Khi những cơn sóng đưa rác thải vào bờ biển quanh các đảo Hàn Quốc, Giáo sư Kang Dong-wan lại tỉ mỉ đi tìm “kho báu”. Theo nhà nghiên cứu 48 tuổi đang làm việc tại Đại học Dong-A, rác thải từ Triều Tiên sẽ hé lộ phần nào cuộc sống tại đây.
“Chúng ta có thể tìm hiểu sản phẩm gì đang được sản xuất tại Triều Tiên và người dân nước đó dùng hàng hóa gì”, Giáo sư Kang cho hay.
Ông buộc phải quay trở lại phương pháp thu thập thông tin một cách thô sơ như trên vì đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua đã khiến người ngoài càng thêm khó tìm hiểu xem chuyện gì đang diễn ra bên trong Triều Tiên.
Giáo sư Kang tin rằng sự đa dạng, số lượng và mức độ phức tạp trong rác thải là minh chứng cho thấy Triều Tiên đang thúc đẩy sản xuất đa dạng hàng tiêu dùng và mở rộng lĩnh vực công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như cải thiện đời sống.
Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, Giáo sư Kang thường đi tới các thành phố biên giới Trung Quốc tiếp giáp với Triều Tiên và ở đó. Ông cũng mua các sản phẩm của Triều Tiên và chụp ảnh làng biên giới từ bên kia sông. Tuy nhiên, do các lệnh phong tỏa phòng dịch của Trung Quốc, hiện giờ ông không thể đi đâu.
Kể từ tháng 9/2020, Giáo sư Kang đã tới 5 hòn đảo Hàn Quốc giáp với bờ biển phía Tây của Triều Tiên và nhặt được khoảng 2.000 phần rác thải, trong đó có bao bì đồ ăn vặt, giấy gói kẹo và chai nước uống.
Học giả Kang cho biết ông đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy hàng chục loại chất liệu đóng gói đầy màu sắc khác nhau, mỗi loại cho một số sản phẩm nhất định như gia vị, kem, bánh ăn liền và các sản phẩm sữa. Nhiều bao bì được in hoa văn, nhân vật hoạt hình và phông chữ.
Gần đây, ông Kang xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Nhặt rác của Triều Tiên trên quần đảo Ngũ Tây Hải”. Sắp tới ông có kế hoạch lùng sục các bãi biển ở phía đông Hàn Quốc.
Theo ông Ahn Kyung-su, người đứng đầu website DPRKHEALTH.ORG – một trang web tập trung vào các vấn đề sức khỏe ở Triều Tiên, trong khi các chuyên gia khác nghiên cứu sự đa dạng của hàng hóa và thiết kế bao bì ở Triều Tiên thông quachương trình phát thanh và ấn phẩm truyền thông nhà nước thì phương pháp nghiên cứu của giáo sư Kang cho phép mức độ phân tích kỹ lưỡng hơn.
Nghiên cứu của ông Kang cũng mở ra một cánh cửa để thế giới tìm hiểu về Triều Tiên. Ví dụ, thông tin thành phần trên một số hộp nước trái cây cho thấy Triều Tiên sử dụng lá cây làm chất thay thế đường hay có đến 30 loại gia vị nhân tạo được bày bán tại Triều Tiên.
Giáo sư Kang không đưa ra bất kỳ bình luận gì về chất lượng thực phẩm có trong bao bì. Theo ông Jeon Young-sun, giáo sư nghiên cứu tại Đại học Konkuk (Seoul), đồ ăn nhẹ và bánh quy của Triều Tiên nhìn chung có kết cấu mềm hơn và vị cũng ngon hơn ngày trước.
Giáo sư Kang giải thích việc thu gom rác của ông là một nỗ lực để hiểu rõ hơn về người dân Triều Tiên cũng như mong muốn thu hẹp khoảng cách giữa hai miền liên Triều bị chia cắt.
Nhặt rác quanh các đảo cách lãnh thổ Triều Tiên khoảng 4-20 km là một công việc khó khăn. Địa điểm ông thường đến nhất là đảo Yeonpyeong, một hòn đảo bị Triều Tiên nã pháo trong một cuộc tấn công khiến 4 người Hàn Quốc thiệt mạng vào năm 2010.
Trong một số chuyến đi, ông Kang cũng bị lính thủy đánh bộ Hàn Quốc truy hỏi vì người dân khai báo ông có những hành vi đáng ngờ. Đôi khi ông mắc kẹt tại các đảo vì thời tiết xấu hoặc cảm thấy thấy vọng vì không tìm được “kho báu”. Đôi lần công việc của ông còn bị những người xung quanh chế giễu hoặc tỏ ý hoài nghi.
Giáo sư Kang chia sẻ: “Sau tất cả, tôi lại phấn khích khi nhặt được nhiều rác hơn. Khi gió thổi và sóng dâng cao, đưa các thứ vào bờ, tôi cảm thấy hạnh phúc vì có thể tìm thấy một thứ gì đó mới mẻ”.