Quê tôi, Thạnh Phú Bến Tre, miền biển, mỗi năm sau Tết là mùa khô, đồng ruộng hanh hao, đất nẻ chân chim, phèn vàng ruộm. Lúc này, chẳng có một thứ cây cỏ gì sống được ngoài rau đắng. Nó mọc thành từng khóm, từng cụm, từng vùng đan xen vào nhau. Mùa nắng hanh khô của miền Nam cũng là mùa của canh rau đắng.
Rau đắng chỉ thích nghi với mùa nắng, với đất phèn. Cứ mùa khô đến thì các thửa ruộng, bờ tre, bờ rào nhà nào cũng thấy rau đắng mọc. Rau đắng có hai loại: rau đắng biển (dùng để xào, luộc, nấu canh chua cá linh, bông so đũa thì ngon tuyệt vời), rau đắng đất (ăn với cháo cá, đặc biệt là cá lóc đồng). Nếu ai đã ăn rau đắng rồi, cái mùi khó quên vừa ngon ngọt như canh rau sam, vừa mặn mòi như khổ qua hầm, vừa phảng phất dư vị cuộc sống sông rạch, kênh đào của vùng đất quê hương dừa xanh ba đảo. Càng ăn càng “ghiền”! Nếu ai đã lỡ thích ăn sống, cuộn rau đắng với mắm sặt kho, cái dư vị nghe tê tái tận chân răng, đúng là món “hương vị quê nhà”.
Còn món cháo cá rau đắng, món ngon “đặc sản” không thể nào quên, thì sao? Nên nhớ, cháo cá thì phải là rau đắng đất.
Nhà sau, chỗ cạnh mấy hồ nước, loài rau nhỏ nhắn, lá bé tí, mọc mảnh khảnh trên thân cây gầy còm. Từ một nhúm nhỏ mọc lên ở bờ ao đã lan thành một thảm dài xanh mướt mắt. Nhớ hồi nhỏ, ba tôi bảo: Rau đắng đất ngọt lắm, có thể ăn sống được. Tôi hí ha hí hửng nhỏ ngay một nhúm ăn thử. Ôi trời ơi, đắng sao mà đắng thế. Ba tôi nhìn tôi, cười khà khà: Rau đắng đất làm sao mà không đắng được! Nhưng nó là “thuốc đắng dã tật”, quen miệng sẽ “ghiền” không quên, con ạ! Tôi dạ dạ, nhưng ghét rau đắng quá chừng chừng! Vậy mà không biết tự bao giờ, tôi lại sinh ra “ghiền” rau đắng đất. Tôi nhớ đến cái tên đậm đà, dân dã của loài rau đã làm nên chút vị quê hương – cháo cá rau đắng đất không lẫn vào đâu được.
Trong nhà, chính ba tôi – biệt danh ông Sáu Lại – là người có công “khai phá” vị thuần khiết của loài rau đắng đất. Rau đắng đất ăn một mình thì rất đắng, nhưng đi kèm với tô cháo cá lóc nóng hổi thì lại hợp với vị ngọt lịm của cá, của gạo. Hoặc một nhúm rau đắng tươi xanh chấm với cá lóc kho tộ – kho bằng nồi đất cho vào miệng, thêm chém cơm nguội nữa đủ vỗ về bao tử tôi lúc đói meo sau mỗi trưa tan học về.
Mỗi lần về quê, tôi đều nằng nặc đòi ba tôi cho ăn một “chầu” cháo cá rau đắng đất. Thương con, ba tôi lại xách cần câu rong ruổi mấy bờ ruộng, khi trở về, trong giỏ tre bốn năm chú cá lóc khoảng cườm tay, ú nụ, mắt đen láy cứ giãy đành đạch.
Má tôi làm cá sạch, rửa để ráo. Chờ nước sôi, thả cá vào, đợi khoảng vài phút, vớt ra tách thịt, ướp gốc hành, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi lại bắc chảo phi tỏi, xào thịt cá. Gạo đem rang, giã gãy làm đôi lại cho vào nồi nước luộc cá ban đầu, nấu đến khi hạt gạo nở bung ra . Má tôi lại còn có “tuyệt chiêu” nữa là lùi vài củ hành tím nướng vào than, nướng hơi khét để cho vào cháo. Nhờ vậy mà nồi cháo chưa múc ra đã lâng lâng vị thơm.
Cháo chín, rắc một ít tiêu, hành lá xắt nhuyễn, có thêm gừng tươi nữa và phải ăn ngay. Cái vị ngọt tự nhiên của cháo quyện vào từng lá nhỏ của rau đắng đất, tôi và cả gia đình có một bữa ăn sum họp không thể nào quên.
Nguyễn Văn Lượng (Bến Tre)