Thạch Động Hà Tiên và những câu chuyện thực hư

Patrice Trần Văn Mãnh

0 277

A/ Vị trí và hình thể Thạch Đông Hà Tiên:

Thầy cô và các bạn thân mến, nói đến địa danh, thắng cảnh Thạch Động thì không còn gì xa lạ đối với người Hà Tiên chúng ta, chẳng những thế mà đa số du khách các nơi khác cũng đều nghe tiếng về Thạch Động nên mỗi lần có các đoàn du khách đến tham quan Hà Tiên, đều có mục thăm viếng Thạch Động.

Ngày xưa trước khi Pháp chiếm Hà Tiên (1867) vùng Thạch Động và Đá Dựng thuộc hai thôn Sa Kỳ và Nhượng Lộ, sau đó Pháp nhập hai thôn lại lập thành làng tên là Làng Kỳ Lộ. Trong những năm 60-70, Thạch Động thuộc xã Lộc Kỳ. Đến sau 1975, Thạch Động thuộc xã Mỹ Đức, ngày nay Thạch Động là một địa điểm du lịch thuộc phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên. Từ trung tâm chợ Hà Tiên, theo quốc lộ 80 đi thẳng về phía cửa khẩu Xà Xía về hướng bắc hoặc từ con đường Phương Thành đi tiếp tục ra biên giới Hà Tiên – Campuchia, khoảng được 3 hoặc gần 4 cây số, trên đường nhìn về bên tay phải ta sẽ thấy Thạch Động sừng sửng hiện ra, cứ trơ gan cùng tuế nguyệt có hơn bao nhiêu triệu năm về trước.

Về mặt hình thể, Thạch Động là một khối đá vôi rất to lớn dựng đứng như một ngọn tháp, chiều cao so với mực nước biển là khoảng 93 m và có đường kính ở phần dưới chân khoảng 45 m. Từ xa Thạch Động được bao phủ bởi một phần đá vôi màu trắng bạc, và một phần có rất nhiều cây xanh tô điểm nên nhìn giống như một chiếc mũ lông của những kỵ binh người Anh, do đó người Pháp, trên các bưu ảnh chụp về Thạch Động, ngay từ những năm đầu thế kỷ thứ 20 đã đặt tên Thạch Động trong bưu ảnh là « Bonnet à poils ». Cửa chánh để vào Thạch Động ở hướng đông, nhìn về phía thành phố Hà Tiên và có độ cao khoảng 50 m.

Về phương diện địa chất học, các nhà địa chất học xác định khối đá vôi Thạch Động được thành hình trong kỷ Permi (tức thời kỳ tầng địa chất kéo dài từ khoảng 298 đến 252 triệu năm về trước). Đá vôi của Thạch Động có nguồn gốc trầm tích hóa học chứ không phải do trầm tích sinh vật học. Người ta còn tìm thấy cùng loại đá vôi của Thạch Động ở vùng ven biển Kiên Lương, ở phía tây nam Campuchia và ở phía nam Thái Lan. Nếu ta phân biệt ý nghĩa của các từ tiếng Pháp: Tunnel: loại hầm, kéo dài theo một con đường (đường hầm); Cave: hang, động (hang sâu như một căn phòng) thì Thạch Động thuộc dạng hang động (Cave).

Thạch Động có hai cửa chánh: cửa vào chánh ở phía đông, nhìn về thành phố Hà Tiên, tai đây có xây bậc thang bằng gạch đá từ dưới đất liền lên đến cửa hang, ngay cửa vào ngôi chùa tọa lạc bên trong Thạch Động. Một cửa khác ở phía tây, tại đây người ta có thể nhìn ra được quang cảnh đồng lúa và núi non của phường Mỹ Đức. Ngoài ra còn có hai cửa theo hướng đông bắc và tây nam, ra đứng tại các cửa nầy, người ta được tận hưởng những cơn gió mát thổi lồng lộng, được nhìn ra một không gian trống khoáng, cả vùng trời biên giới có biển xanh, núi non, đảo nhỏ xa xa và một bầu không khí tỉnh lặng tạo cho ta một cảm giác rất thú vị…

Vị trí Thạch Động : Thạch Động ở về phía bắc thành phố Hà Tiên, cách trung tâm Hà Tiên khoảng 3 hoặc 4 cây số.

