Ngày thành lập thành phố Đà Nẵng (24.5.1889)

Huỳnh Duy Lộc

0 748

Tác phẩm “Exploring Quảng Nam – Hội An, Mỹ Sơn, Đà Nẵng and Tam Kỳ” (Khám phá Quảng Nam – Hội An, Mỹ Sơn, Đà Nẵng và Tam Kỳ) của nhà sử học Tim Doling do nhà xuất bản Thế Giới ấn hành năm 2020 đã ra mắt độc giả như một nỗ lực kích cầu trở lại du lịch ở Quảng Nam – Đà Nẵng sau hơn một năm mọi sinh hoạt văn hóa và du lịch bị đình chỉ vì dịch bệnh Covid-19.

Phần mở đầu của cuốn sách hơn 500 trang này lược qua lịch sử của vùng đất Quảng Nam, xưa kia là tiểu quốc Amaravati của người Chiêm Thành (Champa), với kinh đô là Trà Kiệu và trung tâm tín ngưỡng ở Mỹ Sơn, một vương quốc phồn thịnh nhờ thương mại hàng hải. Khi xác lập chủ quyền trên vùng đất này vào cuối thế kỷ 16, các chúa Nguyễn đã sớm nhận ra và khai thác được tiềm năng của hải cảng Faifo (HộI An) của người Chiêm Thành trên sông Thu Bồn, có được nguồn thu lớn lao từ việc đánh thuế những tàu thuyền của nước ngoài để chinh phục và khai phá vùng đất phương Nam. Dinh trấn của các chúa Nguyễn ở Thanh Chiêm (ngày nay là Điện Bàn) là kinh đô thứ hai của triều Nguyễn, là nơi hoàng tử kế vị (con trai thứ sáu của Nguyễn Hoàng) tập sự cầm quyền và cũng là nơi các nhà truyền giáo của Dòng Tên sáng chế chữ quốc ngữ. Lúc ban đầu chỉ được coi như một cửa ngõ để vào hải cảng Faifo, đến thế kỷ 19, Đà Nẵng đã trở thành một hải cảng quan trọng vì hai con sông Cổ Cò và Thu Bồn đã bị nghẽn dòng do có quá nhiều bùn lầy. Đến năm 1835, hoàng đế Minh Mạng ra chỉ dụ chỉ cho phép các thuyền buôn của phương Tây cập bến Đà Nẵng và đến năm 1888, thành phố này đã trở thành nhượng địa của Pháp.

Thành lập Dinh trấn Quảng Nam

Tim Doling cho biết về việc thành lập Dinh trấn Quảng Nam: “Thuế đánh trên các thuyền buôn ghé qua Thuận Quảng rất đáng kể và linh mục Christoforo Borri kể rằng “thuế đánh trên các thuyền buôn của nước ngoài đã mang lại một nguồn lợi rất lớn cho xứ sở”. Nguồn thu rất lớn này cho phép các chúa Nguyễn xây dựng quốc gia mới của mình, mua sắm vũ khí và tiến hành những chiến dịch quân sự ở phía Nam và phía Bắc. Điều cần thiết nhất đối với các chúa Nguyễn là kiểm soát chặt chẽ những người Nhật điều hành cảng Faifo (Hội An) để điều khiển hoạt động của họ, ngăn ngừa nạn trộm cắp, những hành vi gian lận và trốn thuế, giữ gìn luật pháp và trật tự trị an. Trước năm 1602, thủ phủ của các chúa Nguyễn ở tỉnh Quảng Trị ngày nay có bộ máy hành chánh đặt tại phủ Triệu Phong, gồm 6 huyện trải dài từ Cửa Việt (phía Bắc Quảng Trị) cho đến Điện Bàn. Xung quanh thủ phủ này là một vùng rộng lớn gọi là Đạo Thừa tuyên Quảng Nam gồm 3 phủ: phủ Thăng Hoa (Quảng Nam ngày nay), phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi ngày nay) và phủ Hoài Nhân (Bình Định ngày nay) giáp giới với tỉnh Phú Yên ngày nay. Chúa Nguyễn Hoàng dựa vào một nhóm nhỏ quan lại địa phương để kiểm soát Đạo Thừa tuyên Quảng Nam, nhưng một khi những vấn đề nghiêm trọng phát sinh, ông phải mất 3 ngày mới đem quân được từ thủ phủ ở Quảng Trị tới Đạo Thừa tuyên Quảng Nam.

