Medvedev thăm Hà Nội giữa lúc chiến cuộc Ukraine căng thẳng, Việt Nam có khó xử?
TVN
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam tiếp ông Medvedev, Chủ tịch đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền lâu năm ở Nga, hôm 22/5 ở Hà Nội. Hai nhà bình luận đánh giá với VOA rằng Việt Nam tuy có một số khó khăn nhưng vẫn xử lý khéo léo được với Nga về cuộc chiến Ukraine.
Các cơ quan báo chí lớn của Việt Nam, bao gồm cả Báo Chính Phủ, đài Tiếng nói Việt Nam, đài Truyền hình Việt Nam, cho biết Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm riêng rẽ với ông Dmitry Medvedev, người cũng giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga.
Hai ông Trọng và Medvedev “đã trao đổi về đánh giá của mỗi bên về tình hình quốc tế hiện nay, các phương hướng lớn thúc đẩy phát triển tích cực trên thế giới và quan điểm về các vấn đề hai bên cùng quan tâm”, các bản tin viết và không nói rõ hai nhà lãnh đạo có đề cập cụ thể đến cuộc chiến ở Ukraine hay không.
Vẫn báo chí Việt Nam cho hay hai bên đã ra tuyên bố chung nói chuyến thăm của ông Medvedev có một số mục tiêu là “tăng cường hợp tác trên các vấn đề khu vực và quốc tế nhằm củng cố hòa bình, an ninh, vì lợi ích của nhân dân hai nước; bảo vệ và tăng cường các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc”.
Tường thuật về cuộc gặp giữa ông Chính và ông Medvedev, tin tức trên báo chí Việt Nam cũng không cho biết hai ông có bàn về Ukraine không.
Truyền thông chịu sự quản lý của nhà nước viết rằng thủ tướng của Việt Nam khẳng định là quốc gia này “luôn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ; tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Quan sát những gì Việt Nam làm trong hơn 1 năm nay kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, thuộc Viện ISEAS – Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, nói với VOA rằng Việt Nam có gặp “khó khăn” nhưng “không khó xử” với Nga về cuộc chiến:
“Việt Nam không đứng về bên nào. Họ phản đối Nga xâm lược nhưng không ủng hộ việc phải trừng phạt Nga. Họ ủng hộ luật pháp quốc tế để ngừng bắn và tiến tới một giải pháp hòa bình. Chính quyền Việt Nam chỉ thấy có khó khăn ở chỗ cuộc chiến đấy ảnh hưởng đến Việt Nam”.
Doanh nhân Trần Quốc Quân, với sự am hiểu về Đông Âu và Nga từ vốn sống hàng chục năm ở đó, nêu lên sự tương phản rằng trong khi Việt Nam muốn duy trì mối quan hệ truyền thống “tốt” với Nga song những gắn kết và kim ngạch thương mại của Việt Nam với Liên hiệp châu Âu và Mỹ “lớn gấp hàng chục lần” so với Nga.
Vì vậy, cuộc xâm lược và sự vi phạm luật pháp quốc tế của Nga làm cho Việt Nam “khó xử”, ông Quân, người cũng thường bình luận về thời cuộc, nói.
Điểm lại sự kiện Ngoại trưởng Nga Lavrov thăm Việt Nam hồi tháng 7 năm ngoái, không lâu sau khi Nga đánh chiếm nhiều vùng của Ukraine, ông Quân chỉ ra rằng Hà Nội khi đó đã “né tránh” việc đưa ra quan điểm ủng hộ Nga, từ đó, ông nhận định về chuyến thăm của ông Medvedev hiện nay:
“Bây giờ Medvedev sang cũng để cố vận động Việt Nam ủng hộ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Chắc Việt Nam cũng vẫn khéo léo né tránh để không ra mặt, không đáng ra mặt để ủng hộ Nga. Chuyến thăm của Medvedev không phải là phương diện nhà nước mà chỉ là phương diện đảng cầm quyền”.
Nhà bình luận này, có hàng chục ngàn người theo dõi trên mạng xã hội, lý giải thêm về sự lựa chọn của Việt Nam, lưu ý đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây:
“Quyền lợi của Việt Nam [gắn bó] quá lớn với khối phương Tây và Mỹ. Mỹ đã cảnh báo bất cứ nước nào ủng hộ Nga xâm lược Ukraine, ngay cả nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc còn chưa dám làm trái ngược ý muốn của Mỹ và phương Tây, thì Việt Nam càng không dám làm chuyện ấy”.
Việt Nam đón tiếp người đứng đầu đảng cầm quyền ở Nga chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ, trao đổi quan điểm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy bên lề hội nghị thượng đỉnh của khối G-7 gồm những nước giàu nhất thế giới, diễn ra ở Nhật Bản.
Theo tường thuật của truyền thông nhà nước Việt Nam, trong đó có báo Tuổi Trẻ, nói về cuộc xung đột tại Ukraine hiện nay, Thủ tướng Chính khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là “tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, nhất là các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình”.
Bình luận về cuộc gặp giữa hai ông Chính và Zelenskyy, nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp nói với VOA:
“Việc ông Chính gặp ngắn Tổng thống Ukraine Zelenskyy ở Hiroshima tôi nghĩ nó rất bình thường vì nếu qua đấy mà tránh mặt nhau mới dở, mới không bình thường. Việc ông Chính gặp, bắt tay ông Zelenskyy thể hiện nguyện vọng quan trọng, hợp pháp của Việt Nam là kiến tạo hòa bình”.
Cuộc gặp của ông Chính với ông Zelenskyy nói riêng và việc thủ tướng Việt Nam tham dự hội nghị G-7 mở rộng nói chung là điều tích cực cho Việt Nam, nhà bình luận Trần Quốc Quân đánh giá và nói thêm:
“Đây là cơ hội rất tốt cho Việt Nam thể hiện với thế giới quan điểm của mình đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và Việt Nam từ trước đến nay vẫn nhất quán về cuộc chiến, ở các diễn đàn LHQ cũng như các diễn đàn ngoại giao khác”.
Thủ tướng Chính nói với Tổng thống Zelenskyy ở Nhật Bản rằng Việt Nam mong các bên liên quan sớm chấm dứt xung đột, nối lại đối thoại, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, báo chí Việt Nam cho biết.
Báo chí dẫn là thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay tổng thống của Ukraine “chia sẻ các ý kiến” của Thủ tướng Chính và “bày tỏ cảm kích trước lập trường và sự hỗ trợ nhân đạo của Việt Nam”.
Theo VOA