Miền Tây Tết Cũ

Nguyễn Đình Bổn

0 556
Khi những ngọn gió chướng thổi từ những cửa sông vào nhường dần cho gió bấc rì rào trên những tán lá dừa, đọt tre, mùa nước nổi đã dần xa, không khí bắt đầu se se lạnh, những luống hoa chờ Tết mơn mởn đâm nụ vàng, cũng là lúc không khí náo nức tràn ngập khắp các làng quê vùng đồng bằng Nam bộ.

 

Lúa nếp đã “mần” xong, những ruộng dưa hấu trái tròn quay lấp ló đầu bờ, trước sân nhà, cây mai vàng xơ xác rụng lá giờ đã được bàn tay người tỉa sạch sau ngày rằm tháng chạp, chờ bung nụ đúng giao thừa.

 

Đêm bắt đầu có tiếng thậm thịch khắp nơi. Đó là tiếng chày quết bánh phồng vang động trong khắp xóm làng. Đây là loại bánh đặc trưng của miền Tây nam bộ, bánh được làm từ nếp dẽo nấu chín bỏ vào cối đá, giã và quết cho thật nhuyễn, chung với nước cốt dừa, rồi ngắt từng viên cỡ nắm tay dùng ống tre cán mỏng ra thành hình tròn, đường kính cỡ 20cm, dày độ một ly. Kêu là bánh phồng, vì khi để trên lửa nướng nó phồng lên cả chiều dày lẫn vòng tròn và có mùi thơm, ngọt, béo… rất hấp dẫn, nhất là với trẻ con.

 

Người miền Tây ăn Tết dài ngày, 23 âm lịch cúng đưa ông Táo về trời thì pháo đã lai rai nổ, người đi làm ăn xa đã rục rịch về nhà, cùng gia đình trang hoàng nhà cửa, chùi lư hương, quét vôi tường hay ở quê thì tát đìa, tát mương bắt cá trộng lại chờ ăn tết. Hai chín hoặc ba mươi tết cúng tất niên thì phần đông gia đình đã đủ mặt con cháu về tụ hội. Trong mâm cúng ngày tết, trên bàn thờ tổ tiên ngoài mâm ngũ quả nhất thiết còn có những trái dưa hấu da xanh um, tròn to, càng to càng tốt, và người ta mua những miếng giấy đỏ chừng 2x2cm hình vuông, có chữ “phúc” hay chữ “tài”, chữ “lộc” dán lên. Mâm ngũ quả cũng khá là đặc biệt, bởi người miền Tây thường bày trong đó các món trái cây mà khi đọc lên âm của nó như một lời cầu chúc. Ngoài nải chuối, đó còn là các loại trái như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài hay trái sung. Có thể đọc thành “cầu dừa (vừa) đủ xài (trái xoài)”!

 

Một phong tục ở miền Tây, mà ở các vùng khác không thấy, đó là chiều ba mươi Tết, người ta bơi ghe hoặc xuồng ra giữa sông, để múc được dòng nước sạch nhất đổ đầy vào những lu, khạp đựng nước, coi như một cầu mong năm mới thật đủ đầy, viên mãn…. Và sau mâm cơm tất niên đầy đủ các món thịnh soạn thịt, cá, rượu và hoa trái cúng ông bà, cả nhà quay quần vui vẻ đợi đến giao thừa thì đốt pháo mừng xuân mới…

 

Sáng mồng một tết cũng như mọi miền, người lớn ăn mặc đàng hoàng cúng ông bà, trẻ con khoe áo quần mới chờ nhận lì xì và đi chơi ở các nơi công cộng hoặc nhà cô dì chú bác chớ không đến nhà người lạ vì sợ họ kiêng cử. Và những ngày tiếp theo, các sòng bầu cua, bài cào, “xì dách” nơi nào cũng thấy, và nhiều nhất vẫn là những bàn nhậu, nơi cánh đàn ông, thanh niên mặc sức say xỉn đến… qua rằm!
Những dòng mô tả trên là nói về cái Tết ở miền Tây cách đây trên 30 năm và về trước. Thời gian chưa mấy xa mà đã xưa! Cuộc sống đổi dời, sông núi còn thay đổi huống hồ cảnh vật và vật dụng. Vì vậy ký ức rất cần ghi lại dù không biết nó ích lợi hay là để cho ta những dư vị ngậm ngùi? Những chuyến phà không còn nhiều trên mọi miền đất nước. Ở Sài Gòn bạn có thể chạy xe ra Cần Giờ nghỉ mát để qua phà Bình Khánh, miền Tây cũng còn vài bến nhưng các cây cầu dây văng đã dần thay thế những chuyến phà. Còn món bánh phồng giờ chỉ có thể mua ở những cửa hàng đặc sản, mà chỉ có bánh phồng sữa, ăn liền, không cần nướng nên chẳng gợi dư vị xưa.

 

Ngày nay, cái âm thanh và hương vị tết đã khác xa và nhiều thứ đã mai một dần. Pháo đã cấm đốt, bánh phồng chẳng còn ai quết, nguồn nước đã ô nhiễm nặng nề nên không mấy ai còn uống nước sông. May mà hoa vẫn còn, hoa rực rỡ trên khắp các bến sông, trên những chiếc ghe nhà vườn chở hoa ra chợ Tết. Và con cháu đi làm ăn xa cũng nườm nượp trở về, khiến các quốc lộ từ Sài Gòn về miền Tây dù chẳng đò giang cách trở, bến phà bến bắc, nhưng năm nào cũng kẹt cứng người xe…

 

Theo Facebook Nguyễn Đình Bổn

Leave A Reply

Your email address will not be published.