Kho báu của Việt Nam

David Pickus

0 139

Tôi sống ở một khu vực ngay cạnh biển, ở Đà Nẵng, thành phố cùng với Hải Phòng là hai đô thị hướng trực diện về phía biển lớn nhất Việt Nam.

Biển ở Đà Nẵng được giữ gìn khá tốt và phần đa dân cư đều có thể sử dụng, khác với nhiều quốc gia tìm cách hạn chế tiếp cận biển.

Tôi nhận thấy một điều có thể nhiều người Việt sẽ đồng tình: chúng ta không biết về bờ biển Việt Nam nhiều như đáng ra chúng ta nên biết. Điều này nghe có vẻ lạ. Việt Nam có đường bờ biển dài tới 3260 km. Không giống như nhiều quốc gia có đường biển dài khác, dân số Việt Nam tập trung đông dọc biển. Đáng ra, người Việt Nam rất hiểu về biển. Nhưng phần đông chúng ta có thực sự biết rõ hay không?

Nếu bạn gõ từ khóa tiếng Anh Vietnam viewed from space at night (Việt Nam nhìn từ không gian ban đêm) vào thanh tìm kiếm trên Internet, bạn sẽ thấy bức ảnh ấn tượng với một đường nối nhiều chấm sáng dọc theo bờ biển Việt Nam. Tất nhiên, hai vùng sáng rực rỡ nhất là hai đại đô thị không ở gần biển là Hà Nội và TP HCM. Ngoại trừ hai thành phố lớn này, rất nhiều thành phố nhỏ hơn đều nằm dọc trên đường biển phía Đông, nối với nhau thành những cụm dân cư ven biển liên hoàn.

Điều đó không có nghĩa Việt Nam là “quốc gia biển” thuần túy. Dù dân cư tập trung đông ở đồng bằng, gần ba phần tư đất nước là đồi núi và cao nguyên. Thêm vào đó, tổng chiều dài sông suối của Việt Nam ước tính khoảng 41.000 km, là những tuyến đường thủy quan trọng nối các vùng cao nguyên tới biển. Không có khu vực địa lý nào được coi là quan trọng nhất mà các vùng đều tương thuộc với nhau. Những vấn đề và cơ hội của khu vực biển sẽ có tác động tương hỗ lên những phần còn lại của đất nước.

Các nhà quan sát trên khắp thế giới đã viết về mối nguy nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu dẫn tới mực nước biển dâng, gây lũ lụt đối với các vùng ven biển. Việt Nam không ngoại lệ. Các chuyên gia sức khỏe cộng đồng cũng đã cảnh báo hệ quả nguy hiểm của ô nhiễm nguồn nước biển dẫn tới sự lan tràn các vi sinh vật gây dịch bệnh. Sống gần biển rất dễ chịu nhưng điều tốt nào cũng đi kèm những vấn đề.

Có một vấn đề cố hữu khi con người cư trú ngay sát biển là khu vực duyên hải luôn luôn thay đổi. Có mối nguy tiềm tàng với các thành phố sát biển khi chúng phải đối mặt các dòng hải lưu và hướng gió mới. Tôi đã chứng kiến Cửa Đại 10 năm trước còn là một trong những bờ biển đẹp nhất thế giới. Hiện nay, chính quyền đang tìm mọi cách cứu bờ biển tan hoang do bị nước xâm thực, sạt lở, mỗi năm cuốn sâu vào đất liền hàng trăm mét.

Trước những vấn đề này, người dân bình thường có thể làm gì? Tôi không đồng ý với quan điểm đơn giản là đừng động tới biển và hãy để biển được yên. Đồng ý rằng bảo vệ môi trường biển và hệ sinh thái biển là đặc biệt quan trọng, nhưng hướng nền văn minh của chúng ta về phía các đại dương là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của con người. Không có khả năng sử dụng đại dương để kết nối vào mạng lưới toàn cầu, đời sống của người dân sẽ nghèo nàn hơn và khó khăn hơn đáng kể.

Vì thế, từ góc độ quản lý, gợi mở đầu tiên của tôi là cần chú ý tới cách các thành phố ở phía Đông Việt Nam đang hướng về phía biển như thế nào. Đang có xu hướng dịch chuyển hàng ngày liên tục tới các vùng duyên hải, đồng thời có sự chuyển dịch trung tâm đô thị hướng tới kết nối với các khu vực lưu trú ven biển nhiều hơn. Rất khó tiên đoán những gì sẽ diễn ra trong một vài thập kỷ tới, nhưng chúng ta có thể tưởng tượng rằng một ngày nào đó, ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam sẽ đều có các siêu đô thị với những khu vực ven biển đông đúc. Đã đến lúc nghĩ xem những siêu thành phố này sẽ như thế nào và bắt đầu các kế hoạch dài hạn phát triển những khu vực này về mặt giao thông, nhà cửa, kinh tế và sinh thái.

Không dễ để hình dung về tương lai bờ biển Việt Nam khi chúng ta không biết rõ hiện tại. Một báo cáo rất dày dặn của Ngân hàng Thế giới năm 2022 với chủ đề hỗ trợ khả năng phục hồi của nền kinh tế duyên hải ở Việt Nam đã kêu gọi một “đánh giá hệ thống” về “kích thước đường cơ sở và giá trị của nền kinh tế biển Việt Nam”. Đây là mục tiêu đáng giá nhưng đòi hỏi nghiên cứu nhiều hơn để quyết định nền kinh tế biển bao gồm những gì và đánh giá phạm vi của nó như thế nào, tương hợp thế nào với tổng thể nền kinh tế Việt Nam.

Gợi mở thứ hai của tôi hướng tới những cách tư duy mới về đường bờ biển dài của đất nước, hơn là tập trung vào những khu vực quen thuộc đã biết. Tôi mới thăm những cửa sông ở Quảng Ngãi. Khu vực ven biển này rất đẹp và tôi rất ngạc nhiên với cách những cây cầu mới được xây “chồng chéo” lên trên những câu cầu cũ ọp ẹp trước đó. Người dân vẫn có thể đi trên những câu cầu cũ và không để ý tới câu cầu to cao phía trên họ. Đây chỉ là ví dụ về sự hiểu biết địa phương đối với các khu vực ven biển. Từ Bắc tới Nam, chắc chắn có những người hiểu rõ về các khu vực biển khác nhau và các khía cạnh cũng như vấn đề của nó. Các thông tin này có thể được chia sẻ rộng rãi hơn cho công chúng. Về mặt du lịch, các tour có thể đưa khách tới thăm những khu vực biển rất đẹp của Việt Nam nhưng chưa nhiều người biết tới.

Nếu được khơi gợi để chú ý nhiều hơn tới bờ biển, tôi tin rằng người dân sẽ hiểu rõ hơn những cơ hội và cả thách thức của việc sống sát đại dương. Công chúng có kiến thức tốt giúp tăng khả năng chống chịu và phục hồi trước những vấn đề có thể nảy sinh từ biển. Việt Nam có một kho báu nằm ngay trong đường bờ biển dài của đất nước. Và kho báu, theo nghĩa nào, cũng cần được giữ gìn và chăm sóc thường xuyên.

Giáo sư David Pickus (Theo VNE)

Leave A Reply

Your email address will not be published.