Nhà thờ Phủ Cam- dấu ấn kiến trúc phương Tây giữa lòng cố đô

TVN

0 239

Cố đô Huế, hiện là một trung tâm du lịch của Việt Nam, không chỉ có kinh thành Huế, sông Hương hay cầu Tràng Tiền, mà nơi đây còn có một điểm thu hút du khách mang tên nhà thờ Phủ Cam.

Nhà thờ Phủ Cam là một trong những địa danh nổi tiếng xứ cố đô với tuổi đời gần 400 năm. Nơi đây còn được gọi là Phú Cam, là Nhà thờ Chánh tòa thuộc Tổng giáo phận Huế, hiện tọa lạc tại số 1 Đoàn Hữu Trưng, phường Phước Vĩnh, thành phố Huế. Sở hữu lối kiến trúc Phương Tây nhưng lại ẩn mình một vẻ đẹp cổ kín riêng biệt. Theo dòng chảy thời gian, nơi đây không chỉ là một địa điểm tín ngưỡng tôn giáo mà còn là nơi tham quan không thể bỏ lỡ của những tín đồ du lịch.

Nhà thờ phủ cam ở Huế thời xưa. @Dân Việt

Nhà thờ Phủ Cam được xây dựng trên ngọn đồi Phước Quả, tọa lạc tại phường Phước Vĩnh, bên bờ Nam sông Hương, Thành phố Huế. Khởi nguồn nơi đây là nhà nguyện Phủ Cam, được Linh Mục Langlois thực hiện vào năm 1682. Ban đầu chỉ được dựng bằng tranh, tre nằm bên bờ sông An Cựu, nhưng hai năm sau đó khi điều kiện thuận lợi hơn Linh mục này đã mua đất tại đồi Phước Quả để xây dựng công trình mới kiên cố, vững chãi hơn.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và thời cuộc, nhà thờ đẹp ở Huế này đã có trên dưới 10 lần xây dựng lại.

Năm 1898, sau hơn hai thế kỷ, trải qua nhiều biến cố lịch sử Giám mục Eugène Marie Allys về nơi đây tiếp nối phát triển nhà thờ. Vào năm 1902 ông bắt đầu cho xây dựng nhà thờ Phủ Cam theo lối kiến trúc Gothic. Tuy nhiên bởi nhiều lý do và giáo dân tại địa phương ngày càng nhiều hơn nên nhà thờ lại được thay đổi.

Mái vòm của nhà thờ Phủ Cam có kiến trúc độc đáo. @baotainguyenmoitruong

Sau nhiều biến cố thăng trầm của thời gian và những dấu mốc lịch sử. Năm 1960, Tổng Giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục về nhận chức Tổng Giám mục Huế, ông đã tiến hành kế hoạch xây lại nhà thờ mới. Sau 3 năm, ông đã cho giải thể nhà thờ cũ và xây dựng nhà thờ mới theo bản thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Bản vẽ đó cũng chính là kiến trúc của Phủ Cam ngày nay. Tuy nhiên mãi đến tháng 5 năm 2000 nơi đây mới thực sự được hoàn thiện hoàn chỉnh.

Nhà thờ có hình dáng kinh điển là cây thánh giá, đỉnh thánh giá hướng về phía nam, còn chân thì hướng về phía bắc, cũng chính là hướng chính diện của nhà thờ. Mặt chính có bố cục đối xứng với hai tháp chuông cao ở hai bên.

Nhà thờ được xây dựng với kỹ thuật hiện đại, chủ yếu là bê tông cốt thép kiên cố. Nhưng lại pha thêm với các vật liệu truyền thống như đá, gỗ, đất nung. Tất cả tưởng chừng khác biệt nhưng lại hòa vào nhau thêm phần sinh động cho nơi đây.

Các trụ đỡ mái thánh đường được xây dựng uốn cong hai bên vươn lên cao tạo thành vòm mái. Nhìn tựa như đôi bàn tay đang chắp lại nguyện cầu. Phía hai bên tường thì được điểm tô bởi hình ảnh về cuộc đời của Chúa Giêsu. Thánh đường của nhà thờ có thể sức chứa đến 2500 người dự lễ, có thể thấy quy mô nhà thờ này ở thời điểm đó là vô cùng lớn.

Ngày nay, nhà thờ Phủ Cam là điểm đến quen thuộc không chỉ cho những người theo đạo Thiên Chúa mà cho cả những du khách khi đến tham quan xứ Huế. Một vẻ đẹp riêng vừa uy nghiêm, vừa thanh thoát đã góp phần tô điểm cho thành phố Huế thêm cổ kính xen lẫn nét hiện đại và độc đáo.

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.