Đà Lạt- “Petit Paris” (Paris nhỏ)

Huỳnh Duy Lộc

0 652

“Đà Lạt sẽ còn quyến rũ mọi người lâu dài. Dường như nó gieo niềm hoài nhớ cho cả một thế hệ trẻ Việt Nam, những người xem nó như một nơi chốn lãng mạn và thoát ly” (Eric T. Jennings).

Khi sang Đông Dương làm toàn quyền từ năm 1897 tới năm 1902, Paul Doumer đã gặp gỡ và trở thành người bạn thân của bác sĩ Alexandre Yersin, người đã khám phá cao nguyên Lang Bian.

Paul Doumer đã ghi chép trong hồi ký về dự án xây dựng một thành phố nghỉ dưỡng trên cao nguyên Lang Bian: “Để thực hiện thành công công cuộc thuộc địa hóa tại một quốc gia nhiệt đới, điều kiện cần thiết đầu tiên là làm sao cho người Âu sống được tại đó, những người lính, viên chức và người dân định cư, những công cụ của sức mạnh khai hóa văn minh. Nếu những người này không thể tồn tại lâu được ở thuộc địa để hoạt động một cách liên tục, mà bị bệnh tật hay cái chết hạ gục thì những gì họ đảm nhiệm và thực hiện sẽ trở nên bấp bênh và thường không hiệu quả…

Tại tất cả các thuộc địa nhiệt đới lớn được quản lý hợp lý, người ta đều quan tâm tới việc tìm các vùng có khí hậu gần giống khí hậu châu Âu để người da trắng có thể nghỉ dưỡng phục hồi sức lực. Những khu nghỉ dưỡng này sẽ là nơi nghỉ ngơi điều dưỡng cho những người buộc phải sống tại những vùng có khí hậu khắc nghiệt. Gần như luôn cần tới một độ cao đáng kể để có được không khí trong lành và nhiệt độ mát mẻ, những yếu tố hàng đầu cho một nơi nghỉ dưỡng. Vấn đề này bắt đầu được nghiên cứu vào năm 1897. Các yêu cầu khảo sát được gởi tới các thống sứ trong một lá thư tôi viết cho họ ngày 23 tháng 7 cùng năm, trong đó ấn định các điều kiện cần thiết cho việc thiết lập một khu nghỉ dưỡng: có độ cao tối thiểu 1.200 mét, có nguồn nước dồi dào, có đất canh tác, có khả năng xây dựng đường giao thông dễ dàng. Một cao nguyên rộng là cao nguyên Lang Bian (Lâm Viên) đáp ứng được những yêu cầu cơ bản. Với độ cao trung bình 1.500 mét và có diện tích gần 300 km2, cao nguyên này được cấp nước từ một nhánh của sông Đồng Nai cùng nhiều nguồn suối nhỏ… (L’ Indochine francaise – Souvenirs)
Amaury Lorin cho biết: “Cuối cùng, một chương mới của lịch sử Đông Dương mở ra khi Đà Lạt được xây dựng từ con số không, từ đủ loại miếng ghép rời rạc, ở độ cao 1.475 mét của cao nguyên đất đỏ phía Nam Trung kỳ.

Thật vậy, theo Philippe Devillers, “giữ gìn sức khỏe cho những người Tây Âu làm việc tại Đông Dương ngày càng đông trong các cơ quan hành chánh và công ty trở thành một đòi hỏi cấp bách. Tính đến thời điểm đó, người Anh khánh thành “trạm nghỉ dưỡng trên núi” (hill stations) đã lâu rồi, nơi cho phép họ duy trì sức khỏe thể chất. Người Hà Lan bắt chước mô hình này tại Java và quy hoạch Bandung để tận hưởng nghỉ dưỡng một cách thoải mái. “Chẳng lẽ ta không thể làm gì giống họ tại Đông Dương để khỏi phải chịu đựng khí hậu chẳng hề dễ chịu khiến suy kiệt sức khỏe này sao?”, Paul Doumer đã thắc mắc như vậy ngay từ tháng 6 năm 1897. Thông qua một bức thông tri gởi tới các vị đứng đầu các tỉnh, ông yêu cầu được cung cấp thông tin về tất cả các cao nguyên tỏ ra thích hợp nhất để xây dựng một trạm nghỉ dưỡng trên cao và “những gợi ý quý báu nhất để giúp tìm được trên toàn lãnh thổ Đông Dương những vị trí có điều kiện sống đủ yêu cầu vệ sinh có tiềm năng trở thành những trạm nghỉ dưỡng”.

Chính trong bối cảnh này mà Alexandre Yersin đã đề xuất cao nguyên Lang Bian cách Saigon 250 km theo đường chim bay ở phía Đông Bắc, nơi mà ngay từ năm 1897, vị bác sĩ này đã lưu ý sau nhiều chuyến thăm dò thực địa ở miền cao nguyên. Mật độ rừng thưa, không khí trong lành, không có muỗi, nhiệt độ dễ chịu (trung bình hàng năm là 18,3 độ): quyết định thành lập Đà Lạt được đưa ra vào năm 1898… Sự lựa chọn trên cao nguyên này vị trí thích hợp nhất để xây dựng thành phố nghỉ dưỡng khi đó thuộc về Léon Garnier, Tổng ủy viên cai quản Lang Bian. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1900, đúng thời điểm lập ra tỉnh mới thuộc Đồng Nai Thượng (Haut Donai) mà thủ phủ được chuyển dịch từ Di Linh (Djiring) về Đà Lạt.

