Hoàng Thi Thơ và “Những ngày thơ mộng”

Huỳnh Duy Lộc

0 636

Hoàng Thi Thơ sinh ngày 1 tháng 7 năm 1929 tại làng Bích Khê, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, thuộc dòng họ Hoàng Hữu, một dòng họ khoa bảng lẫy lừng ở Quảng Trị. Con cháu của dòng họ này đã đỗ đạt cao từ đời thứ 13. Thân phụ ông là Hoàng Hữu Bính, một vị quan dưới triều vua Đồng Khánh với chức Lang Trung Bộ Công, tước Thái Thường Tự Khanh.

Hoàng Thi Thơ học tiểu học tại Triệu Phong, Quảng Trị, học trung học tại Huế rồi Hà Tĩnh. Ông vào học khoa Văn học và Triết học tại Trường Dự bị Đại học Liên khu 3 và Liên khu 4 tại Thanh Hóa. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông gia nhập Đoàn Văn nghệ Quảng Trị do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba làm trưởng đoàn. Đến tháng 8 năm 1946, ông trở lại Huế để tiếp tục học những năm cuối trung học. Tháng 12 năm 1946, khi ông đang tham gia tuyên truyền cùng nhạc sĩ Trần Hoàn ở Huế, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Sau khi Huế thất thủ, ông trở ra thành phố Vinh theo đề nghị của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Ông bắt đầu làm báo, viết văn, trở thành phóng viên và biên tập viên của nhật báo Cứu Quốc của Việt Minh.

Năm 1951, ông vào Sài gòn dạy tiếng Anh và sáng tác nhạc. Năm 1957, ông bắt đầu tổ chức những kỳ Đại nhạc hội tại rạp Thống Nhất và 4 năm sau thành lập Đoàn Văn nghệ Việt Nam, lưu diễn qua nhiều nước châu Á .

Từ năm 1967, ông tổ chức những chương trình ca vũ nhạc kịch tại nhà hàng Maxim’s ở Sài gòn. Ông cũng được Bộ Thông tin Việt Nam Cộng hòa và Tổng cục Chiến tranh Chính trị nhiều lần cử thành lập và dẫn các đoàn văn nghệ Việt Nam lưu diễn ở các nước châu Âu…

Thời kỳ đi kháng chiến, Hoàng Thi Thơ đã có mối tình với cô Trương Tân Nhân, một người bạn học cùng trường. Về sau, khi ông bỏ kháng chiến về thành, cô Tân Nhân đã có thai, ở lại miền Bắc, tiếp tục sự nghiệp ca hát. Tháng 9 năm 1957, ông lập gia đình với ca sĩ Thúy Nga và có 4 người con: 3 trai, gái, trong đó, người con trưởng là Hoàng Thi Thi vừa là nhạc sĩ, vừa là kỹ sư.

Sau năm 1975, ông sang Mỹ, nhưng cũng có về Việt Nam 2 lần từ năm 1993. Sáng chủ nhật 23 tháng 9 năm 2001, ông qua đời tại nhà riêng ở Glendale, được an táng tại Huntington Beach.

Hoàng Thi Thơ đã sáng tác trên 400 ca khúc, từ tình ca đến nhạc quê hương, từ dân ca đến nhạc thời trang, từ đoản khúc đến trường ca, từ nhạc cảnh đến nhạc kịch. Nhiều ca khúc của Hoàng Thi Thơ đã quen thuộc với người Việt từ những năm 1950 cho đến sau năm 1975 như: “Rước tình về với quê hương”, “Rong chơi cuối trời quên lãng”, “Đường xưa lối cũ”, “Tà áo cưới”, “Trăng rụng xuống cầu”, “Gạo trắng trăng thanh”, “Đám cưới trên đường quê”, “Duyên quê”, “Tình ta với mình”… Ông cũng có những ca khúc kể lại những mối tình đau khổ của những người con gái như: “Chuyện tình cô lái đò Bến Hạ”, “Chuyện tình La Lan”, “Chuyện tình người trinh nữ tên Thi”…

Theo lời Hoàng Thi Thơ kể với nhà báo Trường Kỳ, “chính bản tính nghệ sĩ của ông đã giúp cho ông được dễ dàng rung cảm để sáng tác những nhạc phẩm tình cảm đó, ngược lại với những nhận xét sai lầm cho là ông sống về vật chất khi ông tạo được cho mình một cuộc sống ổn định và thoải mái từ trước đến nay. Nhạc tình của Hoàng Thi Thơ không chỉ hạn hẹp trong tình yêu đôi lứa ở trong nhiều trạng thái tình cảm khác biệt, nhưng còn được đặt vào một bối cảnh thiên nhiên với những cánh đồng lúa mênh mông, những nhịp cầu tre, với những đêm trăng sáng, với những câu hò đượm tình dân tộc”.

