Đà Lạt Hoa Quỳ

0 536

Chiều nay nói chuyện với bà nội của bé L. vài câu về hoa quỳ, bỗng nhiên sau đó trong lòng tôi cứ bồi hồi một màu vàng rực rỡ. Ừ nhỉ, tháng mười một, mùa hoa quỳ của Đà Lạt đây mà. Đà Lạt có hai màu hoa rất riêng mà tất cả những người con đi xa đều nhớ: màu hồng thắm của hoa anh đào, sang trọng và kiêu sa; và màu vàng tươi của hoa quỳ, rực rỡ và thân thiện.

Tuổi thơ của chúng tôi lớn lên với hoa quỳ. Đó là một loài hoa dại mọc thành từng bụi lớn không cao lắm, dễ chừng quá đầu người là đã cao lắm rồi. Chúng dễ mọc, dễ lan, chẳng cần ai chăm sóc. Lá hoa quỳ có răng cưa lớn, rộng hơn bàn tay, màu xanh thẫm. Bông hoa quỳ vàng tựa như hoa hướng dương thu nhỏ, nhưng theo tôi thì đẹp hơn, và mềm mại hơn rất nhiều. Hoa quỳ mọc theo hai bên những con đường đất đỏ. Hoa quỳ dựa theo những bức ta-luy bằng đá xám. Hoa quỳ mọc từng bụi nhỏ bên hàng giậu nhà ai. Hoa quỳ trải dài bát ngát như bức thảm khổng lồ phủ kín những ngọn đồi xa tắp.

Hoa quỳ là bạn thân của chúng tôi vào cái thời thiếu trước hụt sau. Chúng tôi ngắt lá, lấy dây thun cột lại thành một chùm nho nhỏ. Thế là một cái kiện ra đời (bọn nhóc Đà Lạt chúng tôi gọi môn đá cầu là đá kiện). Lúc mới làm xong cái kiện lá quỳ còn nẩy và khó điều khiển chút xíu. Nhưng đá vài bận thì lá bắt đầu dập nhừ, cái kiện bây giờ mềm oặt, nhỏ xíu, đá hoài đá mãi chẳng chịu rớt ra khỏi chân. Đứa này chờ đứa kia dài cổ mà nó chẳng chịu “chết” đi cho.

Chơi kiện chán rồi thì qua món khác: làm xe lăn. Chúng tôi hái hoa quỳ, phải là số chẵn nhé, 4, 6, 8 hay thậm chí cả 10 bông. Tiếp theo là “phi vụ” tìm chạc ngang và cây lái. Chạc ngang sẽ là một khúc thân cây hoa thật thẳng, dài độ chừng hơn một gang tay (hay là hai gang cho những bàn tay quá bé). Chúng tôi sẽ vạt nhẹ hai đầu cho hơi nhọn, sau đó xuyên ngay giữa nhụy của hoa vào hai bên cái chạc ngang, chia ra số lượng đồng đều cho mỗi bên, chừa một khoảng trống ở giữa. Điều “ăn thua” nhau ở đây là bạn phải tìm sao cho những bông hoa của bạn kích cỡ phải thật bằng nhau, thì cái xe của bạn mới chạy nhanh và không khập khiễng. Cây lái thì dài hơn chạc ngang, đủ dài cỡ như một cái gậy. Cũng phải lựa cành thẳng băng, và một đầu phải kết thúc bàng một chạc ba, đại khái như hình cái ná.

Chúng tôi sẽ “dí” đầu chạc ba của cây lái vào ngay giữa cái chạc ngang, và cứ thế đẩy chiếc xe đi cùng trời cuối đất. Cũng như cái kiện, mới đầu khi hoa còn tươi cứng thì hơi khó lái tí. Nhưng đánh vật với vài hòn đá cuội chút xíu thôi là chúng nhũn như chi chi, trở nên vô cùng dễ bảo, đẩy đi đâu cũng tới. Những cánh hoa vàng dập nát cứ quay tròn thật nhanh, lạch xạch, lạch xạch. Rồi khi chúng tôi chơi đồ hàng mà mảnh sân xi măng làm nhà, phòng ốc được vẽ bằng phấn, thịt cá là hoa lá, thì còn cây chổi nào xinh đẹp và tiện lợi hơn bó chổi lá quỳ? Mẹ sai biểu mấy lần mới quét được cái nhà , chứ “nhà” tôi lúc đó khi nào cũng sạch sẽ bóng loáng, tất cả nhờ vô cái chổi lá quỳ lăm lăm trong tay. Đến khi mẹ gọi ăn cơm thì hai bàn tay lúc nào cũng xanh lè, và… đắng nghét. Ăn xong thì ngao ngán cầm cái chổi thiệt đi quét nhà mà cứ ước chi vẫn còn đang quét “nhà” ngoài kia.

