Thanh Trang và “Tình khúc mùa đông”

Huỳnh Duy Lộc

0 337

Thanh Trang tên thật là Nguyễn Thanh Trang, sinh năm 1942 tại ấp Thái Hà, Hà Nội, khi lên 8 tuổi vào Sài gòn do cha thay đổi nhiệm sở. Ông học đàn piano và violon từ năm 13 tuổi và có sáng tác đầu tay khi đang học năm thứ 2 Đại học Luật khoa.

Nhạc sĩ Thanh Trang tên thật là Nguyễn Thanh Trang, sinh năm 1942 tại Thái Hà Ấp, Hà Nội.

Thời sinh viên, với bút hiệu Thanh Nguyễn, ông cộng tác với các tạp chí văn học và nhật báo như Tự Do. Về sau, khi ở hải ngoại, ông tiếp tục lấy bút hiệu này để viết trên các báo như Người Việt, Viễn Đông và các tạp chí Thế Kỷ 21, Văn Học, Hợp Lưu…

Ông tốt nghiệp cử nhân Luật khoa năm 1963 và tốt nghiệp cao học năm 1966. Ông nhập ngũ năm 1968 và sau khi rời Trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức, lên Đà Lạt giảng dạy môn Luật và Kinh tế ở Trường Võ bị Quốc gia. Cuối năm 1969, ông sang Mỹ du học ngành Kinh tế và khi trở về nước vào năm 1973 lại tiếp tục giảng dạy môn Kinh tế ở Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt và Trường Chính trị kinh doanh của Viện Đại học Đà Lạt. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông phải vào trại cải tạo như nhiều sĩ quan và công chức chế độ cũ. Ra khỏi trại tù năm 1982, ông trở về Sài gòn, tìm cách vượt biên nhiều lần nhưng không thành. Đến giữa năm 1990, ông sang Mỹ định cư cùng với gia đình, cư trú tại miền Nam California.

Thanh Trang đã chia sẻ về những sáng tác âm nhạc của mình: “Trước khi sáng tác nhạc, tôi đã rất yêu nhạc của những tác giả tiền chiến. Ngay từ 5- 6 tuổi, tôi đã nghe những ca khúc như “Mơ hoa” của nhạc sĩ Hoàng Giác rồi, về sau có nghe thêm một số ca khúc khác như “Lỡ cung đàn”, “Ngày về”, “Bóng ngày qua“. Tôi thích nhất bài “Mơ hoa” và “Lỡ cung đàn”, chính vì vậy mà khi còn bé 6- 7 tuổi, tôi đã thuộc lòng những bài này rồi. Chính vì yêu thích nhạc qua những tác phẩm này, tôi mới học nhạc (học piano và violon từ năm 13 tuổi). Nếu hỏi tôi ngoài nhạc sĩ Hoàng Giác ra, tôi còn yêu thích nhạc sĩ nào khác, thì nhiều lắm, kể sao cho hết, nào là nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với “Dư âm”, Tô Vũ với “Tiếng chuông chiều thu”, “Em đến thăm anh một chiều mưa”, “Tạ từ“ và 8, 9 bài của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn hay nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh với “Chiều vàng”, “Nỗi lòng“… Doãn Mẫn, Văn Cao, Phạm Duy thời tiền chiến… Âm nhạc tiền chiến không chỉ kết thúc vào năm 1954 khi chia đôi đất nước, mà mãi sau năm 1954, những nhạc sĩ ở ngoài Bắc vào Nam như Văn Phụng, Nhật Bằng, Phạm Đình Chương, Tuấn Khanh… đều theo cung cách viết nhạc của nhạc tiền chiến, tuy cách thể hiện lời bài hát có thay đổi chút đỉnh, nhưng phong cách viết ca khúc vẫn là nhạc tiền chiến. Những ca khúc của tôi không gì khác hơn là tiếp nối dòng nhạc tiền chiến…”.

