập trung tinh thần và nhìn sâu vào đối tượng của thiền tập; đó có thể là cơn giận, nỗi tuyệt vọng hay một tình thế khó khăn chúng ta lâm vào. Từ “Tại” có nghĩa là tự do. Nhờ có việc dừng lại và nhìn sâu vào đối tượng, chúng ta tự do thoát khỏi khổ đau.

Người Việt gọi Avalokiteśvara là Quán Thế Âm. Quán có nghĩa là quan sát, lắng nghe và nhin sâu vào những âm thanh của thế gian để nghe những tiếng khóc than của thế gian, nhìn thấy mọi biểu hiện của thế gian. Các sinh vật tự biểu hiện dưới nhiều hình thái khác nhau và dù cho chúng có tự biểu hiện rõ ràng hay không, bồ tát Avalokiteśvara luôn luôn hiểu được chúng.

Trong kinh Shurangama Samadhi, Avalokiteśvara giác ngộ nhờ việc quan sát thật gần và lắng nghe thật kỹ những âm thanh của thế gian. Đối tượng của quan sát là âm thanh của thế gian, những tiếng khóc than của thế gian vì nỗi khổ thường biểu hiện qua tiếng khóc than. Kinh Diệu pháp liên hoa chép rằng “hoằng thệ (broad vows) của bồ tát Quán Thế Âm sâu như biển; ngài đời đời làm thị giả thờ hằng hà sa số vị Phật”. Ước nguyện của bồ tát Avalokiteśvara cũng rộng lớn, mênh mông như biển cả và ngài đã có nhiều kiếp sống trong quá khứ, làm thị giả của mấy triệu vị Phật trong quá khứ. “Ai nghe tên cùng thấy hình, niệm tên ngài sẽ không chết vô ích vì ngài trừ được khổ của 3 cõi”. Ai niệm tên ngài hoặc nhìn thấy ngài trong tâm tưởng sẽ tập trung được tinh thần cao độ và trở nên thanh sạch, thoát khỏi mọi khổ đau…” (Peaceful action, Open heart – Lessons from the Lotus Sutra, Thích Nhất Hạnh, tr. 171, 172, 173).

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: Chùa Linh Ứng – Sơn Trà với tượng Phật Bà Quan Âm

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.