Đến thời học trung học, đứa nào trực lớp thì phải cắm một bình hoa. Đám con gái còn điệu đà, lúc hoa hồng, khi marguerite, lại còn có thêm lũ măng tây thướt tha mềm mại. Bọn con trai thì mười ông như một, hễ trực lớp là chỉ bình hoa quỳ, hai ba cái bông vàng tươi giữa một đám lá rậm rì. Dễ quá mà. Chỉ cần với tay ra trên đường đi học, là có ngay bình hoa. Mấy ông ấy lạm dụng “tình yêu” hoa quỳ đến nỗi tôi nhớ hình như có một năm nào đó, nội quy đặt ra là khi trực lớp không được cắm hoa quỳ. Giờ nghĩ lại tôi thấy tại sao phải làm thế nhỉ, hoa quỳ cũng quá đẹp đó thôi. Có lẽ khi người ta có quá nhiều, quá sẵn, người ta không còn quý nó nữa? Chứ tưởng tượng bây giờ tôi có được một cành hoa quỳ trong nhà, dù chỉ một cành thôi, tôi sẽ sung sướng nâng niu nó biết là chừng nào.

Ngày lễ Hiến chương nhà giáo cũng rơi vào tháng 11. Đó cũng là mùa của báo tường, của những bài diễn văn, hay chỉ những lời chúc mừng nho nhỏ gửi đến thầy cô. Đố bạn tránh được những hình vẽ minh họa hoa quỳ lớn nhỏ khắp mọi nơi, hay những câu đại loại kiểu như “Mùa hoa quỳ đến báo hiệu cho mùa nhớ ơn các thầy cô đã về” vang vang từng căn lớp nhỏ. Khi xa Đà Lạt được một hai năm, về thăm lại, đi trên đoạn đường Đào Duy Từ với một cậu bạn (đúng nghĩa bạn thôi chứ không có tơ vương gì đâu nhé, hihi), bạn ấy hỏi nếu về lại Sài Gòn thì My thích đem theo gì của Đà Lạt nhất. Tôi đã trả lời là “chắc là muốn đem theo vài cánh hoa quỳ ép khô”. Chỉ thật lòng nói vậy, rồi thôi, vì thấy nhớ hoa quỳ, chứ thật ra chưa thấy ai đi ép hoa quỳ khô bao giờ. Mãi đến tận sau này gặp lại bạn ấy mới bật mí, lòng chàng đã bị “rung rinh” khá lâu vì những cánh hoa quỳ ép khô từ dạo ấy. Dễ thương chi lạ.

Lâu lắm rồi tôi không về lại Đà Lạt mùa hoa quỳ. Dễ cũng chắc cả 25 năm chứ chẳng chơi. Nghe các bạn còn ở lại nói Đà Lạt đã thay đổi nhiều lắm. Hoa quỳ trong thành phố đã bị vạt hết để nhường chỗ cho bê tông cốt thép. Thành phố mùa này chẳng còn vàng rực như xưa. Một bạn cũng vừa đăng hình một cái tượng hoa quỳ vàng khè bằng bê tông to tướng giữa trung tâm thành phố. Nó xấu xí, quê mùa và vô duyên đến độ thô bỉ. Có lẽ bọn trẻ ngày nay có quá nhiều đồ chơi hiện đại, đâu thèm biết những trò chơi đá kiện lá quỳ, hay đẩy xe bông quỳ như chúng tôi ngày xưa. Ngay cả cái tên cũng có chút gì khác lạ. Bây giờ, ngay cả ở Đà Lạt, người ta gọi nó là dã quỳ. Mà ngộ nghen, cái tên dã quỳ nghe cũng đẹp đó chứ, nhưng với tôi nó kiểu cách và xa lạ thế nào. Tôi vẫn thích cái tên gọi mộc mạc và thân quen, hoa quỳ, của chúng tôi ngày xưa.

Khi không gặp ai đó trong một thời gian dài, thì trong ký ức ta, hình ảnh của người ấy chính là hình ảnh của lần gặp cuối cùng. Vậy thì xem ra không được gặp lại người yêu Đà Lạt của tôi mùa hoa quỳ cũng có cái hay nhỉ. Vì nếu chứng kiến hết những thay đổi của hôm nay thì mùa hoa quỳ Đà Lạt trong tôi bây giờ có lẽ đã khác đi nhiều. Tôi bằng lòng, à không , hạnh phúc, giữ lại trong ký ức mình những mùa hoa quỳ đã xa.

Viết nhng ngày nhớ Đà Lạt và thèm ngắt một nhánh hoa quỳ…

Tác giả gửi Trí Việt News

Leave A Reply

Your email address will not be published.