Nhạc sĩ Thanh Trang chia sẻ về nội dung và thời điểm sáng tác các nhạc phẩm: http://thanhtrang.thuvientoancau.org/tacpham.html

Nhạc phẩm đầu tay của Thanh Trang là “Duyên thề” sáng tác vào năm 1962 tại Sài gòn khi ông đang học năm thứ hai Trường Đại học Luật khoa mà theo lời ông, nguồn cảm hứng đến từ một quyển sách viết về đạo Phật, những tư tưởng trong đó khiến trong lòng ông như có một tiếng thở dài nhẹ nhàng, và ca từ của bài hát không hề có bóng dáng của một người con gái bằng xương bằng thịt nào, giống như một triết lý về tình yêu của tuổi thanh xuân, yêu người, yêu cỏ cây, hoa lá, yêu cả cuộc đời này.

Thanh Trang đã viết nhạc phẩm thứ hai mang tên “Tình khúc mùa đông” trong những ngày ở Đà Lạt như lời ông kể: “Đà Lạt cuối năm 1968, đầu năm 1969, sau khi rời khỏi quân trường Thủ Đức, lên giảng dạy ở một trường đại học quân sự (Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt), người bạn gái từ nhiều năm ở Trường Đại học Luật khoa và người em gái lên thăm tôi vào cuối thu sang đông. Chúng tôi thường quanh quẩn nơi khu phố xá trên và dưới chợ Hòa Bình, rồi vài đoạn quanh bờ hồ Xuân Hương, chỗ có ngôi nhà thủy tạ, rồi dắt nhau lên mấy ngọn đồi tiếp giáp với bờ hồ, từ đấy có thể nhìn về phía Giáo Hoàng Học viện, Viện Đại học Đà Lạt và trường Yersin ở hướng Đông Bắc. Gần nhau như thế khoảng một tuần thì đến ngày tạm biệt, cô ấy về lại Sài gòn. Cô ấy là người Công giáo; tôi là trưởng nam và gia đình theo đạo Phật. Lúc đó, tôi cũng lại đang làm thủ tục để xuất ngoại, du học ở Hoa Kỳ. Khá nhiều trắc trở về cả hai mặt đạo và đời. Ngày cô ấy trở về Sài gòn, tôi nhớ những năm tháng tôi cũng ở đấy, nhớ những ngày mưa, ngày nắng hầu như lúc nào cũng có nhau, rồi bây giờ thì mỗi người một nơi. Bài “Tình khúc mùa đông” có câu: “Thương cho người về cô đơn với bóng, mây chiều lạc loài đã xuống với thu mênh mông…” là như thế! Bài hát viết xong, tôi gửi một bản về cho Mai Hương. Mai Hương là người đầu tiên hát bài này trong ban nhạc của Nhật Trường ở Đài Phát thanh Quân đội…”

TÌNH KHÚC MÙA ĐÔNG
Mắt đã một chiều thu hoen lệ sầu
Tiếng đã lạc loài trong tim nghẹn ngào
Đưa em về chiều thu reo dưới gót
Âm thầm từng hồi giá buốt
Nghe tin đông sang.
Nhớ những đường về sương rơi mịt mùng
Mắt biếc là màu riêng tôi lạnh lùng
Thương cho người về cô đơn với bóng
Mây chiều lạc loài đã xuống
Với thu mênh mông.
Anh lãng du đêm dài cùng khói mây
Hôn tóc em, nghe hồn mình đắng cay
Tháng năm buồn miệt mài từng ngón tay
Khi về còn xao xuyến ru hồn người đắm say.
Nhớ mãi từng chiều thu rơi ngàn trùng
Tóc đó là vùng mây trôi ngập ngừng
Đêm mong người về cho vơi giá buốt
Nghe hồn từng mùa đã khuất
Tiếc thu mênh mông.

HUỲNH DUY LỘC giới thiệu

Ca khúc “Tình khúc mùa đông” với giọng ca Lệ Thu: https://youtu.be/0LezOUYlus8
Ca khúc “Tình khúc mùa đông” với giọng ca Thùy Dương: https://youtu.be/XvUSkFQMfVg
Ca khúc “Tình khúc mùa đông” với giọng ca Quang Tuấn: https://youtu.be/F6HzC4HGZy8
Ca khúc “Tình khúc mùa đông” với giọng ca Ngọc Lan: https://youtu.be/RU0JgGezZsQ
 

Leave A Reply

Your email address will not be published.