B/ Hình thể bên trong Thạch Động:

Vào bên trong Thạch Động theo cửa chánh hướng đông, trước hết ta sẽ thấy ngôi chùa tọa lạc bên trong phần có thể tích rộng lớn, đó là chùa Tiên Sơn (sẽ viết thêm ở phần kế tiếp). Nếu du khách tiếp tục đi vào các ngỏ ngách theo các hướng khác nhau, lần lượt sẽ thấy có một lối trống rất cao và thông lên đến trên đỉnh Thạch Động, từ dưới ta có thể nhìn thấy như là một lối thoát lên trời vì nhìn thấy cả những đám mây xanh, người ta đặt tên là « đường lên trời ». Rồi đến xem một hang nhỏ khác ăn sâu vào lòng núi, nhìn vào chỉ thấy màu đen thẩm như hang không đáy, đó là « đường xuống địa ngục ». Ngày xưa tục truyền hang đó ăn thông ra đến tận biển ở Mũi Nai, vì người ta có thả một trái dừa khắc làm dấu và sau nầy tìm vớt lại được trái dừa nầy ở ngoải bờ biển…Từ những năm 1960 vì sự nguy hiểm của cái hang nầy, người ta đã lấp kín hang lại, chỉ còn xây bờ chung quanh để làm dấu cho khách tò mò đến xem. Ngoài ra trong vách đá bên trong Thạch Động còn có rất nhiều thạch nhũ, đặc biệt là có một khối thạch nhũ nhìn thấy từ bên ngoài có hình dạng như một cái đầu con đại bàng to lớn đang quặp một cô gái. Chung quanh đó còn có nhiều dây leo rừng to lớn thòng xuống, tuy nhiên vì tính hiếu kỳ và thiếu kỷ lưởng của du khách các sợi dây to lớn nầy đã bị lôi kéo và bị đứt mất dần dần. Bên trong vách đá còn có các vết xâm mòn do nước đọng chảy quanh năm tạo ra các hình dáng giống như một người con gái, hay hình Phật…

Tất cả những hình thù do các khối đá thiên nhiên và do tác động của nước mưa bào mòn vách đá tạo nên như vậy đã cung cấp nguồn cảm hứng cho dân gian bao nhiều đời đã qua, kết tạo lại nhiều truyền tích, huyền thoại. Mỗi hình thù vách đá, mỗi cọng dây leo, …được gắn liền với một hành động và một giai đoạn của một câu chuyện huyền thoại có tên « Thạch Sanh và Lý Thông ». Đây là một câu chuyện được truyền đi trong dân gian và có tác giả cho là có nguồn gốc ở quận Cao Bình, tỉnh Cao Bằng thuộc miền núi đông bắc Việt Nam (sẽ viết thêm ở phần kế tiếp).

C/ Ngôi chùa « Tiên Sơn Tự » trong Thạch Động:

Hiện nay muốn tim hiểu về nguồn gốc ngôi chùa có tên « Tiên Sơn Tự » bên trong Thạch Động cũng rất khó khăn vì còn thiếu thông tin chính xác.

C1/ Quá trình trụ trì chùa theo nguồn thông tin thứ nhất:

Theo sách Đại Nam nhất thống chí đoạn nói về tỉnh Hà Tiên, mục Tự quán có chép rằng: Chùa Bạch Vân (Bạch Vân Tự hay Bạch Vân Am) ở núi Thạch Động (tức núi Vân Sơn) ở thôn Mỹ Đức, huyện Hà Châu, nguyên do phú hộ Minh Hương là Đoàn Tân lập ra. Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) Tuần phủ Phan Tông trùng tu…”.

Có nguồn cho rằng từ năm 1790, có vị hoà thượng tên Minh Đường (người Trung Quốc) đã tìm đến hang Thạch Động và ở lại đây để tu hành, hòa thượng đặt tên cho cái am nơi tu là Bạch Vân Am, sau đó vị nầy giao am tu lại cho đồ đệ là Bạch Vân cư sĩ và dời ra lập chùa Địa Tạng ở một ngọn núi cách đó khoảng 800m về phía đông nam, từ đó núi lấy theo tên chùa trở thành núi Địa Tạng.