“Đại Nam nhất thống chí” cho biết rằng vào năm 1602, để khắc phục điều bất tiện này, chúa Nguyễn Hoàng đã lập ra một dinh trấn ở Điện Bàn, đặt tên là Dinh trấn Quảng Nam, với một quan trấn thủ và những quan chức thuộc quyền. “Đại Nam Thực Lục” cho biết chi tiết hơn, nói thêm rằng dinh trấn được đặt tại xã Cần Húc (Thanh Chiêm) và chính con trai thứ 6 của chúa Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phúc Nguyên được giao chức trấn thủ: “Nguyễn Hoàng chỉ định con trai thứ 6 của ngài làm trấn thủ. Vùng đất Quảng Nam rất tốt đẹp, dân cư đông đúc, có nhiều sản vật và thuế thu được nhiều hơn Thuận Hóa (tức Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế), nhưng chỉ có phân nửa số binh lính. Chúa hay nghĩ tới vùng đất này. Khi đến đây, đi qua đèo Hải Vân, ngài nhìn thấy một dãy núi cao trải dài nhiều trăm lý (1 lý: 0,5 km) chạy dọc theo bờ biển. Ngài nói: “Vùng đất này là Thuận Quảng. Chúng ta đi qua những ngọn núi, nhìn phong cảnh, xây một đồn binh ở xã Cần Húc (huyện Duy Xuyên ngày nay), một kho lương thực và phái con trai thứ 6 của ta đến làm trấn thủ”.

Dinh trấn Quảng Nam quản lý hoàn toàn về mặt hành chánh toàn bộ Đạo Thừa tuyên Quảng Nam với 3 phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhân. Thế nhưng Thanh Chiêm lại ở Điện Bàn vào thời kỳ lập ra Dinh trấn Quảng Nam, hãy còn là huyện ở cực Nam của phủ Triệu Phong. Vào năm 1604, để giải quyết tình trạng bất thường này về phương diện hành chánh, Nguyễn Hoàng đã tách huyện Điện Bàn ra khỏi phủ Triệu Phong, nâng nó lên thành phủ và gắn kết nó với Dinh Quảng Nam với tính cách là phủ thứ 4…

Sau cuộc chiến năm 1471 giữa Champa và Đại Việt, triều đình của vua Lê Thánh Tông đã tiến hành những bước để tổ chức lãnh thổ chinh phục được ở Thuận Hóa và Quảng Nam, khuyến khích nhiều người Việt từ Nghệ An và Thanh Hóa đến đây định cư. Những lưu dân này lập ra 5 xã đầu tiên – gọi là ngũ xã – bên bờ sông Hàn gồm Hải Châu, Nại Hiên, Thạch Thang, Nam Dương và Phước Ninh, trong đó xã có vị trí quan trọng nhất là Hải Châu, ngôi làng hình thành sớm nhất mà ranh giới ngày nay tương ứng với đường Bạch Đằng, đường Phan Châu Trinh, đường Quang Trung và đường Thái Phiên. Ngũ xã có một ngôi chợ bên bờ sông rất gần với chợ Hàn ngày nay. Về sau, những khu dân cư mới như An Hải và Phước Mỹ hình thành bên tả ngạn của sông Hàn; vùng đất này sẽ là một phần của huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong. Hải Châu trở thành trung tâm của Đà Nẵng và bờ sông đối diện với chợ Hàn trở thành một bến phà lớn. Trong tác phầm “Phủ biên tạp lục” viết vào năm 1776, Lê Quý Đôn đã mô tả chợ Hàn như là một trong 5 ngôi chợ lớn nhất ở Quảng Nam. Đến cuối thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 19, khi Hội An mất dần vị trí quan trọng, các thương nhân người Hoa đã chuyển từ Hội An đến Đà Nẵng hoặc mở chi nhánh cửa hàng tại Đà Nẵng. Sách “Đại Nam nhất thống chí” cho biết hầu hết các thương nhân người Hoa định cư tại chợ Hải Châu của huyện Hoà Vang, thường được gọi là chợ Hàn, và từ đó, chợ Hàn có vị trí ngày càng quan trọng.

Qua thời gian, cư dân Đại Việt đã đặt lại theo tiếng Việt các địa danh của Champa đã có từ trước, trong đó có địa danh Đà Nẵng. Các nhà nghiên cứu cho rằng “Đà Nẵng” vốn là từ “Danak” trong tiếng Champa có nghĩa là “sông rộng”. Dường như từ Đà Nẵng đã được sử dụng rộng rãi vào năm 1533, khi tác phẩm “Ô Châu Cận Lục” của Dương Văn An có nhắc tới một đền thờ ở “cửa biển Đà Nẵng”.

