Tên đường Sài Gòn trước năm 1975 theo trí nhớ nhà văn Bình Nguyên Lộc

TVN

0 555

Tên đường thời Pháp thuộc:

Song song với những địa danh tên Tây, các đường phố và nhiều nơi chốn ở Sàigòn đều có tên Việt, được dân chúng quen dùng.

Đây là những tên tôi còn nhớ lỏm bỏm:

Bót cảnh sát quận nhì, có tên là Xi Nho. Con đường trước bót không bao giờ mang tên Tây Chaigneau hay Signor lần nào cả. Có lẽ là một ông Tây cảnh sát đã giữ chức vụ liên lạc với dân chúng chăng?

Đầu đường Hồng Thập Tự ngày nay, được gọi là đường Hàng Bàng vì hai bên đường trồng hai hàng cây bàng. Tây đặt tên đường là Chasseloup Laubat, nhưng ta bất kể.

Đường Mạc Đỉnh Chi ngày nay, có tên Tây là Massiges nhưng ta cứ tiếp-tục gọi là đường Hàng Sao, vì hai bên đường trồng hai hàng sao, có lẽ là trồng trước các đường khác chớ về sau thì đường nào cũng trồng sao cả.

Đường Bùi Quang Chiêu là đường Cá Hấp thuở trước vì chỗ ấy nằm cạnh chợ Bến Thành, các vựa cá hấp đóng đô ở đó.

Đường Bùi Chu, thuở ấy tên Tây là Frère Guillerault, nhưng người ta cứ kêu là đường Huyện Sĩ, vì cái nhà thờ cất ở đó do tiền một tư nhơn, ông Tri huyện Lê Phát Sĩ tài trợ.

Đại lộ Kitchener (Nguyễn Thái Học) được gọi là đường Lò Heo vì lò heo cũ ở đó.

Dĩ-nhiên là đường Phó-Đức-Chính, tên Tây là Alsace Lorraine được gọi là đường Chú Hỏa vì con đường ấy nổi danh nhờ cái cư-xá đồ-sộ của họ Hui-Bon-Hoa.

Đường Khổng Tử nguyên là đường Gaudot và được gọi là đường Đèn Năm Ngọn.

Đường Phát Diệm, tên cũ cũng là tên Việt, đường Nguyễn Tấn Nghiệm, vậy mà thiên hạ cứ gọi là đường Cầu Kho. Vậy thì người dân không phải tránh tiếng Tây khó đọc, mà tránh sự bị chỉ định. Họ ưa theo thói quen hơn.

Nhưng buồn cười lắm là có hai trường hợp ngược đời, ta ưa Việt hóa tên Tây, nhưng trong hai trường hợp ta lại theo Tây một cách mù quáng. Đó là địa danh Đakao. Địa danh ấy nguyên trước là Đất Hộ, bị Tây Pháp hóa thành Đako, rồi ĐaKao.

Ta lại mù quáng theo Tây ở một trường hợp nữa là vùng đất gần cầu Tân Thuận trước k ia là bãi đất hóng mát của dân Sàigòn, tên ta là Láng Thọ. Tây Pháp hóa thành Lanto rồi ta lại Việt hóa thành LăngTô. Không biết cái Lăng đó của Tô Định hay của ai?

Những con đường tên Tây mà ta không có tên Việt, ta Việthóa nó một cách buồn cười.

Chẳng hạn đường Eyriaud des Verges (Trương Minh-Giảng) được đặt là “Ai vô rờ quẹt?”, còn đường Léon Combes được đọc là “Lên ăn cơm”.

Đường Dixmude (Đề Thám) là đường Đít Xơ Mít.

Đường Blansubé, tức đoạn Phạm Ngũ Lão ngay chợ Thái Bình được đọc là đường Lan-Si-Bê. Chợ Thái-Bình, cho tới năm 1925, còn được dân chúng gọi là chợ Lan-Si-Bê.

Đường Huỳnh Thúc Kháng (Monlaii) là đường Mộng Lầu.

Dân chúng ưa đọc tên đường De Lattre (Công Lý) nhứt vì tên cũ là Mac Mahon, đọc ra là Mặt-Má-Hồng, nghe hay quá.

Nhưng ngộ nghĩnh số một là đường Phan Thanh Giản (Legrand de la Liraye). Vì tên Tây quá khó đọc, nên đọc ra là “Nhăn răng Rìa ai đi đây?”

