Gỏi bưởi da xanh cơm dừa nạo

Ngữ Yên

0 168

Bưởi da xanh ruột hồng đang là ngôi sao. Cỡ Sơn Tùng. Nhất là da xanh Bến Tre, khiến anh chàng bán bưởi trên Facebook có biệt danh là Bình Bưởi nghiễn ra món gỏi bưởi dừa. Và tôi hoàn thiện món này bằng cách trộn thêm cá cơm sông một nắng.

Việt Nam có khoảng 13 loại bưởi: da xanh, năm roi, lông cổ cò, đường lá cam, đường Hương Sơn (Hà Tĩnh), Tân Triều (Biên Hoà), Quế Dương (Hà Nội), Đoan Hùng, Phúc Trạch (Hà Tĩnh), bưởi chùm (Cái Bè), Diễn (Hà Nội), Luận Văn (Thanh Hoá), bưởi Hoàng (Hưng Yên)…

Thanh Tân hay Mỹ Thạnh An?

Dân Bến Tre khoe mẻ bưởi da xanh xứ dừa, nhưng truy nguyên gốc gác lại mờ mịt. Blogger Trương Văn Hùng cho rằng người đầu tiên trồng giống bưởi da xanh tại Bến Tre là ông Trần Văn Luông, chòm xóm hay gọi là Sáu Luông. Người ở ấp Thanh Sơn II, xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc. Khoảng năm 1940, ông Sáu – lúc đó lái xe hủ lô cho Tây – đi ăn đám giỗ, ăn được quả bưởi ngon nên đem ba hột về trồng. Theo thuyết này, ông là người đầu tiên ở Bến Tre gầy lên cây bưởi da xanh, thời chắc là không ăn đám giỗ ở Bến Tre. Có khả năng ông ăn đám giỗ ở Mỹ Tho, Gò Công, những nơi đi về trong ngày. Nhiều khả năng nhất là ở Trà Vinh, gần huyện Mỏ Cày hơn hết. Nhưng chiếc nôi sanh sôi của bưởi da xanh Bến Tre, theo nguồn trên, thì phải là Mỹ Thạnh An, TP Bến Tre. Bà Ba Thời, con chú bác ruột với Sáu Luông, chiết nhánh đem về cho cha là ông Trần Văn Ẩn hay gọi là Ba Ẩn, trồng vào năm 1958, từ đây bưởi da xanh bắt đầu nhân rộng. Không hiểu yếu tố mặn của đất Bến Tre có góp phần làm cho bưởi da xanh xứ dừa ngon hơn các nơi khác không? Năm 1996, trái bưởi đoạt giải nhì của viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam.

Chỉ cần gọt một nửa vỏ để phơi thịt bưởi là ta có thể thấy đạo âm dương xanh đỏ trong đó. Đáng lý nó phải đứng nhứt mới đáng, vì phong thuỷ cả khi ăn.

Món gỏi hoàn hảo với giang phạn ngư

Thịt bưởi trộn với cơm dừa nạo cho ra một món gỏi vừa ngọt ngọt, vừa chua chua, vừa béo béo. Ngọt vì độ Brix – đơn vị tính độ ngọt – của bưởi là 10,5 – 11°Bx, tức là cứ một ký thịt bưởi có từ 105 – 110g đường. Độ chua chỉ có 0,3 – 0,35g. Chua dịu dàng như nàng dâu những năm đầu về nhà chồng. Để đáp ứng khẩu vị của từng người về độ hảo béo, nhứt là những khách chưa miền Tây mấy, chưa Bến Tre bao nhiêu, không nên trộn thịt bưởi với cơm dừa một lần. Khi dọn gỏi nên bày bưởi với dừa riêng. Ai thích béo nhiều thì trộn nhiều dừa… Nhưng đó là món gỏi chưa hoàn hảo vì thiếu cái mặn mà, cái cay, cái ngọt thanh tân của đạm, mà một mình nước mắm chưa đủ xinh để… đứng đầu đình. Chính món cá cơm sông một nắng nửa chiên nửa rang với nhiều ớt, mắm ngon. Chiên loại cá này dễ động lòng hàng xóm và người trong nhà sặc sụa vì ớt xộc cay vào mũi. Nhà có máy hút mùi ở bếp là hay nhất. Rồi còn phải là cá cơm sông con cỡ ngón tay út. Cá cơm trỏng một nắng – cỡ ngón tay cái – sẽ không dòn, nên làm món gỏi mất một đặc tính. Cuối cùng đừng quên rau gia vị – thứ giúp ta thưởng thức cái ngon thêm bằng lỗ mũi. Đó là một dĩa gỏi bưởi hoàn hảo, và rất ư nhà quê.

Mứt vỏ bưởi

Độ rày món mứt dẻo bằng vỏ bưởi không hiểu sao lại thịnh lên. Sự hữu dụng của trái bưởi càng lên hương. Thứ mứt này làm ngọt ít thôi, vì bây giờ đường bị đánh giá là nguy hiểm không thua gì thuốc lá. Mứt bưởi có thể làm món cuối cùng trong một bữa ăn đầu tiên bưởi cuối cùng cũng bưởi. Có điều làm mứt thủ công sẽ không bằng mứt công nghiệp. Vì khi sấy dẻo, bên công nghiệp sấy bằng tủ lạnh, độ dẻo mềm mại và ngon hơn. Nhưng thủ công thì ta biết quy trình an toàn của nó. Cái sau lợi hại hơn.

Chỉ có một điều đáng nói, là tỉnh nào cũng đang tăng diện tích bưởi da xanh, cỡ Bến Tre đã khoảng 6.000ha… liệu rồi có lúc lại phải giải cứu bưởi

Ngữ Yên– Theo Sài Gòn Thập Cẩm

Leave A Reply

Your email address will not be published.