Hàn, tên gọi con sông chảy ngang qua Đà Nẵng, cũng bắt đầu có vào thời kỳ này, và các nhà nghiên cứu cho rằng những lưu dân Đại Việt đầu tiên đặt chân đến Đà Nẵng đã đặt tên con sông này theo tên của cửa biển Tu Tấn Hàn ở quê hương Thanh Hóa của họ. Đến thế kỷ 17, tên Cửa Hàn gần như đồng nhất với tên Đà Nẵng. Người ta cho rằng các nhà hàng hải phương Tây đã gọi Cửa Hàn là Tourane hay Turon, và về sau, người Pháp đã lấy tên này để đặt cho thành phố Đà Nẵng…” (Exploring Quảng Nam – Hội An, Mỹ Sơn, Đà Nẵng and Tam Kỳ, tr. 19, 20).

Đà Nẵng trước thời Pháp xâm lược

Tim Doling đã viết về Đà Nẵng trước khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam: “Khi sự bức hại các nhà truyền giáo Thiên Chúa giáo tăng lên dưới thời hoàng đế Minh Mạng và hoàng đế Thiệu Trị, quan hệ giữa triều đình nhà Nguyễn và nước Pháp xấu đi nhanh chóng. Các hạm đội của Pháp đã đến Tiên Sa vào những năm 1831, 1843, 1845 và 1847 để phản đối việc triều đình nhà Nguyễn bức hại các giáo sĩ Công giáo, và những chiến hạm Pháp đến sau cùng là chiếc Gloire và chiếc Victorieuse đã bắn chìm 4 chiến thuyền của nhà Nguyễn. Sau khi Đức cha José Sanjurjo Diaz, giám mục ở Bắc kỳ, bị hành quyết vào ngày 20 tháng 7 năm 1857, Chính phủ Pháp đưa ra một tối hậu thư yêu cầu triều đình nhà Nguyễn phải bảo đảm tự do tôn giáo cho những người Thiên Chúa giáo và cho lập ra một trụ sở thương mại và ngoại giao của Pháp tại Huế. Khi triều đình Huế bác bỏ tối hậu thư này, một lực lượng viễn chinh Pháp – Tây Ban Nha gồm 2. 500 người lính dưới sự chỉ huy của Đô đốc Rigault de Genouilly đã đến Tiên Sa. Người Pháp không bao giờ quên lời hứa của chúa Nguyễn Phúc Ánh vào năm 1787 sẽ nhượng lãnh thổ để đổi lấy sự giúp đỡ về quân sự, và chẳng bao lâu sau, cuộc hành quân trừng phạt của Rigault de Genouilly đã biến thành một cuộc chiến xâm lược. Tuy nhiên giai đoạn đầu của cuộc chiến xâm lược của Pháp tại Đà Nẵng đã thất bại.

Thành lập thành phố Đà Nẵng

Tuy thất bại tại Đà Nẵng, chiến thắng của quân Pháp tại Gia Định đã giúp họ có điều kiện bước đầu để chinh phục những vùng đất khác của Đại Nam, trong đó có Đà Nẵng. 2 thập niên sau, cuộc tấn công kéo dài vào Huế và Hà Nội vào tháng 7 năm 1883 đã buộc hoàng đế Hiệp Hòa phải ký Hòa ước Harmand (tháng 8 năm 1883), đặt Trung kỳ (An Nam) và Bắc kỳ (Tonkin) dưới chế độ bảo hộ của Pháp. Các lãnh thổ này sẽ được gộp với Nam kỳ và Cambodia vào Liên bang Đông Dương đặt dưới quyền cai trị của một toàn quyền tại Hà Nội. Theo Hiệp ước Harmand (1883), Đà Nẵng, mà người Pháp gọi là Tourane, sẽ “mở cửa giao thương với tất cả các nước” và 5 năm sau, vào ngày 3 tháng 10 năm 1888, hoàng đế Đồng Khánh lại ra sắc dụ biến Đà Nẵng thành nhượng địa của Pháp”.
Toàn quyền Đông Dương Étienne Antoine Guillaume Richaud đã ép hoàng đế Đồng Khánh phải nhượng chủ quyền 3 đô thị lớn nhất là Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng cho Pháp. Đạo dụ do hoàng đế Đồng Khánh ký ngày 1.10.1888 ghi rõ: “Lãnh thổ các đô thị Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng sẽ lập thành nhượng địa của Pháp và toàn quyền sở hữu sẽ dành cho Chính phủ Pháp. Chính phủ Đại Nam khước từ mọi quyền lợi trên các lãnh thổ ấy”. (Điều 1).