Sau chuyến đi Lang Bian trở về, ngày 24 tháng 1 năm 1901, Paul Doumer thuật lại chi tiết cho Albert Decrais, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, như sau: “Cao nguyên Lang Bian chứng kiến một cao trào xây dựng mới và nhiều dự án quan trọng đã được thông qua. Làng Đà Lạt ở một địa điểm tuyệt vời và hưởng điều kiện khí hậu trong lành không thể chối cãi, cuối cùng đã được chọn làm địa điểm xây dựng trạm nghỉ dưỡng tương lai. 4 ngôi nhà gỗ, một ngôi nhà tầng và một công trình bằng gỗ lớn dài 52 mét sẽ được sử dụng như một nhà khách đã được xây. Trên phần đất dành cho các cơ sở quân sự cũng đã xây một ngôi nhà bằng gỗ dành cho các sĩ quan để dựng lán trại khi cần. Ngoài ra, đã có kế hoạch xây một công viên và một khu nông trại kiểu mẫu ở Đà Lạt.

Một con đường nối Đà Lạt với Saigon đã được vạch ra (320 km) và được làm để xe cộ có thể đi lại được. Đà Lạt cho phép người Tây Âu “nghỉ dưỡng ngay tại chính thuộc địa và đổi gió mà không phải quay trở về Pháp”… (Paul Doumer, Gouverneur général de l’ Indochine (1897-1902), tr. 102, 103, 104).

Tuy nhiên năm 1902, Paul Doumer trở về Pháp, dự án xây dựng thành phố nghỉ dưỡng trên cao nguyên Lang Bian phải ngưng lại, kinh phí bị cắt và cao nguyên Lang Bian chìm trong giấc ngủ dài suốt 10 năm. Mãi đến tháng 11 năm 1915, Toàn quyền Roume mới quyết định đánh thức Đà Lạt sau một giấc ngủ dài. Tác giả Nguyễn Hữu Tranh kể: “Ngày 6 tháng 1 năm 1916, tỉnh Lang Bian được thành lập bao gồm vùng đất thuộc tỉnh Lâm Đồng và phần đất rừng thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước ngày nay. Năm 1921, kiến trúc sư Ernest Hébrard (1875-1933) nhận nhiệm vụ thiết lập đồ án quy hoạch Đà Lạt. Tháng 8 năm 1923, đồ án này được hoàn thành. Ernest Hébrard có một tầm nhìn rất lớn, muốn xây dựng Đà Lạt thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương. Theo bản đồ quy hoạch này, trên dòng suối Cam Ly có một chuỗi hồ: ngoài hồ Xuân Hương và hồ Than Thở, còn có 6 hồ nước khác. 10 năm sau, kiến trúc sư Pineau trình bày một công trình nghiên cứu chỉnh trang và mở rộng Đà Lạt thực tiễn hơn Hébrard. Thành phố vây quanh hồ, từ Tây sang Đông Bắc tạo thành một đường vòng cung…” (Đà Lạt năm xưa , tr. 198, 199).

Thành phố Đà Lạt được xây dựng trên cao nguyên Lang Bian đã được người Pháp mệnh danh là “Petit Paris” (Paris nhỏ) vì nó có nhiều thứ giống Paris, thủ đô của nước Pháp: khí hậu mát mẻ, những công trình kiến trúc kiểu Pháp và những địa danh viết theo tiếng Pháp. Nhưng vì sao Đà Lạt lại được mệnh danh là “Petit Paris” khi từ buổi ban đầu, chính thành phố Saigon mới mang biệt danh “Paris của Đông Dương”?

Nhà nghiên cứu Eric T. Jennings đã lý giải: “Saigon chứ không phải Đà Lạt mang danh hiệu “Paris của Đông Dương”. Trong mô tả về Saigon những năm 1880, viên chức thuộc địa Albert d’ Anthouard tung ra hàng loạt những chỉ trích đạo đức trong bản phác họa của ông về diện mạo Đông Dương và về thành phố lớn nhất Việt Nam. Ông tuyên bố đằng sau mặt tiền của những công trình mang phong cách Rococo và tân cổ điển, những nhà hát và quán cà phê là sự suy đồi và bại hoại đạo đức. Vấn đề càng trầm trọng thêm bởi sự kiện phụ nữ châu Âu cực kỳ hiếm hoi ở thành phố này: tỷ lệ 1/10 đàn ông. Lý do cho hiện trạng này cũng đơn giản: khí hậu của Saigon được coi là không thích hợp với khí chất và sức khỏe mong manh của phụ nữ. Sự mất cân bằng giới tính này đã đưa đến những hậu quả khủng khiếp: laisser-aller (sống buông thả), sự sa đọa đạo đức dưới hình thức các mối quan hệ với những nhân tình Việt. Bị tước mất sự hiện diện của phụ nữ da trắng, thành phố này đầy sự khiếm nhã, tính hoang đàng, nỗi nhớ nhà và thói tật cục cằn. Nóng lòng thoát thân với một linh hồn còn nguyên vẹn, huân tước d’ Anthouard đã mơ về việc thăm dò vùng nội địa và núi non phía Bắc Nam kỳ và Trung kỳ, một giấc mơ đã trở thành hiện thực năm 1882…” (Đỉnh cao đế quốc – Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp, tr. 362, 363).

Vậy là Đà Lạt đã thay thế Saigon để trở thành “Paris của Đông Dương” vì nó có những điều kiện tự nhiên tốt hơn và không có sự bại hoại về đạo đức như thành phố được coi là thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp.

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: Poster quảng bá du lịch Đà Lạt thời Đệ nhất Cộng hòa

Leave A Reply

Your email address will not be published.