Cá linh, nỗi nhớ trong mùa nước nổi miền Tây

TVN

0 314

Mùa nước nổi miền Tây bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Mùa này thường xuất hiện rất nhiều cá linh. Đầu mùa chính là thời điểm cá ngon nhất của năm, bởi cá chưa quá lớn nên xương chưa cứng, bụng cá lại có mỡ nên ăn rất béo. Loại cá này được xem là đặc sản của mùa nước nổi miền Tây.

Nhắc đến cá linh người ta cũng không thể không nhắc đến loại hoa cũng gắn liền với mùa nước nổi – hoa điên điển, loài hoa nở vàng khoe sắc khắp cả mé sông, đầm lầy, ruộng nước. Hoa cho hương vị rất đặc biệt, giòn, thơm, bùi, béo lại nồng đượm hương, mang “hương đồng cỏ nội” được người dân Nam Bộ chế biến thành nhiều món ăn đặc sản bổ dưỡng.

Vào đầu mùa nước nổi, cá linh non sẽ xuất hiện ở các nơi đầu nguồn như An Phú, Tân Châu, Hồng Ngự (Đồng Tháp), hay Thốt Nốt (Cần Thơ), có giá chỉ từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng một kg. Càng về sau cuối mùa, loại cá này càng rẻ. Cá cuối mùa nước đã trưởng thành được người dân dùng làm mắm. Mắm cá linh vùng Đồng Tháp, Long An, An Giang, Cần Thơ rất có tiếng. Tại Sài Gòn, thi thoảng cá linh sống vẫn được đưa từ miền Tây lên bán tại chợ với giá cao hơn, từ 50 nghìn đồng đến cả trăm nghìn một kg.

Nhiều người thưởng thức qua loại cá này chỉ một lần vẫn vương vấn mãi bởi thịt tươi và cái mùi vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Cá linh hầu như ăn được nguyên con, không cần đánh vảy. Bạn chỉ cần cắt ngang rốn cá một đoạn nhỏ rồi nặng hết ruột bên trong ra cho sạch. Cắt đuôi, sau đó rửa sạch và mang chế biến. Cá càng non thì thịt càng ngọt, hầu như không có xương, béo ngậy. Thịt loại cá này rất mềm và mau chín.

Cá linh đầu mùa hay cuối mùa chế biến theo cách nào cũng ngon và hấp dẫn như: cá linh tẩm bột chiên giòn, cá linh kho mắm ruốc, kho mía, kho khóm, canh chua cá linh… Những con cá linh mập ú, bụng đầy mỡ, người ta mang nướng trên bếp than ửng hồng, thịt cá vừa ngọt vừa béo và cũng lại cho hương thơm phương phức. Lẩu cá linh nấu chua ăn cùng hoa điên điển và cá linh kho tiêu là hai món ăn rất phổ biến.

Tới khoảng tháng 8 âm, cá linh lớn gấp đôi, to bằng ngón tay thì thường được nấu canh chua kèm bông điên điển, kèo nèo, so đũa, bông súng hoặc chiên giòn chấm nước mắm me. Bên mâm cơm rộn rã tiếng trò chuyện giữa căn chòi trên sông, cánh đàn ông rất thích nhâm nhi miếng cá giòn tan, nhân nhẫn đắng cùng chén rượu trắng trong khung cảnh hồn nhiên, mộc mạc của quê hương.

Đến tận tháng 11 âm lịch, khi nước rút dần, cá linh cũng “già”, thân có nhiều xương, vảy cá cứng hơn. Cá vẫn cho thịt ngọt nên nhiều người vẫn chiên giòn cá để ăn cơm. Giai đoạn này, nhiều bà nhiều mẹ tranh thủ tích trữ cá linh để ủ mắm ăn quanh năm. Nước mắm ủ từ cá linh thơm ngon đặc biệt, có màu đỏ cánh gián rất hấp dẫn.

Mỗi mùa nước nổi, cá linh đến và đi không biết bao nhiêu lần. Nhưng mỗi lần đều mang đến sự háo hức đợi chờ cho những người dân ở châu thổ sông Cửu Long cũng như nỗi nhớ da diết cho những người con xa xứ.

Leave A Reply

Your email address will not be published.