Những người câu cá ở sông Seine- lính gác” của dòng sông
Chi Phương
Với hơn một triệu người nghiệp dư, câu cá là một hoạt động giải trí thể thao phổ biến ở Pháp. Trên khúc sông Seine ở thủ đô Paris, những người đi câu, được ví như “những người lính gác của dòng sông”, đã trở nên quen thuộc với dòng nước và các loại cá, cũng như tình trạng ô nhiễm của con sông lãng mạn nhất thế giới.
Tại Pháp, câu cá không được coi là một hoạt động giải trí mãi cho đến thế giữa thế kỷ 19. Trước đó, vào những năm 1740 – 1820, câu cá là hoạt động chỉ để phục vụ mục đích đa dạng hóa nguồn thức ăn, và quyền đánh bắt cá trên các sông ngòi thuộc về hoàng gia hay lãnh chúa ở các địa phương. Luận án tiến sĩ của giáo viên lịch sử địa lý Jean François Malange về lịch sử đánh bắt cá ở Pháp chỉ ra rằng, lúc đó, những nông dân, vì muốn cải thiện bữa ăn, tự ý đánh bắt cá trên sông mà không được cho phép đã bị xử phạt.
Đến những năm 1890, các cảnh báo về nguồn cá nước ngọt ngày càng cạn kiệt được đưa ra, dẫn đến sự ra đời của nhiều hiệp hội đánh bắt cá. Mục đích của các hiệp hội này chủ yếu là để bảo vệ dòng sông, ngăn nạn đánh bắt cá trộm và ngăn tình trạng nguồn cá sông suy giảm. Họ đánh bắt, tiêu diệt những loài có hại. Để làm được điều này, những người đi câu, đánh bắt cá trong các hiệp hội đó hầu hết đều được phổ biến kiến thức về các loài cá, môi trường thuỷ sinh, nước…
Những bản đồ thống kê cá theo khu vực đầu tiên là do chính những người đi câu lập ra thông qua quan sát thực địa. Năm 1904, ước tính trên toàn nước Pháp có đến hơn 50 000 người là thành viên của các hiệp hội đánh bắt cá, cùng nhau bảo vệ dòng sông. Nhiều cuộc thi câu cá cũng đã được tổ chức. Vào những năm 1960, những người câu cá nghiệp dư ngày càng gia tăng thậm chí, số lượng còn nhiều hơn những người đánh cá chuyên nghiệp.
“Những lính gác” của dòng sông
Những con sông trở thành không gian giải trí và cần được bảo vệ, những người đi “câu cá trở thành lính gác của các con sông”. Họ báo cáo trình trạng ô nhiễm, gửi đơn khiếu nại lên chính quyền để tố cáo các hành vi vi phạm. Những người câu cá thậm chí còn trở thành nhóm gây áp lực đối với Nhà nước và các nhà công nghiệp vào nửa đầu thế kỉ 20, trong các vụ tràn dầu. Từ những năm 1980, có thể nói rằng câu cá mang tính nghệ thuật và đạo đức hơn, khi xu hướng đi câu “no kill” – không tiêu thụ, không giết cá, được ưa chuộng. Họ thả lại cá đánh bắt được xuống nước một cách có hệ thống. Các thiết bị câu cá cũng được đầu tư, cải tiến hơn. Đi câu trở thành một cách để trải nghiệm, gần với thiên nhiên, ngắm hoàng hôn buổi chiều tà, hay quan sát các loài động vật quý hiếm.
