Cư xá Bắc Hải Sài Gòn, với những tên đường mang tên sông, tên núi

TVN

0 283

Trên mảnh đất Sài Gòn có một nơi khá đặc biệt, một nơi rất nổi tiếng mà hầu như những ai sinh sống tại thành phố này cũng biết hoặc đã từng nghe nhắc đến, đó là khu cư xá Bắc Hải. Khu Bắc Hải nằm giữa Chí Hòa và Phú Thọ, thời xưa được biết đến là 2 ngôi làng gắn liền với “đại đồn Chí Hòa” nổi danh của vị tướng Nguyễn Tri Phương được xây lên với mục đích phòng thủ chống quân Pháp – Tây Ban Nha vào thời điểm 160 năm về trước.

Cư xá Bắc Hải là tên gọi cũ là Cư xá sĩ quan Chí Hòa, sau này đổi tên thành Bắc Hải. Khu vực này nằm ở sau công viên Lê Thị Riêng. Sở dĩ khu cư xá này nổi bật là vì đây là nơi có những con đường được nối liền với nhau theo kiểu một bàn cờ ngay ngắn, cùng với phong cách đặt tên cho những con đường ở đây cũng rất khác biệt như đường ngang thì đặt tên núi, đường dọc đặt tên sông của tất cả các con sông, ngọn núi trải dài trên khắp Việt Nam.

Bên cạnh khu cư xá Bắc Hải là khu vực Chí Hòa nổi tiếng với trại giam Chí Hòa, kề bên còn có nghĩa trang Đô Thành, hiện là công viên Lê Thị Riêng, với nhiều câu chuyện bí ẩn và rùng rợn vẫn được nhiều người dân sống ở đây truyền tai nhau từ xa xưa đến tận bây giờ.

Nếu không phải dân Sài Gòn mà muốn đặt chân đến khu vực Bắc Hải này, trước tiên bạn phải có kỹ năng tìm đường thật tốt. Mặc dù đường phố ở đây đều có sự kết nối với nhau nhưng với chín nhánh Cửu Long ở Bắc Hải cũng đã đủ khiến cho người ta hoang mang vì không biết phải đi đường nào. Tại sao lại nói như vậy? Vì khi đến đây bạn sẽ phải phân vân để tìm ra điểm khác nhau giữa đường Bửu Long và đường Cửu Long, có nhiều người còn khó hiểu rằng tại sao đang ở quận 10 mà lại có đầy đủ Trường Sơn, Thất Sơn, Ba Vì, Tam Đảo… đó là một trong số những nguyên nhân dẫn đến sự hoang mang của những người lần đầu tiên ghé đến đây.

Cổng chính của cư xá nằm trên con đường mà người ta vẫn thường gọi là Bắc Hải. Cái tên này đến tận bây giờ vẫn chưa ai có thể hiểu được ý nghĩa của nó bởi vì ngày xưa nơi đây vốn là một con hẻm của làng Chí Hòa. Khi Pháp một lần nữa quay trở lại Đông Dương vào năm 1946 thì họ đã cho xây dựng lên cư xá sĩ quan dành cho quân đội liên hiệp ngay tại bên cạnh con đường này vì vậy đường này được mở rộng và được gọi với cái tên là đường Quân Sự. Nhiều dãy nhà mọc lên như nấm trên những con đường vuông vức như bàn cờ hình thành nên một khu cư xá, có trục đường chính là đường sau này được gọi với cái tên Cửu Long. Chắc hẳn có rất nhiều người tò mò về ý nghĩa của chữ “cư xá”, nó đồng nghĩa với chữ “khu dân cư” mà người thời nay vẫn hay dùng. Sài Gòn vào giai đoạn trước năm 1975 có rất nhiều cư xá, nếu không nhắc đến cư xá Bắc Hải là nơi ở của các sĩ quan thì vẫn còn có cư xá Chu Mạnh Trinh là nơi ở của các nghệ sĩ, cư xá Lữ Gia, cư xá Tự Do và còn nhiều cư xá khác.

Lúc đầu, cư xá Bắc Hải chỉ có 16 dãy nhà, 8 dãy mỗi bên có hướng nhìn ra trục đường chính Cửu Long, mỗi bên có 4 dãy nhà được sơn màu vàng và 4 dãy còn lại được sơn màu xanh rất nổi bật. Xung quanh các dãy nhà được bao bọc bởi những hàng cây trứng cá trải dài dọc theo hai bên con đường đầy đá dăm ngăn cách thành các dãy. Khu vực này là một nơi biệt lập, các hướng được bao quanh và bảo vệ bởi hàng rào kẽm gai chi chít.

Cổng sau của cư xá Bắc Hải hướng ra đường Tô Hiến Thành, bên trái là đi về hướng chợ Hoa Hưng, bên phải hướng ra ngã ba Tô Hiến Thành – Nguyễn Tri Phương, nay là đường Thành Thái. Trước đây cổng sau chỉ được mở trong vòng một giờ đồng hồ vào mỗi buổi sáng và chiều. Những năm 1966, trong cư xá được xây thêm một số dãy nhà nữa, lúc đó cổng sau được mở cửa thường xuyên hơn nhưng vì là nơi ở của các sĩ quan nên vẫn phải có trạm lính gác rất chặt chẽ, người ngoài không được tự ý ra vào.

Ngày nay, cư xá Bắc Hải đã trở thành khu dân cư sầm uất của Sài Gòn với rất nhiều hàng quán bán món ăn cả ba miền và đặc biệt là các tiệm cà phê DJ, massage, khách sạn cho thuê theo giờ hoạt động vô cùng náo nhiệt.

Nguồn: thoixua

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.