Cà phê, uống mấy ly thì vừa?

0 253

Nói tới caffeine là nghĩ tới cà phê. Ngộ độc caffeine là ngộ độc cà phê. Oan cho cà phê. Chất caffeine đâu chỉ có trong hạt cà phê, mà còn có nhiều trong lá trà, hạt cola, cacao, các loại nước ngọt có cola như Pepsi, Coca,… Nước tăng lực và kẹo chocolate còn chứa caffeine nhiều hơn nữa.

Có bao nhiêu chất caffeine trong tách cà phê?

Một tách cà phê espresso có khoảng 60 mg caffeine, ly trà xanh 35 mg, lon coca 30 mg, kẹo chocolate 168 gr có 104 mg, một lon nước tăng lực (nhỏ) có 80 mg,..

Những số liệu này trích ra từ tạp chí Journal of Food Science cũng chỉ có tính tương đối thôi, chẳng hạn trà xanh kiểu Mỹ thì uống như nước lọc, loãng nhách, trong khi một tách trà Việt Nam uống phê tới bến vì pha đậm.

Cà phê lại còn bí hiểm hơn nữa. Cà phê Việt Nam có loại “âm tính” với chất caffeine, uống xong có khi buồn…ngủ. Có loại pha ra đặc sệt, đen thui, đắng nghét, không biết hàm lượng caffeine bao nhiêu, nhưng những tay ghiền cà phê (thứ thiệt) uống vào cũng hồi hộp, tim đập mạnh như ai. Loại này còn bí hiểm hơn cà phê “âm tính”.

Nói chung, hàm lượng caffeine trong một tách cà phê trải dài lắm, vì tùy thuộc loại cà phê. Hàm lượng caffeine ở loại Robusta (thông dụng ở VN) cao gấp đôi loại Arabica (thông dụng ở Âu Mỹ).

Rồi còn tùy cách pha nữa, pha kiểu vớ lọc, pha kiểu “cái nồi ngồi trên cái cốc”, pha nén hơi (espresso) chiết suất nhiều caffeine hơn,… Thôi, cứ hào phóng du di cho mỗi tách cà phê có 100 mg chất caffeine cho…đẹp.

Cà phê có rất nhiều chất chống oxid hóa

Trong cà phê có rất nhiều chất chống oxid hóa, gần cả vài trăm loại chứ không ít. Đó là mới tính trong hạt cà phê tươi, chứ nếu hạt cà phê được ủ, như loại arabica thì còn nhiều hơn nữa. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Joe Vinson (đại học Scranton – Hoa kỳ), thì các chất chống oxid hoá mà người Mỹ tiêu thụ chủ yếu đến từ cà phê, chứ từ rau quả trái cây chỉ là thứ yếu.

Tính trung bình, mỗi ngày người Mỹ xài khoảng 1.300 mg chất chống oxid hoá nhờ uống cà phê, nhưng uống trà đen chỉ được 294 mg, chuối (76), các loại hạt (72), bắp (48), rượu vang đỏ (44), bia (42), táo (39), cà chua (32), và khoai tây (28).

Nhiều chất chống oxid hóa như vậy, nhưng chẳng có nhà khoa học nào dám phát biểu, uống cà phê phòng chống rủi ro ung thư.

Uống bao nhiêu ly cà phê mỗi ngày thì “quá liều”?

Điều này thì giới y học đưa ra lời khuyên mỗi người mỗi kiểu. Thực ra chưa có một khảo sát nào đáng tin cậy cả.

Cà phê là thức uống quá phổ biến, Tây uống hà rầm, uống như uống nước. Dân Hà Lan uống cà phê nhiều nhất thế giới, trung bình mỗi ngày 2,4 tách cà phê. Nghiên cứu về cà phê ồn ào nhất là Mỹ, nhưng dân Mỹ mỗi ngày chỉ uống 0,93 tách. Việt Nam xuất cảng cà phê (robusta) đứng hàng thứ 2 trên thế giới, sau Brazil, nhưng chỉ uống 0,034 tách. Chắc mấy bả sợ uống cà phê đen da, nhăn da và… hồi hộp?

Uống nhiều hay ít cà phê còn tùy thuộc vào mức độ dung nạp chất caffeine của mỗi người. Có người uống cà phê xong ngủ…khỏe. Có người uống một ly cà phê đen là nôn nao, xót dạ, bồn chồn, tim đập mạnh,…

Tuy nhiên giới y học đa số đều đưa ra ngưỡng 400 mg chất caffeine mỗi ngày là an toàn, tương đương khoảng 4-5 ly cà phê (thứ thiệt).

Chất caffeine có thời gian bán hủy sinh học khoảng 6 tiếng, nghĩa là 6 tiếng sau khi uống cà phê, thì 50% caffeine sẽ được thải. Dân nghiện thuốc lá, thời gian bán hủy ngắn hơn. Người mất ngủ vì cà phê, nên tránh uống trước giờ ngủ khoảng 5-7 tiếng. Tránh mà vẫn không ngủ được là lý do khác, đừng đổ thừa tại cà phê.

Vũ Thế Thành (trích bộ “Ăn để sướng hay ăn để sợ?”, Tập II – Rau quả thời lên ngôi)

Nguồn: Sài Gòn Thập Cẩm

Leave A Reply

Your email address will not be published.