Cuối thế kỷ thứ 19, có một nhóm người Minh Hương đến trùng tu am xưa và thỉnh hai nhà sư tới trụ trì ngôi chùa. Vị thứ nhất là hòa thượng Thích Chánh Quả (chưa biết tên đúng hay sai) ) tục danh là Lê Thế Diên (có sách viết Duyên), quê ở Phú Yên, thuộc dòng tu Lâm Tế đời thứ 39. Hòa thượng cho đúc tượng Phật và Bồ Tát và đổi tên chùa là Linh Sơn Tự. Ngài viên tịch ngày 21 tháng 12 năm Quý Sửu (1913), thọ 78 tuổi. Vị thứ hai là hòa thượng Thích Thiện Sĩ thế danh là Trịnh Tấn Phước, người Bình Định, thuộc dòng Lâm Tế thứ 40. Ngài tổ chức trùng tu và mở rộng ngôi chùa và đặt tên mới là Tiên Sơn Tự, tên còn giữ cho đến ngày nay. Ngài từ trần ngày 02 tháng 09 năm Ất Dậu (1945), thọ 75 tuổi. Sau đó có người đệ tử của sư tên là Cam Thị Nam (thường gọi là cô Hai Nàm) kế thừa trụ trì ngôi chùa. Về câu chuyện của cô Hai Nàm có nhiều nguồn do người dân kể lại:

C1a/- Nguồn thứ nhất kể lại rằng vào ngày 29 tháng 04 năm 1948 quân lính Pháp bắt gặp trong chùa ở Thạch Động có lương thực và cán bộ Việt Minh đến hội họp nên bắt giải giam tất cả bốn người đang hiện diện trong đó có cô Hai Nàm về đồn ở Hà Tiên. sau đó lính Pháp hành hình giết bà và các cán bộ tại cầu tàu chợ Hà Tiên vì kết tội bà là người nằm vùng nuôi dấu cán bộ.

C1b/- Cũng có nguồn tin thứ hai kể lại rằng ngày hôm đó trong chùa ở Thạch Động có lễ cúng kiến nên có dự trữ thức ăn và có nhiều người tham dự, lính Pháp đi lùng bố càn quét cán bộ Việt Minh vì trước đó có xảy ra vụ vị sĩ quan Pháp bị phục kích giết chết trong vùng Thạch Động, nên cả nhóm người hôm đó đều bị bắt và bắt oan luôn cả cô Hai Nàm. Rốt cuộc cô Hai Nàm bị giết oan ức.

Đó là hai nguồn thông tin về chuyện cô Hai Nàm ở Thạch Động, hiện nay chưa có độ chính xác về câu chuyện nầy, cần được kiểm chứng và đưa ra tư liệu chính xác.

Từ biến cố đó, ngôi chùa Tiên Sơn trong Thạch Động bị bỏ hoang gần 4 năm liền không ai tới lui chăm sóc.

Đến năm 1952 có vị Phật Tử Hồng Phúc, người Hà Tiên, thế danh Trình Kim Huê (theo thiển ý, đây có thể là ba của thầy giáo Trình Kim Chung dạy tại trường Tiểu Học Hà Tiên ngày xưa), đệ tử của hòa thượng Thiện Sĩ, ngài Hồng Phúc đến trông coi chùa và tu ở đó. Được 7 năm trời, hình dáng ông lúc đó có để bộ râu bạc trắng trông rất đẹp, giống như một vị tiên ông, sau thời gian đó ông trở về cuộc sống bình thường tại nhà riêng ở Hà Tiên và qua đời vào năm 1968. Người Hà Tiên ai ai cũng biết và nhớ đến hình ảnh của ông được đăng trong tờ tạp chí « Thế Giới Tự Do » do Chi Thông Tin Hà Tiên thường phát cho dân chúng đọc, Trong tờ tạp chí nầy do có bài giới thiệu vè thắng cảnh Thạch Động Hà Tiên nên có đăng hình Thạch Động và vị trụ trì là phật tử Hồng Phúc.

Trong những năm 70, Thạch Động nói riêng cũng như với ngọn núi Đá Dựng nói chung về tình hình các thắng cảnh vùng biên giới, hai địa điểm nầy đã trở thành căn cứ quân sự trọng yếu nên đều có quân đội Địa Phương Quân VNCH trấn đóng. Trong thời gian nầy, người dân không được lui tới thăm viếng thắng cảnh như thời trước được. Ngôi chùa Tiên Sơn trong Thạch Động có lẽ bị bỏ hoang không sư trụ trì và nhang khói trong thời gian nầy.