Hiệu bán thực-phẩm tươi (épicier) của Tây ở đường Tự Do, hiệu Guyenot (ngày nay vẫn còn) cứ được gọi là “Hãng Mỡ”, tôi ngạc nhiên, điều tra mãi mới hay vì hiệu ấy chuyên chế tạo xúc-xích (saucisse) nên thừa mỡ rất nhiều. Họ bèn rót mỡ nước vào thùng dầu hỏa bán cho người Quảng Đông là dân tộc rất thích ăn mỡ nước, mỗi tháng bán ra hằng mấy trăm thùng, nên nổi danh như vậy. Xóm Máy Đá trong Chợlớn ngày nay, có tên như vậy vì buổi đầu hãng Larue phát tích ở đó, và ngày nay vẫn còn chi cuộc Larue ở đó nữa.

Thuở tôi còn học trung học, mỗi lần trường đưa đi viếng kỹ nghệ trong thành phố thì viếng hãng Larue tại đó, hãng Sàigòn chưa xây.

Cái ngã sáu ở đầu các đường Lê Văn Duyệt, Võ Tánh, Gia Long, Phan Văn Hùm ngày nay, phải gọi là Ngã Sáu Quẹt-Đoong, dân chúng mới hiểu, vì cái ngã sáu trong Chợlớn cao niên hơn tới 30 tuổi, họ quen với tên cũ, tên mới, phải kêu thêm chút gì để phân biệt.

Tên đường thời Đệ Nhị Công Hoà:

Đi trên đại lộ Hai Bà Trưng tôi bỗng sực nhớ lại một điều rồi tủi thân cho bọn đàn ông của ta. Là hễ đờn ông được danh vọng thì đàn bà cũng thơm lây, nhưng khi đàn bà nổi danh thì tên tuổi đàn ông chìm sâu thêm.

Một góc đường Hai Bà Trưng năm 1970 – Ảnh: Tumblr Amazingvietnam

Đành rằng ông Thi Sách chỉ có mỗi một cái công nhỏ đối với nước nhà là bị viên thái thú Tàu giết thôi, nhưng quên mất ông ấy cũng tội.

Vậy nên tôi đã đi khắp Sàigòn để tìm xem có con phố nào là phố Thi Sách không ? Có. Hoan hô quí vị đặt tên đường đã nhớ dai hơn nhân dân.

Nhưng mà tội quá, ông Thi Sách ở mãi bên kia nhà thương Đồn Đất, ở xóm ngoại nhân, không bao giờ có người Việt bước chân đến. Ông nầy đã chết vì tay ngoại nhân mà hương hồn ngày nay vẫn lẩn quẩn với ngoại nhân.

Ông Thi Sách và Hai Bà Trưng chạy song song với nhau cho tới mé nước, và không bao giờ gặp nhau cả, đó cũng là một điểm đáng buồn cho cặp vợ chồng ấy.

Ông Nguyễn Thái Học mà còn ngậm cười được vì đã gặp Cô Giang, Cô Bắc ở hai ngã ba chợ Cầu Muối, đằng nầy ông chồng Bà Trưng chỉ nghe văng vẳng tiếng bà đâu đó thôi.

Bà Sương Nguyệt Ánh cũng không bao giờ đi thăm cha được, vì bà ở xóm Bùi Chu còn cụ đồ lại qui điền mãi tận trên Tân Định.

Vị nữ anh hùng thứ nhì của ta, Bà Triệu cũng bị ta quên mất vì bà cũng ở xóm ngoại nhân, trong Chợ Lớn.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng đô thành đặt tên rất khéo, Công chúa Huyền Trân ở một căn phố buồn hiu, sau dinh Độc Lập, buồn như con đường thiên lý ngàn dặm băng rừng đưa công chúa từ Việt sang Chiêm.

Còn cái phố có nhiều tiệm mì, tiệm ăn và tửu lâu trong Chợ Lớn mà đặt tên là phố Tản Đà thì tuyệt diệu bởi vì Tản Đà không phải là thi sĩ mà thôi, lại còn là thực sĩ nữa.

Nếu đô thành có bất công chút ít, chẳng qua là vì quên đó thôi. Chẳng hạn như ông Phan Huy Chú được nêu danh trong Chợ Lớn mà ông Phan Huy Vịnh lại không.

Đô thành lại trọng văn nghệ lắm. Không có nhà văn, nhà thơ nào ngày xưa mà không được lấy tên đặt tên phố cả, khiến lũ văn nhân thi sĩ hậu sanh là ta đây cũng nức lòng muốn cố gắng để có thể được biệt đãi như thế về sau.

Chỉ phiền văn nhân thi sĩ của thế hệ ta đông quá, mà đường phố chỉ có hạn thôi, dễ gì tìm được một chỗ “mần”.