Ngày nay, câu cá là một hoạt động giải trí phố biến trên toàn nước Pháp, với hơn 1,5 triệu người được cấp phép đi câu tại các vùng nước ngọt (số liệu từ 2022). Tại những thành phố lớn có sông chảy qua, như ở sông Seine của thủ đô Paris, không khó để bắt gặp những người đi câu cá mỗi buổi chiều xuống. Daniel đã có kinh nghiệm từ 15 năm đi câu, thông thường, mỗi lần mang cần câu ra ngoài, ông đều chọn một địa điểm câu mới : “Tôi đang đợi, đợi xem có con cá nào quan tâm đến mồi mà tôi làm ra, rồi cắn nó. Cần câu rất nhạy cảm, khi dây câu được kéo căng như vậy, lưỡi câu chạm đáy sông, tôi có cảm tưởng như là có thể nhìn được đáy sông. Ví dụ như chỗ này, đáy sông hơi cứng, chỗ này thì mềm, có thể là bùn. Điều thú vị ở sông Seine đó là không ai biết có thể bắt được loại cá nào. Tôi biết hết các loài cá, nhưng không biết hôm nay có thể bắt được cá pecca (perche, cá vược hay cá chó (brochet), giống như là đánh xổ số vậy.
Không chỉ có sở thích câu cá, ông Daniel cũng tự mình làm ra những mồi câu giả, bằng gỗ và bằng nhựa, dưới hình dáng những con cá nhỏ. “Những con cá giả này khiến cá bị thu hút, nghĩ là cá thật và săn lùng chúng, rồi mắc bẫy. Cách mà tôi câu có thể gọi là “săn cá”, tức là lúc nào cũng di chuyển, ném lưỡi câu ra xa, rồi đi dụ cá, nếu không có con cá nào hứng thú với mồi câu, thì di chuyển đi chỗ khác, thay đổi vị trí, dưới chân cầu chẳng hạn. Tôi biết rằng khi trời mưa thì ở đây có nhiều cá đến”.
Câu cá là một đam mê, một sở thích mỗi khi có thời gian rảnh. Theo ông Daniel, cách đi săn cá, đứng trước sông phẳng lặng như tấm gương, đôi khi một vài gợn sóng khi tàu thuyền đi qua, là một khoảnh khắc để giải tỏa tất cả những áp lực sau một ngày dài. Ông nói :“Tôi không thấy điều gì có thể khiến đầu óc thư thả hơn. Khi đang câu cá, tôi có thể xả bỏ hết những áp lực, như một cách thanh lọc đầu óc, ngủ tốt hơn,…, ngay cả khi không bắt được con cá nào. Đi săn cá và tập trung vào việc đó, đúng là không có gì tốt hơn. Đối với tôi, đó là một niềm vui, ngay cả khi tôi biết là con cá đó chỉ chạm vào mồi, cắn vào đuôi cá. Con cá đó đề phòng, nhưng tôi biết là nó ở đó, nên phải hành động từ từ, thay mồi khác, thử cách khác, để cá có thời gian quyết định xem có định cắn vào mồi câu hay không. Hôm nay tôi đi thử một loại mồi câu mới mà tôi làm ra, tôi bắt được một con pecca và tôi rất hài lòng. Năm nay thời tiết khá thất thường, nên thường chỉ bắt được cá nhỏ”.
“Phần lớn người dân Paris không biết có cá ở sông Seine”
Pháp hiện có khoảng 3600 Hiệp đội đánh cá tại các vùng nước ngọt. Nếu muốn đi câu, đánh bắt cá thì phải sở hữu giấy phép câu (thẻ đi câu), thuộc một hiệp hội câu cá nào đó, phải trả phí bảo vệ môi trường nước và phải được sự cho phép của chính quyền địa phương.
Tại Paris, hầu hết các khu vực ven sông Seine đều được phép câu cá, trừ port d’Arsenal. Có những loài cá không được phép đánh bắt tùy theo mùa, hoặc những loài cá hiếm. Cách đánh bắt cá bằng tay, sử dụng trứng cá, hay lươn thuỷ tinh, hay sử dụng lưới bị cấm vào mọi thời điểm và quanh năm.