Sau năm 1975, tình hình còn biến động vì chiến tranh biên giới cho đến năm 1979, có người Phật Tử Thiện Thành, thế danh Tiết Văn Lương, người gốc Mỹ Đức, Hà Tiên, tình nguyện đến trông coi chùa Tiên Sơn trong Thạch Động. Đến năm 1989, phật tử Thiện Thành cùng với phật tử địa phương cung thỉnh đại đức Thích Minh Luận, thế danh Giang Văn Khép, về trụ trì chùa Tiên Sơn trong Thạch Động. Đại đức Minh Luận bắt đầu cho trùng tu ngôi chùa, xây dựng lan can và các bậc tam cấp, an vị tượng đức Bổn Sư trong chánh điện. Đến ngày 09 tháng 06 năm 1990 phật tử Thiện Thành lâm bệnh và qua đời. Năm 1991 đại đức Minh Luận tiếp tục trùng tu ngôi chùa, thiết lập tượng đài Quan Âm trước của chùa, năm 1995 lát gạch toàn bộ khu chánh điện, trồng thêm cây xanh chung quanh khuôn viên chùa. Năm 1997 ngài cho khởi công xây dựng tăng xá để chư tăng các nơi xa đến có chỗ an nghỉ. Trong tương lai sẽ cho trùng tu thêm giảng đường, tổ đường và nhà từ thiện. Toàn bộ khu Thạch Động với ngôi chùa xưa Tiên Sơn Tự trở thành một nơi du ngoạn cho khách du lịch đến thăm, người người ra vào đông đúc, tuy quang cảnh sầm uất, nhộn nhịp nhưng đã mất phần uy nghiêm, thơ mộng và cổ kính trầm mặc của một không gian yên tỉnh ngày xưa.

C2/ Quá trình trụ trì chùa theo nguồn thông tin thứ hai:

Có một nguồn thông tin khác về gốc gác của ngôi chùa Tiên Sơn Tự như sau: Thời ông Mạc Thiên Tích trấn nhậm vùng Hà Tiên, có một vị đạo sĩ pháp hiệu Huỳnh Phong chân nhân từ Thanh Hóa vào Hà Tiên tìm nơi tu luyện và ông cũng là một thành viên trong thi đàn Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tích thành lập năm 1736. Đạo sĩ thấy hang động ở Thạch Động thích hợp nên ẩn tu tại đó. Sau một thời gian, ngài đổi pháp hiệu thành Huỳnh Phong (hay Hoàng Long ?) hòa thượng, đến năm 1785 ngài viên tịch, thọ 108 tuổi, nhục thân ngài được nhập tháp do đề đốc trấn nhậm Bác Giác Sơn tên là Đỗ Như Liêm cùng các tín đồ xây dựng. (Bác Giác Sơn tức núi Phù Dung thời ông Mạc Thiên Tich, sau nầy tại ngọn núi nầy cũng có ngôi mộ của ông đề lại Đỗ Như Liêm nói trên nên núi được mang tên là Đề Liêm). Tuy nhiên nguồn thông tin nầy có thể sai trái vì ông đề lại Đỗ Như Liêm mất khoảng 1860 – 1870 tức là lúc năm 1785 khi Hoàng Long hòa thượng viên tịch thì ông đề lại Đỗ Như Liêm còn rất nhỏ, thậm chí chưa sanh ra. Một điểm khác làm sai lệch nguồn thông tin trên là theo như các điều ghi chép trong hai quyển Gia Định Thành Thông Chí và Đại Nam Liệt Truyền Tiền Biên thì thời ông Mạc Thiên Tích có vị sư tên Hoàng Long (hay Huỳnh Phong) hòa thượng người gốc Qui Nhơn Bình Định, vào tu ở Bạch Tháp Sơn (tức là núi Đá Dựng) và khi ông viên tịch đồ đệ lập tháp bảy cấp để giữ xá lợi, tuy nhiên tài liệu nầy không nói rỏ ngọn tháp của Hoàng Long hòa thượng nằm chính xác ở đâu và nếu ở trong vùng núi Đá Dựng thì ngày nay ngọn tháp đó có còn được bảo tồn hay không? Như vậy theo hai quyển sách xưa thì Hoàng Long hòa thượng không có lập chùa trong Thạch Động mà tu ở bên núi Đá Dựng.

Nói tóm lại về nguồn gốc ngôi chùa Tiên Sơn Tự trong Thạch Động, thông tin còn rất mơ hồ chưa có những điểm chính xác về năm thành lập và người tạo ra ngôi chùa. Tuy nhiên ta có thể xem như ngôi chùa đã có dưới dạng một cái am nhỏ bằng gỗ từ trước năm 1790, sau đó có nhóm người dân Minh Hương đến trùng tu và thỉnh thầy về trụ trì, quá trình trụ trì chùa có thể xem vào nguồn thông tin thứ nhất nói trên.

(Phần tiếp theo: Truyền thuyết « Thạch Sanh – Lý Thông » có liên quan đến Thạch Động)

Theo trang Nghiên Cứu Lịch Sử

Leave A Reply

Your email address will not be published.