Có một điều đáng chú ý là họ Nguyễn chiếm đa số trong các phố Sàigòn. Dân tộc ta họ Nguyễn cũng như dân tộc Pháp họ Dupont vậy mà!

Một người Pháp quen biết kể chuyện rằng thuở Đức chiếm đóng nước Pháp, một khi kia quân đội Đức bố ráp ở một ngoại ô nhỏ tại Ba Lê để bắt ông Dupont nào đó. Cuộc bố ráp thi hành xong thì chúng bắt được tất cả tám trăm mười bảy ông Dupont, vừa già, vừa trẻ, đó là chúng đã loại trừ những cậu Dupont oắt con ra rồi đó.

Một cựu thông ngôn nhà binh Pháp ở đây cũng kể rằng một khi kia Pháp ruồng bố ở làng nọ để bắt Nguyễn Thị Hai nào đó. Chỉ một làng ấy thôi, mà họ đã bắt đến bốn mươi tám Nguyễn Thị Hai chẳn chòi.

Vậy thì họ Nguyễn chiếm đến 55 con phố ở Sàigòn – Chợ Lớn không phải là chuyện lạ. Đó là chưa kể những bà Sương Ngyệt Ánh v.v… cũng là họ Nguyễn mà không nêu họ ra. Bà Đoàn Thị Điểm cũng có người bảo thật ra là Nguyễn Thị Điểm, và biết đâu cô Giang, cô Bắc lại không là họ Nguyễn.

Họ Nguyễn được ưu đãi như thế, còn họ Tô không biết vì sao lại ra rìa. Năm kia trên Hòa – Hưng có một con phố tên là Tô Hiến Thành. Năm nay không thấy tên phố đó nữa.

Ngoại nhân có công với dân tộc cũng được nêu danh, cho công bằng. Nhưng không hiểu ông J.J Rousseau có công trực tiếp gì với dân tộc ta. Còn ba ngoại nhân khác rất có công là Tích Quang, Nhâm Diên, và Sĩ Nhiếp lại vắng bóng.

Sàigòn có một con phố cong queo một cách rất ngộ nghĩnh, được đặt tên là phố Cống Quỳnh. Thật là khéo, vì cách lập luận và hành động của ông Cống Quỳnh cũng cong cong quèo quẹo như con phố kỳ dị ấy.

Tiếc rằng Cống Quỳnh có lẽ chỉ là một nhân vật tưởng tượng thôi.

Sàigòn đặc biệt vì có phố không vỉa hè, thí dụ đoạn phố Đề Thám trước dãy nhà cũ đối diện với hông nhà thờ Tin Lành.

Thật ra thì có một vỉa hè rộng độ tám tấc, nhưng đã lì xuống bằng với mặt đường, ô tô tha hồ leo lên và người đi bộ rất lắm khi phải nhảy vào nhà người ta để thoát chết.

Lại có vỉa hè mà người đi bộ không được xử dụng, thí dụ vỉa hè Cô Giang tại chợ Cầu Muối. Người đi bộ ở đoạn nầy hễ xuống đường thì bị xe cán, còn lên lề thì bị mấy chị bạn hàng đuổi, vì mấy chị mướn vỉa hè ấy có đóng tiền chỗ đàng hoàng.

Thành ra qua đoạn đường đó y như là qua cầu đoạn trường, lên lề thì đoạn tâm, còn xuống thì đoạn cẳng.

Có lắm vỉa hè công khai dùng làm ga-ra, nói công khai vì xe để trên ấy nằm đó năm nầy qua năm khác mà không sao cả. Thế nên chỉ mướn một căn phố bé nhỏ thôi mà người ta có thể mở ga-ra to là nhờ vậy.

Nói đến vỉa hè không thể không chú ý đến những vỉa hè mức độ khác nhau, khách đang đi bỗng sụp chơn suýt ngã. Ấy, nhà bên nầy xây cao một tấc năm, nhà bên kia chỉ xây một tấc thôi mà. Vì mạnh ai nấy xây vỉa hè nên vỉa hè lại mang đủ màu sắc, có quãng xanh, quãng vàng, quãng xám, và lại kiến thiết bằng đủ cả vật liệu : gạch xi-măng, xi-măng trắng, gạch thẻ, gạch Tàu, nhựa, đá ong. Sợ nhứt là vỉa hè đá ong trên đường Thủ Khoa Huân. Đá ong lổm chổm khiến bộ hành không lọi chân cũng trặc cẳng.

Nếu đô thành tự làm lấy vỉa hè rồi bắt người ta trả tiền thì tình trạng nầy đã không có.

Theo Hồi ký Bình Nguyên Lộc 

Leave A Reply

Your email address will not be published.