Qatar, quốc gia nhỏ bé đang diễn ra cuộc tranh tài FIFA – World Cup 2022
Giải vô địch bóng đá thế giới của FIFA – World Cup 2022 đang diễn ra tại Qatar với nhiều chỉ trích của phương Tây trước đó. Vậy Qatar là một quốc gia như thế nào?
Vị trí địa lý
Qatar có chung đường biên giới trên bộ với Ả rập Xê út, cũng gần đảo quốc Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất. Qatar nằm đối diện Iran ở Vịnh Péc xích và chia sẻ mỏ khí đốt tự nhiên ngoài khơi khổng lồ với Iran. Phần lớn trong dân số 2,9 triệu người (nhưng chỉ có hơn 300.000 người bản địa) của Qatar sống xung quanh thủ đô Doha, ở ven bờ biển phía đông của đất nước. Qatar có địa hình chủ yếu bằng phẳng, sa mạc, nhiệt độ vào mùa hè lên tới trên 40 độ C với độ ẩm cao.
Kinh tế
Đất nước với dân số 2,6 triệu người Qatar là nơi có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới: 129.700 USD/năm. Người Qatar cũng là chủ nhân của khối tài sản trị giá hơn 335 tỷ USD trên khắp thế giới, bao gồm tòa nhà The Shard tại London (Anh), hiện là tòa nhà cao nhất châu Âu.
Cũng như nhiều nước láng giềng Vùng Vịnh, sự thịnh vượng của Qatar chủ yếu nhờ vào dầu mỏ. Trữ lượng dầu mỏ của Qatar là 15 tỷ thùng. Trong 50 năm, dầu mỏ đã biến Qatar từ đất nước ngư nghiệp nghèo trở thành “đại gia”. Qatar không áp thuế thu nhập, và là một trong các quốc gia có mức thuế thấp nhất. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 6 năm 2013 là 0,1%.
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, Qatar phụ thuộc vào người lao động ngoại quốc để phát triển kinh tế, quy mô công nhân di cư chiếm đến đến 86% dân số và 94% lực lượng lao động. Trong khi đó, của cải của quốc gia giàu có này tập trung vào tay hơn 300.000 công dân của họ.
Chính trị
Qatar là một quốc gia chuyên quyền với lãnh đạo là tiểu vương cầm quyền, Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani. Sheikh Tamim, 42 tuổi, lên nắm quyền vào tháng 6/2013 khi người cha của ông thôi nắm quyền. Vị tiểu vương nắm quyền lực tuyệt đối trong cả nước. Cũng như ở các quốc gia Ả rập vùng Vịnh khác, các đảng phái chính trị bị cấm. Quyền thành lập công đoàn và đình công vẫn còn rất hạn chế. Chỉ khoảng 10% dân số của Qatar là công dân, họ được hưởng các phúc lợi to lớn do chính phủ cấp từ khi sinh ra đến khi qua đời. Rất hiếm có việc nhập quốc tịch.
Pháp luật Qatar không cho phép thành lập các thể chế chính trị hoặc công đoàn. Đánh roi được sử dụng tại Qatar để trừng phạt tội tiêu thụ đồ uống có cồn hoặc quan hệ tình dục bất hợp pháp. Ném đá là một biện pháp trừng phạt pháp lý tại Qatar. Đồng tính luyến ái là một tội có thể bị tử hình trong khi luật pháp yêu cầu người vợ phải phục tùng chồng.
Lịch sử
Dòng họ Al Thani đã cai trị Qatar từ năm 1847, mặc dù thời gian đầu đất nước này nằm dưới quyền của đế chế Ottoman và sau đó là đế quốc Anh. Qatar trở thành quốc gia độc lập vào năm 1971 khi người Anh rời khỏi khu vực. Qatar bắt đầu xuất khẩu dầu sau Thế chiến II, và phải đến năm 1997 Qatar mới bắt đầu bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng ra thế giới. Lợi nhuận mới đó đã thúc đẩy tham vọng khu vực của Qatar. Họ thành lập hãng tin tức vệ tinh Al Jazeera. Họ cũng khai trương hãng hàng không Qatar Airways.
Ngoại giao quốc tế
Trong cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập năm 2011, chính phủ Qatar, khác với hầu hết nhà nước Trung Đông, đã ủng hộ các nhóm kêu gọi thay đổi, miễn là sự thay đổi đó diễn ra bên ngoài Vịnh Ả Rập.
Qatar là nước theo hệ phái Hồi giáo Sunni rất bảo thủ có tên là Wahhabism, tuy nhiên, không giống như quốc gia láng giềng Ả rập Xê út, người nước ngoài có thể uống rượu ở Qatar. Đức tin của đất nước có tác động lớn đến nền chính trị của họ. Qatar ủng hộ các phần tử Hồi giáo chống đối trong Mùa xuân Ả rập 2011, bao gồm Tổ chức Anh em Hồi giáo của Ai Cập và cựu Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi, cũng như những người nổi dậy chống lại Tổng thống Syria Bashar Assad. Al Jazeera trở nên nổi tiếng khi đăng các tuyên bố của thủ lĩnh al-Qaida Osama bin Laden. Qatar cũng đóng vai trò trung gian cho nhóm chiến binh Hamas, cũng như là chủ nhà của các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Taliban dẫn đến việc Mỹ rút khỏi Afghanistan vào năm 2021. Sự ủng hộ của Qatar đối với các phần tử Hồi giáo chống đối đã phần nào khiến Bahrain, Ai Cập, Ả rập Xê út và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất tẩy chay Qatar trong nhiều năm. Cuộc tẩy chay đó chỉ kết thúc khi Tổng thống Joe Biden chuẩn bị bước vào Nhà Trắng.
Quân sự
Sau khi cho phép phương Tây đóng quân ở Qatar trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Qatar đã xây dựng Căn cứ Không quân Al Udeid khổng lồ với hơn 1 tỷ đô la. Quân đội Mỹ bắt đầu bí mật sử dụng căn cứ này sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 và tiếp đến là chiến dịch đánh Afghanistan. Sau này, Mỹ chuyển sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ đến Al Udeid vào năm 2003. Hiện nay, nơi này có khoảng 8.000 lính Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng duy trì một căn cứ quân sự ở Qatar.
Như Thành tổng hợp