Nữ ca sĩ Ngọc Minh đã viết những dòng tưởng niệm người nhạc sĩ đã sáng tác nhiều ca khúc về tình tự quê hương và nhiều tình khúc có ca từ dung dị gần gũi với tâm hồn của đại chúng: “Trong 50 năm sáng tác, Hoàng Thi Thơ đã viết trên 400 tác phẩm, đa số là những bài hát mang âm hưởng ngũ cung (dân ca) về tình tự quê hương. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cũng viết rất nhiều bản tình ca đã được hàng triệu người ưa thích và thuộc lòng. Tôi đã hát rất nhiều tình ca của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ trong thời gian trước năm 1975 tại các vũ trường, nhưng hình như tôi không có duyên được thâu những tình khúc tuyệt vời của ông vào trong những băng nhạc đã thực hiện của Ngọc Minh Productions”. (Tưởng nhớ nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ)

Ca khúc “Những ngày thơ mộng” là một ca khúc đặc sắc dành cho những khoảng lặng giữa cuộc sống vội vã và đầy xáo động này. Trong những khoảng lặng ấy, anh tạm quên những muộn phiền và những lo toan của cuộc mưu sinh trong từng ngày để thả hồn về những ngày tươi sáng đã qua và bao giờ hồi ức về những ngày thơ ấu thơ mộng cũng khơi dậy trong tâm hồn anh cảm giác bồi hồi khó nói thành lời. Đường đời có muôn vạn nẻo, nhưng chẳng có con đường nào có thể đưa anh trở về với “những ngày xinh như mộng”. Anh sẽ thẫn thờ tự hỏi:

“Tìm đâu những ngày thơ ấu qua?
Tìm đâu những ngày xinh như mộng?
Tìm đâu những ngày thơ?
Tìm đâu những chiều mơ?
Tìm đâu, biết tìm đâu, đâu giờ?“
Vào những ngày xa xưa ấy, anh chẳng hề biết thế nào là tình yêu dù có những lúc một nỗi nhớ thương mơ hồ nào đó vấn vương trong tâm hồn và len cả vào những giấc mơ:
“Tìm đâu những ngày chưa biết yêu?
Chỉ thấy, thấy lòng nhớ thương nhiều
Rồi đêm ta nằm mơ…”
Sự rung động của tâm hồn còn tinh khôi đã thôi thúc anh viết những câu thơ tình đầu tiên để bày tỏ nỗi nhớ nhung hay sự hờn trách nhẹ nhàng:
“Hồn say ta làm thơ
Ngồi ngâm trách lòng ai hững hờ…”
Khung cảnh thơ mộng đã mang lại cho anh những rung động đầu đời ấy là khung cảnh của đồng quê với đàn bướm trắng chập chờn bay trên những con đường loang nắng. Vào những buổi sớm mai hay những buổi chiều vắng lặng, văng vẳng tiếng hò của cô gái hàng xóm, nhưng đôi lúc không gian tĩnh lặng ấy cũng xôn xao với tiếng cười đùa của những đứa bạn cùng lứa tuổi:
“Ai tìm giùm đàn bướm trắng
Bay tìm tình đường loang nắng
Ai tìm giùm cô gái xóm
Khoe giọng hò đường hoang vắng
Và nhớ đi tìm đàn bé nô đùa
Ngoài đồng lúa hay trong sân chùa…”
Nhưng giờ đây, những ngày thơ ấu với biết bao mộng đẹp chỉ còn là kỷ niệm nên nỗi tiếc nhớ khôn nguôi sẽ theo anh cho đến những giây phút cuối của cuộc đời:
“Tìm đâu những ngày thơ ước mơ?
Tìm đâu những ngày hết mong chờ?
Ngày thơ biết tìm đâu,
Ngày thơ biết tìm đâu,
Tìm đâu, biết tìm đâu, đâu giờ?”

HUỲNH DUY LỘC giới thiệu

Leave A Reply

Your email address will not be published.