Sách “Đại Nam thực lục” chép: “Mậu Tý, Đồng Khánh năm thứ 3 (1888), mùa thu tháng 8, lấy đất thuộc Đà Nẵng (bờ biển ở Quảng Nam) làm nhượng địa của người Pháp” (tập 9, tr. 429).

Người đại diện cho Nam triều ký vào bản đồ vẽ phần đất của Đà Nẵng được trích ra làm nhượng địa cho Pháp là Chánh sứ Nha Hải phòng Quảng Nam Thái Văn Trung.

Sắc lệnh thành lập thành phố Tourane (Đà Nẵng) cùng với Hà Nội và Hải Phòng đã được Tổng thống Pháp Marie François Sadi Carnot ký vào ngày 17 tháng 8 năm 1888. Toàn quyền Piquet chỉ thừa hành sắc lệnh này, ra nghị định thành lập thành phố Tourane (Đà Nẵng) thuộc tỉnh Quảng Nam vào ngày 24.5.1889”.

Tim Doling cho biết về người Pháp đầu tiên định cư ở nhượng địa Đà Nẵng: “Lúc ban đầu, nhượng địa Đà Nẵng gồm ngũ xã, tức 5 xã ở bờ Tây của sông Hàn là Hải Châu, Nại Hiên Tây, Thạch Thang, Nam Dương và Phước Ninh rộng 10.000 hecta. Tuy nhiên vào ngày 25.2.1901, hoàng đế Thành Thái chuyển giao cho Pháp thêm 14 xã nữa – Xuân Đán, Thạc Gián, Liên Trì, Bình Thuận, Xuân Hòa, Thanh Khê (Hòa Vang) trên bờ Tây của sông Hàn và Mỹ Khê, An Hải, Tần Thái, Nại Hiên Đông, Mân Quang và Vĩnh Yên (Điện Phước) trên bờ Đông của sông Hàn, làm cho thành phố mới Tourane có cả thảy 19 xã.

Sau khi Hòa ước Harmand được ký kết vào năm 1883, các doanh nhân Pháp bắt đầu đến Tourane, định cư tại Hải Châu, trung tâm của ngũ xã trên bờ Tây sông Hàn, ngay phía Bắc chợ Hàn, gần cảng Đà Nẵng hiện nay. Thoạt đầu, các công trình kiến trúc của người Việt được sửa chữa để người Pháp sử dụng, rồi một thành phố thuộc địa mới dần dần hình thành. Một báo cáo của chính quyền Pháp vào đầu thế kỷ 20 cho chúng ta biết rằng “người cha” của công cuộc định cư của thực dân Pháp tại Tourane là Jean- Baptiste Escande, một người Pháp đã phục vụ trong quân đội Pháp ở Đông Dương tại Bắc Kỳ, đã quyết định định cư tại Tourane, xây cho mình một trụ sở và một ngôi nhà gần sông Hàn ở Hải Châu: “Vào năm 1885, vì có niềm tin ở tương lai, Jean- Baptiste Escande xây dựng một cơ sở mà mọi người ở Đông Dương đều biết. Ngôi nhà này (ở số 58-60 đường Bạch Đằng hiện nay) trở thành trung tâm của thành phố, Bưu điện, Ngân hàng được xây cất gần đó. Ngôi nhà này ở vị trí đắc địa nhất của thành phố”. Ngôi nhà của Jean- Baptiste Escande vẫn còn đến năm 2017, nhưng cuối cùng chính quyền TP Đà Nẵng đã cho phép phá hủy, dù nó có giá trị lịch sử đặc biệt.

Jean- Baptiste Escande xây bản doanh của ông gần chợ Hàn và chính công ty của ông đã cho xây ngôi chợ đầu tiên vào năm 1895. Tuy nhiên đến đầu thế kỷ 20, ngôi chợ này đã bị quá tải, không chứa nổi số người buôn bán càng ngày càng tăng. Vì vậy, vào năm 1910, chính quyền thành phố đã mua lại phần đất ở gần đó của doanh nhân người Hoa Lưu Chung Phát để xây một ngôi chợ lớn hơn. Ngôi chợ tồn tại đến thập niên 1960, khi chợ Hàn được xây cất…” (Exploring Quảng Nam, Hội An, Mỹ Sơn. Đà Nẵng and Tam Kỳ, tr. 72, 73, 74)

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: TP Đà Nẵng và Jean Baptiste Escande, người Pháp đầu tiên định cư tại Đà Nẵng

Leave A Reply

Your email address will not be published.