Ông Bill François, thành viên của Hiệp hội đánh cá tại Paris và sông Seine, trả lời kênh truyền hình BFM, nhận định rằng “những người đi câu cá, thông qua thẻ đi câu, đóng góp tài chính cũng như niềm đam mê, lòng tình nguyện vào việc bảo vệ môi trường nước. Chúng tôi là những người duy nhất quan tâm đến điều này, phần lớn người dân Paris không biết rằng ở sông Seine có cá. Còn chúng tôi, ngày nào cũng có mặt bên bờ sông. Chúng tôi biết rằng có khoảng 30 loài cá.”
Đối với anh Fred, sống trong vùng Paris và cũng đam mê câu cá từ nhỏ, tham gia một số cuộc thi câu, nhưng đối với anh, câu cá trên hết là sự kích thích, bởi anh thường đi “săn” loại cá nheo châu Âu (Silurus). Trang bị ba cần câu khác nhau, ở bờ sông Seine, phía ngoại ô thành phố, chỉ chờ cá cắn câu, anh cho biết “những âm thanh mà mình nghe được ở điều kiện thường thì những tiếng động đó lớn gấp 10 lần đối với cá nheo, chúng rất nhạy cảm. Kích thước của cá nheo đôi khi có thể to hơn cả tôi”. Loại cá này thường ẩn trong bùn ở đáy sông hồ, dài trung bình khoảng 1,5 mét và nặng từ 50 đến 150 kg. Có những con cá khổng lồ, có kích thước lên đến 2,77 mét.
Xu hướng câu cá “no-kill” : bắt được rồi thả lại xuống nước
Cũng giống như nhiều người đi câu nghiệp dư khác theo xu hướng – no kill, bắt nguồn từ Anh Quốc, cả anh Fred và ông Daniel, đều thích câu cá, nhưng bắt được, rồi lại thả xuống nước. Ông giải thích : “ Tôi không ăn cá ở sông Seine khi mà tôi biết được lịch sử của dòng sông ra sao. Nước bị ô nhiễm. Tận mắt tôi đã nhìn thấy những ống cống xả nước thải trực tiếp ra sông, rác, phân, túi nhựa,…vv… Chưa kể đến ô nhiễm từ thuốc kháng sinh, hay ô nhiễm do PCB. Tôi cũng tận mắt nhìn thấy những con tàu xả rác thẳng xuống sông khi đang di chuyển. Thật là kinh khủng ! Có những chỗ nước chuyển sang màu tím. Chất lượng nước sông, theo tôi, không hề cải thiện chút nào dù họ có nói trên truyền hình. Tôi vẫn nhìn thấy các ống xả nước thải trực tiếp ra sông. Có lần tôi đã đến tòa thị chính để báo cáo về tình trạng này, nhưng họ nói rằng các ống nước thải đó là do lắp đặt sai, và họ cũng không có giải pháp.”
Vào dịp Thế vận hội 2024, một số cuộc thi bơi sẽ được tổ chức trên sông Seine. Việc cải thiện chất lượng nước đang được cấp tốc thực hiện. Hồi tháng 8 vừa qua, một cuộc thi bơi thử trên sông Seine (gần cầu Alexandre III) đã bị hủy vì chất lượng nước không bảo đảm. Ông Daniel nói “tôi không biết vận động viên nào dám bơi ở sông Seine, nhưng nếu là tôi thì chắc chắn là không”.
Ven bờ sông Seine, đôi khi người ta bắt gặp những chiếc khăn ướt bẩn ở một góc nào đó. Ông Daniel cho biết đó là loại rác phổ biến nhất đối với người đi câu. Một số người “bắt” được loại rác này nhưng không vứt bỏ vào thùng rác.
Ngoài ra còn vô số các loại rác khác vẫn nằm ở đáy sông, thậm chí có những người đi câu rác thay vì câu cá. Hồi đầu năm nay, 02/2023, báo Le Parisien đưa tin một thanh niên ở vùng Hauts-de-Seine đã “câu” được một vỏ đạn có từ thời Đệ Nhất Thế Chiến, rồi mang về căn hộ, khiến cảnh sát phải sơ tán cả tòa nhà.
Theo Chi Phương- Tạp chí Văn Hóa RFI