Nhớ Những Mùa Chim…

0 534

Quê tôi nằm trên cù lao An Hóa, ở một vùng có sáu tháng nước mặn. Từ sau Tết, nước cứ lợ lợ rồi mặn chát. Những cánh đồng bây giờ chỉ còn trơ gốc rạ. Hồi xưa làm lúa giống cũ, cao giàn nên rạ cũng to và dài. Dù qua mấy tháng, gốc đã rũ nhưng vẫn còn cao lắm.

Gốc rạ trở thành chỗ trú ngụ của những loài giáp xác nhỏ nên có rất nhiều chim kéo về đây kiếm ăn. Bấy giờ là mùa di trú. Không biết chim ở đâu bay về từng đàn. Trên ruộng lúc nào cũng có chim. Lẫn trong những gốc rạ là loài ba kiến, nhỏ bằng nắm tay, lông màu xám, nghe nói thịt xào bầu rất ngọt… Chỗ ruộng có nhiều nước một chút thì có cò, diệc, mỏ nhát… Tôi vẫn nhớ mãi những con so đũa cổ dài ngoằng, chân mỏng như tăm nhang, màu hồng tươi, dáng lêu nghêu. Còn những con cò quắm thì đen thui, to gần bằng một con vịt. Những loài chim trắng có, xám có, đen có… thi nhau tìm thức ăn. Tự nhiên ở một vùng đất nghèo, người nghèo, sản vật cũng nghèo vậy mà có nhiều chim. Ba tôi nói, đất mình lành đó!

Từ lúc gặt lúa xong, khoảng cuối tháng 11 Âm lịch, chim bắt đầu về. Tôi cũng bắt đầu thấy người ta đi bắt chim. Họ mang lưới, sào tre, còn bắt ra sao tôi không biết. Không hiểu sao tôi lại rất ghét những người bắt chim này. Lâu lâu có người ghé nhà xin nước uống, tôi ước chi ba tôi đừng cho họ uống nước. Ba mươi năm trước, tôi vẫn còn là một đứa nhỏ, chỉ thấy chứ chưa biết nhiều… Vì vậy, tôi cũng muốn bắt chim nhưng chẳng biết bắt bằng cách nào. Làm được một cái ná giàn thun, tôi cũng hì hục móc đất nắn thành những viên đạn nhỏ, phơi khô để đi bắn chim, nhưng chưa bao giờ tôi bắn được con nào. Chỉ đôi lần, vài con cò ma lạc cánh sao đó mắc vào lưới giăng vịt, thành ra tôi được món cò quay chảo, ngon ơi là ngon… Vậy mà lớn lên, đọc câu “Con cò mà đi ăn đêm, đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao”, tự nhiên thấy thương con cò, thương phận con cò…

Cò vẫn hiện diện ở đồng ruộng quanh năm. Hết mùa di trú, các loại chim lạ đi hết thì cò vẫn bay trắng đồng. Cánh cò ở quê tôi không có mùa, cũng chẳng thấy ai đuổi bắt. Nhưng lần hồi, chúng đi đâu mất.

Cùng với cò, chim trích cũng chẳng còn. Đây là loài chim bay kém, thân cỡ con gà giò, chạy rất nhanh. Mùa cấy, chúng bắt đầu làm tổ trong ruộng lúa. Đi thăm ruộng, tôi chỉ ước sao tìm thấy một cái tổ trích, có năm sáu cái trứng màu xanh nhạt, to hơn trứng cút, là được bữa trứng ngon lành, dù nhà tôi ngày nào cũng ăn trứng vịt. Có người còn bày móc mồi vào lưỡi câu, đặt cạnh tổ trích để bắt trích lớn. Nghe nói trích quay chảo với nước cốt dừa cũng rất ngon, thịt dai, xương giòn… Trích có mùa, rồi giờ cũng chẳng còn con nào. Đám trẻ độ trên dưới hai mươi hầu như không còn biết ba kiến, so đũa, diệc, cò quắm, cò ma… Chỉ còn vài con cò sót lại, loáng thoáng trắng một miền ký ức.

Ở quê tôi, bây giờ ít còn làm lúa. Người ta đào ao nuôi tôm sú, tôm thẻ, nuôi cua… Những cánh đồng thẳng cánh cò bay giờ loang lỗ ao hồ, tiếng máy nổ chạy phành phạch, đường ruộng được xẻ thành đường ô tô, điện giăng giăng, đêm đêm sáng ánh đèn như phố thị… Cây lúa một vụ chỉ còn vài chỗ, cũng chẳng có tôm cá gì nên chim cò vắng bóng. Chợt nhớ lời của ba tôi, hay đất đã hết lành?

Hồi nhỏ đọc sách, thấy vùng Cà Mau, Bạc Liêu… có những “sân chim”, sao mà “đã” thế. Nhìn lại quê mình dù không có sân chim nhưng cũng có những mùa chim. Tiếng tao tác, ríu rít gọi nhau thật vui tai, bóng trắng, bóng đen thoắt đậu thoắt bay thật vui mắt. Bây giờ nhớ lại thấy se lòng… Vẫn đất đó, quê đó mà không còn những gì thân thuộc nữa. Có lần dắt con về quê, chỉ cho con những cánh cò còn sót lại, tôi muốn nói nhiều hơn về những loài chim khác, nhưng chợt nhớ ra, các loài chim kia chỉ còn mờ ảo trong ký ức, chính tôi còn thấy xa xăm, nói chi đến con tôi? Tự nhiên tôi thấy các con tôi thiệt thòi quá!

Nguồn: TBKTSG

Leave A Reply

Your email address will not be published.